Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Âm nhạc đỉnh cao: Từ những bài tập tới vở Opera "Lá đỏ"

07/07/2016

Để xây dựng một môi trường báo chí văn nghệ chuẩn xác, nhanh nhậy, tin cậy thì không thể không có những nhà lí luận âm nhạc vào cuộc, cùng với các nhà chuyên môn, nhà báo phát hiện ra những vấn đề, đặt vấn đề, phản biện, từ đó xây dựng được nền lí luận, phê bình âm nhạc, góp phần làm cho đời sống âm nhạc phong phú, định hướng cho thẩm mĩ âm nhạc không bị lệch sang bên này hoặc bên kia.

PVL: Nhạc sĩ cho biết những tác phẩm của nhạc sĩ được bản thân và công chúng yêu thích.

Đỗ Hồng Quân: Ngay từ những tác phẩm đầu tiên được viết dưới dạng những bài tập, kể cả những bài viết khi học ở Việt Nam, tôi thấy rất tâm đắc. Ví dụ tôi có viết một Trio cho Clarinet, Cello và Piano mang tên “Hội xuân trên đỉnh núi” khi tôi mới tốt nghiệp trung cấp 4, vào khoảng năm 1972 – 73 gì đó, tôi cũng cảm thấy rất thích, thấy đó là tác phẩm của mình, hoặc như bản “Múa công” viết cho đàn Piano – lúc đó tôi có nghe giai điệu của Nhã nhạc cung đình Huế trong một CD mà bác Trần Văn Khê đem về, thì thấy âm thanh của sáo, của kèn bóp rất hay, rất sắc nét; từ đó tôi chuyển soạn cho Piano và rất thích.

Đến giai đoạn học tập ở Matxcơva, phải kể đến một số bản như: “Biến tấu trên chủ đề Người đi đâu” cho Piano, bài này tôi đã biểu diễn rất nhiều lần và ở chỗ nào tôi cũng rất hứng thú – nó vừa có giai điệu của dân ca Quan họ, vừa có kỹ thuật của Piano, lại có tư duy của âm nhạc nhiều bè, khiến có sức hấp dẫn người nghe, rồi NSND Đặng Thái Sơn cũng đã biểu diễn ở nước ngoài, ở Việt Nam cũng được biểu diễn nhiều lần. Có một tác phẩm mà mọi người hay nhắc đến, đó là “Bốn bức tranh” cho kèn Oboa, bộ gõ và Piano – riêng bộ gõ mang rõ đặc thù Việt Nam, rất sôi nổi.

Trên nền tảng những tác phẩm nhỏ như thế, năm 1981, khi tôi tốt nghiệp Đại học, tôi viết bản “Rhapsodie Việt Nam”, biểu diễn ở Liên Xô trước đây, ghi vào băng và đem về nước. Lúc ấy rất may mắn là còn có cả nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhạc sĩ Đỗ Nhuận... Tại 51 trần Hưng Đạo, tôi mở băng do dàn nhạc của Nga trình diễn cho các vị nghe, mọi người công nhận là rất Việt Nam và cũng rất hoành tráng. “Rhapsodie Việt Nam” có thể được coi là điểm đánh dấu bước đầu tiên để bước vào con đường khí nhạc lớn, vời dàn nhạc giao hưởng.

Gần đây, có những tác phẩm tôi cũng rất thích, có thể nói mỗi tác phẩm đều đánh dấu một chặng đường đi, đánh dấu sự tìm kiếm, thí dụ như “Mở đất” viết về 300 Sài Gòn, hoặc như vào năm 2007, theo đơn đặt hàng của dàn nhạc giao hưởng Nhật bản, tôi viết “Trổ một”, lại tạo một bước thoát nữa. Tôi quan niệm, đối với dàn nhạc giao hưởng, mình không chăm chắm vào tính hoành tráng, đồ sộ, chỉn chu của nó nữa, mà không gian để các nhạc công chơi nhạc – đây cũng là một khái niệm rất mới, do vậy khi đưa những nét của chèo vào, ngay từ cái tên “Trổ” cũng là của chèo, một thuật ngữ sử dụng khi phân khúc, phân đoạn tác phẩm, thì đã mang hơi hướng chèo rồi, lúc ấy dàn nhạc chơi nhạc là chính, hòa tấu không theo niêm luật của giao hưởng phương Tây, không bị áp đặt bởi niêm luật ấy, và tác phẩm đã rất thành công, được biểu diễn ở Nhật Bản, Việt Nam, Nga và nhiều nơi khác, bản thân tôi cũng chỉ huy biểu diễn bản nhạc này với dàn nhạc giao hưởng nhiều lần.

Ở lĩnh vực Ba lê, tôi cũng có tác phẩm “Khoảnh khắc bất tử” viết năm 2014, với nội dung về nữ anh hùng Võ Thị Sáu, được dàn nhạc giao hưởng biểu diễn mà tôi rất hài lòng.

Gần đây nhất là Opera “Lá đỏ”, một lĩnh vực hoàn toàn mới đối với tôi. Vở Opera có sự kết hợp giữa thanh nhạc với khí nhạc, giữa Aria với duo, nhạc không lời, múa… rất hứng thú. Điều mà mình đeo đuổi là không lặp lại cái cũ. Cho đến giờ, tôi thấy con đường đi, sự tìm kiếm của mình là có hiệu quả. Một số tác phẩm của tôi được trình diễn ra các nước như “Rhapsodie Việt Nam” do dàn nhạc Việt Nam, Nga, Đức trình diễn; “Trổ một” do dàn nhạc của nước cộng hòa Tajikistan biểu diễn. Rồi tác phẩm “Đối thoại” dành cho đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng khá độc đáo, được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài nước, riêng năm 2015 biểu diễn trên 5 sàn diễn ở Việt Nam, ở Liên hoan ca nhạc Âu Á tại Kazan, 2 lần ở Tokyo Nhật Bản, (riêng tôi và nghệ sĩ đàn bầu Bùi Lệ Chi cùng dàn nhạc giao hưởng trình diễn tại Nhật Bản rất được hoan nghênh). Các tác phẩm của tôi khi xuất hiện ở các nước, nói chung được tiếp nhận, họ công nhận khí nhạc Việt Nam độc đáo, kỹ thuật làm chủ được dàn nhạc, tư duy về dàn nhạc rất mới… Điều đó khiến mình rất mừng, mình không bị cách biệt với thế giới âm nhạc của bên ngoài.

Gần đây nhất, tôi được mời tham gia Ban Giám khảo để chấm tác phẩm của các nhạc sĩ trẻ tại Mascova, sau khi chấm xong tôi có những buổi thuyết trình về âm nhạc, buổi lên lớp với sinh viên, được Hội đồng Giáo sư; các thành viên Ban Giám khảo thống nhất với quan niệm của tôi là: Với nhạc sĩ trẻ, phải nắm được nguồn năng lượng của âm nhạc, đó là dân ca, để mà tư duy sáng tạo, rồi khi viết, cũng phải có được địa chỉ mà gửi đến, không phải là viết trên giời dưới đất – Cách đặt vấn đề, cách tư duy đó rất đúng với việc đào tạo nhạc sĩ trẻ trong môi trường sáng tác hiện nay. Đó là sự đúc rút từ thực tế hoạt động, có thử nghiệm, có những bước đi, có tác phẩm, và chỉ có thông qua tác phẩm mới đúc rút được kinh nghiệm.

Về thanh nhạc, tôi nghĩ đó là một lĩnh vực rất khó, không phài là ai cũng viết được, thậm chí có người chỉ viết được khí nhạc mà không viết được thanh nhạc. Tôi cũng viết được một số bài hát, ví dụ như “Chiếc lá đầu tiên” phổ thơ Hoàng Nhuận Cầm, “Sông Lục núi Huyền”, rồi có bài hơi mang tính quốc tế một chút như “Dưới mái nhà chung mầu xanh”… Đến khi “Lá đỏ” ra đời, quy tụ tất cả kinh nghiệm thanh nhạc của tôi, nhiều người lúc ấy mới giật mình công nhận cách viết thanh nhạc của Đỗ Hồng Quân rất có lí, rất thuyết phục.

Còn sự đau đáu về sáng tạo âm nhạc luôn luôn nằm ở mọi nơi, không chỉ ở khí nhạc, mà còn trên các lĩnh vực khác, như hợp xướng, ca khúc, ca từ, kể cả dàn dựng, sắc thái, tiết tấu… tức là mọi thành phần cấu tạo nên âm nhạc.


Tinh yêu trên tuyến lửa

PVL: “Lá đỏ”, một tác phẩm lớn, mới được công diễn hai lần. Vậy làm thế nào để “Lá đỏ” được tỏa rộng trong đời sống?

Đỗ Hồng Quân: Vở nhạc kịch Opera “Lá đỏ” là một công trình nghệ thuật, được ra đời từ chủ trương của Chính phủ là hỗ trợ cho sáng tác những tác phẩm về hai cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mĩ, theo Quyết định số 844 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2013. Từ đó mới có những đơn đặt hàng. Khi nhận được đơn đặt hàng, có sự băn khoăn, đắn đo, nhưng đã liều lĩnh nhận công việc rất lớn này. Mọi người đều biết, để có tác phảm lớn như Opera, chắc chắn không chỉ làm việc trong một năm, hai năm, mà phải làm việc rất nhiều. Để làm được một tác phẩm đúng nghĩa Opera, phải qua rất nhiều công đoạn, đầu tiên là phải đổ rất nhiều sức lực, thời gian, rồi mới nói đến trí tuệ, tài năng. Tôi đã nhận lời, miệt mài làm việc.

Rất may, tôi đã có được một kịch bản Thơ của chị Nguyễn Thị Hồng Ngát. Thực ra, đây không phải là một kịch bản phức tạp, hoặc gay cấn theo nghĩa tính kịch, mà chỉ như sự cảm hứng, tri ân đối với những người đã tham gia thời kỳ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Kịch bản đúc kết rất nhiều tấm gương hi sinh anh dũng của Thanh niên xung phong, chiến sĩ công binh, vận tải, bộ đội… nói chung là của thế hệ trẻ Việt Nam. Từ đó hình thành ra tứ thơ, và chính tình yêu trong sáng, chớm nở của hai nhân vật chính gặp bi kịch, tính tàn khốc của chiến tranh, càng tô đậm thêm hai thế giới tương phản: Thế giới bên trong và thế giới bên ngoài, thế giới của các cô gái trinh trắng như tiên nữ đồng trinh, lại bị sa vào hoàn cảnh tuyệt vọng, tới phải chết, nhưng khi chết vẫn ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp. Rồi những chàng trai khỏe mạnh, đầy ý chí nhưng bất lực trước thiên nhiên, trước sức phá hoại của bom đạn, càng tô thêm tính bi kịch. Bi kịch bị dồn nén từ hai phía và mang tính thời đại, chứ không đơn thuần là bi kịch của tình yêu đôi lứa, sự gay cấn của tình yêu tay ba… không phải là bi kịch cá nhân, mà là bi kịch chiến tranh.

Từ kịch bản, đến dàn dựng, với sự đóng góp tích cực của cả một tập thể, trong đó chủ lực là Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, vở Opera đã hoàn thành, với 2 đêm diễn 25 – 26/5/2016, tức là đã thực hiện xong đơn đặt hàng. Đây là một thắng lợi có thể nói là ngoài dự đoán của những nhà đặt hàng và của cả những người thực hiện vở đó. Còn phát huy vở diễn như thế nào, điều đó thuộc về những đơn vị biểu diễn, cùng với Hội Nhạc sĩ. Với tư cách Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, có trách nhiệm cùng Hội phổ biến những tác phẩm về hai cuộc kháng chiến, những tác phẩm có giá trị nhân văn, chúng tôi đã từng làm những đợt biểu diễn, hỗ trợ sáng tác, biểu diễn như vậy. Lần này, Hội Nhạc sĩ sẽ đứng ra cùng với hai Nhà hát tổ chức những đợt biểu diễn nhân Kỉ niệm lần thứ VII ngày Âm nhạc Việt Nam.

Trong năm nay, sẽ diễn “Lá đỏ” thêm 2 đêm ở Nhà hát lớn, phục vụ đông đảo công chúng, đặc biệt là những cựu TNXP, bộ đội… đã tham gia kháng chiến. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm ra những địa chỉ của các vị này và mời tới xem “Lá đỏ”. Cũng sẽ kết hợp với Bộ Quốc phòng tuyên truyền, giới thệu cho lực lượng vũ trang. VTV đã ghi hình toàn bộ, có kế hoạch biên tập để phát sóng. Tuy vậy, loại hình này đòi hỏi phải xem tại chỗ mới có thể cảm nhận đầy đủ giá trị nội dung và nghệ thuật, mới có cảm xúc lớn hơn. Các nhà chuyên môn đánh giá “Lá đỏ” là “vở Opera đích thực”, “thuần khiết”, “thuần việt”, “đúng là vở Opera” – Đúng thể loại là quan trọng lắm, bởi mỗi thể loại có những đặc trưng của nó, nếu làm chệch đi sẽ sang thể loại khác.


Tiên nữ Trưởng Sơn

PVL: Vai trò của truyền thông và thực tế truyền thông đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam?

Đỗ Hồng Quân: Truyền thông và âm nhạc gắn chặt với nhau như hình với bóng. Rất mừng là trong đội ngũ phóng viên báo chí của ta có rất nhiều người có trình độ về âm nhạc, quan tâm đến đời sống âm nhạc, trăn trở với sự phát triển của âm nhạc nước ta. Do vậy, trong các hoạt động âm nhạc, đều có tiếng nói của truyền thông. Ở các nước phát triển, có những chuyên gia, thậm chí có những Tạp chí chuyên về âm nhạc, hàng tháng ra những tập rất dày, trong đó có tất cả các chuyên mục với đầy đủ các thể loại, từ Pop, Rock, Academic, giới thiệu những hoạt động mới, tác phẩm mới... mà Tổng Biên tập là những Tiến sĩ âm nhạc – họ trực tiếp viết bài, trực tiếp phụ trách từng mục trong đó, thậm chí có những kênh âm nhạc riêng trên phát thanh, truyền hình, rồi truyền hình trực tiếp những chương trình giao hưởng... do vậy đời sống âm nhạc luôn luôn được hiện hình trên truyền thông. Ở nước ta, âm nhạc được nói tới, trước hết là ở những mục điểm báo, có những tác dụng tốt, kịp thời, nhưng muốn đi sâu vào thì phải có tiếng nói của những nhà chuyên môn. Cũng có những tờ báo chuyên về âm nhạc, nhưng lại không được phổ biến rộng rãi. Do vậy công chúng nghe nói về âm nhạc chủ yếu qua tin tức hoạt động âm nhạc trên báo hàng ngày là chính. Nếu chúng ta không cân bằng, sẽ có cảm giác bị lệch. Người ta cảm thấy trên truyền thông lúc nào cũng chỉ có những ngôi sao nhạc nhẹ, album mới, “ngôi sao” mới (thuộc dòng nhạc giải trí), khiến người ta quên rằng âm nhạc phải có cả hai mặt, trong đó âm nhạc chuyên nghiệp với những tác phẩm mới, những thể nghiệm... rất cần được quảng bá. Gần đây, có tốp nhạc thính phòng rất chất lượng là “Sông Hồng”, giới thiệu các tác phẩm âm nhạc Việt Nam, tác phẩm âm nhạc đương đại thế giới, những lại ít được báo chí quan tâm phản ánh.

Tóm lại, để xây dựng một môi trường báo chí văn nghệ chuẩn xác, nhanh nhậy, tin cậy thì không thể không có những nhà lí luận âm nhạc vào cuộc, cùng với các nhà chuyên môn, nhà báo phát hiện ra những vấn đề, đặt vấn đề, phản biện, từ đó xây dựng được nền lí luận, phê bình âm nhạc, góp phần làm cho đời sống âm nhạc phong phú, định hướng cho thẩm mĩ âm nhạc không bị lệch sang bên này hoặc bên kia. Truyền thông luôn luôn là người bạn trung thành với các nhà sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo âm nhạc, một lĩnh vực rất nhạy cảm, có sự lan tỏa rất rộng lớn trong đời sống xã hội.

(Nguồn: http://vanhien.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...