Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam qua đời ở tuổi 88
Giới yêu nhạc cổ điển vô cùng thương tiếc khi hay tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam - người viết nhiều nhạc giao hưởng nhất Việt Nam qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi.
Lễ viếng diễn ra tại Nhà tang lễ TP.HCM vào lúc 13h ngày 17/5. Lễ động quan lúc 9h ngày 19/5, sau đó an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.
GS-TS Nguyễn Văn Nam quê ở Tiền Giang, tốt nghiệp trường Âm nhạc Việt Nam (Hà Nội, tiền thân của Nhạc viện Hà Nội ngày nay), Nhạc viện Leningrad (St. Peterburg). Ông là Giáo sư lý luận - sáng tác Nhạc viện TP.HCM, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Nhạc sĩ Liên Xô (cũ).
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam từng giảng dạy ở Nhạc viện TP.HCM một thời gian dài.
Sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc tại Nhạc viện Sankt-Peterburg (Nga) với giao hưởng số 1 mang tên Tặng đồng bào miền Nam anh dũng, ông về nước làm việc từ năm 1991 đến khi mất.
Nhạc sĩ là người viết nhiều giao hưởng nhất Việt Nam hiện nay. Các tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: 9 giao hưởng được biểu diễn thành công tại Việt Nam và Nga, Huyền thoại Kazka (Giao hưởng thơ - 1984), Tiếng sáo 1 (Tổ khúc giao hưởng 1986), Tiếng sáo 2 (Symphony - Cantate 2004), Hòa bình cho các dân tộc (Thanh xướng kịch - 1995), Việt Nam của tôi (Âm nhạc vũ kịch - 1979)... cùng nhiều tác phẩm thính phòng dành cho nhạc cụ độc tấu và hòa tấu.
Ông là tác giả nhiều bản giao hưởng nhất ở Việt Nam.
Cuộc đời nhạc sĩ tài hoa khá thăng trầm. Khi chấp nhận yêu người con gái Kavka học chung, ông đã gặp khá nhiều trắc trở thời bấy giờ. Về sau, vào năm 1974, ông quyết tâm lập gia đình với bà nhưng chưa kịp đưa người bạn đời về sống ở Việt Nam thì bà mất đột ngột vào năm 1990, để lại cho ông một người con gái 7 tuổi.
Trong thời gian ở trời Tây, ông đã hoàn thành công trình Những nét cơ bản của âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhận thêm bằng tiến sĩ về lý luận âm nhạc (1981), dạy học tại trường âm nhạc Nantchic, cho ra đời một loạt tác phẩm kịch múa Việt Nam của tôi năm 1979; tổ khúc giao hưởng Tiếng sáo (dựa trên những bài thơ trong tập Nhật ký trong tù của Bác Hồ) tại Moscow.
Với một khối lượng tác phẩm lớn, Nguyễn Văn Nam trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Liên Xô (cũ) dù không mang quốc tịch Nga.
Ông là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên được Mỹ đặt hàng để dàn dựng tác phẩm mới tại New York.
Trở về Việt Nam, ông đã viết khá nhiều tác phẩm khí nhạc như giao hưởng số 5 Mẹ Việt Nam, Tưởng nhớ, Liên khúc mùa xuân (1994), số 6 Kỷ niệm Sài Gòn 300 năm (1998), số 7 Chuyện nàng Kiều, overture Vầng trời đông đón chào ngày mới (2000) và số 8 Quê hương đất nước tôi với lời đề tặng đất mẹ Tiền Giang (2002)... cùng các tiểu phẩm hòa tấu, độc tấu và một số ca khúc. Năm 2003, giải thưởng duy nhất ở thể loại giao hưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã dành tặng cho bản giao hưởng số 8 của ông.
"Tôi rất thích sáng tác ở thể loại giao hưởng. Tuy đây là một thể loại khó (khó ở công đoạn sáng tạo lẫn khó cho người thưởng thức) nhưng lại là một thể loại chuyển tải được sâu sắc những cung bậc tình cảm, có khả năng biểu hiện rộng lớn những hỉ, nộ, ái, ố và lay động tận đáy lòng người nghe", ông từng chia sẻ.
Khi được đề cao là nhà soạn nhạc giao hưởng thành công nhất Việt Nam, ông chỉ cười giản dị: "Tôi chỉ nghĩ mình là một người may mắn khi những bản giao hưởng mình viết ra không bị "tồn kho". Những bản như: Giao hưởng số 6 Sài Gòn 300 năm, giao hưởng số 7 Chuyện nàng Kiều, giao hưởng số 8 Quê hương đất nước tôi... của tôi đều biểu diễn thành công vì được sự đầu tư từ Nhà hát Giao hưởng vũ kịch TP.HCM".
Bản giao hưởng số 9 mang tên "Cửu Long dậy sóng" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam.
Viết nhiều nhưng ông cũng dành nhiều thời gian đào tạo, hướng dẫn nhiều lớp lý luận, sáng tác bậc đại học, cao học ở Nhạc viện TP.HCM và Hà Nội. Ông cũng là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên được Mỹ đặt hàng để dàn dựng tác phẩm mới tại New York.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đã được UBND TP.HCM trao tặng giải thưởng Văn học Nghệ thuật lần 4. Sự ra đi của ông để lại khoảng trống không nhỏ trong làng nhạc giao hưởng cổ điển TP.HCM và cả nước.
(Nguồn: https://danviet.vn/)