Nhạc sĩ Lê Minh thổi hồn sông nước mênh mông

11/03/2015

Một cậu bé kháu khỉnh chào đời bên dòng sông uốn khúc, lững lờ, yên ả của một vùng đồng bằng nên thơ và dung dị. Cậu đã được mẹ ru tiếng hát ầu ơ, khúc dân ca bên bờ kinh dài và bụi tre còm tránh nắng để tìm một giấc ngủ với cơn gió nhẹ thoảng qua. Sự bình yên và làn điệu âm thanh ấy đã đi sâu vào tiềm thức, cậu bé đã u ơ theo tiếng ru của mẹ trước khi biết nói, biết đùa, biết hóng chuyện.

Tiếng hát của mẹ, bầu sữa, dòng sông, con đò, bến nước… đã nuôi cậu bé lớn nhanh như thổi hàng ngày! Rồi cậu đã hát thuộc làu những khúc dân ca, khúc ru của mẹ ngày nào truyền lại.

Được cắp sách tới trường với thời chinh chiến ấy là điều may mắn và hạnh phúc lắm rồi! Thời của bom mìn thay thế tiếng ru, tiếng sáo diều vi vu thơ mộng không còn trên bầu trời, được thay vào đó là đầm già, trực thăng dày xéo quê cha đất tổ.

Cậu bé phải tạm biệt nơi chôn nhau cắt rốn để tiếp tục cắp sách đến trường mà lòng buồn vời vợi, cậu đã thấm đẫm cả một kho làn điệu dân ca và hát ru mà mẹ đã trao từ nhỏ đến lớn, cũng là vốn liếng của cậu để đi theo con đường âm nhạc sau này. Đó là nhạc sĩ Lê Minh.

Nói đến ca khúc của Lê Minh, hàng trăm ca khúc đã được phổ biến và được yêu thích của khán thính giả. Đa số những tác phẩm của anh mang tính gần gũi với cuộc sống đương đại, anh biết kết hợp hài hòa từ giai điệu và ca từ trau truốt, mượt mà. Nó đi vào lòng người bằng âm hưởng dân ca biến đổi nhưng không biến chất, lời lẽ vẫn một phong cách Nam bộ nhưng được cách tân phù hợp với cuộc sống. Anh vẫn giữ được chất của đồng bằng theo sự phát triển của từng thời kỳ, thế hệ… Điển hình những bài hát như: Phải duyên hay nợ, Tình ngăn đôi bờ, Cô Út theo chồng, Bậu buồn biết bao, Giữ lại dáng quê, Cô Út về làng…hay bài hát mà ai nghe cũng thích với lời lẽ mộc mạc thắm đượm tình quê: “Đám cưới đám cưới về trên đường quê. Cô dâu đôi má hồng về nhà chồng…” lại vang lên trong không khí tươi vui hoan hỉ, đây là lời bài hát Vui trong ngày cưới, một sáng tác tâm đắc của anh viết dành riêng để chúc mừng cho tình yêu đôi lứa. Đó cũng là một trong nhiều ca khúc mà anh đã phát triển từ nguồn vốn dân ca của quê hương.

Lê Minh đã biết vận dụng thế mạnh của mình để đạt được hiệu quả, thành công trên lãnh vực sáng tác ca khúc. Nhất là vốn liếng ấy anh đã ấp ủ, nâng niu, cố gắng cùng với các đồng nghiệp đưa nó vào khung trời nghệ thuật của sự thêu dệt gấm hoa, sự phát triển đồng bằng Nam bộ không còn yên ả và tĩnh lặng cô liêu như ngày xưa. Cuộc sống đã được đổi thay và đi lên hàng ngày. Tiếng hát, lời ru ngày xưa bên bờ sông, con đò, lũy tre đã được thay thế bằng phương tiện máy móc âm thanh hiện đại, họ sẽ hát những bài hát mới, yêu thích sự tung tăng… nhưng cũng không thể quên hay lu mờ hình ảnh một vùng quê thân thương cùng với nhịp đập trái tim của bao thế hệ với khúc thức mới phát huy làn điệu dân ca trữ tình mới mẻ. Nhạc sĩ Lê Minh đã và đang làm được. Anh sẽ phải đi tiếp con đường mình đã chọn, giai điệu mình đã giữ. Chính hơi thở của anh đã bắt nguồn từ một nơi mà anh đã đi, đã đến, luôn xem đó là quê hương của mình để anh cảm hứng sáng tác đáp lại sự mến mộ của công chúng với những bài hát của anh.

Thực vậy, anh đã đắm chìm trong làn điệu thân thương ấy, nó đi sâu vào tim, vào máu của người nhạc sĩ, coi như không thể tách ra được mỗi khi viết, thai nghén những tác phẩm để đời.

Ngoài những ca khúc nổi tiếng, những bài hát đậm đà chất liệu dân ca, anh còn sáng tác nhiều ca khúc cho nhạc phim truyền hình, tiêu biểu như những sáng tác nhạc phim viết chung với nhạc sĩ Bảo Phúc như: Những nẻo đường phù sa, Lời ru của đất (trong phim Bình minh châu thổ) Tình yêu còn lại, Mây trắng ngang trời, Kiều nữ & đại gia, Đừng nói nữa & đừng ghen em nhé (trong phim Ghen)… Anh còn sáng tác riêng các ca khúc cho phim như: Tiếng dương cầm trên biển, Cô dâu tuổi Dần, Cà phê hí mắt, Giấc mơ xanh màu & mờ tình yêu đến (trong phim Bạn đời), Lạc trên lối về (trong phim Bóng tối rực rỡ) Mới đây nhất là ca khúc trong phim Hai Lúa mang tên: Câu hò điệu lý còn đây được thể hiện khá thành công qua giọng ca Á quân The voice Kids Phương Mỹ Chi.

Tâm sự với chúng tôi anh cho biết: “Tôi lớn lên bằng lời ru của mẹ, từ những câu ca dao mộc mạc đơn sơ như “Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi” cho đến “Thò tay anh ngắt cọng ngò, thương em đứt ruột giả đò ngó lơ” không biết từ lúc nào đã thấm vào tim óc như hơi thở, như khí trời. Để đến khi được dịp dạo chơi vào khu vườn âm nhạc bao la rộng lớn tôi chọn sáng tác ca khúc để chuyển tải tâm tư tình cảm của riêng mình đến người nghe bằng những giai điệu đậm đà tình tự quê hương đã ăn sâu vào tâm hồn mình từ thời thơ ấu”.

Bước khởi đầu của nhạc sĩ Lê Minh, anh đã được Nhà xuất bản Âm Nhạc (Dihavina) in riêng cho 1 tuyển tập gồm 14 ca khúc chủ đề Còn mãi yêu nhau năm 1991. Sau đó là 2 album cassette chủ đề: Tình như bóng mưa và Ai đâu mong chia ly, điều này rất hiếm hoi đối với một nhạc sĩ trẻ trong thời đất nước ta còn bao cấp. Không những chỉ trong nước những tác phẩm âm nhạc của anh cũng được nhiều trung tâm hải ngoại sử dụng bởi chính những ca từ chân chất mượt mà thắm đượm tình quê. Có thể kể ra những trung tâm hàng đầu như Làng Văn, Thúy Nga, Vân Sơn, Ca Dao, Asia…đều có những ca sĩ trình bày thành công những ca khúc của anh.

Ngoài thời gian dành cho sáng tác, anh cũng đã từng tham gia ban giám khảo cuộc thi Tiếng hát Phát thanh Truyền hình Cà Mau với tư cách là chủ tịch Hội đồng Giám khảo qua nhiều năm. Hiện nay anh đảm nhiệm vai trò giảng dạy và chỉ đạo nghệ thuật cho công ty Sao Star chuyên đào tạo các bạn trẻ có năng khiếu âm nhạc về các bộ môn. Với niềm say mê công việc nghệ thuật anh luôn mong muốn đóng góp cho xã hội một phần công sức nhỏ bé để ươm mầm những tài năng trẻ, tiếp nối và là đội ngũ kế thừa trong tương lai. Nói về cuộc đời sáng tác nhạc sĩ Lê Minh cũng chia sẻ với chúng tôi: “Trong vườn hoa âm nhạc nhiều màu sắc, mỗi bông hoa đều mang lại cho cuộc sống chúng ta những giá trị tinh thần riêng. Tuy có khác nhau nhưng ít nhiều cũng tô điểm cho đời sống chúng ta thêm thi vị. Tôi cũng ước mơ trồng thêm vào vườn hoa nghệ thuật một bông hoa, tuy không phải dáng dấp kiêu sa đài các nhưng hy vọng sẽ tươi tốt mãi với thời gian”

Mong rằng nhạc sĩ Lê Minh không đi lại từ đầu nhưng cũng không đi vội về sau, hãy lắng đọng để có chiều sâu tâm hồn, hãy lắng nghe trái tim rạo rực khi bài hát của mình được công chúng hát vang.

Nhạc sĩ Lê Minh cũng đừng quên thổi hồn sông nước mênh mông!

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...