Người đờn tiếng lòng dân tộc

30/01/2019

Nghệ sĩ Phạm Đức Thành trân trọng cây đàn bầu như sự kết tinh cả truyền thống và nhân cách Việt Nam. Đây cũng là lý do vì sao dù nhiều năm sinh sống ở xứ người, ông vẫn mãi đau đáu về thứ âm thanh mà ông coi là “tiếng lòng của dân tộc” và mong muốn cả thế giới phải biết đến nó.

Phạm Đức Thành không phải là cái tên xa lạ trong làng âm nhạc hải ngoại. Hiện đang định cư tại Canada, ông đã nhiều lần về nước biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật như liveshow đầu tiên của một nghệ sĩ đàn bầu nằm trong chuỗi chương trình “Vàng son một thuở”... Sắp tới, khán giả hâm mộ ông lại có dịp được thưởng thức tiếng đàn ấy trong chương trình nghệ thuật đặc biệt của Xuân Quê hương 2019 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức.

Tình yêu với cây đàn 1 dây

Phạm Đức Thành chia sẻ ông sinh ra ở một vùng quê nghèo chiêm trũng với những cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay ở Gia Viễn, Ninh Bình. Cũng từ mảnh đất này, những làn điệu dân ca và chèo Bắc bộ đã nuôi dưỡng tâm hồn ông cùng với tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc. Lên 5 tuổi, ông đã biết chơi đàn bầu để rồi cây đàn 1 dây đó đã khiến ông bị mê hoặc và theo suốt cuộc đời.

Ai đã từng nghe Phạm Đức Thành đàn sẽ nhận ra tiếng đàn của ông rất khác biệt. (Ảnh: H.A)

Hơn 60 năm gắn bó với cây đàn bầu, Phạm Đức Thành đã gặt hái nhiều thành công trong và ngoài nước. Năm 1974, ông được mời vào Nhà hát chèo Việt Nam làm việc và trở thành nhạc công đàn bầu chính thức. Năm 1978, ông là nghệ sĩ đàn bầu sân khấu chèo duy nhất tham dự Nhạc hội đàn bầu toàn quốc, sau đó vào TP. Hồ Chí Minh học thêm về âm nhạc cổ truyền miền Trung và miền Nam. Tháng 10/1983, ông tốt nghiệp thủ khoa đại học ngành Nghiên cứu Âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Từ năm 1990, ông đã mang theo cây đàn bầu cùng gia đình định cư tại Đức và sau này là Canada. Tại đây, ông tiếp tục dùng cây đàn của mình để giới thiệu âm nhạc dân tộc khi dùng chính tiếng lòng mình chia sẻ với những người con xa xứ. Ông từng được đài truyền hình ART (Canada) bình chọn là nghệ sĩ nổi tiếng, có công đóng góp, truyền bá, gìn giữ và phát triển âm nhạc truyền thống Việt Nam trong nền âm nhạc dân gian của thế giới.

Ai đã từng nghe Phạm Đức Thành đàn sẽ nhận ra tiếng đàn của ông rất khác biệt, vừa nghệ thuật lại vừa giải trí, đủ khiến người ta đắm chìm trong những âm thanh mộc mạc, luyến lưu, lại đủ làm người ta hân hoan, sung sướng khi kết hợp với dàn nhạc và âm nhạc hiện đại. Tiếng đàn của ông đi rất sâu vào tâm khảm người nghe. Nhiều người đã khóc khi nghe ông đàn, đặc biệt những bài về quê hương và về mẹ. Có người còn nói với ông rằng: “Ông đờn tôi nhớ má tôi quá, tôi muốn bay về ngay với má!”.

Để thanh âm được bay xa

Điều khiến nghệ sĩ Phạm Đức Thành thấy mừng là cây đàn bầu luôn được khán giả khắp nơi yêu quý và âm nhạc dân tộc ở xứ người rất được trân trọng.  Cùng với việc biểu diễn, đi đến đâu, ông cũng muốn truyền thụ kiến thức về âm nhạc cho người xa xứ bằng nhiều hình thức khác nhau như dạy trực tuyến qua mạng, phát hành sách và đĩa về đàn bầu, mở lớp dạy đàn bầu tại nhà... Bên cạnh đó, ông còn tìm hiểu, nghiên cứu và chơi thuần thục các loại nhạc cụ truyền thống khác như đàn tranh, nhị, sáo, nguyệt.

Phạm Đức Thành cho rằng thanh âm bay bổng của tiếng đàn bầu dù vui hay buồn vẫn có thể đánh thức được tâm hồn người Việt Nam. Những cung bậc âm thanh của tiếng đàn bầu gợi cảm xúc cho người nghe về miền xa thẳm, tiếng đàn nỉ non gợi nhớ quê hương đất nước của những người con xa xứ, nhắc người ta nhớ công cha nghĩa mẹ sinh thành, hoài niệm về năm tháng tuổi thơ... Lợi thế của đàn bầu là mọi giọng nói, lời ca, cảm xúc, từ dân ca đến tân nhạc đều đồng điệu được nên có thể ngồi ở trong bất cứ dàn nhạc nào. Tuy nhiên, theo ông, muốn chơi giỏi đàn bầu, nhất định phải thắm đượm được chất dân ca trong đó.

Hiện tại, nghệ sĩ Phạm Đức Thành đã thành lập được câu lạc bộ đàn bầu tại một số quốc gia như Thụy Sỹ, Pháp và gần đây là Nhật Bản. Ông còn có chương trình tự học đàn dân tộc qua DVD và ai có nhu cầu chỉ cần vào trang web cá nhân của ông là có thể đăng ký học. Ông làm chương trình tự học này để âm nhạc dân tộc được lan tỏa và để những người quan tâm có thể dễ dàng học được.

Thế nhưng, người nghệ sĩ gạo cội này trông chờ hơn vào việc thành lập những câu lạc bộ đàn bầu tại Việt Nam. Với những gì đã trải nghiệm trên hành trình hoạt động nghệ thuật, ông tự tin mình có thể chia sẻ với những thế hệ sau về con đường đến thành công. Ông cũng hy vọng, ở quê hương sẽ có thêm các nhạc hội đàn bầu để từ đây có thể tìm kiếm được những tài năng, những người đam mê thực sự để “tiếng lòng của dân tộc” ngày càng bay xa.

(Nguồn: http://baoquocte.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...