Nhạc sĩ Doãn Nho: Bao giờ cho đến… ngày xưa
Nhạc sĩ - Đại tá Doãn Nho vừa nhận giải thưởng Hồ Chí Minh - đợt trao tặng năm 2017, vinh danh những cống hiến của ông cho nền âm nhạc nước nhà. Trao đổi về chuyện nghề, chuyện quản lý văn hóa, ông rất thẳng thắn đề nghị “phê và tự phê”.
Nhớ Bác Hồ
Thưa nhạc sĩ Doãn Nho, vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh lần này, ông có thể cho khán giả độc giả biết cảm giác của ông?
Không phải riêng tôi đâu mà tất cả các văn nghệ sĩ được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước đều rất xúc động, vừa vui khi vinh dự được nhận giải thưởng này, vừa cảm thấy mình vẫn phải cố gắng nhiều hơn nữa để có được các tác phẩm tốt hơn, dù tuổi đã cao.
Thuở nhỏ, tôi được ngắm Bác Hồ trong những ngày lễ Quốc khánh 2/9 trên quảng trường Ba Đình, nghe tiếng nói thân thương của Bác. Có lần Bác Hồ từ Phủ Chủ tịch trên đường ghé thăm Chùa Láng, ở gần nhà tôi (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), thế là người dân cả phố đều đổ ra ngắm Bác.
Sau này, khi trưởng thành, cả hai vợ chồng tôi đều công tác trong đoàn ca múa Quân đội thì nhiều lần chúng tôi được vào phục vụ các chương trình nghệ thuật trong Phủ Chủ tịch.
Năm 1966, đoàn chúng tôi đi vào chiến trường Tây Nguyên phục vụ chiến sĩ, cũng được gặp Bác ở chiến trường. Bác còn hướng dẫn chúng tôi cách mắc võng, giăng mùng, cách ăn uống thế nào để có đủ sức khỏe còn đi tiếp phục vụ anh em chiến sĩ trong chiến trường gian khổ.
Lần cuối được gặp Bác trong Phủ Chủ tịch, thấy Bác yếu quá, cả đoàn văn nghệ sĩ ai cũng xúc động nên lặng đi, nhưng Bác thì cứ cười tươi, giục giã: “Kìa các chú, sao cứ yên lặng thế, hát lên chứ, múa đi chứ!”. Ấn tượng thân thương và những lời căn dặn của Bác, cho đến giờ tôi vẫn không thể nào quên.
Thưa nhạc sĩ, công chúng biết đến ông với các tác phẩm ca khúc nổi tiếng, những bài ca đi cùng năm tháng như “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Người con gái sông La”, “Chiếc khăn piêu”... Ở tuổi 85 hiện tại, ông có còn sáng tác ca khúc mới?
Hiện giờ tôi vẫn sáng tác thêm nhiều ca khúc mới nhưng vì tuổi đã cao nên chủ yếu tôi dành thời gian cho những tác phẩm lớn. Ca khúc chỉ là thể loại “xung kích”, tôi tranh thủ những lúc có thời gian thì viết thôi.
“Giàu có” nhưng cần chọn lọc
Thưa nhạc sĩ, ông thấy ca khúc của thế hệ trẻ ngày nay thế nào?
Tôi luôn ủng hộ thế hệ trẻ. Lớp đàn anh của chúng tôi - thế hệ tân nhạc - được học tập nhiều từ ngôn ngữ âm nhạc châu Âu và chủ yếu là âm nhạc Pháp. Còn thế hệ chúng tôi thì học tập chủ yếu từ âm nhạc Đông Âu và điển hình là Nga. Lớp trẻ bây giờ thời mở cửa nên có rất nhiều thể loại âm nhạc từ bốn phương để học hỏi. Nào pop, rock, soul, rap, hip hop… Rõ ràng là các bạn ấy “giàu có” hơn chúng tôi rất nhiều. Và ngôn ngữ âm nhạc của các bạn ấy chắc chắn là hợp thời.
Chỉ có điều, tôi cũng luôn nhắc thế hệ trẻ là phải có chọn lọc. Và hơn thế nữa, các bạn trẻ phải làm sao biến được các ngôn ngữ âm nhạc thế mạnh của bạn bè trên thế giới thành những món ăn tinh thần thực sự của người Việt, mang âm hưởng Việt Nam và thể hiện tâm hồn Việt Nam.
Lĩnh vực giao hưởng thính phòng, nhạc kịch rất kén người nghe, ở Việt Nam không phải ai cũng biết những cống hiến lặng thầm bao nhiêu năm của ông. Là người làm nghề từng cặm cụi cả cuộc đời dành cho âm nhạc, ông có buồn không?
Không buồn! Mà tôi nghĩ lúc nào cũng phải phấn đấu viết tốt hơn nữa để các tác phẩm này có thể dễ dàng đến với công chúng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhiều lần đề nghị với các cơ quan quản lý văn hóa các cấp, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Thông tin & Truyền thông rằng, phải làm sao phổ cập được âm nhạc bác học vào thế hệ trẻ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Thực sự thì đã có thời chúng ta làm được điều đó. Giai đoạn mới hòa bình, ở miền Bắc đã làm như thế và rất có hiệu quả đối với các em học sinh. Nhưng giai đoạn đó chưa được dài thì bị cắt ngang bởi chiến tranh biên giới xảy ra.
Tôi nghĩ, nếu các nhà hát, các dàn nhạc giao hưởng có thể mang các tác phẩm giao hưởng, hợp xướng, opera, ballet… đến tận các trường trung học, đại học để vừa biểu diễn vừa giảng giải cho các em thì chắc chắn hiệu quả đào tạo rất cao mà cũng góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc nghệ thuật trong công chúng.
Thanh xướng kịch “Trẩy hội Đền Hùng”, “Hoa Lư Thăng Long - Bài ca dời đô”, Giao hưởng “Khúc tưởng niệm”, Liên khúc giao hưởng 3 chương “Chiến thắng” của ông đã được chọn để trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh lần này? Còn cơ hội đến với khán thính giả của các tác phẩm lớn này thì sao thưa ông?
Thanh xướng kịch “Trẩy hội Đền Hùng”, “Hoa Lư Thăng Long - Bài ca dời đô” thì đã có những chương trình biểu diễn để đến với công chúng trong các năm trước. Hiện nay, tôi nhận được thông tin là dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam đang dàn dựng giao hưởng 3 chương của tôi, mang tiêu đề “Chiến thắng”. Tác phẩm này tôi viết về ngày chiến thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975. Hiện tại dàn nhạc cũng mới chỉ dàn dựng được chương 1 trong 3 chương mà thôi nhưng như thế cũng đã là tốt lắm rồi.
Thẳng thắn phê và tự phê
Cơ quan quản lý văn hóa của chúng ta hiện nay còn nhiều bất cập, đặc biệt là các phát ngôn gây tranh cãi trái chiều trong thời gian gần đây của Cục Nghệ thuật biểu diễn, chẳng hạn như việc công bố rộng rãi tới công chúng 300 bài hát trong đó có cả quốc ca?
Động thái này của Cục Nghệ thuật Biểu diễn chưa chuyên nghiệp. Theo tôi, nên tham khảo ý kiến từ những người làm chuyên môn. Tôi cũng sẽ đóng góp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Hội Âm nhạc Việt Nam các ý kiến cụ thể hơn.
Hiện tại tôi đang giữ những bức thư của nhiều bạn bè nghệ sĩ từ khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và cả miền Nam nữa đã gửi cho tôi để góp ý về những sự việc liên quan đến Cục Nghệ thuật Biểu diễn, liên quan đến các ca khúc bị cấm diễn thời gian trước.
Thưa nhạc sĩ, có nên công bố danh sách các tác phẩm bị cấm diễn để những người làm nghề và công chúng đều được biết?
Rất nên làm điều đó! Nếu có những lệch lạc trong sáng tạo hoặc làm sai lạc đường lối, dẫn đến những hệ lụy xã hội thì rất nên lập hội đồng thẩm định và đưa ra công cụ hạn chế. Không thể thống kê hết được các tác phẩm được phép sử dụng nhưng hoàn toàn có thể lưu ý các bài không có lợi cho đất nước và tiến hành công bố danh sách đó kịp thời, khoa học, chặt chẽ.
Theo nhạc sĩ, là người làm nghề lâu năm, ông có bị ảnh hưởng tâm lý bởi những động thái như trên của cơ quan quản lý văn hoá?
Không chỉ Cục NTBD mà tất cả các cơ quan quản lý văn hóa, nếu có sai sót xảy ra đều rất đáng tiếc, không chỉ ảnh hưởng đến giới chuyên môn làm sáng tác mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến công chúng cả nước. Theo tôi, nếu Cục NTBD có những sai sót, nên thẳng thắn nhìn nhận, tự phê bình và sửa chữa.
Ảnh: Nguyễn Đình Toán
(Nguồn: http://dantri.com.vn)