Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc: Lựa chọn luôn là khó

07/03/2013

Tinh tuyển và phổ thông, sự đối lập này luôn hằn sâu trong ý thức của Đặng Hữu Phúc. Và anh đã chọn vế thứ nhất, chọn một “đích lịch trình khổ nạn”, một con đường đầy bất trắc nhưng cũng hứa hẹn không ít vinh quang nếu người ta thực sự có tài và gặp một chút may mắn. Sự lựa chọn này khiến Đặng Hữu Phúc được nhiều người yêu và cũng bị không ít kẻ ghét.

Tuổi độ lục tuần. Dáng lòng khòng. Kính cận. Quần áo có phần xuềnh xoàng, cái kiểu xuềnh xoàng của người không quan tâm đến việc kẻ khác sẽ nhìn mình như thế nào. Vẻ mặt lúc lơ mơ như người đang trong cơn mộng du, lúc toe toét như trẻ con được kẹo, cũng có lúc lại u ám cứ như thể phải mang vác tất thảy nỗi buồn đau nhân thế.

Về đại thể, đó là chân dung bề ngoài của Đặng Hữu Phúc – Phúc “Te”, tôi không hiểu vì sao lại có cái “hỗn danh” này, và cũng không tiện hỏi – người mà trong giới sáng tác và biểu diễn khí nhạc ở Việt Nam hiện nay, có thể khẳng định rằng không ai dám nói là không biết.

Không ai dám nói không biết, là vì Đặng Hữu Phúc đã quá nổi tiếng với tư cách một nhạc sỹ sáng tác, một nhà soạn nhạc đúng nghĩa. Trên thực tế, Đặng Hữu Phúc từng có hơn hai mươi năm (từ 1979 đến 2002) “ngự ghế” pianist tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam – một cái ghế đáng mơ ước với rất nhiều sinh viên đã, đang và sẽ theo học piano ở các trường nhạc ở Việt Nam – thế nhưng với anh, công việc ấy trong hơn hai mươi năm qua là một công việc rất ít ý nghĩa: đó chỉ là làm nghề công chức nghệ thuật để được nhận đồng lương của nhà nước. Và… chấm hết. Còn niềm vui thực sự của anh, hạnh phúc của anh, niềm khát khao đến cháy bỏng của anh, ngọn lửa đam mê chưa bao giờ tắt trong anh kể từ cái tuổi mười tám măng tơ đến tận bây giờ (Đặng Hữu Phúc sinh năm 1953) chính là được sáng tác, sáng tác và sáng tác.

Mười tám tuổi, đang là sinh viên Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) anh đã viết tác phẩm khí nhạc đầu tay, bản Prelude giọng Mi giáng trưởng (Es) với lời đề tặng bạn Đặng Thái Sơn. Tác phẩm này hiện vẫn được dùng trong giáo trình giảng dạy của các nhạc viện ở Việt Nam. Hai mươi lăm tuổi, anh viết bản Sonate Polyphonique cho piano. Bản nhạc này được trình diễn lần đầu tiên vào ngày 15/11/1978 tại trụ sở Hội Nhạc sỹ Việt Nam 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội - nơi duy nhất có thể trình diễn nhạc cổ điển thính phòng vào thời đó – và tác giả chơi piano từ đầu tới cuối. Sau này, chính danh cầm Đặng Thái Sơn cũng đã nhiều lần chơi bản nhạc này trong các buổi biểu diễn ở nước ngoài.

Theo giới chuyên môn, đây là một tác phẩm hay nhưng khó, một sự thách thức thật sự đối với người diễn tấu. Vì thế, không ngẫu nhiên mà Sonate Polyphonique của Đặng Hữu Phúc lại là tác phẩm âm nhạc được nhiều người mang ra mổ xẻ, phân tích để làm luận văn thạc sỹ, tiến sỹ “ở Tây” – trong số đó có GS. NSND Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Cần phải nhớ rằng hai tác phẩm nói trên được Đặng Hữu Phúc viết khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, và trong hoàn cảnh của một đất nước mà tất cả đều thiếu ăn thiếu mặc triền miên bởi chiến tranh. “Bỉ sắc tư phong”, biết đâu đấy, luật bù trừ của tạo hóa, để lấp đầy sự thiếu thốn vật chất, người ta cần phải đi tìm sự no đủ cho đời sống tâm hồn, để quên đi cái đói vàng mắt, người ta phải tìm đến màu xanh của sáng tạo nghệ thuật. Nhưng tại sao lại chỉ có một số ít người như Đặng Hữu Phúc mới có thể làm được điều đó nhỉ?

Bề ngoài có vẻ hiền lành và…vô hại, nhưng bên trong, Đặng Hữu Phúc thực sự là một kẻ nổi loạn, theo nghĩa anh thích đối mặt với cái khó, thích cái cảm giác chơi trò tung hứng với các thứ quy phạm trong nghệ thuật âm nhạc hàn lâm. Tôi muốn nói đến bản Pizzicato Vietnam mà Đặng Hữu Phúc đã hoàn thành năm 2009. Pizzicato, thuật ngữ âm nhạc tiếng Ý, nghĩa là “gẩy”, “gẩy” trên đàn dây chứ không phải là dùng vĩ để “kéo”.

Ở nhiều chương, nhiều đoạn trong nhiều tác phẩm âm nhạc danh tiếng trên thế giới người ta cũng đã dùng thủ pháp này, nhưng dùng nó “chạy suốt” tác phẩm thì chưa. Và ở nền âm nhạc bác học non trẻ như Việt Nam thì càng chưa có tiền lệ, cho đến khi xuất hiện Pizzicato Vietnam của Đặng Hữu Phúc. Bản nhạc chỉ kéo dài bốn phút, nhưng trong bốn phút ấy, dàn nhạc dây (violon, viola và cello) chỉ có gẩy và gẩy, các nhạc công phải dùng năm ngón tay gẩy liên tục như thể đang chơi guitar vậy. Thật khó, nhưng chính thủ pháp “đánh đố” ấy, cùng sự kết hợp nhuần nhuyễn chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam trong giai điệu (chèo, chầu văn) đã khiến cho bản nhạc tạo ra một hiệu ứng nghệ thuật bất ngờ và đầy thú vị đối với người thưởng thức.

Tháng 9/2011, dưới sự dàn dựng và chỉ huy của Nhạc trưởng Carlos Cuesta, Pizzicato Vietnam đã vang lên tại thủ đô Madrid và được khán giả Tây Ban Nha hưởng ứng nhiệt liệt. Tháng 10 cùng năm, bản nhạc lại tiếp tục vang lên tại Nhà hát Lớn Hà Nội. “Ý tưởng được quyết định ngay sau khi buổi diễn tại Madrid kết thúc”, đó chính là lời nói của Nhạc trưởng Carlos Cuesta. (Tây thì nói thế, nhưng ở ta, khi thẩm định để xét giải cho tác phẩm này, không ít vị có tiếng là cây đa cây đề trong giới nhạc đã lắc đầu: đây là bản nhạc không thể chơi được!).

Thích đối đầu với cái khó, thích phá vỡ những quy phạm (hình như đó chính là phẩm chất của những người sáng tạo nghệ thuật đích thực), mục tiêu cụ thể của Đặng Hữu Phúc là hướng tới đối tượng thính giả tinh tuyển, loại đối tượng thính giả sành âm nhạc và luôn có nhu cầu được thưởng thức những tác phẩm âm nhạc mới mẻ, giàu giá trị thẩm mỹ. Tinh tuyển và phổ thông, sự đối lập này luôn hằn sâu trong ý thức của Đặng Hữu Phúc. Và anh đã chọn vế thứ nhất, chọn một “đích lịch trình khổ nạn”, một con đường đầy bất trắc nhưng cũng hứa hẹn không ít vinh quang nếu người ta thực sự có tài và gặp một chút may mắn. Sự lựa chọn này khiến Đặng Hữu Phúc được nhiều người yêu và cũng bị không ít kẻ ghét. Một phần là do những thành công mà anh đã đạt được. Tôi muốn nói tới ba cái “đầu tiên” của Đặng Hữu Phúc:

Thứ nhất, anh là nhạc sỹ sáng tác khí nhạc Việt Nam đầu tiên mà tác phẩm được vang lên trong các phòng hòa nhạc sang trọng của nước Cộng hòa Pháp (tháng 5 năm 2007), xin nhấn mạnh: dưới hình thức chương trình biểu diễn bán vé, chứ không phải biểu diễn theo kiểu chiêu đãi miễn phí với một nội dung “giao lưu văn hóa quốc tế” hữu nghị nào đó. Tác phẩm ấy là bản Ouverture Ngày hội viết cho dàn nhạc giao hưởng. Dàn dựng và chỉ huy biểu diễn cho bản Ouverture này, không ai khác, chính là nhạc trưởng lừng danh Xavier Rist, người đã đoạt bảy giải nhất về chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện quốc gia Paris. Trong cả ba buổi biểu diễn trên đất Pháp, Ngày hội luôn được xếp là tiết mục khai màn, sau đó mới đến các danh tác của Prokofiev và v.v... Chính Nhạc trưởng Xavier Rist cũng đã phải công nhận: “Ngày hội là một tác phẩm xuất sắc, nhạc sỹ đã chuyển đổi và tái tạo chất liệu nhạc truyền thống Việt Nam dưới lăng kính của ngôn ngữ giao hưởng đương đại với một cảm nhận về nhịp điệu và màu sắc rất tinh tế”. Đừng quên rằng người Pháp rất khắt khe trong việc tuyển lựa và thưởng thức nghệ thuật. Xavier Rist sẽ không chọn để dàn dựng, và khán giả Pháp cũng sẽ không bao giờ chịu bỏ tiền mua vé vào nhà hát để nghe một bản Ouverture Ngày hội nếu nó là một tác phẩm tầm phào. Thành công của Ngày hội trên đất Pháp không chỉ là niềm tự hào của riêng Đặng Hữu Phúc. Một thành viên trong Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội (dàn nhạc đã cùng nhạc sỹ và tác phẩm Ngày hội sang Pháp) khi về nước đã viết một bài báo về sự kiện này trên trang web của Hội Nhạc sỹ Việt Nam, coi đó là câu chuyện cổ tích giữa đời thường!

Thứ hai, Đặng Hữu Phúc là nhạc sỹ Việt Nam đầu tiên (nếu tôi không nhầm, thì cũng là duy nhất cho đến thời điểm này) giành giải nhạc phim xuất sắc nhất tại một Liên hoan phim quốc tế: giải Kim Tước, Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải lần thứ tám (tháng 6 - 2005) sau khi vượt qua 375 phim của trên 40 nước. Về nhạc của Đặng Hữu Phúc trong phim Thời xa vắng, Ban giám khảo của giải Kim Tước nhận xét như sau: “Những nét nhạc đẹp như thể nét vẽ của người họa sỹ trong tranh, nhạc gây ấn tượng mạnh và làm lay động tâm hồn chúng ta. Nhờ có âm nhạc, số phận của các nhân vật chính đã trở nên rõ nét hơn”. (Đặng Hữu Phúc còn là tác giả của nhiều nhạc phim, nhạc kịch khác, và cũng đã nhận được nhiều giải thưởng quốc nội, song đó lại là điều tôi không muốn nói nhiều hơn trong bài viết này).

Thứ ba, Đặng Hữu Phúc là nhạc sỹ Việt Nam đầu tiên khi in sách nhạc của mình đã đặt một cái tên dài đến mức không thể dài hơn: “Tuyển chọn 60 bài romance và ca khúc cho giọng hát và với piano”. Nhiều ca khúc trong cuốn sách này đã được phổ biến khá rộng rãi trong đời sống âm nhạc Việt Nam, ví như bản Trăng chiều hoặc bản Ru con mùa đông, hai bài hát mà trước đây ca sỹ Ái Vân đã biểu diễn rất thành công.

Nhưng thật ra, cái “đầu tiên” đáng chú ý ở cuốn sách nhạc này nằm ở chỗ: đây là tuyển tập thanh nhạc mà tất cả các tác phẩm đều có phần đệm piano hoàn chỉnh. Có phần đệm piano hoàn chỉnh cho ca khúc, đó là điều bình thường, chẳng có gì đáng nói ở những nền sáng tác ca khúc mang tính chuyên nghiệp trên thế giới. Nhưng ở nước ta, một quốc gia yêu thích ca hát bậc nhất thế giới, thì đó lại là điều bất bình thường: rất hiếm nhạc sỹ khi sáng tác ca khúc lại viết phần đệm cho piano. Họ không viết vì lười, hay họ không viết vì đơn giản là không biết viết? Về chuyện này, Đặng Hữu Phúc đã từng viết một bài báo nảy lửa, phê phán một cách rất quyết liệt sự thiếu chuyên nghiệp của phần đông những người sáng tác ca khúc ở ta hiện nay, và chính vì thế mà anh lại càng có thêm nhiều người… ghét!

Chỉ sơ sơ với ba cái “đầu tiên” như thế, đã có thể khẳng định rằng, Đặng Hữu Phúc là một người thành công. Nhưng là thành công trong nghề nghiệp chuyên môn, chứ không phải thành công về tiền bạc. Hiện tại, anh vẫn sống trong căn nhà từ xửa từ xưa cùng với cha mẹ ở phố Lò Đúc, Hà Nội; trong một căn phòng bừa bộn những sách vở, băng đĩa nhạc, dàn âm thanh, chăn màn, quần áo, và bát đĩa… chưa rửa; vẫn đi chiếc xe máy cà tàng mỗi ngày từ nhà tới Nhạc viện, nơi anh đang dạy nhạc (Khoa Sáng tác – Lý luận – Chỉ huy).

Cũng phải thôi, bởi như đã nói, lựa chọn của Đặng Hữu Phúc là cái tinh tuyển chứ không phải cái phổ thông. Mà cái tinh tuyển thì luôn là thứ hàng kén khách, khó bán, khó thu tiền, khó làm giàu, đặc biệt là trong một môi trường âm nhạc còn đầy những khấp khểnh, những thiếu hụt như ở ta. Đặng Hữu Phúc ý thức rõ điều đó, vì thế anh chẳng lấy làm buồn, thậm chí anh còn kiêu hãnh. Và, như một logic tất yếu, đi kèm với sự kiêu hãnh ấy sẽ là sự xem thường trước những gì mà mình không lựa chọn.

Còn nhớ cách đây không lâu, khi người viết bài này nói chuyện với Đặng Hữu Phúc về việc bà con ta nô nức kéo nhau mua vé đến xem hơn mười buổi biểu diễn của một ca sỹ nhạc “sến” nổi tiếng từ hải ngoại về, anh chỉ cười, không bình luận. Trong cái cười vô ngôn ấy, tôi nhận thấy hàm chứa một sự giễu cợt, một sự mỉa mai, thậm chí một sự thương hại cho cái thẩm mỹ âm nhạc thấp của “người đời”. Trong cái cười vô ngôn ấy, tôi nhận thấy thấp thoáng cái nét ngạo mạn ngầm của kẻ sỹ được di truyền từ hàng thế kỷ nay (kẻ sỹ không vì năm đấu gạo mà chịu cúi mình). Tôi chợt nghĩ: hơi quá! Bé nhỏ như cọng cỏ cũng có quyền được tồn tại dưới ánh mặt trời. (Hegel nói: Tồn tại là hợp lý). “Sến” cũng có cái lý tồn tại của “sến”: vì nó đáp ứng đúng một nhu cầu có thật nào đấy của đời sống, của chính mỗi cá nhân chúng ta, giống như thể cứ ăn mãi nem công chả phượng, đến một lúc nào đó ta chợt thấy thèm rau muống lạc rang vậy. Và để đạt được tới đỉnh cao của “sến” cũng đâu phải là điều đơn giản, hễ cứ muốn là được? Tuy nhiên, với tôi, suy nghĩ đó cũng không sao át được suy nghĩ này: Nếu không có Đặng Hữu Phúc và những nhạc sỹ (ít thôi) cùng một lựa chọn con đường nghệ thuật như anh, không hiểu nền âm nhạc Việt Nam sẽ đi về đâu?

 (Nguồnhttp://antgct.cand.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...