Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Tôi cổ súy và ca ngợi loại nhạc nâng cao tâm hồn
Nhạc sĩ Đoàn Bổng- nguyên Trưởng phòng ca nhạc Đài THVN, là người có tên tuổi trong làng âm nhạc Việt. Nhưng ít người biết ông còn là thi sĩ, đồng thời là người chồng không thể tuyệt vời hơn trong tình yêu với người bạn đời tri kỉ, gắn bó.
Một bên âm nhạc, nửa kia thơ tình
Ngôi nhà trong ngõ 32A phố Hào Nam, quận Đống Đa là nơi sinh sống của người nhạc sĩ. Đoàn Bổng mặc đồ giản dị, gương mặt tươi sáng và nụ cười đôn hậu, lừng lững đứng trước cổng đón khách. Một bộ bàn ghế gỗ đơn sơ, một chiếc ti vi 24 inches cùng bộ máy đĩa mini, chỉ thế thôi mà phòng khách nhỏ tràn đầy âm điệu và lời ca mê đắm lòng người: “Dòng sông Đáy quê em/ Sông trăng hay sông lụa/ Nong kén vàng như lúa/ Tròn vạnh một góc trời”…
Nhạc sĩ, nhà thơ Đoàn Bổng trong ngôi nhà nhỏ
Cùng với sự hiếu khách của gia chủ, một trong những lý do khiến nhà ông luôn có "khách nhạc" tới chơi, chuyện trò, đàm đạo về nghề, về đời sống. Cũng có một lý do nữa, đó là, sau mấy chục năm làm công tác văn nghệ trong Đài với “cái tổ văn nghệ tôi”- ông thích gọi như vậy- “Tổ, chứ không cần là bạn bè chi hết”, ông có nhiều cơ hội làm việc và giữ mối quan hệ thân thiết với nhiều nhạc sĩ. Dường như cả một đời, con người ấy vẫn luôn đau đáu, tâm huyết vì sự nghiệp văn hóa.
Đời nghệ sĩ, chỉ cần một tác phẩm lưu danh hậu thế cũng đủ tự hào. Huống hồ, ông còn có không ít ca khúc nằm lòng trong trái tim công chúng, vậy mà vẫn mang thêm “nghiệp danh” thi sĩ ?
Tôi yêu thơ, khi thấy dòng cảm xúc thơ chảy trong trái tim mình là tôi viết. Những gì thuộc về nghệ thuật thì tôi không chối từ. Vì thế, bên cạnh hơn 300 ca khúc trữ tình, tôi còn cho ra đời các tập thơ “Nốt nhạc buồn”(1998), “Nhạc và thơ” (1996), “Em và đời” (2002), “Tình yêu ơi” (2005).
Không ít người nhận xét tình yêu là cái trục trung tâm, cái “thần” xuyên suốt trong cuộc đời sáng tác của ông?
Cả thời trẻ hay lúc về hưu, đối với âm nhạc hay thơ ca, tình yêu với tôi vẫn là đề tài bất tận. Người ta hay có quan niệm tuổi nào viết nhạc ấy nhưng tôi lại nghĩ khác. Ngày mười tám đôi mươi, tôi viết thơ tình đẹp một thì ở cái tuổi thất thập thơ tôi vẫn trẻ trung, lãng mạn có phần hơn nhiều. Vì tình yêu rất trẻ, tình yêu không có tuổi nên dại gì mà buồn, dại gì mà già. Có chăng, tôi chỉ sống dài hơn người khác còn trái tim tôi mãi tuổi 20.
Niềm đam mê âm nhạc vẫn chưa bao giờ ngừng trong trái tim người nghệ sĩ
Nghe nhạc của ông người ta dễ nhận ra đầy ắp một chất thơ và ngược lại ?
Cha ông ta xưa rất có lí khi ghép thơ với ca để gọi là thơ ca. Bởi lẽ mọi bài thơ đều có thể ca lên, hát lên và mọi bài ca đều bắt nguồn và dựa vào một bài thơ để “bẻ làn, uốn điệu”. Từ “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” đến “Hà Nội- Những kỉ niệm trong tôi”,” Anh đưa em về thưa với mẹ cha”, “Câu hát gọi xuân về”, “Nỗi Nhớ biển xa”, “Về Hà Tây đi em”…. chất nhạc và chất thơ là hai dòng cùng hòa hội. Như trong bài “Tình em” tôi đã viết đấy “Có nhạc nâng rồi, thơ vỗ cánh bay lên”.
Tôi cổ súy và ca ngợi thứ âm nhạc nâng cao tâm hồn con người, phải làm cho người ta thêm yêu cuộc sống, yêu nhau hơn chứ không phải nghe xong một bài hát chia li là muốn…đi tự tử. Vì thế, tất cả những ca khúc của tôi đều bắt đầu bằng những cảm xúc mạnh, những giai điệu mượt mà nhưng không ủy mị.
Tôi viết theo cảm xúc mãnh liệt về những điều mà tôi bất chợt gặp trong cuộc đời. Mỗi ca khúc đều mang dáng dấp của những người tôi tiếp xúc và có ấn tượng sâu sắc- người ta hay gọi là “nàng thơ”.
Một góc nhỏ tủ sách gia đình người nhạc sĩ
Vậy ông có thể kể một vài kỉ niệm về “nàng thơ” ấy?
Đó là nguồn cảm hứng để tôi viết “Duyên kì ngộ”. Một cô gái rất đẹp, cao ráo, những một mét bảy ba, đâu có như tôi (cười). Nói thật đấy, PGS-Nhà giáo nhân dân Dương Viết Á- người thầy của tôi hay nói đùa bảo, “cái anh chàng trông qua dáng vẻ, chẳng có gì rõ nét văn nhân. Người thâm thấp, vóc đầm đậm, cứ như một cột lăng trụ ngắn ngủn. Thế mà trong tâm hồn lại xanh mướt những dòng nhạc, áng thơ”.
Trở về câu chuyện, tôi gặp cô ấy trong một buổi biểu diễn âm nhạc. Dù kém tôi nhiều tuổi nhưng nhất quyết xin phép chỉ gọi tôi bằng anh. Vì cô ấy bảo, tuổi tác không quan trọng, quan trọng là tâm hồn trẻ.
Đêm ấy khi về nhà, tôi gọi điện cho cô bé đó nói “Anh xin phép được viết một ca khúc về em nhé”. Cô gái ngập ngừng đồng ý rồi dặn thêm, anh viết nhưng nhớ đừng bảo em nhận lời ngay nhé. Tôi cười. Thế là nguồn cảm hứng dâng trào, tôi đóng kín cửa viết một mạch: “trời xui đất khiến chúng mình gần nhau”…. như thể sợ những giai điệu đang ngân vang trong lòng sẽ nhanh chóng biến mất. Sáng sớm hôm sau, tôi đem đi đánh máy và gửi tặng lại em ngay. Lần khác, khi em mang ca khúc mà tôi viết đi thi- ca khúc “Mẹ tôi”, tôi đã sáng tác bài thơ “Người tình xưa thi hoa hậu quý bà”.
Hay như lần, có một cô gái ngại ngùng nói với tôi “Em xấu lắm”. Tôi bảo, xấu đẹp đâu có công thức chung. Món ăn ngon khi vừa miệng còn người đẹp khi vừa con mắt mình. Em rất đẹp khi em vừa mắt anh. Thế là tôi viết luôn ca khúc “Thiên thần của tôi”.
Lạc quan giữa những nỗi buồn
Về hưu từ năm 2004, ông “ở ẩn” thật sao ?
Tôi vẫn sáng tác đấy chứ! Tôi ấy à, giờ vừa làm nội tướng vừa làm ô sin, đã làm quản gia chuyên nghiệp còn được tôn vinh “bộ trưởng bộ ngoại giao” của cả gia đình (cười).
Vợ tôi thực sự phải nghỉ ngơi vì sức yếu nên mọi hoạt động từ tổ dân phố, sinh hoạt phường tôi đều đại diện tham gia. Tôi có cậu con trai cũng theo học sáng tác nhạc, chưa lấy vợ, có cô con gái với hai đứa cháu ngoại rất yêu ông. Ở Hà Nội cũng nhiều bạn bè, thi thoảng gọi rủ đi uống rượu khó mà chối từ. Nghỉ hưu là thế đấy, nhàn thân nhưng không nhàn tâm. Khó “ở ẩn” lắm.
Thay vợ, nhạc sĩ Đoàn Bổng chăm lo, quán xuyến công việc gia đình.
Sức mạnh nào để ông vừa viết nhạc, làm thơ vừa chăm sóc vợ, chu toàn công việc nhà bộn bề như vậy ?
Nói thật, nếu tôi buông xuôi thì người thiệt thòi đầu tiên là vợ tôi. Vợ chồng một ngày cũng nên nghĩa huống chi chúng tôi đã bên nhau mấy chục năm trời. Tôi cũng nghĩ rằng, thời trẻ cần nhau đã đành, giờ cô ấy không may bị bệnh tật, chúng tôi càng phải cần nhau hơn. Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa thì tình yêu của tôi dành cho cô ấy vẫn không thay đổi. Tôi sẽ bên cô ấy đến hết cuộc đời này.
Nhạc sĩ Đoàn Bổng và người vợ hồi vợ ông chưa bệnh
Tất nhiên, tôi vẫn cần sự trợ giúp của người thân chứ một mình làm sao ôm xuể. Con trai tôi cũng ở nhà chăm mẹ, con gái cũng hay sang đỡ đần cái nọ cái kia.
Có bao giờ ông thấy tủi thân vì cả đời cống hiến cho âm nhạc nhưng thu nhập một tháng giờ không bằng ca sĩ trẻ hát một bài?
Ở nước ngoài, các nhạc sĩ không phải lo lắng gì nếu có một gia tài âm nhạc, họ hoàn toàn có thể sống tốt bằng tiền bản quyền. Nhưng ở Việt Nam thì khác. Về thu nhập từ tác quyền âm nhạc, cũng khiêm tốn lắm! Tháng nhiều thì hơn 2 triệu đồng, tháng ít thì 300.000-400.000 đồng nhưng tôi đã quen với điều này. Chi tiêu của cả gia đình nhờ cả vào 7 triệu đồng lương hưu của 2 vợ chồng. Cuộc sống chi tiêu cũng không nhiều lắm, chúng tôi chủ yếu sống bằng lương, thỉnh thoảng được mời đi chấm thi, mời đi viết nhưng cũng họa hoằn.
Nhưng nếu so với nhiều nhạc sĩ khác thì thu nhập của gia đình tôi cũng không đến nỗi. Rất nhiều người bạn của tôi sống cũng cùng cực lắm, vất vả hơn tôi nhiều. Nhưng các bạn mình chả bao giờ buồn thì mình sao lại buồn? Tôi không bao giờ nghĩ đến thu nhập và những được mất trong nghề mà tìm niềm vui trong nghệ thuật.
Người nhạc sĩ giới thiệu một bài thơ của ông được in trong một cuốn sách
Khi nào ông thực sự “gác kiếm” với nghiệp sáng tác nhạc, làm thơ?
Không, tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc dừng bút. Tôi không cho phép mình mệt mỏi vì cơm áo gạo tiền, tôi vẫn khắc phục mọi khó khăn để có thể viết. Gần đây nhất tôi còn thu âm ca khúc “Nghe trong tiếng yêu”. Tôi còn nhiều đề tài, ý tưởng và nhiều cảm xúc lắm. Với nghệ thuật, đừng để những gì xung quanh không cần thiết tác động đến mình!.
Xin cảm ơn ông và chúc ông luôn tiếp tục sự nghiệp âm nhạc và thi ca, bởi đông đảo công chúng chờ đón những tác phẩm của Đoàn Bổng!
(Nguồn: http://dantri.com.vn)