Nhà Soạn nhạc Phan Quang Phục (P.Q. Phan) – Nền tảng của sáng tạo là văn hóa.

14/09/2016

Nhạc sĩ nhận mình là nghệ sĩ thuộc nhóm người định cư. Theo ông, những người định cư luôn có cách nhìn riêng về cuộc sống. Bởi lẽ họ có có hai lăng kính khác nhau để nhìn nhận và đánh giá vấn đề. Một là lăng kính của cư dân đất nước họ sinh sống, hai là lăng kính vốn thuộc về nơi họ xuất xứ- lăng kính được đặt trong sâu khuất của tâm hồn họ, nhưng luôn nằm trong bộ lọc của trí óc một cách tự nhiên nhất. Dưới hai cách nhìn, nghệ sĩ thuộc nhóm định cư luôn có cách sáng tạo riêng của họ.

Chuyển nghề từ một nhà kiến trúc sư-sáng tạo về không gian- sang âm nhạc-sáng tạo về thời gian, P.Q. Phan xem đó là một thuận lợi để ông bày tỏ những quan điểm, suy nghĩ của mình một cách khái quát, không cần cụ thể nhưng lại có thể đi tới chiều sâu, chiều rộng một cách chặt chẽ, phản ánh được những suy tư, cảm xúc của ông một cách thấu đáo nhất. Bởi nếu như kiến trúc là sự sáng tạo trong không gian ba chiều thì âm nhạc là nghệ thuật sáng tạo và kết cấu về hình thức là trên hai chiều mặt giấy nhưng về tư tưởng là đa chiều. Vì thế, âm nhạc là nghệ thuật trừu tượng mà phải trải nghiệm qua thời gian mới thẩm thấu được nó:  “Không như ngôi nhà mình có thể nhìn thấy ngay lập tức, âm nhạc phải nghe hết bản nhạc mới thấy nó hay hay không..” Là người ham học, giáo sư nghiên cứu rất nhiều ngành, từ kiến trúc, vật lý, khoa học, triết học đến, âm nhạc học, âm nhạc dân tộc học… Những kiến thức sâu rộng đã giúp ông rất nhiều trong việc biểu hiện và sáng tạo trong âm nhạc.

Đối với nhạc sĩ P.Q.Phan, trong việc làm nghệ thuật nói chung và soạn nhạc nói riêng, sự sáng tạo phải đặt lên hàng đầu, luôn phải mới không chỉ trong phạm vi cá nhân, cộng đồng mà còn là phạm vi quốc gia và quốc tế. Ông khẳng định:  “Những điều mới cho nhân loại mới thật sự là mới” .

Âm nhạc đương đại thường chứa đựng những nội dung, hình thức mới mẻ khiến cho việc cảm nhận nó không dễ dàng, đôi lúc là quá khó hiểu đối với đa phần khán giả. Vì thế, sáng tác nhạc Hàn Lâm đương đại đương nhiên là rất khó, không chỉ cần một lượng khán giả có thể hiểu được, mà còn phải thuyết phục được khán thính giả của thế giới. Nhạc sĩ cho rằng điều thuyết phục khán giả Mỹ không phải những gì thuộc về Mỹ, chất Mỹ mà chính là những giá trị ngoài Mỹ, những giá trị Phương Đông luôn huyền bí và có sức hấp dẫn kỳ lạ. Muốn chinh phục khán giả thế giới, nhạc sĩ đương đại phải hiểu sâu sắc nghệ thuật cổ truyền dân tộc của họ cùng với sự thuần thục kỹ năng sáng tác bài bản theo hệ thống học thuật phương Tây để làm ra âm nhạc cổ truyền Hàn Lâm, chứ không phải là âm nhạc cổ truyền dân gian. Không chỉ sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, nhạc sĩ còn có nghiên cứu kỹ lưỡng về âm nhạc truyền thống Việt với sự am hiểu sâu sắc và sự trân trọng, yêu quý những giá trị âm nhạc, những nét đặc sắc trong văn hóa Việt. Từ nhỏ, nhạc sĩ đã say sưa tìm hiểu về Bài chòi, hát Bội, hát Chèo. Và để hiểu sâu hơn nữa về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, ông học thêm bằng master thứ 2 ( sau bằng sáng tác) về Âm nhạc dân tộc học Việt Nam- học về cách suy luận, lối tư duy và triết lý của âm nhạc dân gian. Luận văn tốt nghiệp của ông nghiên cứu về hát Chèo, đi cặn kẽ những vấn đề trong Chèo. Ngoài Chèo, ông đánh giá rất cao về Chầu văn. Ông cho rằng Chèo và Chầu văn là hai thể loại rất quan trọng trong văn hóa âm nhạc của người Việt.

Là nhạc sĩ Việt sống trên đất Mỹ, P.Q.Phan không muốn viết về những thứ quá quen thuộc của Mỹ, ông trăn trở với những điều sâu thẳm trong tâm hồn, đó là những gì mà lăng kính con người bản địa của ông thôi thúc. Tuy nhiên, ông không theo đuổi việc dùng âm nhạc Việt bằng hình thức bề ngoài. Ông nói: “Hình thức bên ngoài có cái hay của nó, nhưng nó cạn, không đậm đà. Càng đi sâu vào tác phẩm nó càng phải thể hiện tính triết lý, mỹ thuật và “ý tưởng” ( concept). Tôi làm nhạc theo hướng đó thì sau này khán giả quốc tế sẽ nghiên cứu thấy được chiều sâu của tác phẩm”.

Ngay từ những sáng tác thời kỳ đầu, nhạc sĩ P.Q.Phan đã có ý thức sử dụng những chất liệu Việt. Những tác phẩm của ông qua thời gian có thay đổi về ý tưởng, cách thức vận dụng, nhưng trên hết ông luôn muốn khai thác và thể hiện bản sắc dân tộc Việt ở chiều sâu chứ không phải hình thức bên ngoài tác phẩm. Thể loại mà ông theo đuổi trong sự nghiệp sáng tác chính là nhạc cổ điển đương đại- Thể loại dùng ngôn ngữ, nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng để thể hiện nội dung, thần thái, ý tưởng và tính dân tộc của cổ nhạc Việt Nam. Một trong số những tác phẩm nổi tiếng của ông khi còn trên ghế nhà trường là Concerto cho bộ gõ hỗn hợp (Concerto for percussion and mixed ensemble). Tác phẩm được lấy cảm hứng từ tiếng trống trận Bình Định, vốn là trống xuất quân thời Tây Sơn, trong đó, một người biểu diễn 32 chiếc trống khác nhau. Nhạc sĩ đã sử dụng hỗn hợp 40 loại nhạc cụ bộ gõ bằng da, gỗ và kim loại, có loại có nốt, có loại không nốt tập hợp thành một dàn nhạc. Ngay từ thời sinh viên, nhạc sĩ đã luôn thể hiện sự tìm tòi, nghiên cứu tỉ mỉ, chuyên sâu, nghiêm túc như vậy. Càng về sau, khối kiến thức đồ sộ cùng với sự sáng tạo không ngừng đã khiến nhạc sĩ đam mê với công việc của mình hơn, sáng tác những tác phẩm lớn, được giới âm nhạc chuyên nghiệp đánh giá rất cao và được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Tác phẩm Những hồi ức về một linh hồn đã mất (Memoirs of a lost soul) được viết sau khi nhạc sĩ tốt nghiệp ( 1995) là sự hồi tưởng bằng âm nhạc về một quê hương thời chiến. Tác phẩm viết cho tứ tấu đàn dây và các nhạc cụ truyền thống Việt Nam, được chia làm bốn phần: phần 1 tựa đề Tiếng khóc lúc nửa đêm; phần 2 mang tên Trò chơi kèn chuối (Banana trumpet games); phần 3: Thảm cảnh tại rạp hát (Tragedy at The Opera); và phần cuối dàn tứ tấu phương Tây chơi cùng đàn đáy Việt Nam mang tên Lễ rước (Courting),. Tác phẩm đậm chất Việt này đã đạt một kỷ lục đáng kinh ngạc khi được diễn trên khắp thế giới hơn 500 lần với rất nhiều dàn nhạc nổi tiếng.

Một trong những tác phẩm lớn của nhạc sĩ phải kể đến vở opera Câu chuyện bà Thị Kính (The Tale of Lady Thị Kính) được công diễn rất thành công năm 2014, trong đó tên bà Thị Kính ở tựa đề được viết với dấu tiếng Việt đầy đủ. Tác phẩm  được chuyển thể từ vở chèo Quan Âm Thị Kính, dài 135 phút với sự góp mặt của dàn nhạc, dàn hợp xướng và 15 vai diễn, toàn bộ phần libretto (lời hát) bằng tiếng Anh, nhưng có lẽ là lần đầu tiên, có hai bài hợp xướng được hát bằng tiếng Việt trong một vở opera được dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu nhạc kịch thế giới. Cách làm của người nhạc sĩ luôn yêu và hướng về quê hương không hề khiên cưỡng, mà trái lại tạo nên một sự thú vị, đem lại những sự mới lạ cho những “món ăn” tưởng chừng quá quen thuộc trong âm nhạc cổ điển Tây Phương. Điều đó được minh chứng bằng thực tế vở nhạc kịch lấy nội dung, chất liệu từ âm nhạc cổ truyền Việt Nam, thậm chí sử dụng tiếng Việt đã được công diễn tại nhà hát Opera của Đại học Indiana có sức chứa 1.460 người với âm thanh vào loại tốt nhất nhì nước Mỹ. Và vở nhạc kịch của một nhạc sĩ người Việt đã phải thuyết phục thể nào thì Đại học Indiana mới quyết định đầu tư hơn 500.000 đôla để xây dựng vở diễn và tập trung hết nguồn lực từ các giáo sư và sinh viên ưu tú của trường để tham gia dàn dựng, diễn xuất?

Không giấu nổi niềm tự hào, nhà văn Anvi Hoàng, vợ của nhạc sĩ P.Q.Phan đã phải thốt lên trong bài viết giới thiệu về vở nhạc kịch trên trang cá nhân của mình: Lần đầu tiên trong lịch sử opera Mỹ có một vở opera về văn hóa Việt Nam. Lần đầu tiên khán giả đi xem opera ở Mỹ làm quen với những nhân vật Việt Nam với những cái tên Việt Nam viết có dấu. Lần đầu tiên khán giả opera ở Mỹ nghe những bài hát bằng tiếng Việt trong một vở opera. Lần đầu tiên khán giả opera ở Mỹ nghe tụng Nam Mô A Di Đà Phật một cách hoành tráng trên sân khấu lớn. Đây là một thành công. Đây là một niềm vui!”

Đầu năm 2015, giáo sư P.Q. Phan đã hoàn thành tác phẩm A Vietnamese Requiem- Một tác phẩm lớn viết cho 4 giọng ca solo – giọng nữ cao (soprano), giọng nữ cao trầm (mezzo-soprano), giọng nam cao (tenor), giọng nam trầm (bass-baritone); dàn đồng ca hát 8 giọng, và dàn nhạc thính phòng. Tác phẩm là một khúc tưởng niệm dành cho 10 triệu nạn nhân chiến tranh tại Việt Nam trong thế kỷ XX. Tác phẩm tưởng nhớ những người đã mất nhưng không khóc thương, mà bày tỏ niềm tự hào, sự trân trọng vinh danh sự hi sinh của họ cho nhân loại. A Vietnamese Requiem sử dụng kinh Phật phái Nguyên Thủy bằng tiếng Việt cùng với tiếng mõ của đạo Phật, tôn giáo có sự ảnh hướng lớn nhất đối với người Việt… Ông nói: “Tôi mong mọi người dành thời gian mỗi ngày một phút để suy nghĩ về văn hóa. Vì cuộc sống của chúng ta trôi nhanh quá, công việc, nhịp sống công nghiệp cứ cuốn mình đi và ít khi nhớ đến những vấn đề văn hóa”.

          Với kiến thức vững chắc về chuyên ngành sáng tác âm nhạc, sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa, cùng với sự tận tâm với âm nhạc dân tộc Việt Nam, giáo sư, nhạc sĩ, tiến sĩ âm nhạc P.Q.Phan luôn làm việc nghiêm túc và say mê, trăn trở với những kế hoạch và dự án âm nhạc theo con đường sáng tạo của riêng mình. Từ đó ông đã có được những tác phẩm để đời, được vinh danh ở môi trường âm nhạc chuyên nghiệp quốc tế. Ông đã góp phần truyền bá, giới thiệu những nét đặc sắc của âm nhạc dân tộc và văn hóa Việt Nam trong nền âm nhạc đương đại thế giới.

Xin khép lại bài viết này bằng tuyên ngôn sống của Giáo sư, nhạc sỹ Phan Quang Phục: Sống ở đời, phải làm được một điều gì đó cho đời thì cuộc sốngmới thật sự có  ý nghĩa. Chúng ta tin rằng, dù nền âm nhạc đương đại có phát triển theo chiều hướng như thế nào, dù người Việt sống ở đâu, trên quê hương hay định cư ở một đất nước khác, chỉ cần trái tim họ hướng tới sự sáng tạo trên nền tảng của văn hóa và bản sắc dân tộc thì âm nhạc Việt Nam luôn có những nghệ sỹ đủ Tài, Tâm và Tâm đóng góp vào kho tri thức nhân loại những tác phẩm có sức sống muôn đời, như GS. Nhạc sĩ Phan Quang Phục.

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...