Nhà hát Nhạc vũ kịch TPHCM với opera ”CÂY SÁO THẦN”

01/11/2013

Khán thính giả Việt Nam đã được tiếp cận ít nhiều tới nghệ thuật nhạc kịch thông qua những trích đoạn, khúc mở màn và các aria từ những vở nhạc kịch nổi tiếng thế giới: Carmen, Cây sáo thần, Đám cưới Figaro, Người thợ cạo thành Seville … Cơ hội được thưởng thức trọn vẹn một vở nhạc kịch kinh điển thế giới tại Việt Nam là rất hiếm vì đến nay mới có rất ít vở nhạc kịch của thế giới được biểu diễn toàn bộ tác phẩm tại trong nước.

 

Nhạc kịch được coi là thể loại có quy mô lớn nhất trong nghệ thuật âm nhạc. Đây là loại hình tác phẩm được kết hợp từ nhạc giao hưởng – thể loại lớn và phức tạp nhất trong các tác phẩm khí nhạc (nhạc cụ) với hát opera - thể loại có kỹ thuật và nghệ thuật cao nhất trong thanh nhạc, ngoài ra còn kết hợp với diễn xuất sân khấu, ánh sáng và cảnh trí sân khấu. Để dàn dựng và biểu diễn một vở nhạc kịch trọn vẹn đòi hỏi rất nhiều công sức, đầu tư kinh phí và những tiêu chuẩn cao về chuyên môn: dàn nhạc giao hưởng, các nghệ sĩ hát soloist, hợp xướng …

Năm 2012, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Tp HCM được sự hỗ trợ của Dự án Transposition – Na Uy đã dàn dựng và biểu diễn thành công rực rỡ vở nhạc kịch Dido và Aeneas, với sự tham gia của một số nghệ sĩ quốc tế, mang lại giá trị thưởng thức đặc biệt cho khán giả tại Thành phố và để lại dư âm rất tốt trong công chúng.

Đây là động lực thúc đẩy Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Tp HCM và Dự án Transposition – Na Uy tiếp tục hợp tác để dàn dựng và biểu diễn vở nhạc kịch “Cây sáo thần”, một trong ba vở nhạc kịch nổi tiếng nhất của Mozart, một thần đồng âm nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới. Tác phẩm kinh điển như “Cây sáo thần” được thực hiện sẽ là những bài học quý giá để các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát bước lên những nấc thang mới trong chuyên môn của mình, đồng thời mang những giá trị nghệ thuật quý giá từ kho tàng nghệ thuật của nhân loại đến với môi trường thưởng thức của công chúng Việt Nam.

Lịch sử âm nhạc thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện của nhiều thần đồng âm nhạc, trong số đó không thể không nhắc tới Mozart (1756-1791) nhạc sĩ người Áo thế kỷ XVIII. Nghệ thuật âm nhạc của Mozart đạt tới đỉnh cao của văn hóa nhân loại. Toàn bộ tác phẩm của Mozart đã phản ánh tư tưởng tiến bộ trong thời đại mà ông đang sống, thời đại ánh sáng, thời đại của sự động viên con người: hãy can đảm dùng vốn hiểu biết của mình để tạo dựng một niềm tin bất tận vào sự tất thắng của ánh sáng và chân lý. Trong âm nhạc của Mozart, người ta thấy rõ một sắc màu nổi trội là tính trữ tình nhưng không ảm đạm đau buồn; những tâm trạng bối rối, kịch tính nhưng lại toát lên một phong thái yêu đời, khát khao về một cuộc sống nhân văn.

Wolfgang Amadeus Mozart là một nhà soạn nhạc, nghệ sĩ đàn phím, nghệ sĩ đàn violin và cũng là nhạc trưởng xuất sắc. Lên 13 tuổi, Mozart đã viết giao hưởng, concerto, và sonata. Các nhạc phẩm của ông gây tiếng vang lớn trong khắp làng âm nhạc thế giới. Mozart qua đời sớm ở tuổi 35, nhưng đã để lại số lượng khổng lồ hơn 600 tác phẩm âm nhạc với giá trị nghệ thuật tuyệt vời, bao gồm các thể loại : giao hưởng, opera, concerto, tứ tấu, cantatas... Ông được mệnh danh là thiên tài âm nhạc bẩm sinh xuất sắc nhất thế giới. Cho đến ngày nay âm nhạc của Mozart vẫn được yêu thích và biểu diễn thường xuyên nhất trên khắp thế giới.

“Cây sáo thần” là vở nhạc kịch opera mang hơi thở cổ tích, được phát triển từ hài kịch cổ Đức, nói về chủ đề muôn thở: Tình yêu. Mozart viết vở nhạc kịch vào năm 1791, đây là vở nhạc kịch được Mozart yêu mến nhất và do chính tác giả chỉ huy hai tháng trước khi ông từ biệt cõi đời. Kịch bản được khai thác từ câu chuyện thần thoại của Vilande (1733 - 1813), với bối cảnh là đất nước Ai Cập cổ đại vừa lãng mạn, vừa hoang dại, cổ kính. Vở kịch kể về câu chuyện tình yêu giữa chàng hoàng tử Tamino và nàng Tamina xinh đẹp. Tamino trong một lần bị rắn thần săn đuổi đã được các thị nữ của Nữ hoàng Đêm tối cứu sống. Để trả ơn, chàng cùng với người săn chim Papageno tốt bụng đi cứu nàng Tamina - con gái của Nữ hoàng Đêm tối - đang bị bắt cóc bởi một thế lực đen tối ở vương quốc do Sarastro trị vì.

Câu chuyện xoay quanh những mặt đối lập và thống nhất giữa cái thiện và cái ác, giữa ngày và đêm, giữa đàn ông và đàn bà, giữa đam mê và ý chí…, và để đến được với Tình yêu, cả Tamino và Tamina đều phải trả qua rất nhiều những thử thách khắc nghiệt. Ðây là một câu chuyện cổ tích không dành riêng cho dân tộc, cá nhân hay xã hội nào, mà mang tính nhân bản sâu xa. Vở nhạc kịch không xây dựng những con người tốt hay xấu, mà các nhân vật trong đó đều có tính cách giao thoa giữa các mặt đối lập và thống nhất.

Kể từ lần công diễn đầu tiên, Cây sáo thần đã luôn luôn là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất trong thể loại opera, và hiện nay tác phẩm đứng thứ tư trong các vở nhạc kịch được biểu diễn thường xuyên nhất trên toàn thế giới.

Học giả Maynard Solomon chuyên nghiên cứu về Mozart viết: “Mặc dù không có bài giới thiệu về vở nhạc kịch trong buổi biểu diễn đầu tiên, nó đã ngay lập tức thể hiện rằng Mozart và Schikaneder đã đạt được một thành công lớn, nhà hát opera đầy khắp tất cả các chỗ ngồi và sau đó nó đã đạt hàng trăm buổi biểu diễn trong những năm 1790”.

Vở nhạc kịch được kỷ niệm lần biểu diễn thứ 100 vào tháng 11 năm 1792. Mozart đã không có được niềm vui chứng kiến sự kiện này, ông đã qua đời vì bệnh tật của mình vào ngày 05 Tháng 12 năm 1791.

Vở nhạc kịch “Cây sao thần” sẽ có sự tham gia biểu diễn của một số giọng hát opera quốc tế và Việt Nam:

Tamino (tenor): Magnus Staveland
Pamina (soprano): Cho Hae Ryong, Võ Thuỵ Ngọc Tuyền
Papageno (baritone): Halvor F. Melien
Papagena (soprano): Nguyễn Thị Thu Hường
The Queen of the Night (coloratura soprano): Hege Gustava Tjønn
Sarastro (bass): Derek Anthony
Monostatos (tenor): Trần Duy Linh

Chương trình được dàn dựng và trình diễn dưới sự chỉ huy nhạc trưởng Na Uy Magnus Loddgard.

Magnus Loddgard (sinh năm 1979 ở Tronheim – Na Uy) là một nghệ sĩ piano và một nhạc trưởng giàu kinh nghiệm. Loddgard hoàn thành chương trình đại học năm 2003 và sau đại học ngành Piano và sáng tác năm 2005 tại Học viện Âm nhạc Na Uy. Anh tham gia vào khóa trao đổi sinh viên (chương trình Erasmus) tại đại học Künste, Berlin với giáo sư Lutz Köhler từ năm 2004 đến năm 2005.

Anh từng làm trợ lý cho các nhạc trưởng Na Uy nổi tiếng như Leif Segerstam, Jonathan Stockhammer, John Fiore, Eivind Aadland, Rudolph Piehlmayer và Rolf Gupta.

Hiện tại, Magnus Loddgard là nhạc trưởng chính của dàn nhạc thính phòng neoN (new ensemble of Norway). Anh rất giàu kinh nghiệm trong việc hợp tác với nhiều Dàn nhạc Na Uy như Dàn nhạc giao hưởng Trondheim, Dàn nhạc giao hưởng Kristiansand, Dàn nhạc không quân Na Uy, Dàn nhạc của lực lượng vũ trang Na Uy, Dàn nhạc các nhạc cụ Kèn Na Uy, Dàn nhạc nhà hát Opera Na Uy, Dàn nhạc đài phát thanh Na Uy, Dàn nhạc Ernst, Dàn nhạc Bodø, Dàn nhạc Oslo và Dàn nhạc Quốc gia Bulgaria, Ruse.

Bên cạnh đó, Magnus Loddgard cũng chỉ huy nhiều tác phẩm sân khấu như vở Opera “La Bohéme” của Puccini với dàn nhạc giao hưởng Kristians; Opera Sør, opera “Macbeth” của Verdi, “Åsta” của Jon Øyvind Ness cho các khóa học nâng cao về biểu diễn với AdOpera; opera “Rape of Lucretia” của Benjamin Britten với Nhà hát Opera và Ballet Na Uy; opera “I cancelliraadens dage” của Ragnar Søderlind với Ringsakeroperaen và vở ballet “Stamping Ground” của Jyri Kylian với Đoàn Vũ kịch Quốc gia Na Uy.

Chương trình tổ chức vào 20h00 ngày 9 và 10 / 11/ 2013 tại Nhà Hát Thành Phố, 7 Công Trường Lam Sơn, P. Bến Nghé, Q.1, Tp HCM

Vé được bán tại:
Phòng bán vé Nhà Hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch, số 7 Công Trường Lam Sơn, Q.1,Tp HCM.
Đặt và giao vé: 08 3823 7419; Ms.Hương: 0989874517 - 0909 49 39 38 (Ms Ngoc)
Email: lamngochbso@gmail.com; info@hbso.org.vn; website: http://www.hbso.org.vn
Giá vé: 400.000 - 350.000 - 200.000 - 80.000(vé sinh viên)VNĐ

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.