Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Âm nhạc đỉnh cao: Môi trường giúp hình thành tính cách nghệ sĩ
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói tới quá trình học tập của mình để trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp. Môi trường, trong đó có môi trường sư phạm, đã giúp ông trưởng thành, hình thành tính cách nghệ sĩ.
Đỗ Hồng Quân: Tôi rất may mắn được đào tạo âm nhạc một cách bài bản ngay từ nhỏ. Khi tiếp xúc với âm nhạc, tôi tiếp xúc với cây đàn Piano, một cây đàn tổng hợp, dưới sự dìu dắt của Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên. Bác Thái Thị Liên là một người rất nghiêm khắc, đòi hỏi kĩ càng, cho dù đó là học sinh sơ cấp một, sơ cấp hai hay sau này học cao hơn, thì tính kỉ luật, tính đúng giờ giấc, đã khép cá nhân tôi vào một môi trường học tập rất nghiêm túc.
Ngay từ nhỏ, tôi đã được thừa hưởng sự nghiêm túc, tính cẩn trọng đó không những từ thầy giáo dậy đàn Piano mà ngay từ gia đình, từ người cha tôi – nhạc sĩ Đỗ Nhuận, đã rèn cho đức tính nghiêm túc, học đánh đàn, tập hòa thanh hay là tập Gam cũng phải có thái độ nghiêm túc của người đang biểu diễn. Tinh thần đó được tiếp nối, từ khi hoàn thành khóa học Trung cấp, rồi Đại học năm thứ 3 Piano của Nhạc viện Hà Nội… Lúc đó, tôi cũng được tiếp xúc với nghệ thuật sáng tác. Người thầy đầu tiên là nhạc sĩ Thế Bảo, một sinh viên mới tốt nghiệp ở Nhạc viện Hà Nội ra, cũng rất trẻ, hướng dẫn một lớp. Sau đó, tôi được sang Nhạc viên Tchaikovsky, suốt gần 10 năm học dưới sự chỉ giáo của Giáo sư Anbe Riman – Chủ nhiệm khoa – tôi may mắn được học trong một môi trường cực kì chuyên nghiệp, cực kì nghiêm túc, cực kì đòi hỏi cao, đồng thời có sự truyền nghề, dạy nghề hết lòng của các thầy giáo, đó đội ngũ giáo sư, đội ngũ nhạc sĩ, các nhà sư phạm trong các lĩnh vực của Liên Xô – không chỉ là sáng tác, mà còn có nhiều bộ môn khác như phối khí, phức điệu, hòa thanh, lịch sử âm nhạc châu Âu, lịch sử âm nhạc Nga, triết học…
Sau này học lên còn được học những môn cao hơn nữa, tạo cho mình một không gian để mà phấn đấu và học tập một cách miệt mài. Những năm 1976 – 1981 là thời kì học đại học, rồi từ 1982 là thời kì nghiên cứu sinh, tôi thấy đó là thời kì vàng không những đối với cá nhân tôi mà đối với tất cả những sinh viên ở các trường đại học của Liên Xô cũ. Ngay trong Nhạc viên Tchaikovsky, những bạn học như chị Tôn Nữ Nguyệt Minh, anh Đặng Thái Sơn, anh Ngô Văn Thành, anh Nguyễn Thiếu Hoa, anh Nguyễn Minh Anh… đều trưởng thành.
Như vậy, tôi nhận thấy môi trường đào tạo rất quan trọng, nó không chỉ làm cho anh trở thành một nhà chuyên môn đơn thuần, mà còn tạo cho anh một tính cách – đó là tính cách của những người làm nghệ thuật luôn luôn đòi hỏi tự thân mình có cái gì mới hơn, nghiêm khắc hơn, và cho mình một sức đề kháng rất quý, đó là anh phải luôn luôn đi tìm cái của anh, không lai căng, không dễ dàng chấp nhận, mặc dù nếu chấp nhận cái của người khác thì có hiệu quả rất hay, tránh xu hướng chạy theo phong cách của người khác, chẳng hạn các nhạc sĩ đầu thế kỉ XX như Béla Barok, Stravinsky… âm nhạc của các ông ấy rất hay, nhưng nếu mà bắt chước các ông ấy thì không phải, mà anh vẫn phải tìm về cội nguồn. Môi trường đó đã tạo cho mình một tính cách, một nếp tư duy trong sáng tạo nghệ thuật là luôn luôn phấn đấu, luôn luôn không bằng lòng với cái gì mà mình đã làm ra. Sự tìm tòi, có lúc thành công, có lúc gặp những bế tắc, có lúc đạt thành quả, cúc lúc lại đang treo ở đấy, thì đó là sự miệt mài để đi tìm tới cái đẹp, cái kết quả như mình mong muốn.
(Nguồn: http://vanhien.vn)