Nhạc sĩ Phong Nhã: Chưa từng mua nổi cây đàn piano

10/06/2014

Bữa rồi, dự lễ kỷ niệm 60 năm Báo Thiếu niên Tiền Phong ra số đầu tiên (1-6-1954/1-6-2014) tôi thấy tờ báo này thật may mắn. Một vòng hoa giáp đã trôi qua, lớp lớp bạn đọc đã để lại thời niên thiếu sau lưng, ấy vậy mà tờ báo vẫn đón được vị Tổng biên tập đầu tiên lên sân khấu cùng vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Vị Tổng biên tập dẻo dai ấy là một cái tên rất đỗi quen thuộc với thiếu nhi Việt Nam: nhạc sĩ Phong Nhã.


Nhạc sĩ Phong Nhã được mệnh danh “ông vua của ca khúc thiếu nhi”

Bút danh rất đẹp

Năm nay nhạc sĩ Phong Nhã tròn tuổi 90. Ông vận bộ comple màu ghi, bước đi chậm rãi. Ông vui, vì được gặp lại bạn bè, ôn lại những câu chuyện từ mấy mươi năm trước.

Nếu không nhầm, chính nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu lúc sinh thời đã gọi nhạc sĩ Phong Nhã là “ông vua ca khúc thiếu nhi”. Một cách tôn xưng chính xác. Bởi không ai có thể phủ nhận, ở mảng ca khúc viết cho các em thiếu nhi, nhạc sĩ Phong Nhã đã thành công rất sớm khi mới bước vào độ tuổi 20 và trở thành một trong những nhạc sĩ đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Và những đứa trẻ sinh ra đầu thế kỷ 21 này vẫn hàng ngày hát vang những ca khúc của nhạc sĩ Phong Nhã như “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, “Kim Đồng”…

Tên khai sinh của ông là Nguyễn Văn Tường, nhưng để bày tỏ niềm tiếc nhớ người anh em trong dòng tộc có tên Phong Nhã đã mất vì bị nhiễm bệnh trong quá trình cùng đi hoạt động cách mạng, ông lấy tên đó làm bút danh của mình. Dần dần, tên ấy gắn chặt với các ca khúc thiếu nhi, được nhiều người nhớ. Trân trọng một cái tên đẹp, nhạc sĩ đã quyết định đặt tên các con mình là Phong Vân, Phong Quang…


Nhiều sáng tác của nhạc sỹ Phong Nhã đến nay vẫn được thiếu nhi yêu thích và biểu diễn

Mua hụt cây piano cũ

Thi thoảng tôi vẫn nhìn thấy nhạc sĩ Phong Nhã chống cây ba toong lững thững đi dạo ở Bờ Hồ. Cũng có lúc thấy ông ngồi trên ghế đá ở sân nhà Khai Trí Tiến Đức trò chuyện với bạn già. Đôi lần thấy ông chống gậy đọc báo dán tường và xem triển lãm ảnh trước cửa Báo Hà Nội mới. Mấy năm nay, khu vực này là không gian sống của ông. Sau cái đận ông phải xa người vợ một đời đầu gối tay ấp, các con đã thuyết phục ông tạm rời ngôi nhà vốn là chỗ gắn bó nằm sâu trong ngõ ở phố Thanh Nhàn để trở về với căn phòng nhỏ trong khu tập thể đầu phố Hàng Trống. Căn phòng ấy ông được cấp từ hồi còn là cán bộ của Trung ương Đoàn, sau ông cho con trai làm chỗ sữa chữa máy ảnh. Lên sống với con, hàng ngày được ra Hồ Gươm hóng gió, trò chuyện với nhiều bạn già, nhưng Phong Nhã vẫn rất nhớ căn phòng cũ trong ngõ Thanh Nhàn, ở đó ông có nhiều kỷ niệm.

Tôi đã đến căn phòng này. Nhà số 29. Một căn phòng không rộng nhưng có nhiều kỷ vật đượm màu thời gian. Chiếc tủ chè khảm trai đen nhức, chiếc tivi “màn hình cong” cũ kỹ. Trên tường, ở vị trí dễ thấy nhất là Giải thưởng Nhà nước trao cho ông, do Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký năm 2001.

Nhạc sĩ Phong Nhã không phải là người gìn giữ cẩn thận những gì cá nhân mình có được, như những tập nhạc cũ, hay những tờ Báo Thiến niên thuở mới được khai sinh ở chiến khu Việt Bắc. Cũng có thể bởi thời gian, bởi sự dịch chuyển đã làm mất mát đi những gì ông gìn giữ nâng niu.

Cả cuộc đời làm nghề, chưa bao giờ ông sắm được cho mình một cây đàn piano. “Những năm tháng đất nước còn chiến tranh, cuộc sống khắc khổ, lo ăn từng bữa, phải vất vả lắm mới nuôi được 5 đứa con khôn lớn. Làm sao dám nghĩ đến chuyện mua đàn. Suốt cuộc đời tôi chỉ sáng tác trên cây sáo và cây đàn mandolin thôi…”, nhạc sĩ nhớ lại.

Nhưng khi cái thời quá khổ quá khó ấy đi qua, ông cũng từng quyết tâm sắm cho mình một cây đàn piano, dù chỉ là đàn cũ. Nhạc sĩ Phong Nhã kể: “Có lần, Hội Nhạc sĩ đứng ra tổ chức thanh lý mấy cây đàn piano cũ. Tôi muốn có một cái, cũng đăng ký mua hẳn hoi nhưng cuối cùng không được”. Vậy là ông đã “hụt” mất chiếc đàn. Vậy là suốt cả một đời sáng tác, chỉ với cây sáo trúc và đàn mandolin giản dị, Phong Nhã đã trở thành “ông vua ca khúc thiếu nhi” với khoảng 250 ca khúc. Điều thú vị là trong số đó có nhiều hành khúc vui tươi, rộn rã, thúc giục. Trong số đó, 4 ca khúc của ông đã được bình chọn vào danh sách “50 ca khúc thiếu nhi hay thế kỷ 20”: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Hành khúc Đội”, “Kim Đồng” và “Đội ta lớn lên cùng đất nước”.

Nhạc sĩ Phong Nhã chưa từng theo học một lớp đào tạo âm nhạc chính quy, bài bản nào mà chủ yếu là tự học. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thị dân nghèo, có bố và bác ruột rất thích chơi đàn tranh, cậu bé Nguyễn Văn Tường sớm được làm quen với đàn tranh, cây sáo, cây nhị và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ này. Về sau, khi đã viết được một số bài, ông được nhạc sĩ Văn Ký, nhạc sĩ Vũ Tự Lân… truyền giảng cho những kiến thức họ được học ở trong nhà trường. Năm 1944, ông đã về quê cha ở xã Hoàng Đông (Duy Tiên, Hà Nam) tham gia xây dựng phong trào thiếu nhi và gia nhập Việt Minh ở đây. Ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Phong Nhã là “Nhanh bước nhanh nhi đồng” đã ra đời trong hoàn cảnh này trong nỗi băn khoăn của “anh phụ trách” là làm sao phải có một bài hát với khí thế tươi vui, giục giã thế hệ măng non tiến bước.

(Nguồn: http://www.baomoi.com)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...