Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh: Xa quê hương vẫn nặng lòng với giai điệu dân ca
Tháng trước, tôi gặp chị trong một buổi giao lưu với cộng đồng người Việt tại Warsaw, Ba Lan, quê hương của Chopin. Chị là một nhà soạn nhạc đã tốt nghiệp khoa sáng tác Học viện Âm nhạc Nga danh tiếng tại Mátxcơva rồi sang định cư ở Ba Lan.
Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh cho biết hiện chị đang hoàn thiện bản Giao hưởng thơ Kiều cho dàn nhạc giao hưởng dành cho chương trình âm nhạc “Điều còn mãi” của năm 2015. Không ngờ, chỉ một tuần sau, tôi lại gặp chị ở Liên hoan Âm nhạc Mới Á - Âu 2014 tại Hà Nội.
Câu hỏi đầu tiên tôi dành cho chị: Cơ duyên nào đưa chị đến với liên hoan này?
Có thể nói một sự vô tình rất may mắn đã đưa tôi đến với Festival Âm nhạc mới Á - Âu năm 2014. Trong khi tìm hiểu chương trình của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tôi đã nhìn thấy các thông tin về Festival.
Ngay lập tức tôi đã liên lạc với Hội Nhạc sĩ và gửi tổng phổ ba bài sáng tác của mình gồm: biến tấu dành cho piano dựa trên mô típ dân ca H'mông, tứ tấu cho đàn dây “Hội đêm rằm” và Giao hưởng thơ Kiều dành cho dàn nhạc giao hưởng. Ban tổ chức đã chọn bài biến tấu dành cho piano vào chương trình Festival.
Qua dư luận cho thấy tác phẩm biến tấu piano được trình bày trong liên hoan này là một thành công của chị, chủ đề của Liên hoan lần này là mới, vậy xin chị cho biết cái mới mà chị đem tới liên hoan này là gì? Chị có hài lòng với yếu tố mới trong tác phẩm của chị không? Mới, nhưng rõ ràng người nghe vẫn thấy một nét gì đó quen thân, quen mà lạ, gần mà xa, tận nước Ba Lan trong điều kiện va chạm hết sức mãnh liệt với dòng nhạc hiện đại, sao vẫn kéo chị về với âm hưởng dân gian mà lại là của môt dân tộc thiểu số Tây Bắc?
Tôi từ nhỏ đã rất yêu các bài dân ca Việt Nam. Khi còn đi học hệ sơ cấp trường Nghệ thuật Hà Nội, trong mấy năm tôi đã có may mắn được học dân ca mọi miền với những thầy cô - những người nghệ sĩ rất tâm huyết với nghề của mình. Các thầy của chúng tôi đều là những nghệ sĩ rất giỏi của thời đó và đều là những nghệ sĩ “nhân dân” thật sự vì đều sinh ra ở thôn quê.
Cảm giác khi nghe đài khác hẳn khi nghe các thầy cô hát mẫu trong lớp vì tôi đã cảm nhận được qua ánh mắt, qua cách thể hiện rất mộc mạc của các thầy cô một niềm say mê và tình yêu lớn đối với các làn điệu dân ca.
Khi chuẩn bị viết chủ đề cho bài biến tấu, tôi đã biết là mình sẽ chọn mô típ từ dân ca Việt Nam và sau quá trình chọn lựa từ muời mấy tập dân ca các miền tôi đã quyết định 9 nốt nhạc đầu tiên sẽ là giai điệu của bài dân ca H'mông “Nhớ em yêu” (H'chà mủa mái).
Tôi không nghĩ đến khái niệm mới, cũ mà chỉ nghĩ đến điều mình thích làm và muốn làm. Từ mô típ gồm 9 nốt nhạc tôi đã viết tiếp chủ đề chính và 5 biến tấu tiếp theo tương phản xen kẽ nhau.
Yếu tố hiện đại xuất hiện trong nhịp điệu tiết tấu khá phức tạp, trong hòa thanh, phương pháp phát triển mô típ và cách xây dựng kết cấu của cả bài. Phần cuối bản nhạc tôi đã sử dụng một cách đánh mới trên piano: gẩy dây đàn như cách đánh guitar hay pizzicato trên đàn dây.
Theo chị, nghệ sĩ dương cầm Đào Trọng Tuyên đã giúp chị những gì để tạo nên sự thành công trong Liên hoan này, chị còn mong gì để tác phẩm của chị đến được với đông đảo công chúng yêu âm nhạc?
Đây là lần thứ hai nghệ sĩ piano Đào Trọng Tuyên trình diễn ấn tượng bài biến tấu của tôi, một bản nhạc đòi hỏi kỹ thuật cao. Nghệ sĩ có tiếng đàn rất đẹp, đó là điều rất quan trọng để thể hiện những giai điệu trữ tình mang tính "cantabile" (du dương như hát) trên piano.
Ngoài ra, nghệ sĩ có kỹ thuật rất tốt để thể hiện phần cao trào đầy kịch tính vơi tốc độ nhanh và tạo được sự tương phản lớn giữa các biến tấu. Tôi và nghệ sĩ Đào Trọng Tuyên đang có kế hoạch thu âm lại bản nhạc trong phòng thu thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và tôi mong muốn ước nguyện này sẽ được thực hiện trong tương lai sắp tới.
Nhạc sĩ Đặng Hồng Anh và nghệ sĩ dương cầm Đào Trọng Tuyên
Xin chị cho một vài nhận xét về Festival lần này?
Tôi đã tham dự trọn vẹn Festival với các buổi hoà nhạc trình diễn ở thành phố Hà Nội và Hạ Long. Tôi thật sự khâm phục Ban tổ chức đã lựa chọn được chương trình Festival với các ngôn ngữ và phong cách âm nhạc rất phong phú và đa dạng.
Tôi đã được thưởng thức tác phẩm của các nhạc sĩ lão thành cho đến các nhạc sĩ còn rất trẻ, được học hỏi từ nhiều trường phái khác nhau của Nga, châu Âu và Mỹ (nhiều nhạc sĩ người Châu Á đã tốt nghiệp hoặc đang theo học tại các trường hàng đầu của Mỹ như Trường Juilliard, Viện Peabody trường Đại học Johns Hopkins).
Công chúng yêu âm nhạc cổ điển ở Việt Nam đã có cơ hội được làm quen với các tác phẩm xuất sắc của những tên tuổi lớn trong dòng nhạc đương đại Nga, Nhật, Trung quốc, Singapore, Na Uy, Philippines… Tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng tới Ban tổ chức Festival đã tạo cho tôi cơ hội được gặp gỡ nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, một nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc đương đại thế giới.
Được biết, chị đã có buổi công diễn hoành tráng tại Hà Nội năm 2012, vậy bao giờ chị trở lại với Hà Nội trong một đêm diễn như năm 2012? Hay nếu không phải Hà Nội thì có thể ở một nơi nào như TPHCM hay Varsaw?
Tôi nghĩ tổ chức được một đêm diễn của riêng mình là ước mơ của rất nhiều nhạc sĩ. Tôi không dám nói trước bất kỳ điều gì mà chỉ mong từng bước viết thêm được bài mới. Hiện nay tôi rất mong muốn sáng tác thêm cho các nhạc cụ dân tộc.
Tôi hy vọng sẽ có một ngày các bản nhạc của tôi sẽ lại được vang lên trong Nhà Hát Lớn Hà Nội như trong đêm diễn cách đây hai năm. Và tôi rất mong muốn sẽ được cùng các nhạc sĩ trẻ Việt Nam tham gia các chương trình Festival âm nhạc mới tiếp theo do Bộ Văn hóa và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.
Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ban tổ chức Festival Âm nhạc Mới Á - Âu năm 2014, Bộ Văn hóa và Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tạo những điều kiện tuyệt vời để các nhạc sĩ trẻ Việt Nam có cơ hội ra mắt trước công chúng những tác phẩm của mình.
Sau thành công vang dội của Festival 2014, tôi rất hy vọng và tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đăng cai tổ chức các Festival âm nhạc đương đại mang tầm cỡ quốc tế trong những năm tới.
Xin cảm ơn nhạc sĩ!
(Nguồn: http://dantri.com.vn)