Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất: Nhớ Đội Sơn ca đầu tiên

13/06/2013

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua với nhiều cung bậc thời thế thăng trầm, biến động... vậy mà trong ký ức của nhiều thính giả vẫn không thể nào quên những bài hát do Đội Sơn ca trình bày trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam ở “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Nhưng mấy ai biết rằng: một trong số người “hướng đạo” có những đóng góp quý báu rất đáng trân trọng cho thế hệ đầu tiên của Đội Sơn ca là nhạc sĩ “Nguyễn Lân Tuất – con trai trưởng của cố Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân.

Một chiều hè của trung tuần tháng 5 /2013, theo lịch hẹn tại khách sạn ASEAN ở phố Chùa Bộc (Hà Nội), nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất đã dành một tiếng làm việc với nhà báo trước khi ông bay vào thành phố biển Vũng Tàu tìm nơi yên tĩnh ngồi sáng tác tiếp bản giao hưởng đang nung nấu, ấp ủ.

Với tác phong nhanh nhẹn quần bò áo phông như một thanh niên và trò chuyện vui vẻ xởi lởi, không ai có thể nghĩ rằng nhà soạn nhạc nổi tiếng Nguyễn Lân Tuất – người được tặng danh hiệu “Vinh danh nước Việt” năm 2005 và Nghệ sĩ Công huân Cộng hòa Liên bang Nga đã 78 tuổi.

Chất nghệ sĩ “an bần lạc đạo” còn lắng đọng dư âm từ thuở gắn bó âm nhạc thiếu nhi và huấn luyện Đội Sơn ca khiến ông mãi trẻ trung? Ông cười hệt trẻ thơ khi nhắc về những kỷ niệm phơi phới mà đã xa lăng lắc... cách đây 55 năm.

- 15 tuổi, tôi đã tham gia kháng chiến chống Pháp va sau do được cử sang Trung Quốc học sư phạm ở Khu học xá Nam Ninh, rồi trở về nước làm phiên dịch cho đoàn cao xa pháo đầu tiên cua QDND Việt nam. Cũng do say mê âm nhạc, năm 1954 sau khi giải ngũ tôi về làm việc ở Ban Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Cùng trang lứa với tôi ở Đài có nhạc sĩ Mộng Lân, anh về làm biên tập chương trình âm nhạc, rồi làm Phó phòng ca nhạc thiếu nhi.

Tháng 7/1957, Đội Sơn ca được thành lập. Ban đầu có 6 nàng “công chúa nhỏ” tuổi từ 11 – 13: Diệu Thuý, Kim Oanh, Bích Liên, Anh Đào, Lê Trâm, Thuý Mai. Sau đó thêm Trương Thị Thanh Huyền (tức Thanh Huyền), Vũ Dậu...

Tuổi trẻ vô tư, trong sáng, đầu óc luôn “sôi” lên những ý tưởng sáng tạo, không quản ngại khó khăn vất vả trong công phu đào luyện thanh nhạc các thành viên của Đội Sơn ca để đạt hiệu quả lan tỏa trên làn sóng phát thanh quốc gia.

Còn các em trong Đội Sơn ca thì hồn nhiên và xinh tươi như thiên thần, có giọng hát trong veo, nhí nhảnh, vang ngân.

Một trong “giọng ca vàng” của Đội Sơn ca là Thanh Huyền. Cô bé “làng lúa, làng hoa” Đại Yên, Hà Nội đến với nghệ thuật từ rất sớm và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi ca hát thiếu nhi, liên tiếp trong hai năm 1955 và 1956, Giải nhất về hát đơn ca thiếu nhi toàn Thành phố Hà Nội dành cho lứa tuổi 14, 15 và vinh dự được chọn vào biểu diễn cho Bác Hồ.

Lúc đó, tuy phòng thu thanh còn thiếu thốn trang thiết. Tập đến đâu thu thanh đến đấy. Phối cho dàn nhạc có nhạc sĩ Huy Thư và Quang Khải (hai nhạc sĩ này đã mất), phối và đệm piano có nhạc sĩ Hoàng Mãnh.

Quê em bừng sáng (1954), Tấm ảnh Bác Hồ (1956), Em là mầm non của Đảng (1957) của nhạc sĩ Mộng Lân đã trở thành những hát truyền thống “nằm lòng” cho các thế hệ măng non nước Việt. Những bản thu âm đầu tiên: Chim hót đầu xuân của Nguyễn Đình Tấn, Chiếc khăn hồng của Lê Đình Lực và hàng loạt bài hát khác được truyền đi trên làn sóng... Bài hát "Người con gái Việt" (phỏng thơ của nữ sĩ Anh Thơ) và những bài hát thiếu nhi Biển miền Nam - quê hương em, Như một cánh diều, Có con chim thắc mắc của nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất cũng được phổ biến rộng rãi. Đài liên tục nhận được thư của đông đảo người hâm mộ gửi về khen ngợi, động viên.

Nhiều nhạc sĩ nổi tiếng (Văn Chung, Phan Huỳnh Điểu, Hồ Bắc, Hoàng Nguyễn, Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Tuyên...) thường xuyên đến tham dự sinh hoạt với Đội Sơn ca. Có thể nói, Sơn ca là một trong động lực thổi bùng ngọn lửa cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tác thêm nhiều bài hát hay: Bài ca chữ S, Lúa thu của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát; Nếu ai hỏi em, Lượn tròn lượn khéo của nhạc sĩ Văn Chung; Tiến lên đoàn viên, Em được nghe kể chuyện Bác Hồ của nhạc sĩ Phạm Tuyên; Bác Hồ của chúng em, Bức thư gửi má của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Giờ đây, hơn nửa đời nhìn lại sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất có một “sơ kết” thú vị: tạo hóa kể cũng lạ, trong gia đình nổi tiếng của Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân mọi người đều thành đạt ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, riêng tôi lại “nảy nòi” về âm nhạc. Âu cũng là số phận, nên thanh thản đón nhận. Chính thời gian 5 năm làm việc của tôi ở Ban Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và Đội Sơn ca đã khiến cho các anh Đỗ Nhuận và Lưu Hữu Phước phát hiện ra khả năng trở thành nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp nên đã cử chàng Nguyễn nhập “thiên thai” vào Liên Xô (nay là nước Nga) – một cường quốc hàng đầu về âm nhạc thế giới để học tập và thỏa chí sáng tác.

Mỗi lần về nước, gặp lại những thành viên đầu tiên của Đội Sơn ca, nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất đều vui mừng xúc động về tình cảm thầy trò và sự thành danh của họ: Thanh Huyền – Nghệ sĩ nhân dân, Nhà giáo ưu tú Diệu Thúy - Thạc sĩ nghệ thuật, nguyên là Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội, Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Bình - giảng viên ưu tú của khoa thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội...

Các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú vốn là “học trò năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất cũng đều ghi ơn và tự hào về người thầy đã góp phần đào tạo khuyến khích, nâng đỡ tài năng từ thuở ban đầu “tập bay chuyền bay bổng” trong Đội Sơn ca.

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...