Nhạc sĩ Thuận Yến: Mãi mãi ngân vang khúc quân hành
Tôi cứ mơ như còn mới gặp nhạc sĩ Thuận Yến đâu đó cho dù ông đã mất cách đây hai năm (1932-2014). Bởi những bài hát về đất nước về tình yêu của ông vẫn vang lên với những giai điệu ấm áp thân thương. Trong những chương trình ca nhạc, nhiều ca sĩ vẫn chọn bài hát của ông, như một sự đồng hành không bao giờ ngưng nghỉ. Âm nhạc của Thuận Yến gắn bó với hành trình lịch sử đất nước, trong những năm tháng sôi động nhất…
NGƯỜI VIẾT BÀI HÁT VỀ BÁC HỒ NHIỀU NHẤT
Ngay vào thời kỳ xung phong vào mặt trận phía Nam năm 1965, sau khi học xong khóa Trung cấp Sáng tác tại trường Âm nhạc Việt Nam (1961-1964), nhạc sĩ Thuận Yến luôn luôn có dự định sẽ viết những bài hát về chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi trước đó, nhạc sĩ cùng anh em trong đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên đã từng được gặp Bác Hồ (1966). Nhạc sĩ Thuận Yến đã hát cho Bác Hồ nghe và cũng đã được nắm tay Bác trong tình cảm ấm áp, thân thương. Nhạc sĩ vẫn nhớ Bác bày tỏ ý nguyện muốn về thăm đồng bào Trị Thiên và đồng bào miền Nam nhưng hoàn cảnh chưa cho phép. Người còn nhấn mạnh nếu đất nước thống nhất, Bác sẽ vào Huế ngay… Nhạc sĩ vào mặt trận với những ký ức không bao giờ phai nhòa trong tâm trí. Mặt trận mỗi ngày một khốc liệt. Mùa xuân năm 1968, khi đất nước đang rơi vào thời điểm khó khăn, nhạc sĩ đã được đọc bức thư gồm 7 điều Bác Hồ gửi đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Biết bao ký ức tràn về, hình ảnh thân thương của Bác làm lay động trái tim người nhạc sĩ trẻ ngày đó. Từng lời, từng lời của Bác trong lá thư như ánh sáng soi đường, an ủi động viên tinh thần chiến sĩ. Những cảm xúc trào dâng, nhạc sĩ Thuận Yến hát lên những giai điệu đầu tiên bài ca “Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin”. Ngay lập tức bài hát được chuyển ra Đài Tiếng nói Việt Nam, và ca sĩ Tuyết Thanh trình bày rất thành công. Bài hát thể hiện ý chí và tình cảm của chiến sĩ, đồng bào miền Nam nguyện “…đánh tan hết giặc đón Bác Hồ về thăm quê”.
Từ đây, nhạc sĩ Thuận Yến bắt đầu ấp ủ những dự định sáng tác tập trung những bài hát viết về Bác Hồ, mỗi khi cảm xúc trào dâng. Sau ngày đất nước thống nhất và bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, nhạc sĩ Thuận Yến liên tiếp cho ra đời những ca khúc mới về Bác Hồ. Khởi đầu cho giai đoạn này là bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la”, trong cuộc vận động sáng tác viết về Hồ Chủ tịch nhân 90 năm ngày sinh của Người. Đó là kết quả của những đêm thức trắng tìm cho được một cách thể hiện riêng. Tác phẩm mang âm hưởng dân ca lay động sâu lắng về một chân dung vĩ đại, với nhịp 6/8 chậm rãi trang trọng nhưng lại xúc động thiết tha. Đặc biệt ca sĩ Thanh Hoa là người hát đầu tiên đã thể hiện xuất sắc ca khúc này. Bài hát có sức truyền cảm làm rung động lòng người. Nghệ sĩ Thanh Hoa có lần chia sẻ, ca khúc đã trở thành tiếng lòng, tiếng trái tim của triệu triệu con người Việt Nam, là âm hưởng trong lòng dân và trong trái tim nhân loại.
Không bao lâu sau đó, nhạc sĩ Thuận Yến đã hoàn thành nhiều bài hát khác về Bác Hồ, được người nghe nồng nhiệt đón nhận. Trong đó có thể kể đến các tác phẩm: “Miền Trung nhớ Bác”, hoặc “Người về thăm quê”, hay “Vầng trăng Ba Đình”; còn nữa đó là các ca khúc ghi dấu ấn khác như: “Tạc tượng Bác Hồ trong niềm vui thống nhất”, “Bay trong tình Bác”... Trong cuốn sách Tuyển tập “Ca khúc Thuận Yến”, nhạc sĩ chọn in 14 bài hát về Bác Hồ đã viết trong nửa thế kỷ hoạt động âm nhạc của ông. Riêng bài hát “Vầng trăng Ba Đình” (phổ thơ Phạm Ngọc Cảnh), đã được trao Giải Nhất của Bộ Văn hóa năm 1987. Trong số 500 bài hát của nhạc sĩ Thuận Yến, thì nhiều bài hát nổi tiếng về các đề tài khác nhau. Có thể kể đến 11 bài viết về người mẹ Việt Nam, tiêu biểu có “Người mẹ tay không thắng giặc”, “Lắng nghe con mẹ ru mẹ hát” hoặc “Người mẹ quê tôi” được nhiều người yêu thích… Hoặc 23 bài hát về đề tài chiến sĩ, thì nổi bật có những ca khúc được phổ biến rộng khắp cho đến nay như: “Gửi em ở cuối sông Hồng”,“Màu hoa đỏ”, “Mỗi bước ta đi”… Cùng với đó, những sáng tác về Bác Hồ và đất nước (50 bài) của ông là sự đóng góp to lớn trong nền âm nhạc cách mạng nước nhà.
CÒN ĐÓ NHỮNG BẢN TÌNH CA
Sự nghiệp âm nhạc cách mạng của Thuận Yến còn có mạch nguồn âm hưởng khác luôn luôn song hành. Đó là những tình khúc thể hiển sự hòa nhập với tình yêu với lý tưởng cách mạng, tươi sáng và ngọt ngào. Mảng sáng tác này thể hiện một khía cạnh khác của tài năng Thuận Yến. Những bài hát đều gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng của nhạc sĩ. Không ít bài hát đã được ghi dấu ấn với thời gian và được đánh giá cao như “ Chia tay hoàng hôn”, “Tình yêu không lời”, “Khát vọng”, “Đi trong hương tràm”… Trong số lượng 24 ca khúc về đề tài này, khán giả thường nhớ đến “Chia tay hoàng hôn”. Đồng thời ca khúc này cũng gắn liền với câu chuyện tình yêu của nhạc sĩ…
Chiến sự miền Nam vào năm 1968 ngày càng ác liệt. Khi đó hai vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến và nghệ sĩ Thanh Hương cùng ở mặt trận Trị Thiên đã gặp không ít trở ngại. Nghệ sĩ Thanh Hương bị bệnh xương khớp nặng, và khi đó lại có thai nên cần phải ra Bắc điều trị. Đó là giọt máu được sinh thành trong cuộc chiến đấu sinh tử. Hai người, kẻ Bắc người Nam, bịn rịn nhớ thương. Hơn 20 năm sau, những ký ức ấy bỗng bừng dậy da diết, khi nghệ sĩ Thanh Hương mang về cho chồng đọc bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ” của Hoài Vũ. Trong giây phút cảm xúc trào dâng, bài thơ của Hoài Vũ như có sự đồng hiện kỳ lạ, nhạc sĩ Thuận Yến đã phổ nhạc ngay trong đêm thức trắng. Bài hát ra đời với cái tên “Chia tay hoàng hôn”. Có thể nói đây là bài hát tình yêu mãnh liệt nhất của nhạc sĩ Thuận Yến. Ngay lập tức nó được vang lên, đoạt giải cao nhất trong cuộc thi Liên hoan ca nhạc nhẹ toàn quốc năm 1991. Đặc biệt người hát không ai khác chính là ca sĩ Thanh Lam, chính là sản phẩm của cuộc “Chia tay hoàng hôn” năm 1968. Đó cũng là một cuộc giao thoa sâu sắc giữa số phận của bài hát với sự nghiệp ca hát của Thanh Lam. Chị đã được giải cao nhất trong cuộc thi đó và cũng nổi danh từ đây.
Dường như sau này, nhiều ca khúc nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác hầu như để dành cho giọng hát Thanh Lam. Khán giả luôn luôn có ấn tượng với ca sĩ Thanh Lam khi hát những ca khúc như “Tình yêu không lời”, “Khát vọng”, “Màu hoa đỏ”, “Tự sự”, “Em tôi”…Sự nghiệp ca hát của Thanh Lam phát triển và rực rỡ đều có công sức đóng góp của nhạc sĩ Thuận Yến dành cho con gái của mình. Ông hết sức thương con, bởi đó là nhân chứng sống cho hạnh phúc của vợ chồng ông qua chiến tranh. Mỗi bước đi trên còn đường gian nan của mình, bao giờ Thanh Lam cũng có người cha bên cạnh, an ủi vỗ về. Trước khi mất, nhạc sĩ Thuận Yến đã để lại cho con gái một bài thơ đầy xúc động. Đó là sự chia sẻ và nỗi cay đắng trong lòng khi ông biết là sẽ không đồng hành với con gái đi tiếp trên con đường âm nhạc. Bài thơ ông viết có đoạn: “Cha đi rất xa lần này con nhé! Hết hoàng hôn có lẽ cũng chưa về. Miền này nhiều hoa cỏ lắm con ơi! Cha lại nhớ rừng Trường Sơn thuở trước… Con phôi thai trong chiến trường ác liệt. Cha đặt tên con vẫn rất dịu dàng. Nốt nhạc say mê nhất đời mẹ và cha”.
Đó lại là cuộc chia tay hoàng hôn vĩnh biệt giữa hai cha con. Nỗi niềm về Trường Sơn luôn luôn ở trong ông. Tình yêu và hạnh phúc bắt nguồn từ Trường Sơn. Và, nay ra đi người con gái lại gợi nhớ cho cha một bản nhạc ngày nào nóng bỏng những ký ức của tuổi trẻ sôi nổi và cống hiến hết mình cho đất nước.
VĨ THANH
Nhạc sĩ Thuận Yến có phong cách nghệ thuật khác biệt từ rất sớm, với sự kế thừa nền âm nhạc truyền thống. Những điệu hò Bài Chòi quê hương đã thấm vào máu của nhạc sĩ từ tuổi thơ. Cha ông là nhà giáo và biết chơi đàn bầu nổi tiếng cả một vùng xứ Duy Xuyên, Quảng Nam. Từ nhỏ nhạc sĩ Thuận Yến đã theo cha đi hát Cải lương, hát Bội và hát Đối. Do vậy gần như toàn bộ sáng tác của ông thấm đẫm chất dân ca, mang âm sắc miền Trung. Nhiều bài hát cách mạng của ông dễ hát và có sức phổ cập sâu rộng. Mở đầu là “Hò dân công”, hay “Thi đua sản xuất”, được viết vào đầu những năm 50, âm nhạc phong cách Thuận Yến đã sớm hình thành.
Nhiều tác phẩm được ông viết, sau những ngày được ra Bắc học tập trở về, cũng vẫn giữ vững bản sắc của mình. Điển hình như các bài “Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc”, “Bài ca tiếp vận”, “Mỗi bước ta đi”, Giao hưởng “Khúc ruột miền Trung”… Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam cũng đã từng ghi nhận: “Mặc dù là những bản hùng ca thể hiện tình yêu quê hương, đất nước nhưng các sáng tác của anh vẫn rất truyền cảm và đậm chất dân tộc”. Riêng những bài hát về Bác Hồ lại càng thể hiện một phong cách dân gian của Thuận Yến. Những giai điệu mang âm hưởng dân ca ngọt ngào, sâu lắng, thiết tha đầy sức truyền cảm về chân dung lãnh tụ của dân tộc. Đặc biệt khi nhạc sĩ Thuận Yến được trao Giải thưởng Nhà nước, với 3 ca khúc tiêu biểu, trong đó có hai bài viết về Bác: “Bác Hồ một tình yêu bao la” và “Miền Trung đón Bác”. Đó là sự khác biệt giữa nhạc sĩ Thuận Yến so với những thành tựu của các nhạc sĩ đương thời.
Nguồn Văn nghệ số 41/2016