Nhạc sĩ Krzysztof Penderecki
Nhạc sĩ sáng tác, nhạc trưởng người Ba Lan, với nhiều giải thưởng, huy chương, danh hiệu quốc tế cao quý nhất, tiến sĩ danh dự của trên 20 trường đại học, viện sĩ danh dự của nhiều Viện hàn lâm, hội âm nhạc. Trong âm nhạc thế kỷ XX dường như không ai xây dựng được sự nghiệp lớn lao và nhanh đến thế!
Sinh năm 1933 tại thị trấn Đembix, trong một gia đình có gốc cả Ácmêni, cả Đức, cả Ba Lan, Penderecki thuở nhỏ học piano, nhưng thấy bố chơi violon, lập tức bỏ piano sang violon, muốn trở thành người chơi violon kỳ tài. Cũng chơi được một số sonate của Bach, nhưng trở thành “kỳ tài” thì chưa, nên năm 1955 Penderecki chuyển sang học sáng tác nhạc.
Năm 1959 có cuộc thi sáng tác do Hội nhạc sĩ sáng tác Ba Lan tổ chức, chàng thanh niên 28 tuổi vốn trước đó chẳng có tên tuổi gì, lại đoạt luôn 3 giải nhất, nhì, ba! Đó là các tác phẩm: cantate thính phòng Những khúc nhạc viết cho giọng soprano, người đọc thơ và 10 nhạc cụ, Bốc hơi viết cho hai dàn nhạc dây và Những thánh thi của Đavít cho hợp xướng nam nữ, nhạc cụ dây và nhạc cụ gõ. Bản Những khúc nhạc biểu diễn trong cùng năm đó được nhà xuất bản Đức Hermann Mek in và phát hành, chẳng bao lâu được biểu diễn khắp châu Âu.
Năm 1960 ông viết Kích cỡ của thời gian và sự im lặng cho 50 đàn dây, cũng nổi tiếng toàn thế giới.
Năm 1961 Penderecki viết tác phẩm 8’37’’ (8 phút 37 dây – tác phẩm cũng dài đúng số lượng thời gian này); năm sau tác phẩm được “Diễn đàn quốc tế các nhạc sĩ sáng tác UNESCO” ở Paris tặng giải. Giờ đây tác phẩm này được gọi là Khóc thương những nạn nhân Hiroshima, được phát đi trên mọi đài phát thanh trên thế giới. Penderecki trở thành người đại diện dẫn đầu trào lưu nhạc tiền phong thời đó.
Ông củng cố vị trí đó bằng hàng loạt tác phẩm cũng theo phong cách nhạc âm màu sắc (sonorisme), như Polymorphia cho 48 đàn dây (lạ kỳ là được nhiều nhà biên đạo múa sử dụng). Những huỳnh quang, một tác phẩm kỳ quặc được biểu diễn năm 1962 ở Donauspingen – cùng với những nhạc cụ của một dàn nhạc giao hưởng lớn, Penderecki đưa thêm những lá thép treo trên giá để bắt chước tiếng sấm, còi tu huýt, những chiếc giũa cọ vào những mảnh thủy tinh và cục kim loại, những xóc gỗ, chuông điện, cưa, máy chữ, còi hơi. Các nhạc cụ trong dàn nhạc cũng chơi kiểu khác, không như bình thường, cho nên âm thanh phát ra cũng khác thường. Còn về ngôn ngữ âm nhạc thì chiều dọc hòa thanh cổ điển được thay bằng những chùm nốt nhạc chồng lên nhau một cách tùy tiện, chiều ngang của chủ đề nhạc được thay thế bằng những glissandi (nốt trượt) kèm với những thủ pháp của ácsê.
Tất cả những hiệu quả âm thanh kiểu ấy được thể hiện hoàn mỹ ở Festival nhạc Donaueschingen đến mức Penderecki được chào đón như Chúa cứu thế của âm nhạc tiền phong. Sự mới mẻ của ngôn ngữ âm nhạc khiến người thì ngạc nhiên, người thì mê say. Nói chung, đông đảo người nghe luôn luôn dè chừng với loại nhạc âm màu sắc này, cảm thấy đến lúc nào đó rồi các phòng hòa nhạc chỉ còn vang lên những âm thanh giảo hoạt, làm người ta kinh ngạc, nhưng miễn phí. Quả thật hệ thống này buộc người viết phải đi xa hơn trong cuộc thể nghiệm, luôn luôn phải làm cho quái lạ hơn nữa, nếu không chẳng còn làm ai ngạc nhiên nữa.
Giới nhạc trên thế giới vốn đều nghĩ Penderecki thuộc loại tiền phong thứ thiệt, nhưng đùng một cái, năm 1966 ông cho ra đời Khổ nạn theo Thánh Luc, kết hợp nhiều kỹ thuật sáng tác, hoàn toàn cắt đứt với chủ nghĩa tiền phong. Khi nghe người yêu nhạc phổ thông đều hiểu được nội dung, cấu trúc, cảm xúc của tác phẩm. Đây là nơi hòa hợp được nhu cầu về tính truyền thống với nhu cầu đổi mới. Penderecki tuyên bố: “Tôi chẳng quan tâm người ta gọi “Khổ nạn” là truyền thống hay tiền phong .Đối với tôi, nó chỉ đơn giản là một thứ chính hiệu, thế là đủ rồi”.
Sau tác phẩm này, nhạc của Penderecki hoàn toàn khác, tuy vẫn không từ bỏ trào lưu nhạc âm màu sắc (sonorisme), ông tạo cho nó một bộ mặt ngày càng mang tính người nhiều hơn, với những xúc cảm dễ hiểu và dễ gần hơn, trong những tác phẩm tôn giáo, như Cầu nguyện buổi sáng (1971), pha trộn nhạc âm màu sắc với lễ nghi chính thống giáo, Kinh cầu hồn Ba Lan (1984), Credo (1998) dài đúng 1 giờ, Benedictus (2002).
Penderecki bắt vào sáng tác nhạc giao hưởng tương đối muộn. Ở lĩnh vực này ông cuối cùng đã trở về với một hình thức âm nhạc có thể gọi là lãng mạn. Số lượng giao hưởng của ông là 9 bản, cạnh đó là hàng loạt concerto cho piano, violon, violoncelle, cho flute.
Còn lại là những tác phẩm nhạc thính phòng, như 2 bản sonate cho piano và violon, những tứ tấu, lục tấu (sextuor) đặc biệt nổi tiếng.
Cho đến nay, Penderecki đã viết 4 ôpera, trong đó có vở Thiên đường đánh mất theo kịch bản của John Milton. Chuẩn bị cho ra đời ôpera thứ 5, giao hưởng thứ 6. Thể hiện các tác phẩm của ông toàn là những diễn viên nổi tiếng thế giới.
Ông bắt đầu tự chỉ huy tác phẩm của mình năm 1971 – bản Hành động, viết cho dàn nhạc jazz. Từ đó ông luôn tự chỉ huy các tác phẩm của mình, vì theo ông nói, ”Khi tôi tự chỉ huy tác phẩm của mình tôi có thể tìm mọi cách đưa những nhân tố riêng biệt của tác phẩm đến hình tượng lý tưởng theo quan niệm của mình…Chỉ có mình tôi mới biết được âm vang của tác phẩm của mình phải phát triển trong thời gian như thế nào”. Ông đã chỉ huy nhiều dàn nhạc danh tiếng của thế giới, như Dàn nhạc giao hưởng London, Philadelphia, New York, Osaka, v.v.
Ngoài sáng tác, Penderecki còn dạy học, người ta mời ông dạy ở những trường danh tiếng thế giới.
Đương nhiên khi ông rời bỏ môi trường những thể nghiệm thời niên thiếu và ngày càng nổi danh trên thế giới, vẫn có những người đã từng ngợi ca ông lại cảm thấy như bị phản bội khi ông hướng đến một phong cách âm nhạc khiến người nghe dễ tiếp cận hơn, buộc tội ông đã chối bỏ những lý tưởng ban đầu của mình, nhưng chẳng sao, Penderecki viết thứ nhạc ông muốn viết, đi từ loại nhạc sonorisme thời trẻ đến loại nhạc hậu lãng mạn như bây giờ, đó là đường đi của riêng ông.