Nhạc sĩ Tôn Thất Lập và phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”

06/05/2016

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã bắt đầu cuộc đời của mình bằng chiến sĩ – chiến sĩ đấu tranh bằng vũ khí âm nhạc.

Mỗi lần gặp hai nhạc sĩ Tôn Thất Lập và Trần Long Ẩn, chúng tôi thường hỏi các ông về phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” trước năm 1975 ở Sài Gòn. Chúng tôi cũng kể lại cho các nhạc sĩ nghe những năm đó ở Hà Nội. Thời gian ấy, Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt nam (TNVN) nhận được nhiều tác phẩm từ Miền Nam gửi ra, trong đó có các nhạc sĩ ở vùng đô thị bằng con đường riêng của Ban Thống nhất Trung ương. Đoàn Ca nhạc của Đài TNVN nhanh chóng dàn dựng để kịp thời phát sóng trong chương trình “Tiếng hát gửi về Nam”. Chúng tôi còn được đọc các báo xuất bản ở Sài Gòn thời ấy, mà ông Huỳnh Văn Tiểng – Phó Tổng biên tập Đài TNVN hàng tuần nhận được.


Nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Ảnh: Hội âm nhạc TP.HCM.

Du ca, tâm ca và hát cho đồng bào tôi nghe

Năm 1966, dưới chế độ “Việt Nam Cộng hòa”các đô thị ở Miền Nam nước ta xuất hiện phong trào Du ca với mục tiêu: Du ca phải là những bài ca của tuổi trẻ có ý thức trong một xã hội đầy biến động, trong một đời sống âm nhạc với những bài ca sầu não đến mức bạc nhược. Nhưng “nỗi buồn nhược tiểu”. Ít hoặc nhiều, nông hoặc sâu, vẫn đè nặng hoặc ám ảnh trong tâm trí của những du ca sĩ

Vì chưa thỏa mãn, đã có không ít, thanh niên, sinh viên tìm về một hướng khác: những bài hát yêu nước trước Cách mạng tháng 8- đặc biệt là những nhạc phẩm của nhạc sĩ Hoàng Qúy như: Nước non Lam Sơn, Chùa Hương, Ngày xưa trên Sông Bạch Đằng... Một đêm nhạc Hoàng Qúy đã được tổ chức tại Bộ Thanh niên (31 tháng 7 năm 1966); trong đó có một thanh niên trong ban Trầm ca đã lặn lội đến Đà Lạt tìm thêm tư liệu nhằm phục vụ cho đêm ca nhạc đó. Nhạc sĩ Lê Thương – người đã có những năm tháng tuổi trẻ với Hoàng Qúy đã nhắc lại những kỷ niệm đẹp ấy trên báo chí.

Và nữa, trong đêm lửa trại (ngày 5/11/1967) của đoàn Văn nghệ thanh niên, sinh viên, học sinh Nguồn sống tổ chức nhận kỷ niệm hai năm ngày ra đời (Với khẩu hiệu: Văn hóa là nguồn sống của dân tộc; Hãy hãnh diện về lịch sử oai hùng của dân tộc!), những người tham gia dự đã nghe rất say sưa những làn điệu dân ca (mà có người gọi là quốc nhạc) đã ngắm nghía với thái độ ngưỡng mộ những bộ y phục dân tộc trong các điệu múa dân gian của cả ba miền. Họ được tắm mình và sống lại với lịch sử trong những ca khúc hoạt cảnh (múa, hát, kịch) Hội Nghị Diên Hồng của nhạc sĩ Lưu Hữu phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng...

Trong vô vàn trào lưu ca hát ấy (với rất nhiều đường hướng khác nhau) Phạm Duy cũng đề xướng Tâm ca với tuyên ngôn “mình hát cho mình nghe”. Đánh giá về Tâm ca, giáo sư Lý Chánh Trung đã nhận xét rằng: “Những người hát Tâm ca thừa biết tiếng hát của mình không thể to được nên chỉ hát cho mình, vì không thể làm gì khác được. Cho nên Tâm ca vừa diễn đạt trung thực nỗi niềm của người hát, vừa gây cho người hát một ảo tưởng hành động, xoa dịu cái cảm thức bất lực...” Từ đó, giáo sư đã phủ nhận Tâm ca: “Tình cảm tôi là tình cảm Tâm ca nhưng lý trí tôi không chấp nhận Tâm ca- không những chỉ vì hiểm họa ảo tưởng mà còn vì cái hiểm họa gian trá” (Phủ nhận Tâm ca – Bách khoa số 224, ngày 01/05/1966).

Chính trong bối cảnh đó, Tôn Thất Lập không muốn “mình hát cho mình nghe” mà anh muốn “Hát cho dân tôi nghe”: “... Tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát qua đêm thiên thu, lửa cháy trên trại giặc thù/ Hát cho anh công nhân... Hát cho anh nông dân...

Và Tôn Thất Lập đã đề xướng – và cũng là người sáng lập phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe trong sinh viên học sinh những năm 1968-1975. Hưởng ứng, đồng thời là những người cộng sự đắc lực – những chiến hữu của Tôn Thất Lập – đó là Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Tân, Trần Quang Long, Nguyễn Văn Sanh, Miên Đức Thắng...

Những năm tháng ấy, nếu trên những nẻo đường của nửa nước phía Nam vang động câu hát: “Dậy mà đi, dậy mà đi! Dậy mà đi, hỡi đồng bào ơi?” (của Nguyễn Xuân Tân) thì trên sóng phát thanh và truyền hình, trên các sàn diễn của nửa nước phía Bắc cũng cất cao và hòa chung câu hát đó. Những năm tháng ấy, nếu nhạc sĩ Tôn Thất Lập cùng bạn bè vừa hát, vừa suy ngẫm những câu trong ca khúc “Tự nguyện” của Trương Quốc Khánh: “Là người, một một lần khi nằm xuống/ Nhìn anh em đứng lên cắm cao ngọn cờ”… Bài hát này là một tiết mục được trình diễn vào loại nhiều nhất trên nữa nước phía Bắc.

Người nhạc sĩ - chiến sĩ

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã bắt đầu cuộc đời của mình bằng chiến sĩ – chiến sĩ đấu tranh bằng vũ khí âm nhạc. Từ những năm tháng “Cuộc đời xanh ảo tưởng/ chết theo trăng ngày xưa/ Tìm theo tình quay mặt/ Buồn theo mây chiều mưa” (Năm tháng và tình yêu – Trần Quang Long), Tôn Thất Lập đã dám đứng lên, xốc vũ khí âm nhạc và “xuống đường” hát cho đồng bào tôi nghe. Một chiến sĩ thực thụ! Một chiến sĩ xông trận với một niềm tin son sắt: Chiến thắng. Niềm tin son sắt ấy đã trở thành nguồn nhiên liệu cảm hứng để Tôn Thất Lập viết Trị An, âm vang mùa xuân sau khi nước nhà đã thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Ông đã viết bài hát này khi nhà máy Thủy điện Trị An đang khởi công, đang xây dựng với hình thù ngổn ngang và bề bộn. Song niềm tin của chiến sĩ Tôn Thất Lập đã khẳng định cho nhạc sĩ Tôn Thất Lập có một trực quan đầy tài năng của người nghệ sĩ. Ông đã lặng nghe gió reo, lặng nghe nước reo với ước mơ dạt dào và có một giấc mơ rực sáng.


Trị An, âm vang mùa xuân - Thanh Lam. Nguồn: Giai điệu tự hào.

Với một nét nhạc có tính chất ngâm ngơi và suy ngẫm về công trình thủy điện Trị An trước mắt, niềm tin vào thành công như đã lóe lên bằng những chùm ba (trong đoạn một, gồm 30 nhịp, có 16 chùm ba). Chùm ba đã trở thành nhịp điệu và tiết tấu chủ đạo của đoạn một. Nó thể hiện được tiết tấu sôi động, của công trường. Song, đấy cũng là tiết tấu của hy vọng và cao hơn là niềm tin. Và đấy cũng là “Động lực tình cảm” để phát triển thành chất nhạc rạo rực, sôi nổi trong đoạn hai:

... Dòng điện mênh mang, từ ngàn khối ốc
Dòng điện mê say gọi ngày tương lai
Dòng điện bao la, gọi đời bay xa...

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập vẫn làm công việc của người chiến sĩ: chiến đâu bằng vũ khí âm nhạc. Bằng “chất chiến sĩ” của mình, ông đã đem lại cho người nghe một niềm tin. Với trực quan nghệ sĩ, ông đã dự báo được nhu cầu về tiết tấu sôi động của công chúng thưởng thức âm nhạc (nhất là lớp trẻ). Bài hát đã và đang có “âm vang”; đã và đang được “cộng hưởng”.

Từ phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, Báo Sinh viên trực thuộc Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn được thành lập, nhằm mục đích lôi kéo, hướng sinh viên vào các phong trào đấu tranh chống Mỹ- ngụy, bảo vệ nền văn hóa dân tộc... Đây được coi là những hoạt động mở đầu của Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, làm tiền đề cho cao trào đấu tranh thông qua hình thức văn hóa - văn nghệ của học sinh, sinh viên trong các đô thị miền Nam những năm đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Sau 41 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, đến nay, mỗi lần nghe lại những khúc hát một thời “Hát cho đồng bào tôi nghe”, chúng ta vẫn không khỏi hết sức bồi hồi, nhớ về một giai đoạn lịch sử đấu tranh oai hùng của dân tộc; nhớ về lịch sử phong trào học sinh - sinh viên trong lòng đô thị miền Nam trước 1975 - những người trẻ tuổi một thời đã sống không hổ thẹn với lớp lớp cha ông. Và Tôn Thất Lập (một người con Xứ Huế, còn có các bút danh Trần Nhật Nam, Lê Nguyên) đã đến với âm nhạc bằng những tình khúc mặc dù trong chiến tranh ông được biết nhiều như một nhạc sĩ của phong trào đầy âm vang.

Nguồn lực “âm vang” ấy, nơi khởi tạo “âm vang” ấy chính là phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” mà ông là người sáng lập. Xưa ông hát cho đồng bào tôi nghe bằng những ca khúc của bạn bè và chính những ca khúc của mình như: “Hát cho dân tôi nghe”, “Xuống đường”… thì nay, đồng bào vẫn nghe Tôn Thất Lập hát, vẫn nghe những ca khúc mới của ông với những “Trị an âm vang mùa xuân”,”Tình ca tuổi trẻ”,… trong thời đại mới góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế./.

(Nguồn: http://vov.vn)

H

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...