Nhạc sĩ tài danh và tình yêu âm nhạc mãnh liệt
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ Vinh Sử đều là những con người tài hoa với những tác phẩm âm nhạc mang đậm hồn Việt. Những tưởng họ sẽ tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật, nhưng có lẽ tuổi già và bệnh tật đã là một bức tường ngăn cản họ đến với âm nhạc trong những bước tiếp của cuộc đời.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hồi tưởng về thời gian ông được thỏa sức sáng tác
Nguyễn Văn Tý - nhắc đến cái tên này ai cũng mường tượng về những bài hát nhẹ nhàng, sâu lắng mà đậm hồn quê như Dư âm, Mẹ yêu con, Dáng đứng Bến Tre, Bài ca năm tấn, Bài ca phụ nữ Việt Nam, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ… Thế nhưng, cây bút sáng tác nhạc tên tuổi ấy lại không thể tiếp tục cống hiến cho đời thêm tác phẩm mới nào do sức khỏe đã quá yếu.
Trong một căn nhà chật hẹp tại số 94/19 Trần Khắc Chân (Q.1, TP.HCM), người nhạc sĩ già nằm lẻ loi trên giường. Dù đã 89 tuổi, sức khỏe yếu nhưng ông vẫn rất minh mẫn khi chia sẻ cho chúng tôi về hồi ức và khát khao cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà.
Sức khỏe suy yếu vì bệnh tật, tuổi già, việc đi lại của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vô cùng khó khăn, nhưng ông vẫn khát khao được tiếp tục sáng tác: “Tôi vẫn cố gắng sáng tác nhạc nhưng sức khỏe yếu quá. Có hôm suy nghĩ để viết ra đoạn nhạc khiến sức khỏe trở nặng. Bác sĩ bảo, nếu ông tiếp tục sáng tác khiến tình trạng sức khỏe xấu đi như thế này thì có gọi tôi cũng không đến. Tôi biết bác sĩ chỉ nói thế vì lo lắng cho sức khỏe của tôi chứ sao nỡ không đến khám cho tôi chứ” - nhạc sĩ cười cho biết.
Nhắc đến âm nhạc, đôi mắt của nhạc sĩ như sáng lên và ông không ngừng chia sẻ về những đứa con tinh thần của mình. Dường như cảm giác mãn nguyện của ông với những tác phẩm âm nhạc do chính mình tạo ra, ông hứng khởi khi nhắc đến những hồi ức đẹp về những “đứa con” ấy. Có sự nghiệp thành công nhưng ở tuổi xế chiều, người nhạc sĩ tài ba ấy lại rơi vào cảnh ốm đau bệnh tật.
Tuổi già cùng với bệnh tật khiến nhạc sĩ luôn thấy mình cô đơn và mong được trò chuyện, thăm hỏi từ bạn bè. Ông rưng rưng nước mắt: “Bạn bè tôi nhiều lắm nhưng bây giờ tôi già yếu, nên cũng có không nhiều người ghé thăm. Đến chơi với tôi một, hai lần thì được, chứ tôi hiểu họ cũng đâu có nhiều thời gian mà thăm mình thường xuyên. Con cháu ở gần có, xa cũng có nhưng chúng có gia đình riêng và còn phải chăm lo các con nhỏ, thỉnh thoảng mới ghé qua thăm tôi.Tôi vẫn buồn lắm, nằm một chỗ hoài cũng chán, người đau nhức nên muốn ngồi dậy cũng khó. Vẫn muốn có một người kề cạnh với mình cho vui lúc tuổi già” - nhạc sĩ xúc động nói.
Là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam nhiều tác phẩm về quê hương và con người Việt Nam. Gần 90 tuổi, những gì còn lại với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là bằng khen, những tấm ảnh chân dung cùng một số nhạc cụ treo trên tường và mỗi lần nhắc đến hoàn cảnh hiện tại, giọng ông lại đầy tủi hờn vớituổi già cô đơn.
Được biết, hiện nhạc sĩ đang được chăm sóc bởi cô cháu gái gọi ông bằng dượng. Nhưng, do công việc nên thỉnh thoảng vắng nhà. Trò chuyện với chúng tôi, mọi nỗi niềm của ông dường như được chia sẻ. Nguyện vọng duy nhất của người nghệ sĩ tài ba ở tuổi “gần đất xa trời”, chính là được gặp gỡ và nói chuyện với những người yêu mến tác phẩm của ông.
Nhạc sĩ Vinh Sử: “Tôi là gã trai nghèo xấu xí nhưng luôn yêu các cô gái đẹp”
Cũng giống như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ Vinh Sử hiện đang sống những ngày tháng khổ cực trong ngôi nhà xấp xỉ 10m2, dù luôn được người hâm mộ yêu mến vinh danh “Vua nhạc sến”.
Căn nhà nhỏ, chật hẹp của nhạc sĩ Vinh Sử
Vinh Sử là cái tên “nổi đình nổi đám” trong “showbiz Việt” vào những thập niên 60 - 70 với những bài hát được khán giả yêu thích đến tận bây giờ như Nhẫn cỏ cho em, Đêm lang thang, Gõ cửa trái tim, Người phu kéo mo cau… Ông gắn bó với dòng nhạc quê hương mang tính đại chúng và trong hơn 50 năm sáng tác nhạc, số ca khúc của ông được công chúng biết đến với hơn 100 bài.
Đến thăm nhạc sĩ vào sáng chủ nhật một ngày cuối năm, chúng tôi bắt gặp ông đang ngồi loay hoay với những xấp bản thảo dang dở. Ông bảo: “Tuy cảm hứng sáng tác nhạc có giảm đi ít nhiều, nhưng niềm đam mê với cây đàn, với điệu Bolero luôn chảy trong người tôi”.
Khi nhắc đến cái danh “Vua nhạc sến” mà người hâm mộ đặt cho ông, nhạc sĩ tỏ ra khá buồn và tâm sự: “Cái danh mọi người đặt thì tôi nhận nhưng tôi không biết nhạc sến là gì. Đối với tôi, chỉ có nhạc hay và nhạc dở, chứ không có nhạc sến hay không sến”. Trong thời kỳ hoàng kim, ông sống như một ông vua thật sự, đi khắp Sài Gòn không có nhà hàng, tụ điểm ăn chơi nào mà không biết đến tên Vinh Sử. Ông bảo: “Hồi đó, một bài hát nổi tiếng của tôi có thể bán được hơn 200.000 bản, mua được cả trăm lượng vàng, bằng mấy chiếc xe hơi bây giờ. Các nhà hàng đều quen mặt tôi và đến đây tôi thật sự được đối xử như một ông hoàng. Những buổi tiệc thâu đêm suốt sáng tốn mười mấy lượng vàng là chuyện bình thường”.
Nhìn quanh ngôi nhà hiện tại chỉ có một cái bàn, căn bếp sát bên chỗ ngủ, vài bức ảnh thời trai trẻ và vương vãi nhiều gói thuốc dưới sàn, chúng tôi không khỏi xót xa. “Tôi cũng không tiếc gì về khoảng thời gian phung phí đã qua, tôi đã được hưởng gần hết mọi thứ. Về già sáng tác nhạc để khuây khỏa là được rồi” - nhạc sĩ tâm sự.
Dù phải chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng với 4 lần mổ, bệnh viện “chê” nhưng trong ánh mắt và các lời chia sẻ của nhạc sĩ luôn tràn ngập tình yêu, nhất là tình yêu đôi lứa. “Tôi phải tịnh cảnh mới viết nhạc được và thường gặp ai khiến tôi nhớ nhung, có nhiều cảm xúc thì viết cho người đó. Ca khúc Nhẫn cỏ cho em sáng tác vào khoảng năm 1965 - 1966 là bài hát mang nhiều tâm trạng, cảm xúc nhất. Thời đó, tôi học trong trường chung nam nữ. Tôi thương thầm một người con gái tên Lê Thị Mộng Đời. Thương thầm cô ấy suốt nhiều tháng trời nhưng không thể nói, một hôm, tôi đánh liều hẹn cô ấy ra Công viên Tao Đàn với mục đích nói hết tâm sự. Nhưng ngồi cạnh nhau suốt mấy chục phút tôi vẫn không cất được tiếng nào. Tay tôi lúc đó ngắt đầy cỏ đá gà quấn quanh tay thành một vòng lớn, cô ấy buông tiếng trách sao hẹn mà không nói gì, tôi bối rối quá nên đành rút chiếc nhẫn cỏ đang cầm trên tay đeo cho cô ấy. Đó là thời điểm bắt đầu mối tình của hai chúng tôi”, nhạc sĩ bùi ngùi chia sẻ. Tuy nhiên, giống như chuyện tình với những người con gái khác, ông đều chia tay trong tâm trạng đau khổ. Có lẽ cũng chính vì vậy mà những sáng tác của ông đều buồn. “Tôi là một người xấu trai thích yêu những cô gái đẹp, vì thế những cuộc tình của tôi luôn dang dở” là câu kết cho những chia sẻ về các mối tình khắc khoải trong lòng vị “vua” này.
Tuy đã có tuổi, cảm xúc với tình yêu không còn mãnh liệt như xưa, nhưng cạnh ông luôn có bàn tay chăm sóc của một người phụ nữ - người bạn tri kỷ sau cùng âu cũng là cái vui của tuổi già.
(Nguồn: http://motthegioi.vn)