Ngọt ngào ký ức ngậm ngùi một chút hôm nay
Chị còn nhớ như in những đêm hành quân, trên những gò đất nổi, xung quanh ngập nước, chị vẫn đứng hát những bài ca như "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn", "Câu hát bông sen", "Tiếng đàn Ta-lư", "Qua sông"... cho bộ đội nghe. Xúc động bởi tiếng hát trong ngần của chị, một đại đội đã lấy tên Tô Lan Phương làm tên gọi cho mình trước giờ xung trận...
Tiếp tôi là chồng chị, NSƯT Trần Mùi. Chị kêu mệt. Nhưng kỳ thực là bấy lâu tâm trạng của chị không vui. Chị buồn. Như con chim bị một vết thương và không còn nhiệt tình ca hát nữa. Tâm trạng ấy chỉ những người thân yêu cùng sống, chiến đấu và cống hiến tài năng suốt gần trọn cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc cùng chị mới thấu suốt được.
Cô gái hồn nhiên 19 tuổi năm nào xung phong vào đoàn văn nghệ đi phục vụ chiến trường miền Nam nay đã thành bà của những đứa trẻ. Chỉ riêng nét đẹp nhuần nhị của người phụ nữ gốc Hà thành là không hề mất đi.
Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, nhưng chỉ cần nghe rằng, vào mùa xuân năm 1968, trước giờ tổng tiến công và nổi dậy đã có một đại đội thuộc Sư đoàn 9 quyết định lấy tên là "Đại đội Tô Lan Phương" cũng đủ để tôi ngưỡng mộ chị. Đủ để hiểu rằng hình ảnh và tiếng hát của chị đã có một ý nghĩa quan trọng thế nào đối với những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm khói lửa ác liệt.
Nghệ sĩ Tô Lan Phương sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Chị là cháu của nhà cách mạng Tô Hiệu, người cộng sản kiên cường từng bị giam giữ ở nhà tù Sơn La, người đã trồng một cây đào nở hoa nơi tù ngục, như một tuyên ngôn về tấm lòng thủy chung, son sắt của người cộng sản với cách mạng.
Chị nhớ lại khi còn nhỏ đã nhiều lần được đến thăm nhà tù Sơn La, nhìn "cây đào Tô Hiệu" để thấm nhuần lời ông phải biết sống có ích, phải cống hiến tài năng và tuổi trẻ của mình cho dân tộc, trong hoàn cảnh chiến tranh đau thương.
Tiếp nối con đường của ông và của cha, "con chim họa mi" Tô Lan Phương (khi đó vừa tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam) tình nguyện gia nhập Đoàn Văn công Giải phóng đi vào chiến trường Nam Bộ, để lại sau lưng mình suất học bổng du học nước ngoài cho một sinh viên âm nhạc ưu tú.
Gần một năm trời hành quân vào đến miền Nam ruột thịt, cô gái Hà Nội nhỏ nhắn Tô Lan Phương làm quen dần với những nỗi gian truân vất vả của một người lính. Chị viết nhật ký: "Nhớ cảnh vai đeo bồng nặng trĩu với cây đàn trên vai, lưng ướt đẫm mồ hôi, hành quân suốt đêm giữa rừng tối sẫm, chân giẫm lên lá mục và đàn kiến chạy rào rào. Đom đóm lập lòe chiếu một màu sáng xanh to tướng từ nhiều phía tiến đến chúng tôi. Những ngày đầu tiên ở rừng, tôi ngỡ ngàng và lo sợ làm sao.
Đêm khuya tiếng vượn hú, sự tĩnh mịch xen lẫn tiếng đại bác ở đâu đó, chúng tôi nằm thu gọn người trên chiếc võng được cột vào hai cái cây nghe mưa rơi lộp độp trên mái che nilon, thấm thía cái lạnh của rừng và mùi nồng nồng của lá mục khi mùa mưa đến. Nhưng rồi đến khi trời sáng, trăm ngàn tia nắng lung linh xao động trên các vòm lá cây, không khí trong lành thoang thoảng mùi hoa lan rừng. Tuổi 19 con gái của chúng tôi là như vậy đấy".
Ai đó từng nói chiến tranh là một trường học lớn. Trường học ấy đã hun đúc cho người ca sĩ mảnh dẻ một tấm lòng quả cảm, một tình yêu sâu nặng với nhân dân, bộ đội. Suốt 7 năm trời, cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Tô Lan Phương đã băng rừng lội suối để mang tiếng hát của mình đến phục vụ khắp các chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Một khoảnh cây rừng chặt vội, một đỉnh dốc cao hay một mô đất ven đường cũng đủ làm một sân khấu dã chiến. Phông màn là những mảnh dù pháo sáng. Những người nghệ sĩ không xiêm áo cầu kỳ, không son phấn, không một thiết bị âm thanh hỗ trợ, chỉ có giọng hát vút bay từ đáy lòng mình gửi đến những người lính.
Bao nhiêu mệt mỏi đều tan đi khi được đứng hát trước những đoàn quân. Tô Lan Phương nhớ lại, chị đã luôn đứng hát trước các anh, với một tâm thế rằng ngày mai rất có thể mình không được hát cho các anh nghe nữa. Chiến tranh ác liệt điều gì cũng có thể xảy ra. Cái chết có thể đến với bất kỳ ai, không cần hẹn trước.
Mùa xuân năm 1968 đã mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam với cuộc tấn công và nổi dậy trên toàn chiến trường miền Nam rộng lớn. Ca sĩ Tô Lan Phương cũng có mặt trong đoàn quân tiến về cửa ngõ Sài Gòn ấy. Chị tham gia tải đạn, tải gạo ra chiến trường. Chị đi cùng những đoàn quân băng qua đồng "chó ngáp" Đồng Tháp Mười để đến với những nơi người chiến sĩ đang cần giọng hát của chị tiếp thêm sức mạnh.
Chị còn nhớ như in những đêm hành quân, trăng soi vằng vặc trên đầu, nước ngập đến đầu gối lạnh buốt, đôi chân đau nhói khi giẫm phải những gốc cây chàm, và máy bay địch thì quần thảo khắp các vùng ven Sài Gòn. Trong khung cảnh ấy, trên những gò đất nổi, xung quanh ngập nước, chị vẫn đứng hát những bài ca như "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn", "Câu hát bông sen", "Tiếng đàn Ta-lư", "Qua sông"... cho bộ đội nghe. Xúc động bởi tiếng hát trong ngần của chị, một đại đội đã lấy tên Tô Lan Phương làm tên gọi cho mình trước giờ xung trận.
Nhớ lại kỷ niệm này, anh Trần Mùi, nghệ sĩ violon, người bạn đời cũng là người đồng nghiệp trong Đoàn Văn công giải phóng năm xưa với Tô Lan Phương vẫn còn rưng rưng xúc động. Một cái tên của người ca sĩ bé nhỏ đã trở thành tên của một đại đội, biểu tượng cho tinh thần yêu nước và say mê cái đẹp, niềm khát khao hòa bình, là vinh dự mà không phải nghệ sĩ nào cũng có được, trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình.
Chiến tranh ác liệt, hầu hết những người lính của đại đội anh hùng mang tên Tô Lan Phương đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất miền Nam yêu thương. Họ đã hy sinh cho lý tưởng cao đẹp của mình, cho niềm ước mơ về những giọng hát sẽ được tiếp tục ngân vang, ngân xa trong bầu trời hòa bình. Ngày chiến thắng, Tô Lan Phương đã trở về cánh rừng năm xưa, nơi đoàn quân đứng nghe chị hát, để thắp những nén nhang thơm và hát cho các anh nghe, như thể các anh vẫn còn sống...
Đi suốt chiều dài cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, trải qua những gian lao, hiểm nguy, nhưng bù lại, Tô Lan Phương tìm thấy tình yêu lớn của đời mình. Đó là một tình yêu được thử thách qua gần chục năm lửa đạn. Nghệ sĩ violon tài hoa Trần Mùi, người từng phụ trách Ban nhạc Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương trước khi vào chiến trường, đã dành trọn tình cảm cho người con gái Hà Nội có giọng hát mê đắm, ngọt ngào.
Anh Mùi nhớ lại: "Tôi nhớ có một lần, tại vùng rừng Lộc Ninh, chỉ tích tắc nữa thôi là tôi và Phương đã vĩnh viễn không trở về nữa. Đó là một buổi chúng tôi đi thăm các nghệ sĩ trong rừng. Trong lúc đang chuẩn bị bữa ăn trưa thì máy bay B52 bất ngờ ập tới. Chúng tôi chưa kịp định thần thì đã thấy xung quanh cây cối đổ rạp. Tôi nhảy vội xuống hầm, nhưng Phương thì chậm hơn. Tôi nhoài lên kéo Phương xuống.
Chúng tôi ngồi thu mình lại trong nỗi sợ hãi. Một lúc sau khói xộc vào làm chúng tôi nghẹt thở, và đất đá phủ đầy miệng hầm. Khi chúng tôi ngoi lên được thì trước mắt mình chỉ còn một khoảng rừng tan nát. Xác người và cây cối ngổn ngang. Chúng tôi bàng hoàng vì khung cảnh ấy và ôm nhau khóc".
Trong bom đạn họ vừa nuôi dưỡng tình yêu vừa cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, chờ mong ngày hòa bình được ở bên nhau trọn vẹn. Đám cưới của đôi vợ chồng nghệ sĩ được tổ chức sau ngày hòa bình lập lại, năm 1976, do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm chủ hôn.
Hôm nay ngồi nghe câu chuyện về cuộc đời của chị, tưởng vẫn còn tươi rói những kỷ niệm tuổi trẻ của một cô gái hồn nhiên, ngây thơ chưa biết tình yêu là gì chứ đừng nói đến chiến tranh, súng đạn, nhưng kỳ thực thì đã hơn 40 năm trôi qua rồi.
Đời người như bóng câu qua cửa sổ. Và tuổi thanh xuân thì chỉ nhuộm hồng đôi má người con gái có một lần. Những năm tháng má hồng ấy chị đã để lại ở những cánh rừng sặc mùi khói bom, mong manh sự sống. Chị đã đi cùng tuổi trẻ của mình ra tiền tuyến và sẵn sàng chết như một người lính thực thụ, khi Tổ quốc cần.
Tôi nhìn vào những tấm huân, huy chương mà chị đã được trao tặng, rồi nhìn tấm ảnh chị đội mũ tai bèo, líu lo như con sơn ca hồn nhiên, để cảm nhận phần nào tâm trạng buồn của chị hôm nay. Chị không nói điều gì về tâm trạng ấy.
Và anh Trần Mùi thì chỉ hé lộ một câu nhỏ thôi: "Người ta đã cố tình bỏ Phương ra khỏi danh sách những nghệ sĩ được phong danh hiệu NSND đợt vừa rồi. Cả một cuộc đời dành cho ca hát, vào sinh ra tử, tôi biết Phương không tham vọng gì, ngoài một sự ghi nhận công bằng. Những chuyện “lùm xùm” quanh việc trao tặng danh hiệu nghệ sĩ làm Phương buồn và trở nên sống khép kín. Nghệ sĩ là vậy, dễ bị tổn thương lắm".
Tôi rất xúc động khi nhìn anh Mùi nâng niu, gìn giữ những hình ảnh, những bài báo viết về người vợ yêu dấu của mình. Và những giọt nước mắt đang trực trào ra nơi khóe mắt anh, lúc nói về nỗi buồn của vợ. Trước khi trở thành bạn đời của nhau, họ đã từng là những đồng chí, đồng đội vào sinh ra tử. Họ đã đi cùng nhau gần như suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ và "nếm mật nằm gai" ở những nơi ác liệt nhất.
Chiến tranh kết thúc, họ đều không còn trẻ nữa, và họ đến với nhau để cùng sưởi ấm những kỷ niệm tuổi thanh xuân nơi chiến trường. Bởi vậy, có lẽ anh Mùi là người thấu hiểu nhất những gì mà người con gái xinh đẹp, tài năng Tô Lan Phương đã trải qua.
Anh khóc không phải vì nỗi thương vợ đơn thuần. Mà như anh nói: "Có được ngày hôm nay chúng ta phải trả giá đắt lắm. Hàng triệu những thanh niên ưu tú, ngời ngời tuổi xuân đã không trở về". Vâng, chúng ta không thể trả lại tuổi thanh xuân cho những người lính đã hy sinh nơi chiến trường, những người nghệ sĩ đã đóng góp tài năng, sức trẻ của mình để làm nên chiến thắng chung của dân tộc. Ghi nhận cho đúng công lao của họ là điều cuối cùng chúng ta có thể làm để nói rằng chúng ta không bao giờ quên những đóng góp của họ cho nhân dân, cho Tổ quốc.
Tôi cũng muốn nói với nghệ sĩ Tô Lan Phương một điều nữa rằng, chị đã có một cuộc đời rất đẹp. Câu chuyện về những năm tháng nơi chiến trường, với giọng hát ngọt ngào có sức lay động cả một đoàn quân tiến về phía trước vẫn còn được kể cho tới hôm nay. Và nó ít nhiều mang bóng dáng của một huyền thoại. Chị đã mãi mãi ở trong ký ức của hàng ngàn người lính cũng như rất nhiều khán giả khác. Đó chính là danh hiệu lớn nhất, vinh dự nhất mà cuộc đời dành tặng cho chị.
(Nguồn: http://baicadicungnamthang.net)