Nhà hát đóng cửa, nghệ sĩ nghỉ dài, thiệt hại cả tỷ đồng vì Covid-19
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các nhà hát ở Hà Nội phải tạm dừng hoạt động, huỷ bỏ nhiều đêm diễn gây ra nhiều thiệt hại khó có thể đong đếm.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nhà hát trên địa bàn Hà Nội buộc phải đóng cửa để tránh tập trung đông người khiến dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Nhiều vở diễn được luyện tập từ trước đó cũng đã phải huỷ bỏ. Các nghệ sĩ cũng vì thế mà tạm thời rời xa ánh đèn sân khấu.
Dịch Covid-19 đã làm tê liệt hoạt động với nhiều thiệt hại khó đong đếm. Nguồn thu từ hoạt động biểu diễn không còn khiến đời sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn với nỗi lo "cơm áo gạo tiền".
Nhà hát Múa rối Thăng Long, một trong những nhà hát thu hút đông khách du khách quốc tế đã quyết định đóng cửa từ ngày 14/3 vì dịch Covid-19.
NSƯT Chu Lượng, quyền Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ: "Những tháng đầu năm, chúng tôi có rất nhiều chương trình đặc sắc để phục vụ người dân và du khách quốc tế. Tuy nhiên đã phải hoãn bỏ vì dịch Covid-19. Dù biết đóng cửa nhà hát chỉ một tháng đã thiệt hại lên tới 3-4 tỷ đồng nhưng sức khỏe của đội ngũ nhân viên và nghệ sĩ phải được đặt lên hàng đầu"
"Chúng tôi cũng có những chuẩn bị, quỹ dự phòng về tài chính. Nếu trong một vài tháng tới, chúng tôi vẫn có thể duy trì. Tuy nhiên nếu nghỉ dài hơn nữa, nhà hát vẫn chưa mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ phải họp lại để có những lộ trình cụ thể để làm sao đảm bảo đời sống cho các nghệ sĩ", quyền Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long bày tỏ.
Rạp Hồng Hà đóng cửa, diễn viên của nhà hát chỉ còn lương cơ bản do nhà nước chi trả và sống cầm cự qua ngày.
Có chung hoàn cảnh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Sĩ Tiến chia sẻ: "Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ các chương trình để kỳ vọng rằng sẽ có một mùa xuân 2020 đẹp, tuy nhiên do diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, sau Tết thì diễn được 2 buổi với số lượng vé sụt giảm đáng kể theo từng buổi, các chuyến lưu diễn ở tỉnh huỷ bỏ thậm chí là dự án làm phim cũng phải giảm mật độ rất nhiều".
"Anh chị em nghệ sĩ thực sự rất buồn bởi vì không được tập trung đông người thì không được biểu diễn. Đời sống bị ảnh hưởng nhưng tất nhiên chúng tôi cũng đã làm công tác tư tưởng để anh chị em tranh thủ trong thời gian nghỉ có thể trau dồi khả năng, chuẩn bị thêm các chương trình phục vụ các em thiếu nhi trong dịp 1/6. Bên cạnh đó chúng tôi cũng dọn dẹp, tân trang lại nhà hát. Thậm chí bây giờ trên khán phòng, chúng tôi đóng cửa không cho ai ra vào tự do để đảm bảo môi trường khán phòng sạch sẽ sau khi đã khử khuẩn", Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết thêm.
Chia sẻ về hoạt động của Nhà hát Kịch Việt Nam khi các chương trình biểu diễn bị hoãn, huỷ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, NSƯT Xuân Bắc cho biết: "Việc tổ chức biểu diễn của Nhà hát là quan trọng nhưng trong thời điểm này, dừng các chương trình đông người là hợp lý. Không biểu diễn phục vụ khán giả nhưng chúng tôi không để thời gian chết, mà họp và tìm ra những đường hướng phát triển Nhà hát trong tương lai...
...Chúng tôi cũng làm các công việc còn tồn đọng mà trong năm cũ, vì bận bịu biểu diễn mà chưa có thời gian tập trung, như: xây dựng quy chế vận hành, quy chế chi tiêu nội bộ, chỉ ra những bước đi phát triển mang tính chiến lược của Nhà hát Kịch Việt Nam”.
Dù thiệt hại về nhiều mặt nhưng lãnh đạo các nhà hát của sân khấu phía Bắc nhận thấy tạm ngưng các hoạt động văn hoá là cần thiết trong thời điểm này.
Ở một góc nhìn khác, chính cái khoảng lặng này giúp các nghệ sĩ, nhà hát có thời gian tập trung để xây dựng đường hướng, chiến lược phát triển, thu hút đông đảo khán giả đến xem.
(Nguồn: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri)