Nguyễn Cường với Tây nguyên - Cảm nhận âm nhạc trong tôi

14/03/2014

Nói tới nhạc sĩ Nguyễn Cường, người yêu nhạc sẽ nghĩ ngay tới âm hưởng Tây nguyên. Những ca khúc mang âm hưởng miền đất đỏ bazan là những tác phẩm thực sự làm rung động, “tan chảy” và quyến rũ bao trái tim người yêu âm nhạc trong cả nước. Những tác phẩm ấy thực sự bùng cháy qua hai giọng ca của nghệ sĩ Y moan và Siu Black, cũng chính là hai giọng ca mà anh là người đã phát hiện, đào tạo để thể hiện thành công nhất những tác phẩm của mình. Đây cũng là hai giọng ca mang chất giọng núi rừng Tây nguyên nhất đã thể hiện hết mình với cảm xúc cháy bỏng, mãnh liệt nhất mà khó có giọng ca nào có thể vượt qua.


Nhạc sĩ Nguyễn Cường (ảnh: Nguyễn Thị Minh Châu)

Hơi thở mãnh liệt từ âm hưởng Tây nguyên đã hòa tan trong giai điệu qua những ca khúc và tác phẩm khí nhạc của anh. Nhìn thấu suốt các tác phẩm âm nhạc Nguyễn Cường ta thấy rõ anh đã biết vận dụng tinh tế âm nhạc dân tộc với đời sống âm nhạc hiện đại thế nào. Đó là sự chắt lọc những tinh túy trong dân ca vào tác phẩm để sáng tạo trở thành những giai điệu nồng nhiệt nhất, đẹp và cháy bỏng nhất trong tác phẩm âm nhạc của mình.

Cuộc đời nhạc sĩ Nguyễn Cường lăn lộn, gắn bó và trao gửi nhiệt huyết của mình trong thời gian dài với núi rừng Tây nguyên. Sức sống và tâm hồn anh đắm chìm trong các giai điệu âm nhạc của các dân tộc Ê đê, Ba na, Gia rai và như một cơn lốc tràn đi khắp mọi miền của đất nước. Nó tạo nên một âm nhạc Nguyễn Cường cùng lối đi rất riêng của anh. Với những: “Hơzen lên rẫy”, “Ơi M’Đrak, M’Đrak”,”Em muốn sống bên anh trọn đời”, “Ly cà phê Ban mê”. Anh đã thực sự là một già làng trong việc tạo nên một phong cách Rock Việt bay lên từ các buôn làng Tây nguyên.

Là một chàng trai sinh ra và lớn lên tại Hà nội. Còn nhỏ với tuổi thơ được sống trong một gia đình khá giả ở thành phố. Và tôi thật sự xúc động, cảm phục khi đọc bài viết của anh qua trang web của Hội nhạc sĩ Việt nam gần đây, về sự ra đi đột ngột của người cha, sự tần tảo vượt bao khó khăn để nuôi dưỡng đàn con là các anh chị em trong gia đình nhạc sĩ trưởng thành của người mẹ, tất cả thật sự vô cùng xúc động… Mặc dù trước đây có một thời gian dài tôi rất gần gũi, thân thiết với chị Thu Hằng là em gái của anh công tác bên Hội Điện ảnh, chị rất quý và tâm sự với tôi nhiều điều song tới khi chị về nghỉ hưu tôi cũng chưa bao giờ được chị kể cho nghe cảnh ngộ của gia đình chị khi các anh chị còn nhỏ, bài viết của anh thật cảm động và chân thành.

Với con người dù bụi bặm, phong trần, quăng quật tới đâu cũng không thể lẫn được cốt cách, gốc gác của mình: một người Hà nội lịch lãm, hào hoa. Ca khúc Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà nội của anh đã được UBND thành phố Hà nội đề cử giải thưởng Thăng long. Tác phẩm diễn tả nỗi nhớ mong nghẹn ngào, da diết, sự dồn nén tình cảm những tháng ngày xa quê hương của những người con ở phương xa khi trở về. Bài hát dành cho mọi người con Hà nội, ai cũng như thấy chính mình trong đó. Hà nội cổ kính, thân thương của bất cứ cô bé, cậu bé nào, thành phố cũng mang đầy những kỷ niệm của thời thơ ấu, những kỷ niệm đó không thể nào quên.

Ngoài những tác phẩm viết cho Tây nguyên và Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà nội anh còn sáng tác những tác phẩm về đồng bằng Bắc bộ và dành được nhiều Giải thưởng của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam như: Say trăng, Lạng Sơn lung linh mưa ngàn, Đàn cầm dây vũ dây văn…

Những tác phẩm khí nhạc của anh cũng được đánh giá cao bằng các giải thưởng như Tứ tấu đàn dây (1995), Hòa tấu violon và dàn nhạc (1996).

Với những cống hiến hết mình vì Nghệ thuật Âm nhạc nước nhà anh đã được nhà nước trao tặng Huân Chương Lao Động hạng ba và Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt hai năm 2007.

Trong sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Cường ta thấy rất rõ tính dân tộc được tái hiện trong ngôn ngữ hiện đại, những vấn đề mà giới âm nhạc đã có những thành công đáng kể trong quá trình phát triển của âm nhạc Việt nam. Và sắp tới đây trong Hội thảo tại Liên hoan Âm nhạc phía Nam và Tây nguyên được tổ chức tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia lai, những vấn đề này lại được đặt ra trên cơ sở nội dung: Giữ gìn và phát huy bản sắc Âm nhạc các dân tộc Tây Nguyên trong quá trình hội nhập. Âm nhạc Nguyễn Cường là một bằng chứng cho những mục tiêu đó. Đây cũng là những yếu tố cơ bản để các nhạc sĩ hướng tới, mang tâm huyết, cảm xúc của mình hòa cùng nghệ thuật âm nhạc truyền thống, góp phần làm nên những thắng lợi to lớn cho sự nghiệp nghệ thuật Âm nhạc nước nhà.

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...