Nhạc sĩ Hữu Xuân: Đường chiều tìm mộng
Sinh vào mùa xuân, cha mẹ đặt cho ông cái tên Hữu Xuân như một điểm mốc ghi nhớ.Cái tên mà ông thường bảo nghe giống tên phụ nữ. Cái tên vận vào cuộc đời của một nghệ sĩ yêu tha thiết cái đẹp, chất lãng đãng của “Kẻ đi tìm mộng” Hà thành thuở nào vẫn mơ về một trời Hà Nội ngợp lá bay, về góc sân có bóng ai dưới “Hoa tím ngày xưa”...
Duyên phận cuộc đời là điều mà nhạc sĩ Hữu Xuân luôn tin tưởng để ông sống thanh thản giữa cõi vô thường. Người nhạc sĩ ấy lướt qua mọi ồn ào, bon chen của dòng đời, để trên mặt nở nụ cười an nhiên. Như năm 1998, cơn mưa rào là duyên kỳ ngộ đưa ông gặp bài thơ “Hoa tím ngày xưa” của nhà thơ Cao Vũ Huy Miên trong một tiệm sách.
Bài thơ mang ông về chuyện tình hoa mộng thuở nào, những rung cảm đón đưa thuở học trò mà nhiều khi không thể gọi tên.Cuốn lưu bút trong veo những nỗi niềm để đến khi gặp bài thơ lại mở ra xao xuyến. Nốt nhạc cất tiếng: “Con đường em về ban trưa/ Hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ/ Tuổi em vừa tròn mười bảy/ Tóc em vừa chớm ngang vai… Con đường em về năm xưa/ Có biết hay chăng bây giờ/ Hoa tím thôi không chờ nữa/ Chỉ còn ta đứng dưới mưa”. Chỉ trong một đêm, bài hát đã thành hình.
Trước đó, bài thơ đã được đăng trên báo Tuổi Trẻ vào năm 1985 và được hai nhạc sĩ Võ Công Anh và Vũ Hoàng phổ nhạc, nhưng phải đến khi nhạc sĩ Hữu Xuân coi đó là cảm hứng tri kỷ thì “Hoa tím ngày xưa” mới được phổ biến rộng rãi và được yêu mến bởi giọng ca Lam Trường.
Trong một bài viết kể về sự ra đời của bài hát “Hoa tím ngày xưa”, nhà thơ Cao Vũ Huy Miên nhớ lại: “Lúc đó tôi nghĩ, Hữu Xuân chắc là một nhạc sĩ trẻ sáng tác bài hát trùng tên với bài thơ của tôi. Một bữa, ngồi coi tiết mục tập hát “Bài hát được nhiều người ưa thích - Hoa tím ngày xưa” do ca sĩ Võ Thu Hà hát trên sóng VTV3, tôi mới nhận ra đó là lời bài thơ của tôi.
Lúc đó, tôi thực sự băn khoăn và không hiểu vì sao nhạc sĩ Hữu Xuân phổ nhạc bài thơ, nhưng lại không liên hệ với tôi. Và vì sao tên tác giả bài thơ đã không được giới thiệu?Qua một bài viết trên báo, nhạc sĩ Hữu Xuân đã đến tòa soạn tìm gặp tôi. Tôi thật bất ngờ, khi biết nhạc sĩ Hữu Xuân là một bậc cao niên thuộc lớp nhạc sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, từng là Trưởng đoàn Ca múa nhạc Dân tộc (Nhà hát Ca múa nhạc trung ương).
Ông than trời chuyện đi tìm tôi, bởi ông đã đến tòa soạn 10 lần, nhưng lần nào cũng được báo tôi đi công tác”. Sau này anh mới biết, bài hát vốn được nhạc sĩ Hữu Xuân ghi trang trọng lời thơ của Cao Vũ Huy Miên nhưng khi giới thiệu, MC của Đài lại quên nói khiến cho Hữu Xuân rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Bài hát này nhận được sự yêu thích của đông đảo công chúng còn bởi phần hòa âm tuyệt vời của con trai ông – nhạc sĩ Nhật Trung.
Có lẽ so với các nhạc sĩ chuyên phổ ca khúc phổ thơ như Phan Huỳnh Điểu, Phú Quang… thì nhạc sĩ Hữu Xuân cũng không hề kém cạnh. Trong kho tàng 400 bài hát của ông, hơn một nửa là những bài hát phổ thơ của các tác giả nổi tiếng như: Xuân Quỳnh, Lưu Trọng Lư, Trương Nam Hương, Cao Vũ Huy Miên…
Ông cắt nghĩa: “Các nhà thơ thường nói hộ nỗi lòng của mọi người rất hay và tinh tế. Nên không gì tuyệt vời bằng phổ nhạc cho thơ”. Và còn đó một lý do đặc biệt mà ông tủm tỉm nói nhỏ: “Phổ nhạc cho thơ, tôi đỡ bị mọi người đoán mò, đặc biệt là bà xã ghen bóng ghen gió rằng tôi có nhiều người tình lắm. Tại có người cứ nghĩ nhạc sĩ viết nhạc tặng người tình ấy mà”.
Theo lão nhạc sĩ, việc phổ thơ dễ mà khó. Dễ vì mình cứ nương theo lời thơ, vần bằng trắc có sẵn mà gieo nốt nhạc nhưng khó cũng chính bởi những vần bằng trắc ấy. Để ông phổ nhạc, các nhà thơ khá yên tâm. Hễ cần phải thay lời cho hợp với tuyến giai điệu, ông luôn tìm gặp tác giả để bàn luận, đảm bảo giai điệu hay mà lời thơ không bị thiếu ý hay hiểu sai.
Nhà thơ Mai Hữu Phước cũng từng được nhạc sĩ Hữu Xuân phổ nhạc bài thơ “Mùa xuân gõ cửa”.Anh ngạc nhiên với cách làm việc tỉ mỉ của lão nhạc sĩ trông hiền từ, nho nhã với cặp kính trắng như một nhà giáo này.Ông gửi cho anh nguyên một email để xin anh gửi bài thơ gốc vì sợ bài thơ mà ông đọc được trên mạng là “tam sao thất bản”.Khi phổ nhạc, ông còn trao đổi và hỏi kỹ hơn về một vài ý tứ trong bài thơ để sao cho bài hát tôn lên được ý tứ ấy.
Đa phần chất nhạc của nhạc sĩ Hữu Xuân nhẹ nhàng, sâu lắng, trầm buồn nhiều hoài niệm. Hồi còn học đàn violoncelle, chẳng ai ngờ ông lại rẽ vào dòng nhạc dân tộc và thành công trên con đường sáng tác. Bố mẹ không muốn Hữu Xuân học nhạc mà muốn hướng con vào nghề y. Ngày thi vào đại học, hai người khấp khởi vui mừng vì cậu con trai đã chịu nghe lời.
Hai tháng sau, một bạn học đến nhà, bố mẹ ông sốt ruột nhắc khéo: “Cháu là bạn của nó thì bảo nó học tập cho đàng hoàng vào. Chứ học hành gì mà không thấy ôn bài vở, chỉ toàn đánh đàn thâu đêm suốt sáng”. Cậu bạn trố mắt: “Thưa bác, nó học đàn thì nó tập đàn là đúng rồi chứ ạ?”.Lúc này bố mẹ ông mới té ngửa.
Ra trường, ông đầu quân cho Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và trải qua nhiều vị trí như chỉ đạo nghệ thuật, dàn dựng, hòa âm, chỉ huy dàn nhạc, trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc. Ca khúc “Hát về Tổ quốc tôi” một thời là ca khúc đầu môi thúc giục các chiến sĩ lên đường bảo vệ non sông.Đó là lời tự sự với đất nước, với hòn đất quê hương mà Hữu Xuân xúc động viết ra khi cùng anh em nghệ sĩ hát phục vụ bộ đội trong thời kỳ chống Mỹ ác liệt. Lời ca tiếng hát của anh em nghệ sĩ trên hố bom, dưới làn đạn đã tiếp thêm sức mạnh giúp người lính vững tay súng chiến đấu cho Tổ quốc.
Năm 1989, khi chuyển vào sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, người nhạc sĩ luôn để vận mình xoay chuyển theo số mệnh ấy đã nhận lời làm ở Công ty Du lịch Đường sắt Sài Gòn. Từ đây, ông đi nhiều để mọi nơi ông đến, con người ông gặp trở thành nguồn nhạc cảm vô tận cho các sáng tác.
Trong số các bài hát của nhạc sĩ Hữu Xuân, nổi bật còn có ca khúc “Hà Nội mùa lá bay”.Gắn bó với Hà thành gần nửa đời người, sao mà không thương không nhớ. Tâm sự của người trai Hà thành ấy là bước chân đi tìm dáng xưa yêu kiều trong phố cổ, trong tà áo ai bay, trong lá rụng đầu mùa se gió… Chàng cứ đi, đi mãi, trong mộng mị, trầm mặc của phố.
“Mùa thu, xanh một trời Hà Nội/ Em nghe thu hát ngang lưng trời/ Từng con đường năm xưa/ Lối ta đi qua những ngày thơ ấu.../ Trong tim tôi Thăng Long Hà Nội/ Dẫu cách xa tôi vẫn yêu người… / Mùa thu, cốm đầu mùa dịu ngọt/ Trên cao, hoa sữa hương ngạt ngào/ Hồ Tây chiều hôm nay, nỗi nhớ ai những tháng ngày xưa ấy/ Mưa ngâu rơi, rơi trên mặt hồ/ Gió heo may tím ngát mong chờ/ Tà áo trắng, tóc em bay trong chiều mùa thu…”.
Mỗi khi nỗi nhớ trở dậy, ông lại viết câu ca xao xuyến, bâng khuâng như tưởng nhớ một mối tình vụng dại ngày nào. Đó là “Hà Nội, ngày chia xa”, “Hà Nội thu”, “Lá thư – Lời chào”... Mới đây nhất, ông cho ra mắt ca khúc “Đàn cầm Tây Hồ”, phổ thơ Thái Thăng Long, để gửi tặng Hà Nội nhân dịp xuân về.
Với nhạc sĩ Nhật Trung, cha mẹ là người thầy lớn hướng anh vào nghiệp cầm ca. Vợ nhạc sĩ Hữu Xuân cũng là một nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Biết bố không ưa chất nhạc lẫn ca từ dễ dãi nên ngay từ rất sớm, Nhật Trung đã có được những ca khúc nhạc trẻ đầy sâu lắng, tình cảm: “Góc phố rêu phong”, “Nửa vầng trăng”, “Trăng rơi bên hồ”… Năm 2011, hai cha con từng tổ chức đêm nhạc “Cha và con” trong chương trình “Con đường âm nhạc”. Ở đó, các ca khúc ghi dấu ấn tên tuổi họ đã đến với công chúng.
Bây giờ lão nhạc sĩ vẫn viết, vẫn mộng mơ như cái thời “Hoa tím ngày xưa”. Cái tuổi 76 có hề hấn gì với một người chăm tập thể dục, sáng sáng lại leo cầu thang bộ để chăm cây cảnh như ông. Kỷ niệm trong đời, những vùng đất đã qua là chất liệu để cuối chiều, ông chắp nên thành nhạc. Ông còn dịch thơ của bạn bè ngoại quốc.
Nhà thơ người Mỹ Thomas Ams – một người yêu Việt Nam tha thiết – đã có nhiều bài thơ về con người và đất nước chữ S xinh đẹp này. Tập thơ mới ra mắt của ông có tên “Giữa vô cực” (NXB Hội Nhà văn) đã có nhiều dịch giả chuyển ngữ, trong đó có nhạc sĩ Hữu Xuân. Thomas Ams vẫn thầm cảm ơn nhạc sĩ Hữu Xuân vì những bài thơ đã được chuyển ngữ bởi một tâm hồn tinh tế, đa cảm, giàu nhạc điệu để cho bài thơ bay lên, bay lên…
(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn)