Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Trần Tiến sinh ra để... du ca

14/08/2015

"Du ca là phương thức, là bản chất của Trần Tiến. Tiến viết về đời sống rất riêng, Tiến viết về người bán vé số, những cô gái điếm, những người mẹ,… đều rất hay và sâu sắc. Tôi nghĩ, có thể những chuyến đi, sự lăn lộn với đời sống đã mang cho Tiến những điều đó, nhưng cũng có thể Tiến sinh ra là để hát và viết về những điều như vậy" - nhạc sĩ Nguyễn Cường nói về bạn mình.

- Ông mới tham gia cố vấn cho chương trình “Du ca Việt”. Ông đánh giá thế nào về những người du ca ở thế kỷ 21?

- Tôi cho rằng, người hát xẩm chính là người du ca truyền thống của Việt Nam. Người du ca truyền thống phải có sự lang thang, và hình ảnh một nghệ sĩ với một cây đàn giản dị nay đây mai đó, đi khắp nơi để hát đã in hằn lên bao thế hệ người Việt.

Du ca thống trị nhân loại kể từ khi có việc hát, bởi hát là cách con người bộc lộ đời sống tinh thần của mình, ngay từ khi được “khai sinh” và duy trì đến hôm nay.

Ở Việt Nam, tinh thần du ca đó đã thấm vào các nhạc sĩ sau này, từ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn đến Trần Tiến và bây giờ là Lê Minh Sơn. Tôi gọi 4 nhân vật Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến và Lê Minh Sơn là 4 đại diện tiêu biểu của du ca Việt, và tôi cho rằng đó là những cột mốc nối tiếp rất tiêu biểu của du ca Việt Nam.

- Việc Lê Minh Sơn và Du ca Việt làm được hẳn sẽ là rất lớn. Nhưng con đường của Lê Minh Sơn đi trong âm nhạc, thì chưa hẳn là con đường của một kẻ du ca, thưa ông!

- Nếu người ta gọi Trần Tiến là “kẻ du ca cuối cùng của thế kỷ 20”, sang thế kỷ 21 mọi thứ đã khác đi, công nghệ khác, phương tiện khác, cách người ta du ca sẽ khác. Có thể, những người du ca ở thế kỷ 21 không cầm đàn đi lang thang nữa, nhưng hình thái du ca vẫn tiếp nối. Các vấn đề Lê Minh Sơn đặt ra trong Du ca Việt rất đời thường, tôi cho rằng rất đáng ủng hộ. Thậm chí, nó sẽ là tầm cao hơn những người du ca ở thế kỷ trước, bởi vì những người kia mang giọng hát của mình đến và quần chúng là người thụ động nghe, còn chương trình này, mang những giọng hát tinh hoa của đất nước, cùng giao lưu du ca với cộng đồng. Dù, Lê Minh Sơn đang làm công việc của một nhà sản xuất chứ không phải của một nhạc sĩ.

Trần Tiến sinh ra để... du ca

- Ông có một người bạn rất thân là nhạc sĩ Trần Tiến - “người du ca cuối cùng của thế kỷ 20”. Theo ông, con đường du ca, sự kiếm tìm của bạn mình trong việc hòa mình vào đời sống của nhiều tầng lớp người trong xã hội, đã mang đến cho cuộc đời và âm nhạc của Trần Tiến những điều gì?

- Du ca là phương thức, là bản chất của Trần Tiến. Tôi và Dương Thụ hay đùa gọi Trần Tiến là “ông hoàng nhạc pop Việt Nam”. Bản thân nhạc pop đã có tính du ca rồi, vì đó là âm nhạc của số đông, rất gần gũi với đời sống của mọi người. Mà Trần Tiến viết về đời sống đó rất riêng, Tiến viết về người bán vé số, những cô gái điếm, những người mẹ,… đều rất hay và sâu sắc.

Còn âm nhạc của chúng tôi, dù có đặt ra các vấn đề đó, nhưng tất cả đều khác cách Trần Tiến đặt vấn đề. Hay như trong âm nhạc của Phó Đức Phương, dù có tính dân gian đậm đặc, nhưng những vấn đề anh ấy đặt ra trong tác phẩm của mình vẫn có gì đó rất cao vời.

Tôi nghĩ, có thể những chuyến đi, sự lăn lộn với đời sống đã mang cho Tiến những điều đó, nhưng cũng có thể Tiến sinh ra là để hát và viết về những điều như vậy.

- Là bạn từ thời trẻ, ông đã bao giờ ông tham gia vào nhóm du ca của bạn mình!?

- À, nhóm du ca đầu tiên Tiến khởi xướng có tôi, Trần Tiến và Thanh Hoa (NSND Thanh Hoa) đấy. Khi đó là khoảng đầu những năm 70. Chúng tôi đã thử, đã đi hát rồi đấy chứ, nhưng hình như cái mệnh nó khác, nên chúng tôi không cùng nhau được. Sau này thì Trần Tiến tự tìm những người bạn khác và tạo ra nhóm Du ca Đồng nội. Nên tôi cho rằng Trần Tiến đích thực là người du ca đấy.

- Trần Tiến đã gặp không ít những trắc trở trong hành trình du ca của mình. Ông có sự so sánh thế nào về con đường mà Lê Minh Sơn đang đi?

- Con đường của Trần Tiến là cuộc tìm kiếm độc hành, còn con đường của Lê Minh Sơn đang làm có cả một ekip đứng sau, có cả một Hội nhạc sĩ hỗ trợ. Người trẻ có lợi hơn các thế hệ khác là vậy.

Tôi chơi với Tiến không với tư cách là một người bạn cùng du ca, nên những trắc trở Tiến gặp phải, tôi cho rằng mình không thể biết mà hiểu hết được.

- Nhưng còn chuyện này, ông có biết, nhạc sĩ Trần Tiến đã từng muốn tổ chức lại một chương trình du ca của riêng mình chưa?

- Tôi nghĩ âm nhạc của Tiến không thể làm theo kiểu đại chúng theo kiểu truyền hình thực tế được, vì đó vẫn là cuộc du ca của một cá nhân, là một hành trình đơn độc.

Thứ chúng ta có thể tự hào chỉ có mỗi dân ca

- Nhóm “tứ quái Hà Nội” (Trần Tiến - Phó Đức Phương - Nguyễn Cường - Dương Thụ) của ông, mỗi người đều sử dụng rất thành công chất liệu âm nhạc dân gian trong tác phẩm của mình. Ở một mặt nào đó, nó cũng nên được coi là cách các ông đã “du ca” qua những vùng đất khác nhau. Ông chia sẻ thế nào về những vốn liếng mà mình thu lượm được từ nhân dân, trong những cuộc du hành khắp các vùng quê Việt?

- Trước hết tôi xin nói, âm nhạc Việt của mình, nếu có thể đi giao lưu với thế giới, nếu có thể tự hào thì đó chắc chắn chỉ là dân ca thôi. Trong âm nhạc chỉ có ba thứ: nhạc bác học (giao hưởng, nhạc kịch) chúng ta chắc không sánh được với phương Tây; nhạc Pop chúng ta vẫn còn đang học hỏi mấy anh Hàn Quốc mà chưa tới thì nói gì chuyện so sánh với châu Âu; và dân gian. Tôi có thể nói dân gian của Việt Nam xếp vào loại bậc nhất trong sự so sánh với thế giới. Ta phải hình dung, Việt Nam là đất nước cảng biển, chúng ta thu hồi được tất cả những nhịp điệu sống, những hồn hậu từ biển, và tạo nên những điều đẹp đẽ trong nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Vì vậy, những gì chắt lọc từ dân gian Việt, tôi đều thấy nó vô cùng độc đáo.

- Một người như ông đã học được gì từ dân gian?

- Cả đời tôi, tôi chỉ học từ dân gian, mà chắc chắn không bao giờ học hết. Các tác phẩm Việt Nam, từ khi có nhạc mới đến bây giờ, chưa có tác phẩm nào sánh được với dân gian đâu, về tất cả mọi phương diện, từ kỹ thuật đến ca từ. Và ngược lại, các tác phẩm hay ở Việt Nam đều mang màu sắc điển hình chắt lọc từ dân gian. Nên tôi đã từng nói, Đỗ Nhuận là thiên tài của Việt Nam, vì ông biết đứng lên vai "người khổng lồ" là dân ca Việt Nam.

Còn tôi chỉ là người đi học, tôi viết được cái gì thì cũng là sự chắt lọc từ những điều cha ông đã viết.

- Nhưng ông nói: “Nhạc pop chúng ta học mấy anh Hàn Quốc còn chưa tới thì nói gì chuyện so sánh với châu Âu”, nói vậy, các nhạc sĩ trẻ sẽ… giận đấy!

- Giận không sao, phải nói cho họ biết để đừng có vội… hoắng. Đừng có vội tự vỗ ngực ông hoàng nọ, ông hoàng kia, không ổn.

- Cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Cường!

(Nguồn: http://dep.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...