Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: “Một đời” mơ quê
“Chiến tranh, khói lửa rồi sẽ đi qua. Chỉ có tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu cha mẹ, gia đình… là trường tồn với thời gian” - nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trải lòng với NTNN sau 60 năm thăng trầm lăn lộn với nghệ thuật.
Gần 20 năm gian truân
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ
Sinh năm 1936, tính đến nay đã có khoảng 60 năm lăn lộn với nghệ thuật, đến giờ này, gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ chỉ vẻn vẹn 14 ca khúc. Cũng vì cái tính cầu toàn, kiên định với quan điểm nghệ thuật của mình mà ngót nghét gần 10 năm ông mới có một tác phẩm. Cá biệt “Mơ quê” gần 20 năm mới thành công và nổi tiếng. Cười hiền hậu, nhạc sĩ bảo rằng, những tác phẩm của ông để ra đời và thành công rất gian nan và vất vả, thậm chí chịu điều tiếng trong cái bi hài mà ông không biết phải thanh minh như thế nào.
Tân Nhân, ca sĩ mà tên tuổi gắn với bài hát Xa khơi
Trong bồi hồi và xúc động, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nhớ lại, “Mơ quê” được nhạc sĩ sáng tác năm 1994, và có tên ban đầu là “Nhớ quê”. Để “Mơ quê” đến được với công chúng và tạo được tên tuổi như bây giờ, đứa con tinh thần của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã trải qua 3 lần ra đời khó nhọc và vất vả. Lần thứ nhất, nhạc sĩ cho biết, khi viết xong ca khúc, ông đã đưa cho ca sĩ Đặng Thanh hát và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng không nhận được phản hồi. Lần thứ 2 ông viết theo kiểu mộng ảo, gạt bỏ những tương cà, mắm muối, Xô viết Nghệ Tĩnh và ông lại đặt tên là “Xa quê”. Nhưng rồi lại một sự thất bại tiếp theo, khi ca khúc được ca sĩ Anh Thơ hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam mà cũng không nhận được phản hồi.
Và phải đến 10 năm sau, năm 2010, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ viết lại ca khúc và đặt tên là “Mơ quê”. Lần này, trong ca khúc, chỉ có 2 từ được nhạc sĩ nhắc đến quê mình là chợ Giàng và sông Lam, cùng tiếng gà gáy trong đêm, cánh diều bay trên cánh đồng... Sau khi ca khúc được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ bạn bè, khán giả.
Với ca khúc nổi tiếng “Xa khơi”, ông kể, năm 1957 ông được đi thực tế giới tuyến cùng nhà thơ Lưu Trọng Lư. Ông nhìn thấy cảnh chia ly, khóc than của người dân trên sông Cửa Tử. Ông bà, anh em, vợ chồng, cách nhau mấy bước chân bên này nhìn thấy cảnh khói lửa, sự đàn áp ở bên kia nhưng không thể bước sang giúp đỡ hay làm gì đó được. Nhưng ngay lúc đó nhạc sĩ không viết mà đến năm 1963, sau 6 năm thai nghén, ông viết nên “Xa khơi”. Và nó cũng có số phận long đong. Khi được gửi lên hội đồng kiểm duyệt gồm 4 người thì ca khúc đã ngay lập tức bị gạt ra ngoài bởi không có tính đấu tranh, không thấy ca ngợi công, nông, binh mà chỉ thấy thương nhớ, nhớ thương, rất ủy mị...
“Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã đề nghị tôi sửa lời bài hát nhưng tôi dứt khoát không sửa, bởi âm nhạc nào đi với lời ca đó. Tôi nói rằng, thưa anh, chiến tranh, khói lửa, súng đạn rồi sẽ đi qua, trong khi điều giá trị nhất của văn học nghệ thuật là giá trị mang tính nhân văn và nhân bản. Và em tin chỉ có tình yêu, yêu quê hương, đất nước, yêu Tổ quốc, yêu vợ, yêu con, yêu người yêu… thì mới đọng lại, mới sống mãi với thời gian. Còn nếu thấy không hợp, các anh có thể gạt bài hát đó ra ngoài” - nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nhớ lại.
Yêu dân ca như máu thịt
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh ra trong gia đình Nho giáo, ông nội và bố đều là thầy đồ và rất yêu nghệ thuật, yêu câu ví, giặm Nghệ Tĩnh. Mới chỉ 5 - 6 tuổi, Nguyễn Tài Tuệ đã được cha cho đi theo nghe các cuộc hát ví, giặm trên sông Lam.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ Tôi có được những “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”; “Bài ca gửi Noọng”... là bởi tôi đã tìm hiểu và coi những nét văn hóa của các dân tộc như máu thịt, tình yêu của tôi”. |
Ông kể: “Khi đó, dù bé nhưng nghe câu ví, giặm tôi đã rất thích. Có những đoạn câu đối đượm buồn, tôi đã chảy nước mắt. Khi mẹ tôi biết, bà dặn bố tôi không được cho tôi đi nghe như vậy nữa. Nhưng bố tôi nói: Phải để cho con đi nghe, phải để con cảm nhận nền văn hóa, cái gốc dân gian của cha ông thì sau này con mới trưởng thành, đấy là điều hay. Khóc thế chứ, khóc 10 lần nữa cũng vẫn đưa nó đi…”. Được sống trong bầu không khí ví, giặm ấy, thấm đượm hồn Việt ấy mà mặc dù đỗ Trường Đại học Văn hóa, Nguyễn Tài Tuệ vẫn quyết chí chọn con đường sáng tác để thỏa mãn khát khao nghệ thuật. Nhạc sĩ kể, 18 tuổi ông lên Hà Nội, ông được tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc dân gian khác nhau, ông cảm thấy choáng ngợp và nhìn thấy con đường đi trước mắt của mình rộng mở. “Tôi có được những “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”; “Bài ca gửi Noọng”… là bởi tôi đã tìm hiểu và coi những nét văn hóa của các dân tộc như máu thịt, tình yêu của tôi” – ông tâm sự.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, một nhạc sĩ trước khi sáng tác cần phải là một nhà văn hóa, nếu chưa phải là một nhà văn hóa, thì đừng có sáng tác âm nhạc. Dù ở cái tuổi đã đi gần hết con đường, nhưng nhiệt huyết, đau đáu với âm nhạc khiến khuôn mặt ông như khắc khổ, già nua thêm vài tuổi. Ông nói: “Tôi rất buồn và đau lòng khi hiện tại, các giá trị đạo đức, thẩm mỹ bị đảo lộn, chúng ta không phân biệt được cái đẹp, cái xấu, cái hay và chưa hay”.
Khi hỏi nhạc sĩ, điều gì khiến ông nhớ nhất khi về quê, ông mỉm cười cho hay, bây giờ mỗi khi về quê, điều đầu tiên là lên bờ đê và đứng ngắm dòng sông Lam chảy, nhìn con sông một màu xanh biêng biếc chảy, nước mắt nhạc sĩ lại trào dâng về những ký ức tuổi thơ lại ùa về. Đối với nhạc sĩ, con đê, dòng sông Lam đã gắn bó, thân thương như một người bạn tri kỷ mà cứ hễ đi xa thì thôi khi về lại được gặp gỡ và trò chuyện.
(Nguồn: http://danviet.vn)