Nhạc sĩ Doãn Nho: “Vì ông là Tướng của dân”

11/10/2013

Nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ rằng ông đã viết nên bản hợp xướng “Có một khu rừng như thế” đầy xúc động sau hàng chục năm ấp ủ. Bởi theo ông thì viết về một vị tướng văn võ song toàn, người người ngưỡng mộ, kính trọng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điều rất khó!

 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Doãn Nho

- Có lẽ mỗi người dân nước Việt dù chưa được gặp Đại tướng cũng đều mường tượng trong mình hình ảnh riêng về ông. Xin nhạc sĩ cho biết kỷ niệm đầu tiên của nhạc sĩ với Đại tướng là ở hoàn cảnh nào?

- Đó là ngày Đoàn giải phóng quân về Hà Nội. Cả Hà Nội đổ xô ra để xem đoàn quân giải phóng hùng dũng đi trên đường phố. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in cái không khí hào sảng đó. Đoàn quân Giải phóng gồm 34 người do tướng Giáp đi đầu, đọc khẩu lệnh thật trang nghiêm. Hình ảnh ông đội mũ phớt, đứng trước toàn dân uy nghiêm, dõng dạc luôn hiện ra trong tâm trí tôi…

- Để rồi sau này nó cũng là lý do góp vào việc ra đời của bản xướng “Có một khu rừng như thế” đầy xúc động?

- Đó là những tình cảm được tích tụ từ suốt mấy chục năm. Thực sự, tôi muốn viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp về từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cuối chống Pháp sang chống Mỹ... Nhưng cứ “thai nghén” mãi mấy chục năm mà không thể viết ra. Thực sự là không phải dễ dàng, bởi viết về một vị tướng văn võ song toàn, người người ngưỡng mộ, kính trọng là điều rất khó. Mấy chục năm tôi như người mang nợ chính mình khi không thể viết được gì về Đại tướng. Đến khi tôi bắt gặp cuốn Người thường gặp của Trần Đăng Khoa. Chính tùy bút Rừng đại tướng trong cuốn sách đã chắp bút cho tôi viết về người.

Khu rừng đó hiện lên như một ngôi đền thiêng, trong khi những khu rừng khác trơ trọi bởi nạn chặt phá rừng, thì khu rừng này được muôn người, muôn nhà bảo vệ như chính ngôi nhà của mình chỉ bởi một lý do: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng sống và chiến đấu ở đây. Những câu chữ tôi tâm đắc, nhất như: Có một khu rừng như thế, với từng giây thắm thắm thiết ruột già. Dân trìu mến gọi rừng đại tướng. Muốn giữ gìn như một mảnh vườn riêng... Rồi đến Mường Phăng, Mường Phăng nơi vị tướng chỉ huy làm nên chiến thắng/ Một Điện Biên trấn động địa cầu...

- Là nhạc sĩ, cũng đồng thời là người lính, ông nghĩ thế nào về Đại tướng?

- Tôi thấy khâm phục, kính trọng… khó có thể diễn tả hết tình cảm của mình qua câu chữ. Làm gì có ai không qua một trường lớp quân sự nào, chỉ với sự thông minh vốn có mà lãnh đạo quân dân đánh thắng Pháp, Mỹ, được xếp vào 4 vị tướng giỏi trong lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay. Như vậy đã nói lên tất cả rồi. Tôi còn tâm phục vị tư lệnh tối cao luôn lấy mục tiêu để làm sao thắng lợi lớn nhất, thương vong nhỏ nhất trong từng trận đánh, từng chiến dịch... Tư tưởng qúy từng giọt máu đào của người lính của ông khiến nhiều người cảm phục. Vì vậy nên suốt đời ông được gọi với cái tên thân thiết anh Văn.

 


Văn bản ca khúc "Có một khu rừng như thế"

- Được biết Đại tướng đã từng nghe hợp xướng này trong dịp ông tròn 90 tuổi, xúc cảm của người lúc đó thế nào, thưa nhạc sĩ?

- Lần đấy Đại tướng được nghệ sĩ nhân dân Tường Vy và các cháu nhỏ biểu diễn tại nhà. Ông không biểu lộ cảm xúc hay có ý kiến gì cả. Chỉ có phu nhân của Đại tướng là rất thích. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, vì đó là một hợp xướng ca ngợi Đại tướng... Ai cũng biết phẩm chất và tính cách người lính khiến ông luôn có cuộc sống cực kì bình dị, thanh cao.

- Là một nhạc sĩ của quân đội, phải chăng vì thế mà ông trở nên dễ dàng thấu hiểu hơn để có thể sáng tác nên một hợp xướng với giai điệu và ca từ đằm thắm, trìu mến mà ở đó vị Tổng tư lệnh hiện lên thật là lớn lao nhưng rất gần gũi với những người lính…?

- Có lẽ là như thế, bởi không ai có thể hiểu sâu sắc về Đại tướng hơn những người lính. Như tôi đã nói, viết về Đại tướng không phải dễ. Ông là một người văn - võ song toàn. Trong văn có võ, trong võ có văn điều này không chỉ quân và dân ta mà cả thế giới công nhận. Viết để toát lên được những phẩm chất cao quý ấy là khó.

Bản thân tôi là một nhạc sĩ quân đội, cũng đã viết nhiều về các tấm gương anh hùng. Và thường thì những ca khúc quân đội mang nhịp hành khúc cộng với những lời ca để nói về cuộc chiến đấu và chiến công của dân tộc là nó ra hình hài ngay. Nhưng ở hợp xướng này nó không như vậy, bởi đây là viết về một vị lãnh đạo cao cấp nhất, vị Tổng tư lệnh mà lại là người anh hùng... một con người mà triệu triệu người Việt tôn thờ, kính trọng, người mà từng được bạn bè quốc tế gọi là "ngọn núi lửa phủ đầy tuyết". Điều đó khiến tôi phải trăn trở mãi và rồi sau mấy chục năm nung nấu, mới cho ra được tác phẩm này. Tôi hoàn thành bản hợp xướng trong vòng một ngày, nhưng thực tế thì đã mất cả mấy chục năm.

- Vây, cảm xúc lúc này của nhạc sĩ thế nào?

- Tôi không biết nói gì cả, khi nghe tin cảm giác nghẹn lại, tiếc nuối. Vẫn biết điều này không thể tránh, nhưng tôi vẫn mong ông ở lại thêm với quân, dân nước Việt một thời gian nữa. Bởi sang năm, kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - một chiến dịch do ông chỉ huy và dành chiến thắng lớn lao. Hơn nữa, cũng là 70 năm Quân đội nhân dân Việt Nam... Nhưng cứ nhìn hàng nghìn, hàng nghìn người xếp hàng lặng lẽ hàng tiếng mong được tiễn biệt Đại tướng thì tôi biết mãi mãi sau này, hình tượng vị Tổng tư lệnh không thể phai mờ… Nhưng tôi vẫn ước, vẫn mong giá mà có Đại tướng bên quân, dân nước nhà trong những tháng này đó...

Còn nói gì về Đại tướng đây? Chỉ cần nhìn những ngày qua, từng dòng người kéo đến số nhà 30 Hoàng Diệu đã đủ để thấy, ông không chỉ là vị tướng tài của quân đội mà còn là vị tướng của dân.

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

(Nguồn: http://petrotimes.vn)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...