Nhạc sĩ Phan Ngọc và các tác phẩm giao hưởng
Trong những nhạc sĩ được giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007 có một nhạc sĩ sinh ra từ miền Nam Trung bộ, nơi có con sông Trà thơ mộng và ngọn núi Thiên Ấn cao vời vợi, đó là nhạc sĩ Phan Ngọc.
Phan Ngọc (còn có tên gọi là Phan Bê) sinh ngày 10 tháng 10 năm 1936 tại thị xã Quảng Ngãi. Cha ông có mở một hiệu may Âu phục, còn mẹ ông là một diễn viên đoàn dân ca kịch.
Sinh ra từ một vùng đất có nền âm nhạc dân gian phong phú và độc đáo, từ nhỏ nhạc sĩ đã được làm quen với những làn điệu Bài chòi, các bài hát Sắc bùa ngày xuân hay lối hát Bả Trạo tại các lễ hội cầu ngư... Chính những làn điệu dân ca của quê hương đã có ảnh hưởng rất nhiều trong các tác phẩm của nhạc sĩ sau này.
Với lòng đam mê âm nhạc từ nhỏ nhưng nhà nghèo, cậu bé Phan Ngọc chỉ có cây đàn Madoline làm bằng mo cau làm bạn. Người thầy đầu tiên đưa Phan Ngọc đến với các kiến thức âm nhạc khi ông đã 15 tuổi là nhạc sĩ Pétrus Thiều. Pétrus Thiều là một nhạc sĩ đa tài ở Quảng Ngãi những năm 40 - 50 thế kỷ XX. Ông vừa dạy đàn piano, violon. trống jazz, sáo trúc vừa là nhạc sĩ sáng tác. Phan Ngọc đã được học những kiến thức sơ giản về nhạc lý, hòa âm cũng như học chơi đàn violon và sáo trúc. Những bài học đầu tiên về âm nhạc đó đã mở ra cho người nhạc sĩ tương lai cánh cửa của âm nhạc. Nó giúp cho cậu bé Phan Ngọc thấy được vẻ đẹp, sự diệu kỳ và niềm hứng khởi mà âm nhạc đã đem lại.
Vào những năm 1952 - 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Khu V ngày càng ác liệt. Ngoài chiến trường quân ta đánh lớn, bộ đội, dân quân ngày đêm hối hả ra tiền tuyến. Cũng thời gian này, mặc dù còn ít tuổi nhưng Phan Ngọc cũng được thày Pétrus Thiều cho tham gia vào dàn nhạc đi biểu diễn phục vụ kháng chiến. Nhóm nhạc thường biểu diễn phục vụ các sự kiện ở trong tỉnh như: khao quân mừng chiến thắng, đón bộ đội về làng, đại hội chiến sĩ thi đua...
Năm 1954 cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Tại Quảng Ngãi, chiến trường tạm ngừng tiếng súng. Ngày hòa bình đầu tiên, mọi người hò reo vui sướng. Đêm đêm tiếng đàn, tiếng hát vang lên động viên tinh thần Cách mạng, tinh thần thi đua yêu nước. Cũng chính trong những ngày này, Phan Ngọc được gọi vào Đoàn Văn công Quân đội Liên khu V và chuẩn bị chuyển quân tập kết ra miền Bắc.
Tạm biệt người thân, tạm biệt con sông quê hương, bờ xe nước sông Trà cùng với bao kỷ niệm thời ấu thơ, Phan Ngọc bồi hồi xúc động lên tàu ra miền Bắc. Đứng trên boong tàu, nhìn về đất liền, quê hương chỉ còn là bờ cát cong cong với rặng dừa xanh cứ xa dần, nhỏ dần rồi mất hút trong đám mây đen khiến lòng người ra đi thêm ngậm ngùi, chua xót.
Những năm ở miền Bắc, nhạc sĩ Phan Ngọc là diễn viên chơi violon trong dàn nhạc Đoàn Văn công sư đoàn 305. Sau một thời gian ông được cử đi học hệ trung cấp đàn violon tại Trường Âm nhạc Việt Nam, tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngày nay.
Năm1962 sau ngày Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, cũng như rất nhiều cán bộ miền Nam tập kết, Phan Ngọc đã trở lại miền Nam tham gia công cuộc kháng chiến chống Mỹ với tư cách là diễn viên Đoàn Văn công Quân giải phóng B5. Cùng với Đoàn Văn công, nhạc sĩ Phan Ngọc đã theo sát bước chân của quân giải phóng trong các chiến dịch đánh Mỹ nổi tiếng như: Ba Gia, Vạn Tường, Chu Lai, Núi Thành... Những sáng tác đầu tay của nhạc sĩ đã ra đời trong giai đoạn này.
Năm 1962 ca khúc Khúc ca Hơ-rê và bản hợp xướng Trà giang quê hương tôi đã được phổ biến và được Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng và phát sóng trong chương trình Bài hát từ miền Nam gửi ra. Cũng từ đó tên tuổi của nhạc sĩ trẻ Phan Ngọc bắt đầu được công chúng biết đến với tư cách là một nhạc sĩ sáng tác. Tiếp sau đó là các ca khúc Chuyện tình suối nước mắt và Người Đà Nẵng ra đời vào năm 1968.
Đầu năm 1969 Phan Ngọc được Phòng Văn nghệ quân đội cử ra miền Bắc học tập. Với đôi dép lốp đã theo ông đi khắp các chiến trường ở Liên khu V, Phan Ngọc vượt Trường Sơn ra Thủ đô Hà Nội. Ông đã thi đỗ vào hệ chính quy 5 năm môn sáng tác âm nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Người thầy dạy sáng tác của Phan Ngọc thời gian này là nhạc sĩ Vĩnh Cát. Năm 1975, khi cả nước đang hân hoan trong niềm vui chiến thắng, non sông liền một dải cũng là thời gian nhạc sĩ Phan Ngọc hoàn thành bản giao hưởng đầu tiên của mình. Bản giao hưởng Đất nước yêu thương gồm có 3 chương này là tác phẩm tốt nghiệp Trường Âm nhạc.
Năm 1977 nhạc sĩ Phan Ngọc trở lại mảnh đất quê hương yêu dấu. Ông nhận công tác tại đoàn Ca múa Quân khu V cho đến năm 1995. Tại đây ông vừa là nhạc sĩ sáng tác vừa là phó trưởng đoàn, chỉ đạo nghệ thuật. Cũng từ đó cùng với đoàn văn công ông đã đi biểu diễn phục vụ nhiều nơi, từ vùng đồng bằng đến các hải đảo xa xôi, từ các đô thị đến vùng đại ngàn Tây Nguyên... Các chuyến đi biểu diễn này đã giúp nhạc sĩ mở rộng tầm mắt. Ông đã cảm nhận một cách rõ nét những đổi thay của quê hương, đất nước và đó cũng chính là nguồn cảm xúc cho những tác phẩm mới ra đời. Các ca khúc Đảo xa, Gọi em, Lên cao nguyên, Tỏ tình, Chiều trăng, Lời ru ra trận... lần lượt ra đời. Ngoài ca khúc ông còn viết nhạc cho vở vũ kịch Ngọn lửa Ba Tơ (1984).
Trong một lần nhạc sĩ cùng đoàn Ca múa Quân khu V sang biểu diễn phục vụ quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia và nhân dân nước bạn, cảm nhận sâu sắc những đau thương mất mát của người dân Campuchia dưới thời bọn diệt chủng Pôn Pôt cũng như tinh thần quốc tế cao cả của quân tình nguyện Việt Nam, ông đã sáng tác nhạc cho vở vũ kịch Ăngco bất diệt (1980). Trong tác phẩm này nhạc sĩ đã khai thác chất liệu trong nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc Khmer để xây dựng các chủ đề.
Năm 1985 ông được Hội Nhạc sĩ Việt Nam cử đi dự Trại sáng tác khí nhạc tại thành phố Ivanôvô (tại Liên Xô cũ). Trong thời gian ngắn ở đây ông đã hoàn thành một số tác phẩm. Đó là tổ khúc cho piano Mùa tuyết ở Nga, bản ngũ tấu Cánh chim Chơrao cho các nhạc cụ: clarinette, violon I, violon II, violoncelle và piano. Bản ngũ tấu, nhạc sĩ viết dựa trên nội dung bản trường ca cùng tên của nhà thơ Thu Bồn. Nội dung tác phẩm ca ngợi tinh thần yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm của người dân Tây Nguyên. Tác phẩm thể hiện hình tượng của hai nhân vật chính, đó là Hùng - một cán bộ người Kinh và Rib - một thanh niên yêu nước người Ba Na. Họ đã chiến đấu anh dũng và đã hy sinh trước mũi súng của quân thù. Như một huyền thoại bất tử, hồn của các anh đã trở thành chim Chơrao bay vút cao trên bầu trời Tây Nguyên bao la, hùng vĩ. Cũng trong đợi đi dự trại sáng tác này ông còn hoàn thành bản romance Hà Nội - Matxcơva không xa. Các tác phẩm này đã được biểu diễn tại Hội Nhạc sĩ Liên Xô thời bấy giờ.
Từ năm 1995 nhạc sĩ thực sự đam mê và chuyên tâm vào sáng tác các tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng. Năm 1996 ông hoàn thành bản giao hưởng 2 chương có tiêu đề Một thời để nhớ. Trong lời tựa của bản giao hưởng nhạc sĩ đã viết: “...Chiến tranh đã qua đi, nhưng những kỷ niệm buồn vui, chua xót của một thời lửa đạn vẫn còn đọng mãi trong tôi suốt cuộc đời, nay đã thành huyền thoại sống mãi với thời gian...”. Đây cũng chính là nội dung tư tưởng của tác phẩm.
Chương 1 viết ở hình thức sonate, giọng e-moll.
Phần mở đầu tốc độ chậm, huyền ảo (Andante Misterioso). Chủ đề mở đầu vang lên ở bè hautbois diễn tả cảm xúc bi thương và xao động như báo hiệu sắp có một cuộc chia ly. Tác giả đã dựa trên chất liệu bài dân ca Nam Trung bộ Lý thương nhau để xây dựng chủ đề này.
Phần trình bày với 2 chủ đề tính chất tương phản mạnh mẽ.
Chủ đề 1 giọng e-moll với tốc độ nhanh (Allegro), diễn tả hình tượng quân xâm lược hung hãn, dữ tợn đang dày xéo quê hương đất nước.
Chủ đề 2 là một giai điệu trữ tình, đắm say nhưng đượm sắc thái buồn da diết. Đây là chủ đề diễn tả hình tượng của quê hương đau thương, rên xiết dưới gót sắt của quân thù. Chủ đề 2 được diễn tấu ở bè violoncelle với tốc độ chậm (Andante) trên giọng f-moll.
Chủ đề này cũng được nhạc sĩ khai thác từ chất liệu dân ca miền Trung.
Chủ đề 2 sau đó đã được biến đổi trở thành một nét nhạc đầy lạc quan, lãng mạn thể hiện khát vọng chiến thắng của đồng bào, chiến sĩ.
Phần phát triển: đầy kịch tính với sự đối kháng giữa chủ đề 1và chủ đề 2 qua các thủ pháp phát triển và thủ pháp phối khí. Sau khi kịch tính đã được đẩy lên đến cao trào của chương nhạc, chủ đề quân xâm lược (chủ đề 1) yếu dần và hoàn toàn mất đi. Cuối phần phát triển là một đoạn hành khúc tang lễ (Marcia funebre) tính chất trang trọng, xót xa để tưởng nhớ đến những đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.
Phần tái hiện ở tác phẩm này khác với hình thức sonate cổ điển, ở đây chỉ còn lại chủ đề 2 nhưng đã được thay đổi diện mạo.
Nếu như chủ đề 2 ở phần trình bày là một giai điệu trữ tình, mang âm hưởng bi thương thì ở phần này chủ đề 2 đã biến đổi thành một khúc ca trong sáng, tự hào như diễn tả niềm vui thắng lợi đang tràn ngập khắp mọi miền đất nước.
Chương nhạc được kết thúc bằng một đoạn Coda lớn, tính chất mạnh mẽ, rực rỡ, huy hoàng như một lần nữa khẳng định niềm vui chiến thắng của dân tộc. Đoạn Coda được chuyển sang giọng E-dur.
Chương 2 được viết ở hình thức rondo, giọng E-dur. Chương nhạc là những đoạn nhạc với âm điệu vũ khúc sôi nổi, hân hoan đan xen với những khúc tình ca dịu dàng, say đắm tạo nên không khí tưng bừng, vui tươi. Đây là hình ảnh của đất nước đang sống trong hòa bình, nhân dân ấm no, hạnh phúc sau khi đã trải qua cuộc chiến tranh lâu dài và đầy hy sinh, gian khổ.
Phần chủ đề (A) của chương 2:
Bản giao hưởng Một thời để nhớ đã được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1996.
Năm 1999 nhạc sĩ Phan Ngọc hoàn thành bản giao hưởng thơ Thung lũng đỏ. Đây là một tác phẩm vừa mang tính anh hùng ca vừa trữ tình, lãng mạn. Tác phẩm viết về một địa danh nổi tiếng ở miền Nam Trung bộ, nơi cả nước biết đến với những chiến công vang dội của quân dân ta thời kháng chiến chống Mỹ - chiến thắng Vạn Tường. Nơi đây đã viết nên những trang sử hào hùng của lòng quả cảm, của tinh thần bất khuất, của lòng yêu nước thiết tha. Địa danh này ngày nay đã trở thành khu công nghiệp Dung Quất hiện đại của đất nước.
Vẫn trung thành với chủ đề về sự đổi thay của đất nước sau khi chiến thắng kẻ thù xâm lược, nhạc sĩ đã viết tác phẩm để ngợi ca những người anh hùng trong chiến đấu và trong lao động xây dựng cuộc sống mới.
Bản giao hưởng thơ Thung lũng đỏ mặc dù vẫn viết ở hình thức sonate nhưng ở tác phẩm này bên cạnh những đổi mới về ngôn ngữ âm nhạc, trong cấu trúc tác phẩm cũng có những tìm tòi, sáng tạo riêng của nhạc sĩ.
Phần mở đầu của tác phẩm (Introduction) là một đoạn nhạc chậm (Adagio) êm ả, mờ ảo của kèn cor trên nền bộ dây tremolo, diễn tả cảnh làng quê êm ả, đắm chìm trong sương mờ buổi sớm ở trong thung lũng, xa xa là tiếng rì rào của sóng biển. Rạng đông từ từ bừng lên ở đường chân trời ...
Phần trình bày ở tốc độ nhanh (Allegro), gồm 2 chủ đề tương phản.
Chủ đề 1: Diễn tả hình tượng những tên giặc tàn bạo, tráo trở. Chủ đề là những nét nhạc ngắn, không ổn định cùng những chồng âm nghịch trên nền bộ gõ với các tiết tấu dồn dập, căng thẳng.
Chủ đề 2 được phát triển từ âm điệu của phần mở đầu. Chủ đề 2 với tốc độ chậm (Andante cantabile) là một giai điệu lãng mạn, trữ tình, ấm áp được phát triển từ chất liệu điệu hát Hò khoan của xử Quảng. Chủ đề thể hiện niềm khao khát hạnh phúc của con người. Chủ đề 2 lần đầu tiên được vang lên ở bè hautbois, sau đó nhắc lại và phát triển rộng hơn ở bè violon1.
Phần phát triển của tác phẩm này được chia làm hai giai đoạn.
Giai đoạn đầu chứa đựng sự căng thẳng, kịch tính phát triển chủ yếu trên âm hưởng của chủ đề 1. Ở đoạn nhạc này nhạc sĩ đã sử dụng phong phú các thủ pháp phức điệu để phát triển và biến đổi các nhân tố âm nhạc của chủ đề.
Giai đoạn hai, chủ đề 2 chiếm ưu thế với âm hưởng lạc quan, ấm áp. Cuối phần phát triền là một đoạn episode tính chất vũ khúc diễn tả nhịp sống của Thung lũng đỏ trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới.
Phần tái hiện được mở đầu bằng chủ đề 2 do bè violoncelle diễn tấu ở tốc độ vừa phải (Moderato Appassionato), tính chất lôi cuốn, thiết tha. Chủ đề 1 không xuất hiện ở phần tái hiện.
Cuối tác phẩm là một đoạn Coda với sự tham gia của toàn bộ dàn nhạc, tính chất rộng mở, hào sảng. Âm nhạc ở đây chuyển động nhanh, linh hoạt với các tiết tấu chùm ba, chùm sáu cùng các kỹ thuật láy rền (trille), tremolo ở bộ gỗ và bộ dây.
Tác phẩm đã được nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1999.
Năm 2002 với sự tài trợ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Phan Ngọc đã hoàn thành bản rhapsodie Hào khí Tây Sơn viết cho dàn nhạc giao hưởng. Tác phẩm này được trình diễn lần đầu tiên vào ngày 15 tháng 11 năm 2003 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tác phẩm do Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia trình diễn dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng người Anh Graham Suteliffe. Bản rhapsodie Hào khí Tây Sơn là bản anh hùng ca ca ngợi tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, bảo vệ non sông đất nước của nghĩa quân Tây Sơn, đứng đầu là người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung.
Cấu trúc của tác phẩm là hình thức sonate đã được biến đổi, gồm nhiều phần tương phản, viết ở giọng a-moll.
Chủ đề chính, cũng là nhân tố xuyên suốt tác phẩm là chủ đề anh hùng ca. Để xây dựng chủ đề này nhạc sĩ đã khai thác từ làn điệu Tẩu mã trong tuồng cổ. Chủ đề lần đầu tiên vang lên ở Phần mở đầu với tốc độ chậm, hùng tráng (Largo Grandioso) do các nhạc cụ kèn đồng, bộ dây và bộ gõ (trống lớn, tam tam) diễn tấu. Dựa trên thuyết ngũ hành của phương Đông, nhạc sĩ đã xây dựng chủ đề Anh hùng ca chỉ gồm 5 nốt nhạc, ngắn gọn, mạnh mẽ, mang ngôn ngữ giao hưởng. Chủ đề được xây dựng trên hai âm chủ - hạ át của điệu tính a-moll (a-d). Với tiết tấu đảo phách và bước nhẩy quãng 8, chủ đề có âm hưởng thôi thúc, mạnh mẽ, hào hùng làm ta liên tưởng đến tiếng kèn xung trận trong cuộc chiến đấu sinh tử.
Chủ đề Anh hùng ca:
Đối lập với chủ đề trên là chủ đề 2 Tình yêu khát vọng. Chủ đề là một giai điệu nhẹ nhàng, đắm say được nhạc sĩ sáng tác dựa trên điệu Quỳnh tương trong nhạc tuồng. Qua chủ đề này, nhạc sĩ muốn diễn tả cảnh nghĩa quân Tây Sơn uống rượu dưới hoa quỳnh nở trong đêm trước khi tiến quân thần tốc ra miền Bắc, tiêu diệt quân xâm lược.
Phần phát triển được coi là trung tâm, linh hồn của tác phẩm. Trong phần này nhạc sĩ đã sử dụng các thủ pháp phối khí, thủ pháp phức điệu cùng phần hòa âm vô điệu tính tạo nên tính chất kịch tính, căng thẳng. Đoạn nhạc thể hiện không khí chiến trận với tiếng võ ngựa dồn dập, tiếng voi gầm oai phong, tiếng va chạm của binh khí và tiềng hò reo của nghĩa quân... Chủ đề Anh hùng ca vang lên ở tốc độ nhanh, hòa với không khí chiến trận tạo nên âm hưởng hào hùng, dũng mãnh của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm xưa.
Phần tái hiện là một vũ khúc vui tươi mừng chiến thắng. Ở đoạn này nhạc sĩ đã đưa vào một nét nhạc mới lấy chất liệu từ làn điệu Chèo phát triển cùng với chủ đề Tình yêu khát vọng.
Phần Coda: một lần nữa chủ đề Anh hùng ca lại vang lên mạnh mẽ, hào hùng và quyết liệt với sự tham gia của toàn bộ dàn nhạc, như khẳng định chiến thắng bất hủ của người anh hùng dân tộc Quang Trung.
Một nhà báo khi nghe tác phẩm này đã có viết trên báo Lao Động: “Một Tây Sơn áo vải của thế kỷ XVIII chợt tinh khôi trở lại ở thế kỷ XXI của thiên kỷ mới”1.
Tác phẩm này đã được nhận giải thưởng của Bộ Quốc phòng (1999- 2004).
Ba tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng: Một thời để nhớ, Thung lũng đỏ và Hào khí Tây Sơn cùng hai ca khúc Khúc ca Hơ rê và Chuyện tình Tiên sa là các tác phẩm đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007.
Năm 2006 nhạc sĩ hoàn thành bản ouverture Trường sơn, một tác phẩm lấy chủ đề từ cuộc chiến tranh chống Mỹ của quân dân ta.
Năm 2011 bản ouverture Về với miền Trung bão lũ hoàn thành và nhạc sĩ đã được nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong năm đó. Trong tác phẩm này nhạc sĩ đã đưa cây đàn bầu vào diễn tấu cùng dàn nhạc giao hưởng. Ngoài ra ông còn sử dụng giọng người (hai bè giọng soprano và một bè giọng alto) với lối hát vocalise tạo hiệu quả mới lạ cho tác phẩm. Bản ouverture thể hiện những tình cảm chia sẻ, xót xa của đồng bào cả nước trước những đau thương, mất mát của người dân miền Trung đang ngập chìm trong bão lũ.
Nhạc sĩ đã khai thác chất liệu trong làn điệu Hò khoan dân ca miền Trung để xây dựng âm hình chủ đạo, phát triển xuyên suốt toàn bộ tác phẩm.
Âm hình chủ đạo chỉ gồm 3 nốt nhạc, ứng với ba từ hố hò khoan trong dân ca.
Bản ouverture có cấu trúc gồm nhiều phần với sự tương phản về tốc độ và tính chất âm nhạc.
Việc kết hợp giữa âm nhạc và hội họa, chúng ta đã biết qua một số tác phẩm nổi tiếng trên thế giới như liên khúc piano Những bức tranh trong phòng triển lãm của nhạc sĩ Nga M. Mussorgsky (1839-1881) hay tác phẩm Những bức tranh khắc gỗ của nhạc sĩ Pháp, trường phái Ấn tượng De Bussy (1862-1918)... Bản rhapsodie Huyền tưởng của nhạc sĩ Phan Ngọc cũng là một tác phẩm nhằm miêu tả những pho tượng, phù điêu bằng đá trong bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng. Ở tác phẩm này nhạc sĩ không dùng âm nhạc để “họa” lại các bức tượng cổ mà ông từ cảm xúc của mình khi ngắm nhìn những tác phẩm còn lại của một thời vàng son xa xưa, để diễn tả nên tâm hồn Chăm, văn hóa Chăm.
Tác phẩm gồm có 5 phần, mỗi phần đều có tiêu đề:
Phần 1- Phần mở đầu: Khúc huyền tưởng (1) - Andante quasi uma fantasia.
Phần 2: Chim thần và nàng công chúa - Con vigore
Phần 3: Khúc huyền tưởng (2) - Andante quasi uma fantasia.
Phần 4: Vũ điệu người trong đá - Moderato con amore
Phần 5: Miền hoan ca - Allegro vivace fetivo
Với chất liệu khai thác từ nền âm nhạc dân gian Chămpa cổ, tác giả đã xây dựng hình tượng âm nhạc cho từng phần. Đây là một tác phẩm vừa mang tính sử thi vừa mang tính trữ tình. Tác phẩm như những “bài ca không lời”viết cho dàn nhạc giao hưởng.
Ví dụ: chủ đề trong Phần mở đầu - Khúc huyền tưởng là nét nhạc Chămpa cổ thường vang lên ở kèn laranai:
Ngoài các tác phẩm đã nêu ở trên, nhạc sĩ còn một số tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng khác như bản capriccio Sông Hàn (gồm 3 chương, đã được giải thưởng của thành phố Đà Nẵng năm 2005). Ông còn tham gia viết nhạc cho múa, cho phim.
Trong lĩnh vực sáng tác cho thanh nhạc, mặc dù nhạc sĩ cho rằng đây không phải là lĩnh vực sở trường của mình, nhưng ông cũng đã có một số lượng tác phẩm đáng kể. Ông viết từ ca khúc, romance đến các tác phẩm có cấu trúc lớn như hợp xướng, trường ca - hợp xướng.
Từ một nghệ sĩ chơi violon trong dàn nhạc ở Đoàn Văn công Quân khu V, trở thành một nhạc sĩ sáng tác nhạc giao hưởng, Phan Ngọc luôn nghiêm túc và tận tụy với công việc sáng tạo nghệ thuật. Âm nhạc của ông vừa mang đậm chất trữ tình vừa sôi nổi, quyết liệt. Ông luôn quan tâm khai thác chất liệu trong nền âm nhạc cổ truyền dân tộc mà đặc biệt là âm nhạc ở miền Trung quê hương, để đưa vào tác phẩm của mình.
Nhiều tác phẩm, đặc biệt là các tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Phan Ngọc đã dành được nhiều giải thưởng, từ những giải thưởng quốc gia, giải thưởng Hội Nhạc sĩ, Giải thưởng Bộ Quốc phòng đến các giải thưởng của thành phố và của các hội diễn nghệ thuật toàn quốc...
Ở Việt Nam những sáng tác cho dàn nhạc giao hưởng chỉ mới bắt đầu có từ những năm 60 của thế kỷ XX. Số lượng nhạc sĩ dấn thân vào thể loại âm nhạc vừa có yêu cầu về trình độ của người sáng tác, vừa kén người nghe này thực sự còn rất ít ỏi. Do vậy, những sáng tác của nhạc sĩ Phan Ngọc đã là một đóng góp có giá trị cho nền âm nhạc chuyên nghiệp nước nhà.
Hà Nội tháng 2 năm 2014