Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ
Vào một buổi chiều đông, mưa nặng hạt, nhưng để giữ đúng hẹn, chúng tôi vẫn đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, người chỉ còn vài năm nữa là tròn 100 tuổi. Không khí giá lạnh, ẩm ướt, người trẻ khỏe còn co ro suýt xoa vì rét vậy mà ông già trăm tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ vẫn bình thường, đi lại, trò chuyện, tìm bản nhạc, hồi tưởng về quá khứ, rành rọt những chi tiết làm cho câu chuyện giữa chúng tôi với nhạc sĩ trở nên sinh động và thú vị.
Câu chuyện đưa chúng tôi trở về những năm đầu thế kỷ 20, giai đoạn có nhiều thay đổi trong nghệ thuật văn học Việt Nam nói chung và âm nhạc nói riêng. Giống như những nhà văn lãng mạn, thi sĩ của phong trào thơ mới chịu ảnh hưởng bởi văn học lãng mạn Pháp, các nhạc sĩ tiền chiến cũng chịu ảnh hưởng bởi âm nhạc phương Tây.
Hồi đó, Việt Nam xuất hiện một giai cấp mới, đó là giai cấp tư sản. Những người Pháp cùng với nền văn hóa phương Tây vào Việt Nam tạo ra những ảnh hưởng lớn trong xã hội. Người Hà Nội khá giả bắt đầu hình thành nếp sinh hoạt thành thị với nhiều tiện nghị theo văn minh Tây phương. Nhiều người có thể xây nhà lầu (2- 3 tầng), đi ô tô, dùng quạt điện, đi nghe hòa nhạc…
Âm nhạc của châu Âu theo chân những người Pháp vào Việt Nam, đầu tiên là những bản thánh ca trong các nhà thờ Công giáo. Người dân cũng biết đến âm nhạc" nhà binh" qua các đội kèn đồng. Tầng lớp giàu có ở thành thị được tiếp xúc với nhạc khiêu vũ và nhạc cổ điến phương Tây. Người Việt biết tới các đĩa hát 78 vòng, hay những bộ phim lồng tiếng. Thanh niên thành thị coi âm nhạc là món ăn tinh thần, người hào hoa phong nhã, tài tử muốn chinh phục giai nhân… là phải biết sử dụng nhạc cụ thời thượng như mandoline, guitare, violin và piano.
Một tính cách Hà Nội không phai nhạt
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ sinh ra tại chính ngôi nhà ông vẫn đang sống bây giờ cùng con cháu - 22 Mai Hắc Đế - phố Charron cũ, Hà Nội, trong một gia đình công nhân, nghề in. Dù là công nhân, nhưng hào hoa phong nhã, nhẹ nhàng, thanh lịch rất đặc trưng tính cách Hà Nội, yêu âm nhạc từ năm 10 tuổi, 12 tuổi, Nguyễn Thiện Tơ đã tìm đến với nhạc sĩ Trần Đình Khuê để học guitare Hawaii (hạ uy cầm). Và thật lạ, chỉ ba tháng ông đã được biểu diễn cùng thầy trên đài phát thanh Philipine.
Sau đó ông học tiếp với người Pháp, guitare I-pha-nhon (Tây Ban Nha) và bắt đầu biểu diễn ở các phòng trà và những chương trình từ thiện với hai nhạc cụ này. Ông cũng là người sáng lập nhóm Myosotis cùng với Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh…, nhưng hầu như ông là một nhạc sĩ độc lập, không hoạt động với nhóm nhạc nào. Ông sống bằng dạy (guitare và sáo…), biểu diễn guitare, băng- rô-lin, sáo… ở các câu lạc bộ, quán bar. Những người như Đoàn Chuẩn, Dzoãn Mẫn, Đỗ Liên, Nguyễn Văn Quỳ thuở ban đầu đều học đàn từ Nguyễn Thiện Tơ.
Năm 1938, khi mới 17 tuổi, Nguyễn Thiện Tơ sáng tác bản nhạc đầu tay "Giáo đường im bóng" viết về cô gái người Công giáo, tên là Hà Tiên. Ông kể lại: "Trong kỳ nghỉ hè năm 1938 (lúc này còn là học sinh trường Thăng Long ở Hà Nội), tôi được mời tham gia biểu diễn đàn guitare ở Nam Định trong buổi từ thiện. Gặp bà ấy cũng đến hát. Sau buổi dạ hội, biết cô ấy theo đạo Thiên Chúa, nghĩ mình là kẻ ngoại đạo nên mới viết nên "Giáo đường im bóng", lời lẽ mộc mạc, sau được nhà thơ Phi Tâm Yến viết lại lời. Đó là mối tình đầu tiên và cũng là duy nhất của cả hai chúng tôi. Nhưng ngày ấy, lương - giáo còn thiếu thông cảm lắm. Chúng tôi yêu nhau 6 năm mới được hai gia đình cho phép làm đám cưới. Đám cưới diễn ra trong nhà thờ Mỹ Dụ tại ngôi làng nhỏ ở Vinh… Trước đó, cứ mỗi lần muốn nói gì với nhau, tôi cứ phải từ nhà lên bưu điện Bờ Hồ, đánh giây thép về Nam Định, sau vào Vinh cho bà ấy…”.
Nhạc sĩ Phạm Duy có lần kể rằng, không chỉ ông đã từng thầm yêu trộm nhớ bà Hà Tiên. Ngoài ra, nhạc sĩ Lê Thương cũng yêu bà ấy. Tuy nhiên, bà Hà Tiên không biết gì đến tình cảm của hai ông nhạc sĩ nổi tiếng kia. Còn người đời thì nhận biết mối tình thầm kín của nhạc sĩ Lê Thương qua bài Nàng Hà Tiên của nhạc sĩ Lê Thương.
Không gian nhỏ chứa những tâm hồn lớn…
Ngoài trời vẫn không ngớt mưa, ẩm ướt càng làm căn phòng nhỏ bé thêm chật chội. Chật đến mức, có mấy người khách liền một lúc thì chủ nhân phải đứng, chỉ có người nhạc sĩ già là có chỗ ngồi. Căn phòng này ở tầng 1, chừng 20 mét vuông, là chỗ ở của người con trai thứ 2, Nguyễn Vũ Hà. Anh Hà cũng một thời sống bằng âm nhạc, chơi sáo flute ở Nhà hát Tuổi Trẻ, và ở xưởng phim. Anh có nhà lớn hơn bên vợ cho, nhưng anh ở đây để chăm bố mẹ. Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ có 8 người con, 5 trai, 3 gái, tất cả đều học nhạc hồi nhỏ, sau này sinh sống bằng âm nhạc, người ở ngay Hà Nội, người ở Đà Nẵng…, người nào cũng… giàu âm nhạc (tinh thần), nghèo của cải vật chất, chỉ có anh Nguyễn Thiện Trí, trước là nghệ sĩ sáo, sau “bứt phá” sang viễn thông là khá giả hơn cả… Anh Hà cười cười, “chúng tôi sống quen rồi, thấy cũng ổn thôi, cái thời cả nước nghèo khó, tôi và em trai tôi (nghệ sĩ Nguyễn Thiện Thắng) ngày chữa xe máy, tối đi diễn ở nhà hát lớn, đêm về, mệt lắm nhưng vẫn thấy đời là đẹp… Chúng tôi ưa sự nhẹ nhàng, bình dị, trong sáng. Đại gia đình chúng tôi tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết bên nhau và thương yêu nhau… Tôi nghĩ thế là hạnh phúc. Có được điều đó, bắt nguồn từ tấm gương của bố mẹ chúng tôi… ”.
Âm nhạc kết nối mọi thành viên gia đình
Hầu như cả đại gia đình nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đều sống với âm nhạc, làm âm nhạc chuyên nghiệp. Ngôi nhà số 22 này của gia tộc họ Nguyễn để lại, vào những năm 60 thế kỷ trước, để duy trì cuộc sống cho một gia đình đông đúc với các con đang độ tuổi ăn học nhạc sĩ đã bán đi tầng trên, giờ tầng trệt là vợ chồng anh Hà và người nhạc sĩ già, căn gác xép là của vợ chồng Nguyễn Thiện Thắng. Diện tích nhỏ hẹp nhưng chứa đến mấy người mà tên tuổi của họ giới nghệ sĩ không ai không biết. Người chơi flute có tiếng ở Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam NSƯT Nguyễn Diệu Hồng bây giờ, vốn là học sinh của thầy Nguyễn Thiện Tơ ở Trường Nhạc. Yêu con trai của thầy và yêu cái nếp sống văn hóa, truyền thống của nhà Thầy, Diệu Hồng trở thành con dâu ông. Diệu Hồng cùng chồng và con gái Hồng Ánh đều là nghệ sĩ flute được mến mộ của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia VN…
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ giờ đã có 20 chắt. Đứa cháu nội, con anh Nguyễn Vũ Hà là cháu Nguyễn Vũ Long cũng đã là một nghệ sĩ Saxophone và Clarinete, từng là nghệ sĩ biểu diễn ở Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long… Nguyễn Vũ Long rất tự hào về người ông của mình. Tự hào về tài năng và về đạo đức. Anh nói: “Ngày xưa, ông chỉ mỗi chơi đàn thôi mà nuôi được cả nhà. Không chỉ ăn mặc mà còn học hành, học những môn nghệ thuật đòi hỏi phải dành toàn bộ tâm sức mới thành công. Con đường ông vạch ra, chọn lựa giúp cả nhà, cả nhà đều thấy phù hợp với tâm hồn và cách sống của mình. Chỉ có điều là không giầu có về vật chất thôi. Nhưng, đời sống tinh thần cũng là một tài sản quý giá đấy ạ. Chúng cháu rất quý trọng đời sống đó. Tuy nhiên, cũng còn một cách khác, tài năng như ông, ở thời của ông, nếu ông mạnh mẽ hơn, ráo riết hơn, vẫy vùng hơn… thì giờ cuộc đời ông bà và đại gia đình chúng cháu có thể cũng khác ạ”.
Tôi nghĩ: có thể, không phải là ông không biết cách bứt phá, mà là sự lựa chọn của ông, ông chọn cách buông bỏ. Buông bỏ sự đời, buông bỏ tục lụy, một lòng với sự nghiệp mà ông theo đuổi.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ giờ đã ngót trăm tuổi. Bà Hà Tiên, người vợ nhất mực yêu chồng, nể phục tài năng, đạo đức, lối sống của chồng, gắn bó và cùng chồng làm nên một gia đình Hà Nội đúng chất nhất, cũng sống rất thọ so với tuổi trời, nhưng bà đã về với vĩnh hằng cách đây 3 năm. Sự nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ không bởi những tác phẩm đình đám, hay bởi số lượng như những người cùng thời, mà danh tiếng của ông được nhắc đến bởi khả năng sư phạm, người đã đào tạo ra những người nổi tiếng cho cuộc đời.