Người miệt mài đi tìm thanh âm vàng son
Hơn 20 năm “phải lòng”, gắn bó, cùng ăn, ngủ, giờ đây, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền được xem như một chuyên gia “cứng” về cổ nhạc. Các công trình nghiên cứu của anh không chỉ khai mở những vùng kiến thức đầy bí ẩn về âm luật, thang, phách… mà còn đem đến những cách tiếp cận cổ nhạc đầy mới mẻ theo hệ quy chiếu hiện đại.
Nặng lòng với âm nhạc truyền thống
Với thời gian hơn 20 năm nghiên cứu cổ nhạc, sở hữu nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về đờn ca tài tử, ca trù, quan họ, tuồng, chèo, cải lương, cồng chiêng…, Bùi Trọng Hiền có trong tay vốn liếng âm nhạc mà nhiều người nghiên cứu và yêu mến âm nhạc dân tộc phải thèm muốn. Nhiều năm gắn bó với di sản phi vật thể và cũng là người theo sát những công trình nghiên cứu cổ nhạc, TS Phạm Cao Quý, Cục Di sản văn hóa, cho rằng, sau các bậc tiền bối như GS Trần Văn Khê, GS Tô Ngọc Thanh…, Bùi Trọng Hiền là một trong những người hiếm hoi đã tiếp nối được đam mê với âm nhạc truyền thống.
“Anh luôn khiến tôi và các cộng sự cảm thấy lúng túng, ngỡ ngàng bởi nguồn năng lượng đặc biệt mà anh dành cho công việc. Có thể hình dung, với mỗi việc được giao, chỉ cần nghiên cứu, đào xới khoảng 5m là đủ, nhưng với Bùi Trọng Hiền là 50m. Một khi đã bắt tay vào nghiên cứu, anh thường cố gắng đi tới tận nguồn cội sâu xa, cho tới lúc nắm được bản chất của vấn đề mới tạm dừng lại”, TS Phạm Cao Quý nhận định.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền trong buổi lên lớp hướng dẫn về phách, khổ cho Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng
Nhớ lại giai đoạn cao điểm xây dựng hồ sơ cồng chiêng Tây Nguyên, đồng nghiệp của Bùi Trọng Hiền không hiểu tại sao một con người có vóc dáng ốm yếu như anh lại có sức làm việc khủng khiếp như vậy. Khác với nhiều loại hình âm nhạc khác, cồng chiêng luôn có âm lượng rất lớn, song không hiểu sức mạnh nào khiến Bùi Trọng Hiền có thể liên tục say sưa vừa úp tai nghe lại những đĩa tư liệu, vừa ghi chép hàng chục tiếng. Nhờ những ngày đêm lăn lộn cùng ăn, ở, cùng nghe nhạc với đồng bào Tây Nguyên và giai đoạn hậu kỳ kéo dài nhiều tháng sau đó, một công trình ghi dấu ấn đặc biệt về loại nhạc cụ đặc trưng của đồng bào với tên gọi là “Phổ âm cồng chiêng” đã ra đời.
Công trình được coi là một bước ngoặt trong nghiên cứu về cồng chiêng, giúp cho việc ghi chép, lưu giữ lại giai điệu của loại nhạc cụ này một cách khoa học. Với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, đó là những tháng ngày hết sức đặc biệt. Những cơn mưa dai dẳng của Tây Nguyên đã làm cho hành trình của đoàn điền dã gặp vô vàn khó khăn, song đổi lại là sự nhiệt tình của các nghệ nhân nơi đoàn tìm đến đã truyền thêm nhiệt huyết cho mỗi thành viên.
Những công trình nghiên cứu của Bùi Trọng Hiền luôn dày dặn, công phu, mang hàm lượng khoa học cao. “Mặc dù người nghiên cứu âm nhạc ở trong nước chưa được đào tạo bài bản, nhưng thỉnh thoảng cũng có vài công trình nghiên cứu có giá trị như công trình nghiên cứu về hát quan họ, hát văn, hát chèo và đặc biệt những bản nhạc được biểu diễn bởi cồng chiêng Tây Nguyên của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. Công trình hàm chứa những thông tin chính xác và nghiên cứu đó có thể được xem là những công trình khoa học tầm cỡ quốc tế”, GS Trần Văn Khê đã từng viết những lời như vậy về Bùi Trọng Hiền.
Với Bùi Trọng Hiền, một khi anh chưa chạm tới được giá trị gốc của di sản thì ham muốn đó vẫn luôn ám ảnh anh. Anh không sợ cô độc trong nghiên cứu cổ nhạc và cũng không sợ vấp phải tiếng nói phản biện, bởi nghiên cứu âm nhạc là biển học. Có lẽ, chính vì thế, với Bùi Trọng Hiền, trong nghiên cứu khoa học thì người “phản biện” lớn nhất chính là bản thân.
"Cũng như việc tìm ra cách ghi được thang âm của cồng chiêng, dự án “Hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản” của ca trù đã mở ra một hướng bảo tồn di sản dân gian - một dự án tiên phong trong việc bảo tồn đúng cách, đúng giá trị của ca trù mà tiền nhân đã truyền lại"
PGS-TS Bùi Hoài Sơn
Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam
Chuyên gia “giải mã” cổ nhạc
Không rõ từ khi nào, Bùi Trọng Hiền mắc chứng quá nhạy cảm với âm nhạc. Cứ nghe nhạc phô, chênh là dạ dày anh lại quặn lên hành hạ. Ban đầu chính anh cũng không để ý tới việc đó lắm mà chỉ nghĩ rằng do dạ dày không tốt nên thi thoảng đau bất chợt. Song, càng về sau, những cơn co thắt càng nhiều giống như một cách phản ứng của cơ thể với âm nhạc. Vì thế, để thích nghi, trong nhiều chuyến đi thực tế, tham gia cuộc thi, anh luôn phải buộc bụng thật chặt, thậm chí có những buổi đồng nghiệp phải mang tới túi chườm nóng để giảm cơn co thắt dạ dày khi anh chấm thi.
Dẫu biết cơ thể phản ứng quá mẫn cảm với âm nhạc, song “giải mã” âm nhạc đối với anh dường như không chỉ là duyên mà còn là nợ, cứ đeo đẳng. Nghệ nhân thì say sưa và miệt mài như một con tằm ngày đêm cần mẫn nhả tơ, còn Bùi Trọng Hiền chính là người tìm ra bí ẩn của những sợi tơ tuyệt vời ấy để nó tiếp tục óng ánh tỏa sáng.
Đồng nghiệp từng chứng kiến anh thức trắng hàng tuần để “cứu” bộ băng đĩa ca trù cũ kỹ, nhàu mốc của các nghệ nhân dân gian đã đi vào thiên cổ để lại. Sau công việc ở cơ quan, cứ 19 giờ, Bùi Trọng Hiền bắt đầu thực hiện cứu băng và công việc kéo dài tới 6 giờ sáng. Hơn 2 tuần liên tục như vậy, 10 cuốn băng mốc đã được cẩn thật cắt ghép và chuyển sang định dạng số. Sau nhiều ngày vùi đầu với đống băng cũ mốc, vóc dáng vốn đã hốc hác của anh lại càng trở nên mong manh hơn. Song, ai cũng có thể cảm nhận được sự hứng khởi, niềm vui như vỡ òa khi anh nói về những bí ẩn của ca trù được tìm ra trong tư liệu cũ kỹ.
Tranh thủ khoảng thời gian trống khi hoàn thành dự án với ca trù, tôi gặp Bùi Trọng Hiền trong một quán nhỏ ngay trong sân của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, nơi anh làm việc. Ăn vội chiếc bánh mì nhỏ mua tạm trên đường đến chỗ hẹn để lừa cơn đau - theo cách anh nói, nhưng thi thoảng lông mày anh lại nhíu nhíu lại vì đau; khuôn mặt vốn hốc hác càng thêm phần khắc khổ. Thế nhưng, khi trở lại với nhịp, với phách, lửa nghề trong anh lại bừng bừng.
“Thời gian đó tôi làm việc như điên bất kể ngày đêm cùng các nguồn tư liệu đang sưu tầm, cái thì được bạn bè, người thân trao tặng, cái thì bỏ tiền mua. Mục tiêu duy nhất là phải làm càng nhanh càng tốt khi mà các cụ nghệ nhân còn đủ minh mẫn, sức khỏe để có thể hiệu chỉnh, bổ sung cho những tài liệu rất hiếm hoi về ca trù - loại hình nghệ thuật bác học cổ xưa này. Tới đầu năm 2016, khi vừa hoàn thành các nghiên cứu cơ bản của công trình thì nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ không may lâm trọng bệnh với cơn tai biến buổi xế chiều”, Bùi Trọng Hiền nhớ lại.
Dự án “Hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản tại Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng” là một trong những quả ngọt từ đam mê cổ nhạc của anh. Cách tiếp cận và “giải mã” cổ nhạc của Bùi Trọng Hiền đã giúp các ca nương, kép đàn, quan viên có thể nắm chắc được âm luật của ca trù, các nguyên lý cơ bản gắn phím cổ truyền để có thể đàn hát “có phách”, “có khuôn khổ” theo chuẩn mực “ả đào” cổ điển. Anh hăm hở nói, giảng giải về chỗ giữ nhịp của cụ này, chỗ láy phách của cụ kia; nói bay bay như người không ốm đau.
Những công trình nghiên cứu về quan họ, xẩm, cồng chiêng và gần đây là ca trù của Bùi Trọng Hiền luôn nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ GS Tô Ngọc Thanh cũng như nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan… Đó cũng là một trong những động lực khiến anh thêm vững lòng trên con đường khúc khuỷu, gập ghềnh nghiên cứu về những loại hình cổ nhạc vốn đòi hỏi không chỉ tài năng, tâm huyết mà còn là hy sinh hạnh phúc cá nhân.
Bùi Trọng Hiền thú nhận, đã có lúc anh phải dừng lại để cật vấn bản thân rằng, phải chăng mình đã sai khi không là chỗ dựa cho vợ và con; có nên lựa chọn lại... Từng có những lúc suy sụp, hoang mang, nhưng rồi chính âm nhạc lại nâng anh dậy và bước tiếp...
(Nguồn: https://www.sggp.org.vn/)