Nhạc sĩ Minh Quang: Im lặng phía sau bài hát

31/10/2016

Nhớ một lần ngồi với Minh Quang, nghe anh kể về những chuyến đi thực tế sáng tác ngoài hải đảo, anh bảo, thường thì sau cơn bão, mặt biển trở nên yên tĩnh lạ thường. 

Biển và những người lính đã mang cho anh bao niềm xúc cảm, để anh có thể viết những ca khúc nổi tiếng như "Bài ca biển", "Cây đàn ghi ta một dây". Hôm nay, ngồi với anh, sau cơn ốm nặng, cơn tai biến lấy đi của anh nhiều phần sức khỏe, tôi có cảm giác anh giống như mặt biển sau bão, tĩnh lặng hơn, chậm rãi hơn.

Minh Quang khoe, NXB Âm nhạc vừa làm cho anh một cuốn sách. Đó là một tuyển tập gồm 81 ca khúc chọn lọc của anh. Một đời cầm bút sáng tác, tác phẩm thì nhiều lắm, nhưng để in một cuốn sách, thì con số 81 là đủ. 

Lần giở từng trang sách, thấy hiển hiện tình yêu cuộc sống, tình yêu dành cho những người lính của người nhạc sĩ. Thấy cảm phục sức lao động của anh, người nghệ sĩ luôn đau đáu với các vấn đề của thời đại, chưa bao giờ muốn bị rớt lại phía sau thời đại mình đang sống.

Minh Quang chầm chậm kể lại những kỷ niệm thời tuổi trẻ đầy mùi súng đạn của mình. Và ký ức lớn nhất trong anh chính là những năm tháng lăn lộn "ba cùng" với đồng đội, với nhân dân, hết hải đảo rồi biên giới. Bạn bè sợ cơn tai biến bất ngờ có thể sẽ lấy đi của anh những ký ức tươi đẹp hào hùng ấy. 

Minh Quang bảo: "Trời còn thương mình, vẫn cho phép mình giữ lại những kỷ niệm về một thời không thể lãng quên đó. Nhìn ra, một vài anh em bạn bè, sau một cơn tai biến, ký ức như bị xóa, đến tên bạn cũng không thể gọi cho đúng. Mình thì vẫn nhớ được tất cả. Điều đó là quá tuyệt diệu. Thử nghĩ mà xem, ở tuổi như mình, còn điều gì đáng giá hơn những ký ức đẹp. Ký ức đẹp là thứ luôn gọi mình ngoái lại, nhìn ngắm, suy ngẫm, để hiểu thêm về giá trị của hiện tại, của những ngày mình đang sống hôm nay. Quá khứ không đi khỏi tâm trí mình, nghĩa là tương lai và hiện tại vẫn còn có thể đẹp hơn. Vì quá khứ là tấm gương soi mà".

Chậm hơn một chút, nhưng Minh Quang vẫn luôn đầy hóm hỉnh, triết luận. Anh vốn thế, sâu sắc một cách tự nhiên. Sâu sắc mà không khoa trương, không ồn ào bao giờ. Nên mới có chuyện, ở một vài cuộc vui chơi, đám bạn không thân không sơ thích thú sự hóm hỉnh của Minh Quang, và cũng chỉ biết anh làm công việc sáng tác nhạc. 

Rồi một hôm anh hát cho họ nghe Hoa sim biên giới, Anh lính tình nguyện và điệu múa Áp-sa-ra, Cây đàn ghi ta một dây, Sông Lô chiều cuối năm, Hoa ban, Chiếc lá nhỏ... thì họ ồ lên, sao chúng tôi giờ này mới biết ông là tác giả của những bài hát này nhỉ. Những bài hát này đã ám vào đầu óc, tâm trí chúng tôi cả một thời tuổi trẻ. 

Chúng tôi nghe và thuộc giai điệu của từng bài. Và cứ ngỡ tác giả bài hát phải ở đâu đó xa xôi lắm. Đâu biết người viết những giai điệu đó uống bia với chúng tôi hằng ngày, tán gẫu với chúng tôi hằng ngày...

Minh Quang là kiểu nhạc sĩ như vậy. Kiểu nhạc sĩ luôn đứng sau, thậm chí đứng cách xa bài hát của mình. Anh xa lạ với công chúng hơn là những bài hát của anh. Anh không khi nào dùng bài hát để giới thiệu mình. 

Bài hát sinh ra từ trang giấy trên bàn làm việc của anh, rồi nó tự do sống cuộc đời của nó, và chỉ khi nào cần, bài hát sẽ tự giới thiệu anh với công chúng. Đối với Minh Quang, khán giả nhớ bài hát của anh là đủ, khán giả có thể quên anh đi.

Điều này trong đời sống âm nhạc hiện nay có chút gì hơi trái khoáy. Có không ít trường hợp trong nghệ thuật ta thấy, là tác giả thì nổi danh hơn tác phẩm. Không ít người lấy tần số xuất hiện của mình trên truyền thông làm chiếc áo nổi tiếng. 

Và họ được đám đông biết mặt, biết tên, được ngưỡng mộ. Nhưng khi nhắc đến tác phẩm, người ta không thấy có gì "quen tên quen mặt" cả. Đơn giản những thứ họ viết ra là quá xa lạ với công chúng, không tìm được sự chia sẻ của công chúng. 

Trong không ít trường hợp, bản thân người làm nghệ thuật phải "chiềng" mặt ra làm trang sức cho tác phẩm của mình. Họ nổi tiếng trước, rồi tác phẩm của họ "ăn theo".

Nhưng tôi vẫn luôn nghĩ rằng, một người sáng tạo phải lớn hơn tác phẩm của họ, ở chỗ, họ thì muốn vô danh, còn tác phẩm của họ thì lan tỏa, và có sức ảnh hưởng lớn lao đến cộng đồng. Tất nhiên, một khi tác phẩm có ảnh hưởng lớn lao, thì người nghệ sĩ làm sao vô danh được. Tên của họ đi cùng tác phẩm của họ mà. 

Nhưng ở đây, ý của tôi là, tác phẩm phải đi trước người nghệ sĩ. Anh ta cố gắng đừng hiện ra khắp nơi, ba hoa bằng lời để lấy danh. Anh ta phải giới thiệu mình bằng tác phẩm. Thậm chí phải biết lùi lại thật xa phía sau để tác phẩm tự sống trong số phận của chính nó. Rồi đến một lúc nào đó, tác phẩm đủ tầm vóc, nó sẽ trở thành tầm vóc của anh.

Tôi không định nói điều gì to tát về Minh Quang. Nhưng tôi đang cảm nhận về Minh Quang ở góc độ như vậy. Anh là người không định làm cho mình trở nên nổi bật ở bất cứ đâu. Cũng ít khi thấy anh phát ngôn, tuyên ngôn điều này điều kia. Tìm thông tin về anh trên Google rất khiêm tốn. 

Những bài báo viết về anh cũng không nhiều. Nhưng nếu để ý số lượng ca khúc anh sáng tác và số lượng các ca khúc nổi tiếng, làm mưa làm gió một thời trong âm nhạc của anh, thì anh không hề xoàng. Minh Quang là người nhạc sĩ có ngoại hình bé nhỏ, chỉ luôn chực lẫn vào đám đông, nhưng anh không hề bé nhỏ trong âm nhạc.

Minh Quang viết nhiều ca khúc về đề tài người lính, anh vốn là nhạc sĩ quân đội. Nhưng tất cả sự quan tâm của anh với đời sống âm nhạc thì không chỉ là đề tài người lính. Anh nhớ những chuyến lênh đênh trên biển, nhớ những tiếng còi tàu trên bến cảng, nhớ gương mặt những người đồng đội trong bập bùng ánh lửa nhà giàn nơi đảo xa, ôm cây đàn ghi ta và hát. 

Anh nhớ những buổi chiều biên giới, nắng nhuộm vàng những rừng cây, những đồi hoa sim tím. Anh nhớ những đêm hát cùng những người lính tình nguyện trên nước bạn Lào, Campuchia. Và anh cũng tự vấn mình về hôm nay, về bao vấn đề của đời sống hiện đại mà âm nhạc có thể đề cập đến, có thể vang lên, có thể nhắc nhớ, khơi nguồn cảm hứng. 

Minh Quang bảo, ngay cả khái niệm người lính hôm nay cũng phải được hiểu khác đi. Đó không chỉ là những người cầm súng canh giữ nơi biên giới hải đảo, mà còn là những con người đang miệt mài lao động tạo ra của cải vật chất cho xã hội, cho đất nước. Họ là công nhân hay doanh nhân. Họ là kỹ sư hay bác sĩ. Họ đang góp phần kiến thiết đất nước này. Họ cũng là đối tượng phản ánh của âm nhạc, của nghệ thuật. 

Minh Quang nhắc lại một day dứt mà tôi đã được nghe ông nói từ rất lâu: "Nếu tôi viết về một ông giám đốc doanh nghiệp, người tạo công ăn việc làm cho hàng vạn công nhân, đóng góp nhiều việc thiện cho cộng đồng, đóng thuế cho nhà nước, chia sẻ với người nghèo trong xã hội thì rất có thể người ta sẽ hiểu tôi PR cho ông này. 

Không ở đâu muốn phát sóng bài hát của tôi. Họ thà phát sóng những bài hát tình ái nhạt nhẽo, ngôn từ thảm họa còn hơn. Đời sống kinh tế thị trường với tư duy mua - bán đã tạo ra một lối nghĩ, lối tư duy như vậy để "dè chừng" với người nghệ sĩ. Tất nhiên ở đâu đó còn có chuyện nghệ sĩ ăn tiền để viết ngợi ca. 

Nhưng đó chỉ là số ít. Còn những tác phẩm lành mạnh thực sự phải được trân trọng chứ. Những người tài giỏi thực sự, đóng góp nhiều cho xã hội tại sao không thể trở thành đề tài của âm nhạc, và tác phẩm viết về họ tại sao lại không thể phố biến rộng rãi trong công chúng, tạo ra động lực để động viên, khuyến khích, tạo cảm hứng cho lớp trẻ? 

Yêu thương một con người cụ thể, một điều gì cụ thể bao giờ cũng tốt hơn nói những điều chung chung. Nghệ thuật hay âm nhạc cũng vậy thôi, nói yêu quê hương đất nước thì dễ, nhưng trân trọng từng con người cụ thể mới là khó".

Minh Quang chia sẻ, sau đợt ốm anh vẫn đi thực tế và vẫn sáng tác đều. Con người ta, trải qua biến cố về sức khỏe cũng giống như trải qua một thử thách. Minh Quang đã leo qua một ngọn núi, hoặc là đã băng qua một vực thẳm. 

Rồi ngồi nghỉ và tự nhìn ngắm mình trong đời sống, trong thiên nhiên, thấy mình trong vắt hơn, khởi nguyên hơn, nhiều năng lượng hơn. Mỗi ngày tới đều là phép màu, là quà tặng, để làm nghệ thuật và cống hiến cho cuộc đời. 

Minh Quang bảo, anh tràn đầy cảm hứng mỗi khi ngồi vào bàn viết, và háo hức vô cùng những chuyến đi, dù giờ đây bên người lúc nào cũng lỉnh kỉnh thuốc. Có hề gì đâu, đời người ai rồi cũng đến lúc ốm đau, sức khỏe kém đi. Nhưng quan trọng là tình yêu cuộc sống vẫn luôn tràn trề, đầy ắp. Và tâm hồn thì vẫn như thời tuổi trẻ. 

Vẫn luôn thiết tha với mỗi người sớm mai mình gặp. Thiết tha với mỗi tán cây, đám lá, bụi cỏ mình đi qua, nâng niu những vẻ đẹp bình dị đời thường. Minh Quang mỉm cười bảo, giờ mình thích nhất viết tình ca. Dường như người ta phải đi gần hết cuộc đời rồi mới hiểu thấu đáo về tình yêu. Tình yêu là một giấc mộng lớn trong cuộc đời, nhờ có nó, mình mới thực sự sống. Có thể sau đây mình sẽ làm một album gồm những ca khúc viết về tình yêu...

(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...