Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương & những giai điệu từ “trên sông Hương”…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã khởi thủy hành trình 70 năm âm nhạc của mình bằng ca khúc “Trên sông Hương”, một trong những bản tân nhạc đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh tài năng âm nhạc bẩm sinh của ông, là một sức lao động bền bỉ trong tình yêu âm nhạc vô bờ bến.
Người tiên phong nền Tân nhạc ở Huế
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh ngày 22/5/1919 tại Vân Thê, Hương Thủy. Cha là một công chức Tây học đam mê âm nhạc, mẹ thích chơi đàn tranh và thuộc nhiều làn điệu ca Huế. Năm 9 tuổi, ông đã chơi đàn nguyệt và thuộc nhiều bản cổ nhạc do mẹ truyền lại. Những giai điệu âm vang qua tiếng đàn, giọng hát trong ngôi nhà nhỏ ấy đã ươm mầm cảm xúc âm nhạc trong tâm hồn ông. Năm 1932, khi vào học Quốc Học - Huế, ông đã sớm tiếp xúc với nhạc cụ phương Tây như accordéon, guitare, piano, saxophone... Từ đó, ông say mê tự học lý thuyết âm nhạc qua cuốn sách ký âm của nghệ sĩ piano và lý luận âm nhạcPháp - Antoine Francois Marmóntel.
Những năm cuối thập niên 30 thế kỷ 20, phong trào cổ súy cho nhạc “cải cách” diễn ra sôi nổi trên toàn quốc, đó là phong trào tự sáng tác cả lời và nhạc theo lý thuyết âm nhạc phương Tây. Các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn đã hình thành một số nhóm nhạc công, nhạc sĩ với các tên tuổi của Văn Chung, Doãn Mẫn, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Thiện Tơ... Họ công bố các sáng tác mới của mình trong phạm vi nội bộ giữa các nhóm nhạc. Song cũng từ đó, phong trào sáng tác âm nhạc mới nở rộ trên khắp cả nước, đặt nền móng cho nền âm nhạc mới – Tân nhạc Việt Nam.
Ở Huế, phong trào “âm nhạc cải cách” xuất hiện chậm hơn, chưa tập hợp thành các nhóm nhạc như các thành phố khác, nhưng việc sáng tác bài hát mới theo trào lưu Tân nhạc thì không phải là chậm. Năm 1936, một bài hát tân nhạc đã ra đời ở Huế. Đó là bài “Trên sông Hương” của Nguyễn Văn Thương - một học sinh 17 tuổi, vừa tốt nghiệp Quốc Học - Huế và Nguyễn Văn Thương được xem là người tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam ở Huế. Về sau này, Nguyễn Văn Thương cho ra đời các bài “Đêm đông”, “Bướm hoa”… nổi tiếng. Bộ ba ca khúc trên đã là ba bài hát mới trong số các tác phẩm Tân nhạc đầu tiên của Việt Nam mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã đóng góp.
Bài ca đi cùng năm tháng
Ca khúc “Trên sông Hương” hơn tám mươi năm qua đã được hàng trăm ca sĩ Việt Nam thể hiện. Những giọng ca lừng lẫy nhất như Lê Dung, Khánh Ly, Bảo Yến, Hồng Nhung… đều đã thể hiện thành công nhạc phẩm này. Bản nhạc bắt đầu bằng một buổi chiều trên sông Hương:
“Chiều tàn trên bến Hương Giang lờ trôi
Bóng chim bay về chân núi xa vời
Dòng sông buồn mơ chiều áng mây hồng
Khóm lau mờ nghiêng mình bên dòng nước”...
Ca khúc “Trên Sông Hương” từ lâu được ca tụng là một trong những bản nhạc hay nhất viết về dòng sông Hương.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cho biết, ông sáng tác bài này sau những ngày tháng rất dài ấp ủ, nung nấu. Về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Trên sông Hương”, nhạc sĩ kể:
“Năm ấy (1936) tôi vừa thi đỗ bằng Thành chung nên cùng với mấy người bạn thân trong lớp tổ chức một buổi dã ngoại để chia tay. Chúng tôi thuê chiếc thuyền chèo đến điện Hòn Chén, mang theo đàn ghi-ta, măng-đô-lin và cả một máy quay đĩa lên dây cót. Đó là một đêm trăng sáng, ánh trăng lung linh in bóng xuống dòng nước, chúng tôi thả thuyền trôi theo dòng Hương Giang cùng nhau đàn hát và thưởng thức cảnh trí thơ mộng của đất đế kinh. Tôi còn nhớ lúc về gần cầu Bạch Hổ, chúng tôi neo thuyền lại rồi cùng nhau xuống tắm ở đoạn sông có bãi cát bồi khá rộng. Chuyến du ngoạn đêm ấy đem lại những ấn tượng và cảm xúc sâu sắc nên khi về nhà tôi đã sáng tác bài “Trên sông Hương”… Mấy tháng sau, khi anh Dương Thiệu Tước đến gặp tôi đề nghị cho xuất bản”… (Trích Hồi ký Nguyễn Văn Thương).
Nữ ca sĩ Quỳnh Giao nhận xét: “Ở tuổi 17, Nguyễn Văn Thương mở đầu bài “Trên sông Hương” trên cung Ré thứ, chậm buồn và xa vắng, dài đúng 16 trường canh. Khi trăng lên và khách du trên dòng Hương Giang thấy đắm say trước cảnh vật hữu tình thì nhạc sang chuyển đoạn (modulation), trên cung Ré trưởng, cũng dài 16 trường canh… “Trên sông Hương” vì vậy báo hiệu một nhạc sĩ có tài xuất hiện”.
“Bình - Trị - Thiên khói lửa” - Khúc nhạc chuyển mình
Năm 1941, ông vào làm việc ở Bưu điện Sài Gòn và vẫn theo đuổi âm nhạc, ca khúc “Bướm hoa” nổi tiếng sáng tác năm 1943. Năm 1944, chuyển về công tác ở Huế, lập tức ông hòa ngay vào không khí yêu nước sục sôi, tham gia cách mạng tháng Tám 1945 và lên chiến khu năm 1946. Năm 1948, quân Pháp mở nhiều cuộc càn quét tàn sát đồng bào rất dã man. Khi nghe tin giặc Pháp sát hại dân làng ở Hải Lăng hay chúng dồn đàn bà, trẻ em lên cầu bắc qua sông rồi xả súng bắn chết hàng loạt ở Cự Nấm - Quảng Bình...; ông uất hận viết ca khúc "Bình-Trị-Thiên khói lửa" . Lời ca khúc vọng vang, gây sự chú ý cho người nghe ngay từ đầu, lôi cuốn mạnh mẽ tình cảm mỗi người: “Hướng về Nam! Ai từng vô sông Hương, từng nương Thiên Mụ, từng ngụ Đập Đá, Văn Xá, Truồi, Nông”… Đây là một ca khúc hay, viết dưới dạng chính ca bi ai mà hùng tráng.
Từ ca khúc “Trên sông Hương” đến “Bình-Trị-Thiên khói lửa” nhân sinh quan của ông đã thay đổi rõ rệt. Cuối năm 1948, Nguyễn Văn Thương thôi công tác ở Bưu điện và chuyển hẳn sang công tác văn nghệ. Đây là một bước chuyển đặc biệt trong cuộc đời ông, trở thành nhà viết nhạc và nhà quản lý âm nhạc xuất sắc. Những sáng tác của Nguyễn Văn Thương đã gắn bó với diễn trình lịch sử của âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX.
(Nguồn: http://baothuathienhue.vn)