Nhạc sĩ Quốc Trung: Chúng ta sẽ mất dần khán giả nếu tạo ra thói quen “xem” nhạc

24/12/2020

“Nếu không có những chiến lược phát triển bền vững mà lại tạo điều kiện cho việc chộp giật thì chúng ta sẽ khó mà tạo ra được các tài năng âm nhạc hay nghệ sĩ đích thực mới” – nhạc sĩ Quốc Trung nhận định.

Ngày 14/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thay thế cho Nghị định 79/2012/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Đáng chú ý là, nếu như trước đây, điểm D khoản 2 Điều 6 Nghị định 79 quy định một trong các hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật: "Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn" thì nay, tại Nghị định 144, Chính phủ đã không còn quy định cấm này. Thông tin trên ngay lập tức gây xôn xao trong dư luận, trở thành một chủ đề nóng đối với giới nghệ sĩ cũng như khán giả yêu nhạc.

PV đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Quốc Trung về vấn đề này. 

Nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 hủy bỏ quy định cấm “sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn” đang gây xôn xao trong dư luận. Là một người làm nhạc lâu năm, quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?

Cần nhìn nhận và đánh giá việc này từ hai yếu tố là quản lý nghệ thuật và phát triển nghệ thuật.

Đứng về luật thì có vẻ như đây là việc sửa đổi quy định chưa đúng trước đây, bởi quyền biểu diễn nghệ thuật không thể cấm ai đó mang bản ghi ra bật cho khán giả nghe, quan trọng là việc “nghệ sĩ” đó phải thành thật với việc “trình diễn” của mình. Nghệ sĩ hay người kinh doanh nghệ thuật sẽ được cho là lừa dối khán giả nếu nói là mình chơi đàn, hát mà lại bật đĩa, còn khi họ nói là chỉ đứng trên sân khấu cho mọi người ngắm nhìn thì chẳng có gì sai trái cả.

Nhạc sĩ Quốc Trung

Trên thực tế trong nhiều năm qua, chúng ta (những người tổ chức, sản xuất) vẫn luôn mập mờ với khán giả về các “liveshow” “lễ hội” “đại nhạc hội” mà ở đó toàn dùng bản ghi. Show càng to, càng quan trọng, càng có nhiều người xem, đôi khi lên đến cả triệu thì càng chắc chắn phải dùng phương pháp đó với lý do đảm bảo kỹ thuật, đường truyền, chất lượng. Tôi nghĩ có khi việc sửa đổi này cũng phần nào giúp minh bạch hơn trong việc dùng bản ghi thay vì mập mờ như trước.

Trên trang cá nhân, anh bày tỏ sự lo ngại nhất định về việc thay đổi này sẽ tạo ra thói quen mới cho khán giả khi thưởng thức âm nhạc, nghĩa là ca sĩ luôn phải “lên đồ”, nghệ sĩ chỉ đơn thuần chú trọng tới nghệ thuật sẽ bị thất thế. Thế nhưng, nhiều ý kiến cũng cho rằng mỗi ca sĩ sẽ có đối tượng thưởng thức riêng và thứ âm nhạc chất lượng cũng vẫn tồn tại song song, thậm chí trở thành “cao cấp”. Anh có cho rằng họ quá lạc quan khi nghĩ vậy?

Thói quen và nhu cầu thưởng thức đã tăng lên nhưng chưa thể nói nền âm nhạc của chúng ta đã phát triển rực rỡ, khán giả có nhiều sự lựa chọn. Các “live” show và concert còn hạn chế cả về chất và lượng. Khán giả vẫn phụ thuộc vào định hướng của media (phương tiện truyền thông) và show truyền hình. Nếu không có những chiến lược phát triển bền vững mà lại tạo điều kiện cho việc chộp giật thì sẽ khó mà tạo ra được các tài năng âm nhạc hay nghệ sĩ đích thực mới. Chúng ta sẽ mất dần khán giả nếu tự tạo ra những thói quen “xem” thay vì nghe nhạc.

Trong chương trình “Văn hóa – Sự kiện – Nhân vật” với chủ đề Câu chuyện K-pop, anh từng gây xôn xao khi đưa ra một nhận định gây tranh luận: “Đứng vê mặt chuyên môn, tôi biết đa số nghệ sĩ K-pop không có tài năng. Họ có thể nhảy rất giỏi nhưng luôn hát lip-sync”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc phát triển lĩnh vực giải trí theo hướng một ngành công nghiệp biểu diễn đã biến K-pop trở thành một làn sóng trên toàn châu Á. Theo anh, nghị định 144 liệu có tạo ra một bước ngoặt tương tự như vậy đối với làng nhạc Việt?

Đừng nghĩ rằng Hàn Quốc chỉ có K-pop, bên cạnh sự thành công mang tính thương mại, K-Pop họ có rất nhiều các dòng nhạc khác như rock, indie, world music.... phát triển rất mạnh. Nhiều nghệ sĩ tài năng và rất nhiều festival âm nhạc khác nhau cùng với rất, rất nhiều live show mà ở đó không ai sử dụng bản ghi khi trình diễn. Tôi cho rằng một nghị định không thể tạo ra thay đổi mà cần một quá trình vận động mang tính tổng thể.

TWICE - một trong số các nhóm nhạc Hàn từng không ít lần hát nhép trên sân khấu.

Thực tế thì kể cả khi Nghị định 144 chưa đi vào hoạt động, làng nhạc Việt đã xuất hiện không ít hot girl, hot boy cầm mic làm ca sĩ dù giọng hát hoàn toàn phô chênh, lạc nhịp. Tuy nhiên, nhờ thứ âm nhạc dễ nghe và bắt tai, họ vẫn có fanclub riêng và được mời tới những sân khấu nhất định. Anh có cho rằng, khán giả đang dễ dãi hơn và chính sự dễ dãi đó sẽ tạo nên một thế hệ nghệ sĩ gần như không biết hát?

Tôi nghĩ khán giả không có lỗi, nếu họ có dễ dãi hay có một thói quen thưởng thức nào đó thì nó đều xuất phát từ chính những người nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc. Chính họ sẽ nhận lại những thành quả là thói quen thưởng thức của khán giả. Gieo mầm nào thì gặt quả đó. Tất nhiên đó là khi chúng ta suy nghĩ đến sự phát triển bền vững mà ở đây là văn hoá, nghệ thuật.

Giới trẻ hiện nay ngày càng có nhiều cơ hội được học tập về âm nhạc một cách bài bản hơn. Và dường như nhờ vậy mà đã có nhiều gương mặt cá tính xuất hiện như Mỹ Anh (con gái diva Mỹ Linh - nhạc sĩ Anh Quân) hay Marzuz…Theo anh, điều này liệu có tạo nên đối trọng và giúp chúng ta vẫn có một nền âm nhạc chất lượng?

Cá tính âm nhạc không phụ thuộc nhiều vào kỹ năng hay trình độ được đào tạo. Ý thức và môi trường hoạt động mới tạo sức ép để có được ý thức về sự độc đáo của nghệ sĩ.

Những năm gần đây, anh gần như biến mất khỏi các show truyền hình thực tế và cũng ít lên tiếng trên báo chí. Phải chăng bởi các gameshow âm nhạc trên truyền hình cũng đang bị loạn bởi các drama, câu chuyện bên lề, thay vì đề cao chất lượng âm nhạc thực thụ?

Tôi thậm chí không có TV trong nhà. Đến bạn còn nhận thấy điều đó và câu hỏi của bạn đã thay cho câu trả lời rồi. Tôi đến tuổi không còn quan tâm nhiều hay muốn tham gia vào những ồn ào của showbiz nữa. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ ngừng yêu và mong muốn đóng góp cho âm nhạc Việt Nam.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

(Nguồn: https://danviet.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...