Nhạc sĩ Đặng Thái Sơn: "Tôi chọn thời là sinh viên Nhạc viện Matxcơva”
Lần đầu tiên thành phố Voronezh được thưởng thức tiếng đàn của Đặng Thái Sơn - nghệ sĩ piano đẳng cấp thế giới, người đã gây cơn chấn động bùng nổ theo đúng nghĩa trên đấu trường âm nhạc Olymp vào năm 1980 khi ông đoạt giải Grand Prix và giải thưởng đặc biệt tại cuộc thi quốc tế mang tên Chopin ở Warsawa.
giaitri.vnexpress.net |
Đặng Thái Sơn sinh năm 1958 tại Hà Nội. Tuổi thơ của ông trôi qua trong tiếng bom Mỹ dội xuống thành phố và làng quê Bắc Việt Nam. Cậu bé Đặng Thái Sơn học nhạc tại nơi sơ tán ở huyện Yên Dũng cách Hà Nội chừng gần trăm cây số. Sách nhạc không đủ, vật báu thật sự và duy nhất là tập bản nhạc Chopin mà bà mẹ của Sơn cũng là một nghệ sĩ dương cầm đã kiếm được. Sau đó, một thành viên trong đoàn đại biểu Liên Xô đến thăm Việt Nam là nhà sư phạm của Nhạc viện Gorky – ông Isaac Katz – đã khám phá ra tài năng Việt Nam nhỏ tuổi này và khuyên cậu bé nên tiếp tục học tập. Tốt nghiệp khóa học của Nhạc viện Hà Nội, theo khuyến nghị của nghệ sĩ dương cầm xô-viết Isaac Katz, Đặng Thái Sơn được gửi đến Matxcơva. Sau chiến thắng khải hòan tại cuộc thi quốc tế mang tên Chopin năm 1980, sự nghiệp đàn piano của Đặng Thái Sơn trở nên lừng lẫy. Ông lưu diễn rất nhiều, trình tấu cùng với những dàn nhạc ưu tú nhất, ghi đĩa, giảng dạy ở những nước khác nhau và tham gia Ban giám khảo các cuộc thi quốc tế.
Hiện nay Đặng Thái Sơn định cư ở Montreal (Canada), nhưng vẫn như trước kia, nghệ sĩ tài danh rất yêu nước Nga, nơi ông đã trải qua thời tuổi trẻ và ghi dấu thành công đầu đời. Cùng với dàn giao hưởng của Nhạc viện Voronezh dưới sự chỉ huy của NSND Nga Vladimir Verbitsky, Đặng Thái Sơn chơi bản Concerto số 5 của Beethoven. Kỹ thuật tuyệt vời và những âm thanh biết hát dưới bàn tay nghệ sĩ gây ấn tượng cuốn hút không tả nổi: không thể không say mê lối trình bày của Đặng Thái Sơn, với vẻ đẹp kiêu hùng trầm lắng của chúa sơn lâm mà lai lấp lánh ánh thanh cao của thứ vũ khí lạnh kỳ bí.
Trò chuyện với nhà báo, Đặng Thái Sơn nói tiếng Nga rất thoải mái.
- Đây là lần ra mắt đầu tiên của tôi ở Voronezh, - nghệ sĩ dương cầm nói. – Tôi đã có lần trình tấu cùng với nhạc trưởng Vladimir Verbitsky một năm rưỡi trước đây tại Đài Loan. Hòa nhạc cùng ông là niềm sảng khoái đối với tôi, bởi vì thông thường nhạc sĩ độc tấu luôn luôn đi theo sự dẫn dắt của nhạc trưởng, còn ở đây thì nhạc trưởng dõi theo từng nhịp của tôi.
- Được biết hiện giờ ông cư ngụ ở Canada. Vì sao ông chọn đất nước này?
- Đó là cả một câu chuyện dài. Thoạt đầu tiên tôi sống ở Nga, sau đó sang Nhật Bản, tôi cần có một nơi nào đó khi dừng chân. Lần đầu tiên tôi chơi đàn ở Canada là cùng với dàn nhạc giao hưởng Montreal vào năm 1989. Và khi ấy tôi quyết định di cư sang đó. Chuyển đến Canada là một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Ngay cả trong lối chơi đàn của tôi cũng có điều gì thay đổi. Đó là nơi có môi trường tuyệt hảo để làm việc. Dù rằng đó thuần túy chỉ là nơi sống, còn công việc cơ bản của tôi là ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tôi hiện cũng có khóa dạy ở trường Đại học Tổng hợp Montreal.
- Khi nhìn ông chơi nhac, có thể cảm nhận rằng ông yêu mến thứ nhạc cụ này đến chừng nào…
- Cây dương cầm là đối tác thân tình nhất. Ngay cả với những người thân, bạn cũng không thể chia sẻ những gì mà bạn tin cậy trải lòng như với cây đàn. Cs nhân tôi chẳng có bí mật nào trước cây đàn piano.
- Chúng tôi nghe thấy điều đó trong buổi trình tấu của ông. Hôm nay là Beethoven, nhưng tôi không thể không nhớ về Chopin, bởi vì đó là nhà soạn nhạc đặc biệt đối với ông, thưa nghệ sĩ…
- Đó là số phận. Ngay từ những năm tháng khi tôi còn nhỏ, giai điệu đầu tiên mà tôi được nghe là nhạc của Chopin. Buổi chiều, tĩnh lặng, trong bóng tối vì không có điện, mẹ tôi chơi Dạ khúc và Mazurka của Chopin. Còn năm 70 mẹ tôi được mời làm khách danh dự tại cuộc thi Chopin ở Warsawa, và mẹ đã mang về tập bản nhạc và băng ghi âm. Bạn thử tưởng tượng xem, tôi chẳng có sách nhạc Mozart hay Bach hay Beethoven, mà chỉ có Chopin! Tôi sống chỉ với âm nhạc của Chopin, suốt ngày đêm!
- Có lẽ chính nhờ thế đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc thi Chopin năm 80?
- Đó hoàn toàn là một cuộc phiêu lưu tuyệt đỉnh! Lúc đó tôi không hề có chút kinh nghiệm nào về chuyện tham gia các cuộc thi. Tôi thậm chí chưa lần nào biểu diễn solo, chưa lần nào chơi đàn cùng với dàn nhạc. Và vì vậy tôi chơi đàn ở Warsawa với sự tươi mát sống động tự nhiên như vậy. Chính điều đó đã mang lại cho tôi cơ hội thắng cuộc.
- Vậy ông thấy ai trong số nhà soạn nhạc Nga là gần gũi hơn cả?
- Tâm hồn Nga là Tchaikovsky và Rachmaninov. Tôi thậm chí đã ghi một đĩa với tác phẩm "Bốn mùa" của Tchaikovsky. Tôi tấu cả nhiều bản của Scriabin và Prokofiev. Tôi từng sống 10 năm ở Nga, vì thế rất yêu chơi nhạc Nga. Thế nhưng về bản tính tự nhiên, có lẽ gần gũi với tôi hơn cả là âm nhạc Pháp. Và những tiết mục cơ bản của tôi bây giờ là tác phẩm ấn tượng chủ nghĩa. Thế còn nhạc lãng mạn thì tôi chơi trong truyền thống Nga. Người thầy đầu tiên của tôi là Giáo sư Vladimir Natanson khi chuẩn bị cho tôi dự thi Chopin cũng đã dạy cho tôi cả cơ sở thanh nhạc, ông dạy tôi cần hát như thế nào trên cây đàn dương cầm.
- Ông đã đạt tới tất cả những đỉnh cao thành tích mà một nghệ sĩ piano có thể mơ ước. Vậy thì, giả sử có dịp quay trở lại một khỏang thời gian nào đó thì ông sẽ chọn giai đoạn nào?
- Ồ, chắc tôi sẽ chọn thời làm sinh viên Nhạc viện Matxcơva. Đó là những tháng năm đẹp nhất trong cuộc đời tôi! Thâm chí bây giờ tôi không quá mong muốn biểu diễn ở Matxcơva, bởi không tìm thấy những gì từng có trong thời ấy. Mọi thứ đã thay đổi thật nhiều! Cả vẻ ngoài và bên trong. Tất nhiên, có nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, nhưng vẫn có hoài niệm buồn nhớ nhẹ nhàng về thời quá vãng. Chúng tôi sống trong ký túc xá và tôi có rất nhiều bạn bè. Bây giờ không có cảnh đó nữa.
- Nói chung thì nghệ sĩ có thích trình tấu ở nước Nga không?
- Có chứ, nhưng tôi không bị cuốn hút bởi các đô thị lớn. Tôi thích Novgorod, Ekaterinburg - ở đó vẫn giữ được truyền thống nghe nhạc cổ điển.
- Như chúng tôi đang nghe lúc này?
- Ồ, các bạn là những khán giả thú vị! Hôm nay tôi rất hạnh phúc khi nhìn thấy trong phòng hòa nhạc có nhiều thanh niên. Bởi bây giờ ở châu Âu, hay ở Mỹ, hầu hết công chúng tại các buổi hòa nhạc cổ điển là những người cao tuổi. Còn ở Nga nhiều bạn trẻ thích nghe nhạc cổ điển. Điều đó rất quan trọng.
(Nguồn: http://vietnamese.ruvr.ru)