Nhạc sĩ nghĩ gì trước thềm đại hội IX
Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ IX đang cận kề. Không khí náo nức trong những ngày đại hội cơ sở diễn ra tại các khu vực trong toàn quốc như báo hiệu một đại hội đoàn kết, sáng tạo sẽ thành công. Hòa trong niềm vui ấy, phóng viên Tạp chí Âm nhạc Việt Nam đã phỏng vấn một số nhạc sĩ “gạo cội”, các vùng miền.
Sau đây là ý kiến các nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn và phu nhân
Phóng viên: Thưa nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra đại hội toàn quốc Hội nhạc sĩ việt Nam lần thứ IX, là một nhạc sĩ lão thành từng tham gia nhiều kỳ đại hội, ở đại hội nào nhạc sĩ cũng có những ý kiến đóng góp, xin nhạc sĩ cho biết ý kiến của ông trong đại hội tới.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn: Tôi muốn nói rằng: “Khi nào thấy sáng tác khó thì khi đó mới là âm nhạc, các nhạc sĩ muốn thành công phải lăn lộn, tìm tòi sáng tạo, học hỏi phải biết xả thân cho nghệ thuật, xông vào những khó khăn trong cuộc sống thì mới sản sinh ra được những tác phẩm hay, có khí thế có tình cảm, âm nhạc như hồn cốt của tinh thần không thể cứ chạy theo xu hướng vật chất, tiền bạc mà có được. Đặc biệt theo quan điểm của tôi âm nhạc là phải học, không thể chỉ cầm cây đàn gieo mấy nốt là có thể trở thành nhạc sĩ, sáng tác ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật được”.
Nhạc sĩ Chu Minh
Thưa, GS- Nhạc sĩ Chu Minh, nhạc sĩ có điều gì muốn nói trong Đại hội tới:
GS – Nhạc sĩ Chu Minh: Tôi đang rất hồ hởi, phấn khởi cùng các nhạc sĩ bước vào đại hội IX, tôi mong muốn Đại hội sẽ bầu ra được một Ban chấp hành năng động, đoàn kết, sáng tạo với các thành viên lãnh đạo trẻ có sức khỏe, có năng lực, trí tuệ để đưa nền âm nhạc Cách mạng tiến mạnh và cởi mở hơn nữa.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát
Xin GS – Nhạc sĩ Vĩnh Cát chia sẻ mong muốn của ông đối với đại hội lần này.
GS - Nhạc sĩ Vĩnh Cát: Tôi mong anh em trong Hội hết sức gắn bó đoàn kết sâu rộng, từ những nhạc sĩ già tới các bạn trẻ, giữa các địa phương với nhau, không xảy ra tình trạng định kiến. Chủ tịch cùng Ban chấp hành khóa mới cố gắng chăm lo cho các hội viên, nhất là lớp hội viên trẻ; mới, cả về phẩm chất chính trị, phong cách âm nhạc, đặc biệt quan tâm đến linh hồn âm nhạc dân tộc trong mỗi nhạc sĩ. Cố gắng làm sao để âm nhạc của chúng ta làm phong phú thêm cho âm nhạc thế giới, không để âm nhạc thế giới chi phối.
Nhạc sĩ Hoàng Dương
Nhạc sĩ Hoàng Dương, là một trong những hội viên kỳ cựu của Hội, nhạc sĩ có thể cho biết những tâm tư của mình đóng góp với nhiệm kỳ IX?
Nhạc sĩ Hoàng Dương: Tôi mong muốn nhiệm kỳ tới Ban chấp hành cố gắng cân đối giữa khí nhạc và thanh nhạc cho đồng đều, nên có định hướng với thái độ kiên quyết, chủ định rõ ràng không nên để nền âm nhạc tự phát và tùy tiện, thả nổi trong công chúng và giới thông tin truyền thông, nên quan tâm hơn đến lĩnh vực biểu diễn. Ban chấp hành nhiệm kỳ vừa qua đã cố gắng nhưng cũng chưa làm cho nền âm nhạc của chúng ta phát triển lành mạnh được như nhiều nước trong khu vực.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường
Nhạc sĩ Nguyễn Cường, khi nào gặp anh thấy phong cách nhanh nhẹn, vui tươi của anh là mọi mệt mỏi của người đối diện hầu như tan biến. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX ngày hội của giới nhạc sĩ đang rất gần, anh có thể cho biết những mong muốn, nguyện vọng của mình với Đại hội và Ban chấp hành nhiệm kỳ tới?
Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Tôi mong làm sao khi các nhạc sĩ cầm lá đơn xin gia nhập Hội có cảm xúc như tôi ngày xưa. Hội là nơi thiêng liêng, cao quý của giới Âm nhạc. Cách đây 50 năm từ khi cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn làm Tổng thư ký, mỗi lần đi ngang qua tòa nhà 51 Trần Hưng Đạo niềm ước mơ cháy bỏng của tôi là được bước chân vào nơi đây, được trở thành hội viên của Hội nhạc sĩ, được học hỏi, nói lên tiếng nói bằng ngôn ngữ âm nhạc của mình. Đây là niềm vinh dự rất lớn của anh em hội viên... Thật đáng tiếc, ngày nay sức hút của Hội đối với nhiều nhạc sĩ trẻ, tài năng không còn lấp lánh như với chúng tôi ngày xưa (?).
Với các Giải thưởng Âm nhạc tôi mong có sự lựa chọn khắt khe, thực sự phải vì giá trị nghệ thuật chân chính, tìm ra dù rất ít những tác phẩm nhưng có giá trị để dàn dựng thu thanh và trao giải, làm sao các tác phẩm đạt giải phải được vang lên và đến được với khán, thính giả tránh dàn trải quá nhiều giải thưởng rồi lại cất vào kho... Đại hội tới tôi cũng mong muốn bầu ra một Hội đồng nghệ thuật, khoảng năm người là những nhạc sĩ có chuyên môn vững về khí nhạc, Hội đồng nghệ thuật phải là cơ quan đầu não chỉ đạo mọi hoạt động của Hội, của Ban Chấp Hành về chuyên môn, có được như vậy mọi hoạt động mới đi đúng quỹ đạo.
Nhạc sĩ Vũ Văn Viết
Nhạc sĩ Vũ Văn Viết chuẩn bị về dự đại hội đại biểu Hội nhạc sĩ Việt nam lần này nhạc sĩ đang có nhiều tâm sự, Tạp chí Âm nhạc muốn ông chia sẻ những cảm xúc ấy của mình vào ngày hội của giới nhạc sĩ tới đây?
Nhạc sĩ Vũ Văn Viết ( Phú Thọ): Tôi rất vui được tham dự cùng ngày hội của các nhạc sĩ trong toàn quốc, nhân dịp này tôi mong Ban chấp hành khóa IX chỉ đạo đổi mới cách thức quản lý, mọi thông báo về các hoạt động của Hội như xin hỗ trợ đầu tư sáng tác, về tác phẩm dự giải thưởng âm nhạc, về dự các trại sáng tác... phải được thông báo công khai, rõ ràng hơn tới các hội viên cho các nhạc sĩ nhất là các tỉnh xa Trung ương nắm bắt được tinh thần của Hội, thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ hội viên của mình.
Đại hội cũng nên chú ý hơn tới các vùng miền, khu vực khác nhau cho các địa phương chọn lựa những người có đủ các yếu tố như: sức khỏe, trí tuệ, năng lực chuyên môn... để bầu vào Ban chấp hành tới. Tôi cũng mong Ban chấp hành nhiệm kỳ tới quan tâm sâu sắc và có chủ trương tới việc thành lập các Chi hội địa phương cho các tỉnh chưa có Chi hội âm nhạc trong cả nước...Mong rằng tất cả các tỉnh trong toàn quốc đều có các Chi hội âm nhạc.
Nhạc sĩ Thế Phùng
Nhạc sĩ Thế Phùng, nhạc sĩ là nguời rất tâm đắc với âm nhac dân gian trong các sáng tác của ông cũng đã thể hiện rất rõ điều đó, về dự Đại hội đại biểu toàn quốc nhạc sĩ có ý kiến gì trong Đại hội khóa IX?
Nhạc sĩ Thế Phùng(Quảng Ninh): Dựa vào quỹ đạo chính thống, theo các bậc tiền bối là những bài hát đi cùng năm tháng, luôn sáng tạo, kế thừa và phát huy âm nhạc dân gian, vì Âm nhạc dân gian đã đi vào lòng người và được thế giới công nhận là di sản như Ca trù, hát văn, hát xoan, dân ca... Các nhạc sĩ như Nguyễn Cường, Phó Đức Phương ... đã tiếp thu chọn lọc âm nhạc tiến tiến trên thế giới để hòa vào âm nhạc dân tộc. Về vấn đề này tôi mong được trao đổi kỹ trong Đại hội tới.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên là nhạc sĩ miền Nam sắp tới anh sẽ tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc, xin anh cho biết những cảm nghĩ, nguyện vọng của mình về Đại hội lần này.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên (TP Hồ Chí Minh): Tôi rất vui khi thấy Ban Chấp hành nhiệm kỳ VIII đã thực hiện được nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc khóa VIII đề ra. Ngoài ra còn tạo được sự hội nhập với thế giới qua sự thành công của Liên hoan Âm nhạc mới Á - Âu trong năm 2014. Trước thềm đại hội, tôi mong muốn Ban chấp hành khóa IX sẽ làm tròn sứ mệnh trong nhiệm kỳ mới. Tôi nghĩ BCH nên quan tâm hơn nữa đến việc phổ biến tác phẩm của hội viên qua các chương trình biểu diễn cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó nên có sự hỗ trợ cho các nhạc sĩ thực hiện các album của mình để các tác phẩm được vang lên, đến với công chúng yêu nhạc. Làm việc với các cấp lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước để hỗ trợ kinh phí cho các Chi hội tổ chức nhiều hoạt động âm nhạc đa dạng và phong phú, tôi nghĩ, đó cũng là điều thiết thực mà BCH mới nên quan tâm.
Nhạc sĩ Lê Nghiệp
Xin chào nhạc sĩ Lê Nghiệp, là một Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc Sĩ Việt Nam khóa VIII đại diện khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhạc sĩ có thể cho biết nhận định của mình về nhiệm kỳ vừa qua và những hy vọng đối với nhiệm kỳ tới.
Nhạc sĩ Lê Nghiệp (Cần Thơ): Với tôi nhiệm kỳ VIII thực sự có nhiều ý nghĩa, các nhạc sĩ trong Ban chấp hành đoàn kết vui vẻ, tình cảm, chia sẻ rất chân thành trong công việc sáng tạo nghệ thuật, phát triển âm nhạc của thời kỳ mới... Đặc biệt nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân vị Chủ tịch đầu tầu năng động, chủ trì thực hiện nhiều công việc, là những việc rất khó, lái con tàu của Hội theo đúng định hướng cả về tư tưởng chính trị, chuyên môn nghề nghiệp, chính sách đối nội, đối ngoại... Kỳ vọng của tôi là đại hội tới sẽ chọn lựa được anh em có “tầm cỡ”, năng lực chuyên môn vững đáp ứng được nhu cầu của các nhạc sĩ, có hướng đầu tư cho lực lượng trẻ sôi nổi để Hội của chúng ta phát triển ngày càng phồn thịnh.
Tạp chí Âm Nhạc Việt Nam xin cảm ơn tất cả những chia sẻ và ý kiến đóng góp rất chân thành của các nhạc sĩ. Chúc các nhạc sĩ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và có nhiều sáng tạo. Chúc Đại hội Hội nhạc sĩ Việt Nam khóa IX thành công.