Nhạc sĩ Trần Kiết Tường với “Những cánh tay miền Nam trên đất Bắc”

09/04/2017

Nhạc sĩ Trần Kiết Tường sinh ngày 10 tháng 2 năm 1924 (năm Giáp Tý) tại huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, nay là quận Ô Môn thành phố Cần Thơ.


NS. Trần Kiết Tường (1924-1999)

Từ thuở nhỏ anh đã sớm nghe những điệu hò điệu lý của quê mình, từ những ghe thuyền xuôi ngược theo con nước lớn ròng trên dòng sông Hậu. Hằng ngày giọng hát ru trong trẻo, lảnh lót của người mẹ, và tiếng đờn kìm réo rắt của người cha đã thấm nhuần từ trong tiềm thức thời thơ ấu của anh. Anh còn nhớ thầy Sáu Huệ, cô giáo Sang, thầy Ba Nhơn (thân sinh của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước), đã dạy anh làm thơ Đường, thơ lục bát, đã gieo hồn thơ cho anh từ thuở nhỏ. Vì vậy mà khi anh viết lời cho những bài hát sau này, lời cũng như thơ.

Anh chơi đàn mandoline lúc 12 tuổi. Cây đàn này đặt mua ở xưởng đàn Henri Richard Hà Nội. Cây đàn luôn luôn theo anh từ Ô Môn quê nhà đến Cần Thơ, ra tới Huế lúc anh học ban tú tài trường Lycéum Việt Anh (năm 1943). Mỗi lần về nghỉ hè anh lại hòa đàn mandoline với ghita của anh Lưu Hữu Phước.


Bé Trần Kiết Tường lên 2 tuổi (1926)

Cây đàn theo sát anh như một người bạn thân thiết nhất, là phương tiện biểu hiện tâm tư  tình cảm của anh trước cuộc sống cách mạng. Tất cả các bài hát của anh đều được tấu trên cây đàn mandoline trước khi nó được đến với các giọng hát.

Tháng 9 năm 1945, anh Tường làm công tác tuyên truyền tỉnh Châu Đốc, thường viết bài khêu gợi lòng căm thù giặc Pháp và cổ vũ tinh thần yêu nước của nhân dân. Có lần vào làng đồng bào Hòa Hảo, nơi hành dinh của thầy Tư Huỳnh Phú Sổ, anh bước lên nói chuyện trước 2000 người súng gươm giáo mác chỉnh tề. Thầy thuốc Tứ, phó ban tuyên truyền tỉnh gọi anh là CON GÀ TRE, vì anh nói rất hăng, tác phong nhanh nhẹn xông xáo như “con gà tre” mà không sợ nguy hiểm đến tính mạng.

Đến tháng 11 năm 1947, khi hoạt động công tác ở Sài Gòn, anh bị bắt trên đường Bonard (bây giờ là Lê Thánh Tôn), lúc anh giấu cây súng Col 9  bên hông trái và cây col 12 bên hông phải. Sau mấy tháng bị giam cầm, bọn Pháp đưa anh cùng 40 tù chánh trị lên giam tại khám lớn Tây Ninh. Dọc đường, đoàn tù vượt ngục, đi vòng qua núi Bà Đen để về Ty Công an Tây Ninh, lại gặp Trưởng ty là anh Tấn, người cùng quê ở Ô Môn. Xuân Hồng từ đâu đến chơi, và đưa anh Tường về nhà một người bạn gái. Anh Xuân Hồng đưa cho anh Tường cây đàn banjoline mặt da còn mới. Xuân Hồng hát cho anh đệm đàn. Đây là cuộc gặp gỡ không thể nào quên của hai chàng trai mà sau này trở thành hai nhạc sĩ Nam bộ nổi tiếng trong làng nhạc Việt Nam.

***

Có thể nói bài hát đầu tiên của nhạc sĩ Trần Kiết Tường là Chiến sĩ vô danh, phổ thơ Dân Thanh. Ca khúc này được viết bên dòng kinh Dương Văn Dương, vào năm 1948, được ca sĩ Quốc Hương thể hiện đầu tiên dọc miền sông nước Tây Nam bộ.

Những năm tháng chung sống cùng bà con nông dân, anh say sưa ghi lại những làn điệu dân ca của má Hai, chị Ba, em Sáu hát…, những làn điệu đã giúp anh viết bài hát Anh Ba Hưng trên cơ sở bài đồng dao Con chim manh manh.

Lời hát đầu tiên như sau: “Có anh Ba Hưng, vốn thiệt con cưng, lưng lớn ba vừng mà hổng chịu tòng quân. Thằng Sáu thấy anh nó cười. Thiệt thằng nhỏ xíu mà khôn. Nó trêu nó trêu anh hoài. Nó nói cái lưng anh dài. Nó nói cái mặt anh chai…”.

Lãnh đạo cho rằng nói như vậy sợ nông dân tự ái. Họ gợi ý cho anh sửa lời lại: “Có anh Ba Hưng, vốn thiệt nông dân, đi lính hơn năm trường vừa mới được huân chương. Thằng Sáu thấy anh nó mừng. Thiệt thằng nhỏ xíu mà khôn. Nó khen nó khen anh hoài. Nó nói rằng anh có tài…”

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp ác liệt, anh viết một số ca khúc như: Theo dấu Cụ Hồ (1948), Nhớ Bác Hồ (1949), Công binh Việt Nam (1949), Phục thù (1952), Nhớ anh Vệ quốc (1952), Hoan hô chiến sĩ Ngô Văn Thinh (1953).

***

Trong cuốn tự truyện Nhạc và Đời anh viết: “Cuộc sống kháng chiến 9 năm ở miền Đông và miền Tây Nam bộ đã tạo cho tôi tình yêu quê hương, yêu những cánh đồng, những dòng sông, những con người thật thà, chất phác cùng những điệu lý, điệu hò, hát ru, hát nói mang tính cách Nam bộ trong sáng, trữ tình, duyên dáng, đôi khi hài hước, dí dỏm, tưởng đâu là việc bình thường, nhưng những bài dân ca Nam bộ sưu tầm và ghi âm được trong kháng chiến 9 năm và khi tập kết ra Bắc đã được in thành hai tập dân ca Nam bộ (Nxb Văn hóa Hà Nội) phổ biến khắp trong nước và nước ngoài”.

Tập kết ra miền Bắc, nhạc sĩ Trần Kiết Tường là người đầu tiên và duy nhất đã phổ biến các làn điệu dân ca Nam bộ trong Trường Âm nhạc Việt Nam, Hà Nội. Vốn liếng âm nhạc dân gian lúc bấy giờ thật phong phú và đa dạng, gồm: hát đưa em (hát ru), hát huê tình, đồng dao (Bắc kim thangCon chim manh manh), nói thơ Bạc Liêu, 5 điệu hò (Đồng Tháp, Gia Ninh, Bến Tre, Trà Vinh và Bạc Liêu), 28 bài lý.

Học trò của thầy Tường trong các khóa hát dân ca Nam bộ rất đông, như các nhạc sĩ và ca sĩ: Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Ngô Huỳnh, Văn Luyện, Hồ Bông, Huy Thục, Hồng Thao, Nguyễn Thành, Tô Ngọc Thanh, Hồng Đăng, Lê Quang Nghệ, Trương Đình Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Cát, Nguyễn Liệu, Ca Lê Thuần, Thuận Yến, Nguyễn Văn Nam, Lư Nhất Vũ, Ngô Đông Hải, Nguyễn Đình Tấn, Kim Hùng, Đàm Thanh, Giang Minh Thực, Y Dơn, Thạch Rương, Huỳnh Thơ, Vũ Thành, Quý Dương, Trần Hiếu, Thúy Huyền, Thanh Huyền, Anh Đào…

Những buổi lên lớp học hát dân ca vui đáo để. Nhạc sĩ Y Dơn, người dân tộc Gia Rai mà trả bài Hò Đồng Tháp hoặc Nói thơ Bạc Liêu thì cả lớp bò lăn ra cười. Bởi vì trò Y Dơn nói tiếng Kinh chưa được tròn vành rõ chữ, các lời ca đều bị đảo dấu giọng, nghe ngồ ngộ dễ thương quá chừng!

Rất nhiều điệu lý đã từng phổ biến trên đất Bắc và trên đất miền Nam cho đến tận bây giờ: Lý con sáo, Lý ngựa ô, Lý cây bông, Lý kéo chài, Lý bình vôi, Lý Cái Mơn, Lý con sam, lý con chuột, Lý con cua, Lý chuồn chuồn, Lý cây chanh, Lý cây gòn, Lý bánh bò, Lý cây cám…

Các học trò của thầy Tường đã tiếp thu và phát huy vốn dân ca Nam bộ vào những tác phẩm của mình. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp dựa vào câu kết của Lý con sáo làm đoạn kết bài Câu hò bên bờ Hiền Lương. Và nhạc lưu không trong lối Nói thơ Bạc Liêu được nhạc sĩ Hoàng Hiệp đưa vào đoạn nhạc dạo đầu và cũng là tiếng hò khoan của đội pháo binh đang chở pháo sang sông. Lư Nhất Vũ phát huy những nét đặc trưng của điệu Lý con sáo sang sông (còn gọi Lý ợ) để làm đoạn mở đầu bài Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Ca khúc Vì miền Nam (do Quý Dương hát) và độc tấu đàn bầu (do Mạnh Thắng diễn tấu) của nhạc sĩ Huy Thục có xuất xứ từ điệu Lý cây chanh (còn gọi Lý xăm xăm). Dựa vào làn điệu Lý con sáo Gò Công, nghệ sĩ Đinh Thìn soạn khá thành công bài độc tấu sáo trúc do chính tác giả biểu diễn.

Nhạc sĩ Đắc Nhẫn, người đồng hương với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường và Triều Dâng đã thấm nhuần dân ca quê nhà khi vận dụng Lý chim chuyền vào bài hát Anh về miền Bắc, và dựa vào bài Tứ đại cảnh để soạn bài hát Son sắt một lòng.

Nhạc sĩ Ngô Đông Hải (tức Nguyễn Đồng Nai) đã khai thác tư liệu dân ca Nam bộ do nhạc sĩ Trần Kiết Tường sưu tầm và ký âm để thực hiện công trình nghiên cứu Những vấn đề thang âm và điệu thức trong âm nhạc dân gian Nam bộ.

Có thể khẳng định rằng nhạc sĩ Trần Kiết Tường là người có công lớn trong việc phổ biến dân ca Nam bộ trên đất Bắc, đã làm cho nhân dân nơi hậu phương lớn am hiểu và yêu quý những nét đẹp biểu hiện qua những điệu lý, điệu hò từ tuyến đầu Tổ quốc. Vốn di sản này dù chỉ có hơn 30 làn điệu nhưng đã cung cấp biết bao tiết mục cho các đoàn nghệ thuật, trên làn sóng phát thanh và cũng là nguồn dinh dưỡng cho các tác phẩm hiện đại.

***

Sau một năm tập kết (1956), người Hà Nội đã nghe bài hát Những cánh tay miền Nam trên đất Bắc của nhạc sĩ Trần Kiết Tường qua giọng hát truyền cảm của nghệ sĩ Quốc Hương. Đây là ca khúc nói lên những người miền Nam tập kết cùng nhân dân miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thủ đô thân yêu ta về đây xây đời hòa bình
Thủ đô thân yêu ta về đây xây đời hòa bình
Từ nơi xa về, từ nơi xa về
Đây những cánh tay của người trai rừng U Minh xa vời
Đây những cánh tay rừng miền Đông, dòng Cửu Long anh hùng
Và đây, có những anh trai tháp Chàm, có những người Tây Nguyên, có tấm lòng sông Hương
Đây cánh tay của người miền Nam…

***

Giữa năm 1957, vợ anh là chị Tố Linh cùng hai con Thanh Thảo và Thanh Bình lên Sài Gòn rồi đi thẳng lên Phnom Penh (Campuchia). Ba mẹ con đi đường bộ sang Lào, lên Nappê để băng rừng Kim Cương sang Hà Tĩnh. Nhưng mưa lũ cuốn trôi cầu qua suối, chị Tố Linh cùng hai con về Phnom Penh chờ dịp khác. Anh Tường đợi ở trạm tiền tiêu ở Hà Tĩnh đến 10 ngày mà không gặp vợ con đành quá giang xe chở đá về Hà Nội. Và bài hát Bánh xe lăn ra đời…

Sáu tháng sau, ngày 1 tháng 1 năm 1958, một chuyến máy bay đặc biệt chở trên 20 người đàn bà cùng với trên 20 đứa trẻ tìm chồng tìm cha đáp xuống sân bay Gia Lâm. Anh đã gặp lại chị Tố Linh và hai con. Sau này, bé Thanh Thảo vào học đàn piano trong trường Âm nhạc Việt Nam, còn chị Tố Linh mở cửa hàng may mặc Bến Thành khá khang trang trên phố Tràng Thi, Hà Nội.

Giữa năm 1958, nhạc sĩ Trần Kiết Tường cùng nhà văn Nguyễn Quang Sáng đi thực tế sáng tác ở nông trường Ba Vì, thường ngày cùng anh em chăn trên 140 con bò đi gặm cỏ, rồi nghỉ trưa ăn cơm ngay trên đồi cao. Tối về anh cảm hứng viết bài hát Đàn bò của tôi:

Làm người chiến sĩ hôm qua diệt thù
Hòa bình cất tiếng hát trên đồng xanh
Khi tôi đứng dưới ánh mặt trời
Là khi đàn bò tôi ăn quanh chân đồi…

***

Cuộc sống kháng chiến 9 năm ở Nam bộ là nguồn sáng tác phong phú trong sự nghiệp nhạc sĩ Trần Kiết Tường. Hình tượng người con gái bên hàng dừa (tất nhiên là có hình ảnh chị Tố Linh) đã giúp anh viết được bài hát Áo bà ba vào năm 1956:

Trời thanh thanh nắng tươi êm đềm
Hồ Gươm vui sắc hoa xinh thắm
Ngời ánh nắng áo tím áo xanh
Thoáng qua, thoáng qua, thoáng qua. Kìa áo bà ba…

Giai điệu rộn ràng, phấn chấn như một bản độc tấu đàn mandoline, vốn là ngón đàn sở trường của anh.

Ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người không những là một trong các tác phẩm để đời với nội dung ca ngợi Bác Hồ. Còn đối với tác giả, thì đây là đỉnh điểm sáng giá trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc. Chính chất liệu Hò Cần Thơ của quê hương anh là đoạn mở đầu để nói lên Bác từ nhân dân mà ra, rồi phát triển dần thành những bước đi trang trải, trìu mến, để biểu hiện cái đẹp của đất nước rực sáng dần trong đó có Bác Hồ[1].

Ca khúc tuyệt tác này ra đời vào năm 1962, được chấp cánh bay cao, bay xa qua giọng hát đầy quyến rũ của nghệ sĩ Quốc Hương.

Mãi đến năm 1972, anh Quốc Hương mới phát hiện trong bài hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người có 6 chữ “hơn”:

Hò ơ, tôi hát ngàn lời ca
Bao la hơn những cánh đồng
Mênh mông hơn mặt biển đông
Êm đềm hơn những dòng sông.
…Hò ơ, tôi hát ngàn lời ca
Nồng nàn hơn nắng ban mai
Đẹp tình hơn cánh hoa mai
Hùng thiêng hơn núi sông dài
Là một niềm tin
Hồ Chí Minh.

Theo lời kể của tác giả, khi viết lời hoàn toàn không suy tính xếp đặt chữ nghĩa. Viết lời sau khi có nhạc, tự nhiên cảm xúc tràn ra như những ý thơ…

***

Đến năm 1967, từ giã Đoàn Ca múa miền Nam, tôi về Vụ Âm nhạc và Múa, nhận công tác trong Phòng chỉ đạo Văn công chuyên nghiệp, không ngờ được công tác chung với người thầy dạy hát dân ca Nam bộ thuở nào. Tôi được phân công theo dõi phương hướng nghệ thuật của các Đoàn ca múa ở Việt Bắc và Tây Bắc nên ít có dịp gặp anh Tường. Chỉ có một lần cơ quan đi sơ tán ở Phùng (ngoại thành Hà Nội), anh Tường, biên đạo múa Kim Chi và tôi ở chung một nhà của bà con nông dân.

Có thể nói tiết mục múa Nữ du kích Đồng Tháp là một trong những tiết mục đinh của Đoàn Ca múa miền Nam do Kim Chi biên đạo, âm nhạc Trần Kiết Tường. Tác giả Kim Chi vốn giỏi võ nghệ, đã từng “trị” những kẻ ngông nghênh quậy phá ở các điểm bán bia hơi Hà Nội. Cho nên các nữ du kích Đồng Tháp dùng những độc chiêu, đánh giáp lá cà hạ gục gọn gàng những tên “Mỹ ngụy”.

Thật là thiếu sót nếu không nhắc bản anh hùng ca của nhạc sĩ Trần Kiết Tường được viết năm 1961. Đó là Bài ca chiến thắng mà Trần Hiếu là người biểu diễn rất thành công:

Tôi đứng đây trước nòng súng quân thù
Tôi đứng đây nghe lòng đất rung nhịp sống…
Bạn tôi đang phơi xác trong lao tù
… Và đây cả núi sông là trái tim này

Ngày mai trên sông Cửu Long gió căng buồm lên như muôn cánh chim bay
Rừng U Minh xanh hoa lá thêm tươi màu đời hát lên Bài ca chiến thắng.

Từ năm 1968 đến 1970, sau khi tu nghiệp ở Nhạc viện Anama Ata Kadắctan về, anh Tường viết một số tác phẩm khí nhạc: Sonate cho violon và piano, Biến tấu trên chủ đề dân ca Nam bộ. Anh còn biên soạn phần âm nhạc cho một số vở Cải lương và một số bộ phim: Ngày tàn của bạo chúa, Làm lại cuộc đời, Khói, Mười tám thôn Vườn Trầu.

Sau 5 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước, anh có dịp lên thăm Đà Lạt 10 ngày. Anh thấy một loài hoa lạ và tìm hiểu về truyền thuyết về loại hoa này. Đó là chuyện về người con gái yêu tha thiết nhưng thất vọng, rồi chết thành hoa tên là Mimôza. Thế là bài hát Mimôza được viết năm 1980, mãi đến năm 1982 mới chào đời do nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín hát đầu tiên.

Mimôza vì sao em tới đất này?
Đà Lạt đồi núi trập trùng
Đà Lạt trời mây nước mênh mông
Anh đã biết rồi, em ơi vì sao em tới
Vì em yêu cuộc sống trên cao có thông reo rì rào
Vì em yêu dòng thác Cam Ly như cuộc sống đang dâng trào…

Anh vẫn còn sung sức, viết thêm một số bài hát đạt chất lượng nghệ thuật, như: Tình yêu, mùa xuân và hy vọng (1982), Người anh chưa quen (1984, giải A về đề tài thương binh, do Lệ Thu biểu diễn, thu băng đĩa Asia năm 1985), Đám cưới trên đồng nước (1984).

***

Tôi là một trong những học trò của thầy Trần Kiết Tường trong việc tìm hiểu và học hát dân ca Nam bộ trên đất Bắc. Tôi đã thấm nhuần vốn liếng quý báu ấy và viết được một vài bài hát mang hơi hướm dân ca quê nhà. Giữa lúc ca khúc Cô gái Sài Gòn đi tải đạn đang được phổ biến rộng rãi thì thầy Tường có nhận xét: “Ê Vũ, mày viết nghe cũng được đấy!”. Đây là lời khuyên làm tôi phải phấn đấu hơn nữa.

Đến năm 1979, không ngờ tôi lại kế tục sự nghiệp sưu tầm và phổ biến dân ca Nam bộ trên mảnh đất vừa mới giải phóng. Và cũng tiếp tục công việc sưu tầm dở dang của cố nhạc sĩ Quách Vũ trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ở Đức Hòa, Đức Huệ và Mỏ Cày (Bến Tre).

Giữa năm 1986, chúng tôi mời anh Hai Trần Kiết Tường và anh Tư Lưu Hữu Phước viết lời giới thiệu cho Dân ca Hậu Giang. Xin trích vài câu trong bài viết của nhạc sĩ Trần Kiết Tường: “Tôi đi vào rừng dân ca sâu thẳm, càng đi càng say đến lúc phải tìm lối trở về. Tôi vượt thuyền trên biển dân ca ra khơi, ra khơi mãi. Sóng gió làm tôi phải nhìn lại phương hướng để quay thuyền trở lại. Ôi, rừng dân ca! Ôi, biển dân ca! Sao mà kỳ diệu! Sao mà bí ẩn lạ thường! Sao mà sâu thẳm hơn rừng già, bao la hơn biển cả”.

Anh Hai Tường cho rằng: “Dân ca là tấm gương sáng cho ta soi bóng mình nhìn rõ cái bản chất của chính mình, của dân tộc mình. Dân ca là tâm hồn của dân tộc. Tìm hiểu Dân ca Hậu Giang qua các điệu lý, hò, hát ru, hát nói, ta cũng thấy được chân lý đó”.

Anh đã từng đi sưu tầm cùng chúng tôi đến sáu xã vòng cung của thành phố Cần Thơ. Anh luôn luôn ủng hộ và động viên đoàn sưu tầm dân ca Nam bộ. Anh cảm ơn công trình Dân ca Hậu Giang đã giúp anh thêm yêu cuộc sống và nhờ đó tâm hồn anh trẻ lại.

Năm 1999, anh Hai Trần Kiết Tường vĩnh biệt chúng ta, hưởng thọ 75 tuổi và được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I năm 2001.

9-2015

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - bậc lão làng trong nền âm nhạc Việt Nam

Những năm sống trên miền Bắc, tôi chưa có dịp được làm quen với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Mãi đến năm 1976, anh Nguyễn Văn Tý mới chuyển vào Sài Gòn, cùng với tôi công tác trong Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam do Giáo sư nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm Viện trưởng.

Năm 1978, Viện Âm nhạc kết hợp với Hội Văn nghệ Hậu Giang (bây giờ là thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang) mở trại sáng tác nhạc. Trại viên là các nhạc sĩ của đồng bằng sông Cửu Long: Phan Thao, Lâm Nghĩa Văn, Khánh Vinh, Quách Trung Tín, Nguyễn Minh Luân, Tiêu Thanh, Hoàng Hương, Nguyễn Thuấn, Nguyễn Thanh, Thanh Bình…

Tổ giảng viên có anh Nguyễn Văn Tý (kinh nghiệm viết ca khúc), anh Tô Hải (hòa âm), anh Hoàng Hiệp (kinh nghiệm phổ thơ), Lư Nhất Vũ (vấn đề thang âm điệu thức trong dân ca Nam bộ).

Qua hai tháng tiếp thu ngần ấy học thuật, các trại viên ngày đêm chộn rộn, rị mọ để hoàn thành bài hát theo đúng thời gian quy định. Anh Nguyễn Văn Tý góp ý và chỉnh sửa bài của anh em một cách nhiệt tình và tỉ mỉ. Anh còn lo dàn dựng những tác phẩm của anh em để trình diễn trong đêm làm lễ bế mạc trại sáng tác, do Đoàn Nghệ thuật tỉnh nhà thực hiện. Anh em đều hồ hởi, phấn khởi vì ai cũng có bài hát trình làng như: Tiếng hò trên sông Hậu (Nguyễn Minh Luân), Đêm biên giới (nhạc: Phan Thao, lời: Lê Giang), Sóc Trăng thân thương (Quách Trung Tín), Bài thơ trên báng súng (Lâm Nghĩa Văn)…

Có lẽ người tỏ ra vui mừng nhất là anh Nguyễn Văn Tý, bởi anh đã đóng góp phần đáng kể cho sự thành công của trại.

Các nhạc sĩ đồng bằng sông Cửu Long dự trại sáng tác rất ngưỡng mộ và nể phục người nhạc sĩ đàn anh Nguyễn Văn Tý qua những ca khúc nổi tiếng và cách làm việc hết sức nghiêm túc, cách ứng xử thân tình, chan hòa, cởi mở.

***

Năm 1979, Ty Văn hóa Quảng Nam - Đà Nẵng mời vợ chồng anh Nguyễn Văn Tý và tôi ra Đà Nẵng để thâm nhập thực tế sáng tác. Nhớ đêm ngày 4 tháng 7 năm 1955, nhóm học sinh Sài Gòn chúng tôi trên đường vượt tuyến ra miền Bắc, có ngủ qua đêm tại sân ga xe lửa. Khuya đến, bọn lính đi tuần kiểm tra giấy tùy thân từng người đang nằm la liệt trên sân ga đầy cát. Thấm thoát mà đã 24 năm tôi lại đến thành phố này.

Chúng tôi được anh em Ty Văn hóa tiếp đón ân cần, chu đáo. Sáng đi tham quan Ngũ Hành Sơn, được tặng mỗi người một con cá chim bằng đá. Trưa ghé Hội An thưởng thức món mì Quảng ở Cao Lâu. Hôm sau đi thăm những làng trồng dâu nuôi tằm ven bờ sông Thu Bồn, ăn món nhộng xào khóm và tham dự cảnh hàn sông, đắp đập bên bờ hồ nước Phú Ninh. Đi đến đâu, anh Tý đều hỏi han và ghi chép tỉ mỉ…

Sắp đến ngày kết thúc chuyến đi thực tế, anh Tý đã viết xong ca khúc Quảng Nam - Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình. Anh hát cho tôi nghe vài câu như thể động viên, khuyến khích tôi chăng: “Anh đưa em đi ăn trái bòong boong ăn hoài mệt nghỉ. Anh đưa em đi thăm Núi Thành, trận đầu đánh Mỹ và thăm Núi Ngũ Hành xem tượng Bác Hồ màu đá vân xanh…”.

Tôi đang rị mọ Tiếng hò bên hồ nước Phú Ninh. Làm xong, cũng hát cho anh Tý nghe: “Đất Quảng quê em chưa mưa đà thấm. Nhớ mãi câu hò tiếng guồng xe nước vấn vương. Thương con chim xanh ăn quanh bãi cát. Em thương ruộng đồng mình khao khát từng giọt nước mưa trên nguồn về…”.

Tôi khen bài ảnh hay, ảnh nói bài tôi nghe được lắm. Cả hai ca khúc của anh em chúng tôi được trình diễn do các giọng hát của Đoàn Ca múa Quảng - Đà thực hiện đạt hiệu quả rất tốt (có giọng hát của ca sĩ Ánh Tuyết).

***

Năm 1980, các nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Ca Lê Thuần, Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang về Bến Tre để viết tiết mục cho Đoàn Ca múa chuẩn bị đi hội diễn toàn quốc. Lần đầu đến Bến Tre, quê hương Đồng Khởi, anh Tý không khỏi ngỡ ngàng và bồi hồi xúc động. Chúng tôi nhờ anh Tý dàn dựng hoạt cảnh dân ca Khúc hát Đảo Dừa. Và đưa bản thảo Dân ca Bến Tre mà Ty Văn hóa - Thông tin Bến Tre sắp xuất bản trong năm 1981. Vậy là anh Tý có “cẩm nang” rồi.

Chúng tôi ở trên lầu của trụ sở Ty, chứng kiến những đêm mưa giông tầm tã, làm cho những tàu lá dừa bên hành lang chao đảo, bay phần phật. Và Lê Giang đã gợi ý cho anh Tý hình ảnh đội quân tóc dài thời kỳ Đồng Khởi như những rừng dừa sừng sững, kiên trung, bất khuất.

Mấy ngày sau, anh Tý phác thảo xong bài hát, rồi anh hát cho chúng tôi nghe. Đó là ca khúc Dáng đứng Bến Tre, mang hơi hướm dân ca Nam bộ, ngôn ngữ âm nhạc cũng rất hiện đại được Đoàn Ca múa Bến Tre biểu diễn qua giọng hát Ngọc Thúy. Và khi được phát trên Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh qua giọng ca truyền cảm, mùi mẫn của Thu Nở, bài hát này đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi.

Nhiều nơi ngưỡng mộ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, muốn anh sáng tác cho địa phương mình một bài “tỉnh ca” như Dáng đứng Bến Tre. Anh vui vẻ nhận lời, sẵn sàng lên đường thâm nhập thực tế, và đã cho ra lò một loạt ca khúc như: Ra khơi nhìn lại quê mình (về Tiền Giang), Về Thuận Hải, Gương mặt Kiên Giang, Bản tình ca trên đất Quảng dâu tằm, Về thăm lại đất Gò Dầu…

***

Đầu năm 1987, trong cuốn tự truyện Nhạc và Đời, anh Nguyễn Văn Tý đã từng bộc bạch: “Có thể nói trong đời làm ca khúc suốt 40 năm qua, hầu hết những lời ca là do tôi tự đặt. Họa hoằn mới phổ hoặc phỏng thơ người khác. Vì một lẽ đơn giản: tôi thấy làm thế chủ động hơn và, nói thật, tôi có lòng tự tin làm thế tốt hơn”[2].

Những ca khúc do anh tự đặt lời đã đóng góp một cách xứng đáng cho nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Anh không chỉ là một nhạc sĩ mà còn là một nhà thơ thực thụ. Điểm nổi bật và xuyên suốt, đó là anh luôn luôn đi sâu khai thác, phát huy và sáng tạo vốn âm nhạc dân gian khắp mọi miền đất nước. Những tác phẩm của anh thường hay phưởng phất âm hưởng dân ca như đồng bằng Bắc bộ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tày, Thái, Mông, Nam Trung bộ và Nam bộ.

Anh có biệt tài là “trị” những đề tài hóc búa và gặt hái những thành công không nhỏ. Những ý, những từ mộc mạc trong đời sống bình thường được chuyển tải bằng những giai điệu uyển chuyển, mượt mà, ngọt xớt và gợi cảm.

Trong tiếng súng cả nước cùng đánh Mỹ
Ruộng đất quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày
Đất với người cùng một dòng suy nghĩ
Phải làm gì với tiền tuyến hôm nay.
                              (Bài ca năm tấn)

Trải mấy năm qua em đi làm tín dụng
Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ
Nuôi thêm đàn lợn béo, trồng thêm lúa thêm ngô
                                 (Em đi làm tín dụng)

Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo
                    (Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa)

Phụ nữ Việt Nam vốn hay lam hay làm
Có Đảng chỉ đường đã bừng đôi mắt sáng
                   (Bài ca phụ nữ Việt Nam)

Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ
Thấy mùa phượng vĩ ta ngỡ gặp mùa thi
                          (Người đi xây hồ Kẻ Gỗ)

Có lần anh Nguyễn Văn Tý bày tỏ tâm tư: “Năm nay (1987), tôi cũng đã 64 tuổi rồi. Cũng phải làm dần công việc tính sổ cuộc đời để thấy những gì mình đã làm được và những gì mình còn mắc nợ với đời, để còn cố mà phấn đấu trong những tháng năm còn lại… Bài gì của tôi đáng nhớ quần chúng nghe đã nhớ. Bài gì người ta nghe rồi mà không nhớ có nghĩa là cũng đáng để người ta quên… Tuy nhiên, khi đã tính sổ cuộc đời, tôi thấy lòng mình còn mang không ít những điều băn khoăn lo lắng, không biết bản thân mình trong quãng đời còn lại có góp được chút gì cùng bao nhạc sĩ khác giải quyết được ít nhiều những băn khoăn lo lắng đó không”[3].

Từ năm 1988 đến 1997 là giai đoạn chuyển hướng sáng tác, gồm những tình khúc nhân bản lãng mạn. Bắt đầu là ca khúc Một ánh sao trời mà anh Tý cho rằng “đó là tình yêu trong sáng nhất trên đời, mãi mãi chiếu sáng trong bầu trời kỷ niệm của đời tôi”. Và trong Nhớ tuổi đời vụng dại, tác giả vẫn còn luyến tiếc, còn vấn vương mối tình đầu với một bóng hồng nào đó: “Biết khi xưa tuổi đời vụng dại. Chưa biết tình yêu đến thì tình đã qua rồi!”.

“Có một nhà thơ và một cô bé, về tuổi đời có một khoảng cách khá xa! Nhưng là hàng xóm trong nhiều năm qua, cô bé có những thiên tư mà ông kỳ vọng. Và ông đi xa và cô đi lấy chồng, rồi sau này cũng trở thành nhà thơ. Khoảng cách ngày xưa cho đến bây giờ. Chỉ còn lại là lớp già bên lớp trẻ. Đường dài ta đi nếu văn chương là dâu bể. Đắng cay ngọt bùi ta san sẻ bớt cho nhau…” (Khoảng cách).

Một bước ngoặt đáng lưu ý là anh đã phổ nhiều bài thơ của các tác giả, trong đó có nhà thơ Xuân Quỳnh, Trần Mạnh Hảo, Lưu Trọng Văn, Nắng Hồng, Từ Huy…

Có thể đây là giai đoạn thử nghiệm thêm một dạng bút pháp nhằm mở rộng bình diện đề tài phục vụ cuộc sống. Chớ thực ra nhạc sĩ kiêm nhà thơ Nguyễn Văn Tý coi công việc phổ thơ chưa phải là công việc sở trường của mình.

***

Những năm học ở Sài Gòn, tôi cũng đã từng hát nghêu ngao vừa đánh đàn banjoline bài Dư âm: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ. Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ…”.

Với cái tuổi chưa biết tình yêu là gì nhưng vẫn khoái hát những bài tình ca trữ tình lãng mạn.

Đến năm 1955, tôi tham gia Đoàn Thanh niên xung phong trên những công trường ở Phú Thọ và Cầu Đuống. Những đêm sinh hoạt văn nghệ quanh đống lửa hồng, anh em chúng tôi vừa múa vừa hát theo nhịp điệu rập ràng, sôi nổi:

Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa
Đây bao la hương sắc hoa chan hòa
Hoa tươi trong mùa xuân nhân loại…

Sau này về học Trường Âm nhạc Việt Nam, tôi mới biết đó là bài hát Mùa hoa nở của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, và cũng là tác giả những bài tôi yêu thích: Tiếng hát Dôi-a, Dư âm, Vượt trùng dương, Mẹ yêu con…

Đầu năm 1974, tôi và Lê Giang hành quân xuống tận Mũi Cà Mau để viết nhạc cảnh Hòn Khoai, nói lên sự tích thầy giáo Phan Ngọc Hiển cùng những đồng chí ra đánh chiếm Hòn Khoai trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên và xúc động khi nghe anh Mười Mây (Trưởng Ty Văn hóa Cà Mau) kể rằng thời kỳ Đồng Khởi, anh em văn nghệ muốn có tiết mục truyền thống để phục vụ bà con tỉnh nhà, rồi bàn với nhau lấy bài hát Vượt trùng dương, đặt thêm lời mới cho công cuộc giải phóng Hòn Khoai của thầy giáo Hiển:

Lái con thuyền vượt ra Hòn Khoai này!
Quyết tiêu diệt bọn quân sài lang này!

Sau này tôi có kể lại “sự kiện” này cho anh Tý nghe, anh cười khoái chí lắm. Không ngờ bài Vượt trùng dương viết từ năm 1952 đã “thẳng cánh” bay vào mảnh đất cuối trời của Tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ.

***

Trong cuốn tự truyện Nhạc và Đời anh Nguyễn Văn Tý có viết: “Bố tôi là người Vĩnh Phú. Mẹ tôi là người Nam Hà. Nhưng hai ông bà cùng phải xa quê, vào làm công nhân ở nhà máy xe lửa Trường Thi - Vinh (thuộc tỉnh Nghệ An bây giờ)”[4]. Anh sinh ra tại Vinh vào ngày 5 tháng 3 năm 1924 (năm Giáp Tý). Thuở bé học ở trường Bến Thủy rồi lớn lên học ở trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh). Từ năm 1944, anh đã đi hát trong phòng trà ở Vinh. Từ năm 1945, sáng lập và xây dựng Đoàn Kịch thơ, Kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Anh bắt đầu hoạt động âm nhạc ở Liên khu IV. Rồi làm Trưởng Đoàn Văn công Sư đoàn 304. Năm 1951, anh chuyển về Chi hội Văn nghệ Liên khu IV, là thời kỳ viết bài tình ca Dư âm nổi tiếng.

Đầu năm 1961, anh được biệt phái về Hưng Yên, đã viết một số ca khúc như Chim hót trên đồng đay, Tiễn anh lên đường, Bài ca năm tấn…

Năm 1967, anh về Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Và từ năm 1976, anh chuyển về Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Anh là một nhạc sĩ có bề dày đáng trân trọng trong sáng tác ca khúc, với hàng chục tác phẩm đã để lại dấu ấn không phai.

Anh đã được nhận Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạnh Nhì, và vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2001.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong những bậc đàn anh đã vào đất phương Nam lập nghiệp, trở thành công dân của Sài Thành trong 40 năm qua, đã đóng góp đáng kể trong lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu, biểu diễn và đào tạo, cùng các anh Nguyễn Văn Thương, Phan Huỳnh Điểu, Tô Vũ, Hoàng Đạm, NSND Trần Hiếu…

Đêm nhạc Lư Nhất Vũ 60 tuổi tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên vào 29-7-1996. Mặc dầu trời mưa rả rích, anh Nguyễn Văn Tý vẫn đến cùng chia vui. Đến phần giao lưu, anh Tý bước lên sân khấu ôm hôn tôi và nói với khán giả rằng: “Hai anh em chúng tôi đều cầm tinh tuổi con chuột, cách nhau một con giáp (Giáp Tý và Bính Tý), là anh em kết nghĩa trên đất Nam bộ này!”.

7-2015

Già làng” Nhật Lai - Bậc hiền tài có một không hai

Chắc chắn rằng nhạc sĩ Nhật Lai là người có công đầu trong việc giới thiệu vốn âm nhạc dân gian của các dân tộc Tây Nguyên đến nhân dân miền Bắc từ 1954. Và anh là người đi đầu trong việc thâm nhập, kế thừa, phát huy cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân gian Tây Nguyên để gầy dựng các tác phẩm cho mình. Anh đã đưa âm nhạc Tây Nguyên lên sân khấu ca múa, cái hừng hực sôi động, cái trữ tình mượt mà đến khán thính giả trong thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Muốn được như vậy, Nhật Lai phải mất hết 6 năm (1949-1954) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, để tự biến mình thành “người Thượng”: đi chân đất, đóng khố, mang gùi, hút tẩu, uống rượu cần, nói thông thạo bốn thứ tiếng: Ê Đê, Gia Rai, Ba Na và Hơ Rê.

Nghe Đợi chờ, Chim kơtia, Chim Pông kơle, Chim lạc đàn, Suối đàn t’rưng, Mặt trời Ê Đê, Xuống chòi mau lên em, Tiếng hát Mơ Nông Tibri, Bên bờ Krông Pa, Vũ khúc Tây Nguyên… Người có đôi tai thành thạo sẽ phân biệt được những chất liệu bắt nguồn từ ngôn ngữ âm nhạc mang tính đặc thù của từng sắc tộc cư ngụ trên dải đất Tây Nguyên.

Tôi đã được Nhật Lai truyền ngón nghề một vài “chiêu” riêng biệt. Có lần tôi thử hỏi ý kiến Nhật Lai về các tác phẩm của tôi, anh nhận xét: “Chú mầy là thằng Nam bộ mà chịu khó viết về Tây Nguyên như vậy là khá lắm rồi, trước hết, không “Nguyên Tây” và cái đáng khen là không giống tao!”.

Sức làm việc của Nhật Lai rất bền, rất dẻo dai. Anh có thể ngồi lì trên chiếc ghế đẩu thấp lè tè mà viết nhạc, thường quên ăn, quên ngủ, chỉ uống trà đặc. Khi nhập hồn vào sáng tác, anh ít khi sử dụng piano mà có thói quen huýt sáo khe khẽ…

Năm 1965, Nhật Lai, Văn Ký, Văn Lưu, Quốc Hương và tôi đi thực tế vào Khu Bốn cũ, giữa lúc máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Chúng tôi đến thăm các thương binh hải quân đánh tàu chiến Mỹ xâm phạm lãnh hải Việt Nam, gặp bà mẹ Suốt chèo chống đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ dưới làn bom lửa đạn. Khi về đến Hà Nội vài ngày thì Nhật Lai “chìa” ra khoe Bài ca sông Nhật Lệ. Tôi nghĩ bụng, cha này tài thật, viết nhanh hơn gió. Hễ có cái gì dính đến “Lệ” thì ổng đốp ngay. Chẳng là vợ anh - một cô gái Khmer xinh đẹp, quê Sóc Trăng, là diễn viên múa của Đoàn Ca múa miền Nam, tên Châu Ngọc Lệ.

Đợt đi ấy, nhạc sĩ Văn Lưu với Nữ dân quân miền biển được phổ biến sôi động một thời, còn tôi có Hàng em mang tới chiến hào.

Nhật Lai thường rủ tôi đi săn chim chóc ở các vùng ngoại thành Hà Nội, có khi đến Bến Đục, Quốc Oai, Thạch Thất. Tôi chưa sắm được súng hơi nên đành theo anh để thọ giáo, đi nhặt mồi. Nhớ một ngày, trời rét đậm, chúng tôi bò sát đất nhằm tiếp cận con quốc đang đi ăn bên kia bờ ao lúc ẩn lúc hiện trong đám dứa dại. Nhật Lai nhắm và bắn một phát rất nhanh. Con quốc trúng đạn lông bay tung tóe. Nó lặn xuống nước và biến mất trong hang.

-Vũ! Bắt “tù binh” mau lên!

Tôi nhanh như cắt, phóng bừa xuống ao, mò tìm miệng hang và lôi ra một con quốc mập ú. Lên bờ, cởi áo bông ra vắt nước, tôi rét run tê tái. Vì ham con mồi, suýt nữa bị sưng phổi. Nhật Lai “phục” tôi lắm, trầm trồ tôi giống chàng Đông Ki Sốt mạo hiểm. Những chuyến đi săn dã ngoại như vậy khiến tâm hồn chúng tôi thư thái và sảng khoái. Và những địa danh như Đan Phượng, Khu Cháy, Suối Hai, Cầu Giẽ… được Nhật Lai “hô thâu” vào hầu bao Hà Tây quê lụa của anh một cách tài tình.

Một buổi tối, tại căn nhà lá khu Văn công Cầu Giấy, Nhật Lai vừa hát vừa đệm đàn piano bài hát ấy đặng chiêu đãi Quốc Hương, nhạc sĩ Văn Cận và tôi. Anh hát rất truyền cảm, nhưng phải nói giọng Phú Yên pha Hà Nội chưa chuẩn lắm. Và nghệ sĩ Quốc Hương “xí phần” bài hát này. Khi Hà Tây quê lụa nổi lên qua giọng hát Quốc Hương rồi thì khó có ai diễn đạt bằng.

Tôi nhớ, sau khi thu tiếng ở Đài Tiếng nói Việt Nam về, Nhật Lai và Quốc Hương “cãi” nhau một trận. Số là ở đoạn điệp khúc, lời gốc là:

Hà Tây! Cửa ngõ thủ đô
Áo giáp chở che ngàn năm bền vững
Ngăn bầy giặc Mỹ vẩn đục bầu trời…

Chẳng hiểu sao, Quốc Hương lại hát: áo giáp chớ chê(!). Và cho rằng Hà Tây là cái áo giáp không chê vào đâu được.

Tôi làm trọng tài, đành xử hai ông huề! Ai có dịp nghe lại băng tiếng phát trên làn sóng chắc khó phân biệt được giữa chở che và chớ chê! Hồi ấy bé Chung Ly - con gái Nhật Lai mới hơn 3 tuổi - đã biết bập bẹ: “Anh phi công đàng hoàng (bàng hoàng) ngỡ mình bay trên gấm vóc”. Nghe con gái “rượu” hát trại bàng hoàng thành đàng hoàng, Nhật Lai càng tỏ ra khoái cái ý ngộ nghĩnh ngây ngô ấy.

Giữa năm 1986, tôi ra Hà Nội họp. Trưa thông tầm, tôi đãi Nhật Lai món xủi cảo gần rạp Tháng Tám. Anh tâm sự dạo này túng quá, giá như một số người đặt hàng ở các đoàn ca múa mà trả sòng phẳng thì đỡ khổ biết bao. Rồi anh than phiền sức khỏe sa sút, khác những năm trước, hễ ngồi viết thức quá 12 giờ khuya cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi.

Vài tháng sau, anh và nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đi Liên Xô trong chương trình trao đổi tác phẩm giữa hai Hội Nhạc sĩ. Trong bản giao hưởng Đất lửa có một chương với tiêu đề “Nước mắt của viên ngọc”. Anh gởi gắm bao cảm xúc, bao ký ức, bao nỗi niềm nhớ nhung người vợ quá cố Châu Ngọc Lệ. Chính hiệu quả âm nhạc của chương này do dàn nhạc giao hưởng tấu lên, khiến anh không kềm được nước mắt…

Anh từ xứ lạnh nước Nga về, người bơ phờ, mắt sâu và hơi vàng, mặt sưng và đỏ gay… Để rồi rạng sáng ngày 5-1-1987, anh ra đi đột ngột, mới được 57 tuổi đời.

Nhật Lai đã hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp sáng tác, góp một vị trí xứng đáng trong nền âm nhạc Việt Nam. Anh là một “Già làng Tây Nguyên” với ý nghĩa cao quý và đáng trân trọng.

***

Tên khai sinh của anh là Nguyễn Tuân, bí danh: Vân, sinh ngày 12 tháng 5 năm 1931, quê quán tại xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, từ 1945 đến 1947 học hết trung học bình dân tại Liên Khu V. Năm 1949, được cử vào hoạt động văn nghệ tỉnh Đắk Lắk, cho đến ngày tập kết ra miền Bắc, phụ trách Đoàn Văn công Tây Nguyên. Năm 1961 là Trưởng Đoàn Ca múa miền Nam. Từ 1964 trở về sau là nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Nhật Lai là nhạc sĩ đầu tiên kế thừa và phát triển tinh hoa dân ca Tây Nguyên. Đây là dòng chảy mạnh nhất trong sự nghiệp sáng tác của anh. Nhiều ca khúc đáng nhớ như: Xuống chòi mau lên em! Đợi chờ, Suối đàn t’rưng, Chim lạc đàn, Chim Pông Kơle, Bản mường trong nắng mới, Tiếng hát Mơ Nông Tibri, Đan lưới, Bài ca sông Nhật Lệ, Bài ca anh Hồ Giáo, Hà Tây quê lụa, Mặt trời Ê-Đê.

Trong lĩnh vực nhạc múa, anh đã để lại những tác phẩm có giá trị như Vũ khúc Tây Nguyên, Đâm trâu, Giã gạo và kịch múa: Thạch Sanh, Nỏ thần, đặc biệt là vở nhạc kịch Bên bờ Krông Pa, bản giao hưởng số 1 Đất lửa.

Anh đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I năm 2001. Đã được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

12-5-1997


[1] Trích trong tự truyện Nhạc và Đời. Nxb Tổng hợp Hậu Giang, 1989.

[2] Trích trong cuốn Nhạc và Đời, Nxb. Tổng hợp Hậu Giang, 1989.

[3] Trích trong cuốn Nhạc và Đời. Sđd.

[4] Trích trong cuốn Nhạc và Đời. Sđd.

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...