Người góp phần giữ lửa hát văn
Nằm trong khu Hoàng Cầu, lớp dạy học hát văn (còn gọi là chầu văn) của nghệ nhân dân gian Trọng Quỳnh thu hút nhiều bạn trẻ đam mê nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Những lớp học như thế này đang góp phần lưu giữ và bảo tồn một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh.
Nghệ nhân dân gian Trọng Quỳnh (ngoài cùng bên trái) dạy hát văn cho các bạn trẻ.
Trong không gian rộn rã tiếng phách, thanh la, tiếng trống, tiếng đàn nguyệt… nhóm bạn trẻ hào hứng nhập môn hát văn dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân dân gian Trọng Quỳnh. Ðiều thú vị là bộ môn nghệ thuật cổ truyền như hát văn lại thu hút khá đông học viên là các bạn trẻ. So với các loại hình dân ca truyền thống khác, hát văn ra đời sớm, vừa là nghệ thuật trình diễn đặc sắc, vừa là yếu tố âm nhạc quan trọng trong nghi lễ thực hành văn hóa của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. Tuy mang dáng vẻ của thể loại âm nhạc sân khấu biểu diễn, nhưng hát văn vẫn phải tuân theo những niêm luật, lề lối cụ thể. Nắm rõ niêm luật, lề lối và thuộc lời văn là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người học hát văn.
Với lối hát đa dạng, cho nên giai điệu hát văn khi rộn ràng, lúc mượt mà, dìu dặt. Với các nhạc cụ hỗ trợ, làn điệu hát văn hấp dẫn, cuốn hút người nghe. Hát văn không chỉ khó mà đòi hỏi người hát phải ứng biến linh hoạt để có thể chuyển lời, nhịp và giọng hát cho khớp. Hát mẫu một đoạn trong bài hát văn Hương Sơn Phong cảnh ca, nghệ nhân Trọng Quỳnh hướng dẫn học viên cách vào nhịp và biến tấu của từng điệu hát. Theo anh, hát văn không còn bó hẹp trong nghi lễ hầu đồng, mà được coi như hình thức diễn xướng sân khấu. Từng làm giám khảo trong một số cuộc thi, chương trình về hát văn, Trọng Quỳnh cho biết: Người hát chầu văn phải tay đàn, miệng hát, chân gõ phách. Với người mới học, đầu tiên là nắm chắc nhịp, rồi đọc câu văn theo nhịp, nhớ chắc chắn lời văn rồi thì mới ghép hát được. Cái khó tiếp theo là miệng hát và tay đánh nhịp. Lúc nhịp lẻ, khi chuyển sang nhịp chẵn, tay đánh đều, miệng hát luyến. Phải vững nhịp mới làm chủ được câu hát, hát được làn điệu nào phải giải thích được làn điệu đấy. Khi nào hát theo thể lục bát, khi nào theo song thất lục bát... Hát văn phải giữ được cái cốt, lề lối thì mới làm toát lên vẻ đẹp của bộ môn nghệ thuật hát văn…
Vì khó cho nên học viên đến với hát văn, nếu không yêu thích và kiên trì sẽ bỏ dở giữa chừng. Lớp học hát chầu văn của nghệ nhân dân gian Trọng Quỳnh thường xuyên tiếp nhận học viên mới. Người đến học sau lắng nghe, quan sát và cảm thụ dần dần, khi nào thấy "nhập tâm", thấy "thấm" thì học thầy. Trong đó, người học trước hướng dẫn, truyền lại kinh nghiệm cho người học sau. Cùng chia sẻ với học viên về cái hay, cái đẹp của hát văn, anh cũng không ngừng động viên học trò, tuy khó nhưng học dần sẽ thấy yêu thích hát văn. Quan trọng nhất là hiểu cơ bản cách hát và thuộc bài hát. Khi hiểu nhịp, phách, làn điệu và hiểu ý nghĩa của câu hát văn thì là sẽ tự khắc say mê.
Với nhiều hình thức biểu diễn: Hát thi, hát thờ và hát lên đồng, diễn xướng theo các làn điệu như hát phú chênh, phú bình, phú nói, vãn, cờn… hát văn còn "thách thức" người học ở phần lời văn. Kho tàng các bài hát văn đến nay cũng chỉ còn lưu giữ khoảng 60-70 bài, có những bài dài mười mấy trang, lại diễn theo nhiều lối cho nên việc nhớ và thuộc được lời văn khá khó với những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Ðể thuộc lời văn, các bạn trẻ phải được tiếp cận với những bản văn chính xác, tuy nhiên, phần lớn lại khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn bài hát văn chuẩn, dẫn đến thuộc lời không chính xác. Vì vậy, trong quá trình truyền dạy, vừa hướng dẫn về kỹ thuật, nghệ nhân dân gian Trọng Quỳnh còn phải chỉnh nắn, phân tích ý nghĩa từng câu hát văn cho học viên. Văn Hùng, một kiến trúc sư trẻ năm nay gần 30 tuổi nhưng rất thích quan họ, xẩm và hát văn. Với những người mới bắt đầu tiếp cận với hát văn như Hùng, khó nhất là học nhịp vì nhịp là cái gốc, rồi phải thuộc lời văn. Biết học hát văn rất khó nhưng Hùng tự động viên mình, cố gắng là được.
Xuất thân từ diễn viên của Nhà hát Cải lương trung ương, để trở thành nghệ nhân dân gian, nghệ nhân Trọng Quỳnh từng đi biểu diễn tại nhiều đền, phủ và theo học từ các bậc cung văn mẫu mực đi trước. Có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn và phát triển của loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian độc đáo này, với mong muốn đưa nghệ thuật âm nhạc dân gian đặc sắc này tới với đông đảo công chúng, Trọng Quỳnh tiếp tục học hỏi và truyền thụ những kinh nghiệm quý giá của mình cho thế hệ hát văn trẻ. Anh mong muốn, qua quá trình giới thiệu, truyền dạy, giới trẻ có thêm hiểu biết về loại hình nghệ thuật dân gian tiêu biểu, từ đó góp phần tôn vinh và giữ gìn nghệ thuật ca hát cổ truyền của dân tộc như một vốn văn hóa quý báu của ông cha để lại.
(Nguồn: http://nhandan.com.vn/)