Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Nếu không có dân ca tôi không làm được gì hết
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhạc sĩ Nguyễn Cường vẫn nhanh nhẹn và trẻ trung như thanh niên, vẫn quần jeans, áo kaki, vẫn nụ cười khà khà quen thuộc, nói nhanh và đi lại cũng nhanh. Ông bảo đã bán đi chiếc ô tô cổ từ mấy năm nay rồi, giờ đi lại bằng taxi với xe buýt.
Trong căn nhà nhỏ nằm trên phố Hàng Bạc, treo kín tường là tranh với tranh, trong đó có một bức cực kỳ ấn tượng mà hỏi ra mới hay do chính tay ông vẽ.
Thừa giấy vẽ... tranh!
PV: Ô, nhạc sỹ Nguyễn Cường vẽ cả tranh cơ đấy, bất ngờ quá!
Nhạc sĩ Nguyễn Cường: À, có nhưng mới hứng chí vẽ đúng mấy cái thôi, cách đây cũng phải 13 năm rồi, từ đấy trở đi tôi tuyệt nhiên không bao giờ vẽ nữa.
Sao thế, tôi thấy ông vẽ đẹp mà, có tài hẳn hoi chứ chẳng đùa?
Tài cán gì đâu, loăng quăng ấy mà, nhưng được cái nhiều người xem xong cứ bị ấn tượng thế (cười).
Thế duyên cớ nào mà ông lại có cái lần đầu tiên loăng quăng cầm cọ đấy?
Thì tôi thích tranh mà, ai đến nhà cũng thấy tôi treo tranh khắp nhà, toàn tranh bạn bè vẽ tặng. Tự dưng một lần thích vẽ, thế là đi mua cọ, mua màu với toan về vẽ, mà mua toàn đồ “xịn” hẳn hoi. Vẽ xong có thằng bạn làm họa sĩ đến nhà chơi, đến nơi không nói năng gì cả cứ thế tịch thu tất cả toan, sơn dầu với các dụng cụ vẽ của tôi mang về. Nó bảo: “Đồ dở hơi, đừng làm trò khỉ, ông chỉ nên tập trung vào viết nhạc thôi ông nhạc sĩ của tôi ạ, việc vẽ kia để tôi làm”. Thấy nó nói cũng đúng, mình vẽ vớ vẩn thì được chứ không nên sa đà.
Tôi thấy người ta hay làm việc khác thường khi có sang chấn về tâm lý, không thì cũng phải cực kỳ phấn chấn. Kiểu như ông đang viết nhạc tự dưng “dở chứng” vẽ thì thuộc dạng nào?
Có sang chấn gì đâu, tôi vui vẻ mà, chắc là phấn chấn (cười). Người ta bảo thừa giấy vẽ voi, mình không vẽ voi mà viết nhạc, viết nhạc mãi cũng mệt, thử vẽ một tý xem thế nào thôi, nhưng mà mới vẽ được đúng một lần đã bị tịch thu “đồ nghề” rồi nên thôi luôn.
Thế đã có ai đến nhà thấy thích quá rồi hỏi mua tranh của ông chưa?
Không, sao mà họ dám hỏi mua, hỏi tôi bảo giá triệu “đô” thì ai mà dám mua cơ chứ (cười).
Đặt hàng mà có tiền thì cũng tốt!
Dạo này ông đang mải mê viết gì thế, thấy trên bàn dưới ghế toàn “list” nhạc là nhạc?
À thì tôi đang viết nhạc. Trong sáng tác của tôi có 2 mảng rất lớn là dân ca các dân tộc Tây Nguyên và dân ca đồng bằng Bắc bộ. Tôi là người mà nếu không có dân ca thì không làm được gì hết. Tôi đang viết với dựng nốt liên khúc Thị Màu dựa trên chất liệu chèo. Thú vị lắm, từ việc Thị Màu đẹp thế nào, tự sự ra sao, là niềm ước mong và nỗi khao khát của nhiều người cho đến việc Thị Màu về quê ở Thái Bình, dẫn mọi người đi chơi Festival Huế rồi mặc quần jeans nhảy rock trên sân khấu. Thật ra tôi viết liên khúc này xong lâu rồi mà chưa dựng hết được, thành ra cứ bị ám ảnh mãi.
Hà cớ gì mà cái cô Thị Màu này lại ám ảnh ông suốt bao nhiêu năm qua thế?
Vì tôi thấy Màu đẹp, người con gái đẹp nhất Việt Nam suốt mấy nghìn năm qua đích thực là Màu chứ ai. Các cụ xưa thâm thúy thật, đặt tên nhân vật là Thị Màu, chữ “Màu” trong “màu mỡ” đã đủ thể hiện vẻ đẹp đặc trưng của người con gái sinh ra trong một đất nước có nền văn minh lúa nước, lại khát sống và khát yêu. Lịch sử thì có rất nhiều nữ anh hùng đáng kính, tôi kính nể và tôn thờ những người phụ nữ kiên cường ấy nhưng mà yêu thì lại yêu Thị Màu (cười).
Dân ca quan họ, hợp xướng... rồi lại cả chèo, chưa kể ông sáng tác cho không biết bao nhiêu địa danh rồi, kể ra địa hạt âm nhạc của Nguyễn Cường cũng… phức tạp phết nhỉ?
Đi khắp đất nước thì nơi nào cũng có vùng văn hóa mà tôi luôn muốn “đột nhập” mà. Với lại người ta “đặt hàng” thì mình viết. Đấy là công việc của tôi mà.
Thế để “đặt hàng” ông sáng tác có dễ không, hay là có… tốn kém lắm không?
Trước hết là tôi phải thích đã. Nói chung thích hay không rất quan trọng. Chứ viết thì không khó, vì chỉ có những người lười biếng và bất tài mới không thấy được cái hay cái đẹp của cuộc đời này. Đến cái lá héo rơi từ trên cây xuống mà người có tâm hồn cũng sẽ thấy đẹp. Nói chung 99% các sáng tác của tôi là viết theo đơn đặt hàng. Có đơn đặt hàng chỉ là một lời gợi ý viết cái này, cái kia đi chứ không có kinh phí gì cả, mình thấy hay thì viết. Đừng nghĩ cứ đặt hàng là tiền. Đương nhiên, đặt hàng mà có tiền thì vẫn tốt (cười).
Thợ tóc... phát khóc vì tôi!
Có 3 thứ tôi thấy ông hình như không bao giờ có ý định thay đổi trong suốt bao nhiêu năm qua, ấy là mũ, bộ ria với kính?
Đúng rồi, tôi chẳng định thay đổi 3 thứ ấy, chúng mặc định với Nguyễn Cường rồi. Mũ cao bồi thì tôi được tặng nhiều lắm, ria với tóc thì tôi tự cắt nên hơn nửa thế kỷ nay thợ cắt tóc không lấy được đồng nào của tôi cả. Cắt dễ mà có gì đâu, xoẹt 2 nhát kéo là xong, thợ tóc…phát khóc với tôi luôn (cười). Tôi mà thay đổi thì nhiều người cũng không thích ấy chứ. Có bận đi ở trên đường quên không đội mũ, mấy bà mấy cô chạy thể dục ven sông mới bảo: “Yêu cầu đội mũ”. Rồi có lần đi ra sân bay, mấy anh hải quan bảo “đề nghị chú đội mũ vào cháu mới công nhận chú là Nguyễn Cường” (cười).
Thế đã có cô nào thổ lộ họ thích ông vì mấy thứ ấy chưa?
Ôi chuyện phụ nữ thì tôi không thích nói đâu, khó nói lắm (cười). Nhưng mà nói gì thì nói, mình là đàn ông, nếu được phụ nữ khen thì mới tin, còn đàn ông khen nhau thì sao mà tin được, đàn ông không có đủ tư cách khen nhau (cười).
Nhưng mà quả thực tôi thấy ông hiếm khi sáng tác tặng cô nào?
Thật ra tôi chẳng sáng tác tặng cô nào cả, chỉ có duy nhất một bài tặng bà xã là “Một nét ca trù ngày xuân” từ lâu lắm rồi thôi. Ngày đó thì sáng tác ngay tại trận, khi cả hai đang yêu nhau, nàng 18 còn tôi thì mười chín đôi mươi. Hồn nhiên lắm, thích thì viết chơi thôi chẳng “âm mưu” gì cả.
Đúng là Nguyễn Cường hồn nhiên thật!
Cuộc đời này tôi thích nhất câu nói: “Con người sinh ra chỉ có mỗi một nhiệm vụ là vui vẻ chấp nhận định mệnh”. Hết. Tôi biết câu đó từ năm 1976 và càng ngày thấy càng quá đúng. Ai sống ở cuộc đời này cũng coi như được cấp một cái “visa”, hết hạn thì chuyển sang thế giới khác mà. Sao lại không vui chứ.
Ông có thấy mình có biệt tài đem lại niềm vui cho người khác không?
Tôi không thích buồn mà. Có lần trả lời phỏng vấn, tôi bảo: “Nỗi buồn đối với tôi cũng là một giá trị, tôi kính trọng nỗi buồn nhưng không xài nó”. Đọc xong, Trần Tiến chạy đến nói với tôi: “Cường ơi, ông kính trọng tôi đi!”.
Giờ mà chạm đến tuổi tác, ông có giật mình không?
Chẳng có gì giật mình cả, tuổi tác cũng có nghĩa lý gì đâu. “Visa” thì được cấp sẵn rồi, có ông sống cả trăm tuổi vẫn còn được gia hạn, có ông ba mươi mấy tuổi đã hết. Mình cứ vui vẻ cho đến khi nào hết “visa” thì thôi (cười).
- Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của ông!
(Nguồn: An ninh Thủ Đô)