Người nhạc sĩ hết lòng với người, với đời
Nhắc đến nhạc sĩ Sơn Hà, trong giới văn nghệ và những người làm văn hóa ở Hậu Giang, Cần Thơ và ĐBSCL đều biết. Không chỉ làm trong ngành văn hóa lâu năm, gắn bó từ cơ sở, mà còn là người anh, người nhạc sĩ hiền lành, đã sống hết lòng với anh em, với quê hương xứ sở...
Nhiều ca khúc tạo dấu ấn
Còn nhớ khi tỉnh Hậu Giang mới thành lập, ca khúc về Hậu Giang “khan hiếm”, nhạc sĩ Sơn Hà đã tiên phong viết từ cảm hứng về vùng đất ngọt đang được khai phá, về những người từ nơi khác về cùng gầy dựng quê hương Hậu Giang. Ông ví von về vùng đất này như về với mẹ, với chốn đưa nôi để tắm mình trong những lời ru ngọt ngào. Và ca khúc “Về Hậu Giang nhé em” đã ra đời. Từ khi ra đời đến nay, ca khúc này trở thành bài hát đầu tiên, ấn tượng về Hậu Giang, được nhiều người ở đây hát, được nhiều thí sinh chọn tham gia hội thi, hội diễn. Đây cũng là ca khúc thể hiện một giai đoạn sáng tác. Trước đây, giới yêu âm nhạc biết đến ông qua ca khúc “Nhớ Cần Thơ”, với lời ngọt ngào, da diết và đẹp lung linh như một bài thơ của ông: “Chiều đi trên sông Hậu chợt bâng khuâng nhớ tiếng hò xưa. Dòng sông trôi êm đềm mà lòng nghe như sóng triều dâng. Đò ơi mau sang sông chở nhớ thương chở niềm đợi mong, ôi thiết tha câu hò Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ơ… ai đến Cần Thơ mà chẳng thương, ai xa Cần Thơ mà chẳng nhớ…”. Giờ, họ lại có dịp được thấy nhạc sĩ “tung hoành” nhiều hơn ở miền đất mới.
Nói là đất mới, nhưng nơi đây là quê hương của ông và ông viết như nói với chính mình, về tình yêu của mình dành cho quê hương, viết với tất cả niềm xúc cảm trong những chuyến đi “xâm thực” của mình. Ông chia sẻ, viết về quê hương bao giờ cũng có cảm hứng, nhưng để không giẫm đạp lên cảm xúc, giai điệu buộc người nghệ sĩ phải đi, phải sống, để cảm nhận từ trong sâu thẳm của tâm hồn mình. Khi chia tách tỉnh cũng là lúc ông đảm nhận cương vị mới: Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang, rồi Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, rồi Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Công việc bộn bề, nhưng ông vẫn dành một góc riêng cho âm nhạc, đó là khi mọi người ngủ say, ông lại cọc cạch với chiếc máy tính, với cây đàn guitare để thả hồn cùng những giai điệu, cảm xúc. Các ca khúc tiếp theo: “Bảy dòng sông nhớ”, “Ngẫu hứng đêm Xà No”, “Trầm tích”, “Xuân về trên dòng Xà No”, “Khúc tự tình sông Hậu”, “Điệu huê tình trên sông nước”… đã ra đời giữa ngổn ngang công việc, có nhiều cảm xúc khi chứng kiến sự thay da đổi thịt của Hậu Giang… Các ca khúc này đã tiếp tục với những giai điệu nhẹ nhàng như khúc tự tình, gần gũi như những câu hò, lời ru của mẹ, dễ thấm vào lòng người. Đây cũng chính là nét riêng ghi đậm dấu ấn của nhạc sĩ Sơn Hà trong lòng công chúng yêu âm nhạc ở Hậu Giang. Anh trở thành niềm tự hào của miền đất này.
Sống chan hòa, tình cảm
Nhắc đến nhạc sĩ Sơn Hà, anh em trong giới văn nghệ sĩ ai cũng thương, cũng mến, bởi tính tình hiền lành nếu không nói là khá… xuề xòa. Càng quý hơn bởi ông luôn chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện để giới văn nghệ sĩ trong tỉnh phát huy khả năng sáng tạo của mình. Khi mới chia tách, lực lượng hội viên còn mỏng, yếu, ông đã cùng mọi người kiếm tìm, động viên, thu nạp hội viên và tạo điều kiện để họ tiếp cận với từng lĩnh vực, để khơi dậy niềm đam mê. Dần dần, ở các lĩnh vực: âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh,… bắt đầu có nhiều hội viên và có tác phẩm. Tạp chí Văn nghệ Hậu Giang ra đời cũng là nơi để chuyển tải các tác phẩm này, là nơi để các nghệ sĩ trẻ thể nghiệm, dần hình thành cho mình phong cách riêng. Đến thời điểm này, hơn 100 hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã có sự trưởng thành nhất định, bỏ qua những bỡ ngỡ ban đầu để bắt đầu hòa nhập, vươn xa bằng những tác phẩm của chất lượng, đoạt giải thưởng cấp khu vực, toàn quốc…
Nhiều người nói văn nghệ sĩ thì cảm xúc tràn trề, tình cảm cũng khó kiểm soát. Thế nhưng, với nhạc sĩ Sơn Hà lại khác. Những cảm xúc cho âm nhạc được ông đặt để đúng nơi, đúng lúc. Vì thế, ông đã giữ lửa cho tổ ấm hạnh phúc của mình, với ba người con thành đạt. Ông nói, đời nghệ sĩ vất vả, lại nghèo, cái mình được chính là bạn bè và gia đình, nơi để mình tìm về sau những mệt nhoài ngoài cuộc sống. Vì thế, ông luôn tâm niệm phải xây dựng gia đình hạnh phúc và sống sao để làm tấm gương cho các con của mình noi theo. Ông còn dạy cho các con tình yêu quê hương, xứ sở từ chính tình yêu của mình đã chuyển hóa thành các ca khúc ngọt ngào, da diết. Với ông, gia đình tiếp cho ông sức mạnh, quê hương tiếp cho ông cảm xúc để nhả những sợi tơ lòng, để được trở về bình yên. Đây là điều đáng quý nhất ở người nghệ sĩ hết lòng với đời, với người.
***
Nhạc sĩ Sơn Hà rất ít khi hát, nhưng khi gặp bạn tâm giao, ông thường ôm đàn hát những ca khúc của mình một cách say sưa, quên cả thời gian. Giọng hát sâu lắng, đầy cảm xúc. Tôi đã có vài lần được nghe ông hát và càng thấy thấm thía hơn trong từng giai điệu ông viết. Bởi nó xuất phát từ trái tim, từ tình yêu quê hương, yêu thương con người của một nhạc sĩ hết lòng với cuộc đời…
(Nguồn: http://www.baohaugiang.com.vn)