Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đức Trịnh: “Đạo làm thầy luôn phải có tâm”

20/11/2013

Đã từ lâu, công chúng yêu nhạc Việt Nam rất yêu thích các ca khúc của nhạc sĩ Đức Trịnh như “Mưa xuân”, “Mùa xuân, em, mái trường”, “Hoa dại”, “Ngược dòng Hương Giang”, “Miền xa thẳm”… nhưng sẽ ít người biết được rằng nhạc sĩ Đức Trịnh là một giảng viên giỏi đã đào tạo ra các nhạc sĩ thành danh như nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, Đức Nghĩa, Hồ Trọng Tuấn, Hoàng Tuấn, Đức Tân, Ngọc Dũng. Mới đây, Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh còn được trao tặng danh hiện cao quý: Nhà giáo ưu tú (NGƯT), khẳng định công sức đóng góp xứng đáng của thầy đối với sự nghiệp “trồng người”.

Là con trai vùng quê Kinh Bắc nổi tiếng với các làn điệu dân ca quan họ, nhạc sĩ, thầy giáo Đức Trịnh như được ưu ái “thừa kế” khả năng và niềm đam mê nghệ thuật của những con người được sinh ra từ hội Lim. Vì thế, con đường âm nhạc của Đức Trịnh cứ như được vẽ lên và đưa tên tuổi nhạc sĩ Đức Trịnh sống trong lòng khán giả. Tốt nghiệp cao học chuyên ngành Sáng tác âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, nhạc sĩ Đức Trịnh đã có thâm niên trong giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nơi đào tạo ra các chiến sĩ - nghệ sĩ.

Với con đường âm nhạc, thầy Đức Trịnh là người đam mê sáng tạo, không ngừng kiếm tìm cảm xúc để cho ra đời những tác phẩm mà khi được vang lên, công chúng đón nhận nhiệt tình, yêu thích và thêm ngưỡng mộ tài hoa người nhạc sĩ. Các ca khúc của Đức Trịnh tràn đầy tình cảm với thiên nhiên, con người (Dấu tích thời mở cõi, Chiều cao nguyên, Ngược dòng Hương Giang…), đặc biệt hình tượng người lính cụ Hồ luôn là cảm hứng cho những sáng tác của anh (Miền xa thẳm, Ước mong người lính, Tình yêu lính tăng…).


Nhạc sĩ Đức Trịnh trong con đường âm nhạc "Miền xa thẳm"

Với sự nghiệp giảng dạy, nhạc sĩ luôn tâm niệm “nghề làm thầy luôn phải có tâm”. Vì thế, gần 20 năm đứng trên bục giảng, NGƯT Đức Trịnh luôn dồn tâm huyết, khả năng, thời gian để truyền thụ cho học trò vốn kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đã tích luỹ trong quãng đời âm nhạc của mình. Công việc bận rộn của nhạc sĩ Đức Trịnh cứ dồn dập, dồn dập và qua đi khá suôn sẻ. Người thầy ấy đã tìm tòi, sáng tạo nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy âm nhạc sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Thầy tâm sự: “Trước đây, phương pháp học truyền thống với phương tiện chỉ có phấn và bảng viết nên ở các giờ lý thuyết âm nhạc, một quy trình tẻ nhạt cứ lặp đi lặp lại thầy đọc trò chép, thày giảng trò ghi bộc lộ nhiều nhược điểm. Vì thế, thâm tâm tôi cứ đinh ninh việc phải tìm ra một phương pháp giảng dạy hiện đại. Và thế là “Ứng dụng CNTT vào giảng dạy” ra đời, qua trải nghiệm đã chứng minh rằng phương pháp này đạt hiệu quả tốt, học sinh tiếp thu bài giảng một cách chủ động, có sự tương tác giữa thầy, trò và máy tính, tiết kiệm thời gian khi lên lớp, có thực tiễn ngay trong khi học những môn lý thuyết…”. Vậy đấy, ngoài công việc sáng tác, NGƯT Đức Trịnh còn không ngừng nghiên cứu phương pháp giảng dạy hữu hiệu, tiện lợi nhất để giảng dạy cho học trò của mình. Từ những nghiên cứu đó, các đồng nghiệp của anh tiếp tục sử dụng và phát triển nó phục vụ cho công việc chuyên môn như biên soạn giáo trình, giáo án điện tử, lập trình phần mềm dạy học âm nhạc trên máy vi tính…

Giờ đây, trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Trịnh gánh trên vai trách nhiệm chèo lái “con thuyền” Nhà trường phát triển song song với hơi thở thời đại. Hiện nay, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã khẳng định được vị thế và uy tín đào tạo, hoà nhập với dòng chảy của các Học viện, Nhà trường trong và ngoài Quân đội. NGƯT Đức Trịnh cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, định hướng xuyên suốt trong công tác đào tạo của Nhà trường là kiên trì mục tiêu đào tạo “chiến sĩ - nghệ sĩ”, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, phương pháp dạy và học, tích cực tham gia đào tạo cho sự nghiệp CNH -HĐH nhiều ngành nghề hơn nữa, mở rộng quy mô và liên kết đào tạo với các trường nghệ thuật trong nước dưới nhiều hình thức, nhiều bậc học, nhóm ngành nghề khác nhau phù hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội và người học.

Thật đáng quý khi NGƯT Nguyễn Đức Trịnh nói: “Nghề giáo không đơn thuần là dạy học sinh làm người qua các con chữ mà phải làm thế nào đưa các em đến gần với chân - thiện - mỹ”.

(Nguồn: http://www.vnq.edu.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...