Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM: Giao hưởng số 9 của Beethoven
Đây là chương trình hòa nhạc đặc biệt của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM trong năm 2015 với sự hợp tác của Dự án Transposition – Na Uy. Chương trình được đầu tư công phu, bởi đây là tác phẩm đòi hỏi về trình độ chuyên môn rất cao, một cơ hội rất hiếm để được thưởng thức trực tiếp tại Việt Nam. Riêng về phần hợp xướng đã được tập luyện nhiều tháng dưới sự hướng dẫn của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Bản giao hưởng nổi tiếng nhất trong các bản giao hưởng của thiên tài âm nhạc người Đức Ludwig van Beethoven, Bản giao hưởng số 9 cung Rê thứ, op. 125 sẽ được biểu diễn lần đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh vào hai đêm duy nhất 8 & 9 / 5/ 2015.
Chương trình hòa nhạc đặc biệt với sự tham gia của một số nghệ sĩ opera quốc tế danh tiếng: Siri Torjesen, Magnus Staveland, Cho Hae Ryong và Vũ Mạnh Dũng đến từ Hà Nội. Dàn hợp xướng chọn lọc gồm hơn 50 nghệ sĩ, dàn nhạc giao hưởng hùng hậu của HBSO cùng với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đàn violin, kèn đồng, kèn gỗ đến từ Trondheim Solistene & Royal Norwegian Navy Band Na Uy. Chỉ huy và dàn dựng chương trình là nhạc trưởng nhiều danh tiếng tại các phòng hòa nhạc Châu Âu Terje Mikkelsen.
Nếu như Joseph Haydn được gọi là “Cha đẻ của thể loại giao hưởng” với hơn 100 bản giao hưởng muôn sắc màu, thì Beethoven được tôn vinh là người phát triển và nâng thể loại giao hưởng lên đến đỉnh cao ngôn ngữ biểu cảm và khả năng hàm chứa nội dung vô tận.
Trước đó, âm nhạc cho khí nhạc đa phần được sáng tạo tôn vinh vẻ đẹp của cuộc sống: Niềm vui, tình yêu, nỗi buồn … phục vụ chủ yếu cho cung đình hoặc giới quý tộc. Beethoven mang một trái tim tràn đầy nhiệt huyết với tinh thần của cuộc Cách mạng Pháp, tác phẩm của ông không chỉ còn là vẻ đẹp của âm thanh nữa mà còn vang lên với những tư tưởng sáng chói về niềm tin, tự do, ánh sáng trí tuệ và anh hùng ca. Khi người anh hùng Bonaparte trở thành Ðại Ðế Napoléon, chủ nghĩa anh hùng sụp đổ, tư duy của Beethoven chuyển sang một tầng nhận thức mới, đa diện với tinh thần bác ái. Bản giao hưởng số 9 được hội tụ cao nhất cả về nghệ thuật và tư duy triết học sâu sắc, tài năng của Beethoven đã lên tới đỉnh điểm, hầu hết các thể loại âm nhạc quan trọng nhất: Sonata cho nhạc cụ, Tứ tấu, Ngũ tấu, Concerto … đều được nâng đến đỉnh cao mẫu mực, ngôn ngữ và cấu trúc được khai phá tột bậc, manh nha những đòi hỏi vượt ra khỏi chuẩn mực của thời kỳ âm nhạc Cổ điển. Giao hưởng số 9 của Beethoven là tác phẩm đầu tiên trong thể loại này có sự xuất hiện của thanh nhạc.
Hoài bão về một tác phẩm ca ngợi nhân loại, sự hình thành, đấu tranh sinh tồn khốc liệt với bao khổ đau, bi kịch nhưng loài người vẫn hướng đến niềm tin tươi sáng, tình yêu đồng loại, lòng bác ái, Beethoven đã sáng tạo ra một kiệt tác nằm trong số ít những đỉnh núi cao nhất trong nền nghệ thuật thế giới như: "Thần khúc" của Dante, Đức mẹ của Raphael, "Faust" của Goethe hoặc Messe của Bach … Bốn chương nhạc đồ sộ được Beethoven thay đổi vị trí cấu trúc tạo đường dẫn mới cho ý đồ của tác giả về sự hình thành vũ trụ, vai trò con người, thế lực tăm tối, xung đột đấu tranh, chiến thắng hoan ca, sứ mệnh và nghĩa vụ của con người về sự hoàn mỹ, đạo đức … Chương cuối cùng cho thấy cái ác không bao giờ biến mất hoàn toàn, con người cần tiến về phía trước trong ngập tràn niềm tin tự do, tình yêu đồng loại bất diệt và hoan ca "Hỡi triệu triệu người, hãy xiết chặt tay nhau! ". Với sự xuất hiện dàn hợp xướng và các giọng hát solo như một oratorio dựa trên bài thơ An die Freude (Hoan ca) của Friedrich Schiller trong chương 4 của bản giao hưởng, tác phẩm như một sự đột phá, mở ra cánh cửa cho cả một trường phái nghệ thuật mới sau đó, Trường phái Âm nhạc Lãng mạn. Beethoven đã ảnh hưởng tới rất nhiều các nhạc sĩ thời kỳ sau: Gustav Mahler, Richard Wagner …
Đây là tác phẩm cuối cùng của nhà soạn nhạc thiên tài, tác phẩm được nung nấu trong 6 năm trời từ 1818 đến năm 1824, trong khi ông đã bị điêc hoàn toàn từ năm 1819.
Tác phẩm đã được mang lên phát trên mặt trăng vào năm 1969 như một thông điệp nhân ái của con người gửi tới những nền văn minh ngoài hành tinh.
Chương cuối của Bản giao hưởng được lựa chọn làm bài ca chính thức của Liên Minh Châu Âu và được vang lên trong hầu hết nghi lễ chính thức của Thế Vân Hội từ thế kỷ 20.
Thông tin chi tiết
Chương trình tổ chức vào 20h ngày 8 & 9/ 5 / 2015 tại Nhà hát Thành Phố, 7 Công trường Lam Sơn, Q.1
Giá vé: 800.000 - 650.000 - 550.000 - 400.000 - 150.000 VNĐ (Dành cho sinh viên)
Đặt và giao vé: 08 38237419, Ms. Hương 0989874517, Ms.Hương Ly: 0908057972
Tại Nhà hát Thành phố, 7 Công trường Lam Sơn
Online Booking: www.ticketbox.vn