Ngọc Khuê - Hàm Rồng chiếm vị trí lớn trong sáng tác của tôi

04/04/2017

Nhạc sĩ Ngọc Khuê vốn trưởng thành từ pháo thủ Hàm Rồng. Ông có tới 9 năm gắn bó với vùng đất lịch sử ghi đậm dấu ấn chiến công của Bộ đội Pháo cao xạ này. Rất nhiều bài hát trong những sáng tác của Ngọc Khuê đều bắt nguồn từ cảm xúc về những năm tháng ấy. Có những ca khúc ra đời 40 năm sau vẫn mang đậm âm hưởng của những ngày chiến đấu bên cây cầu lịch sử...

Nhạc sĩ của Hàm Rồng

- Mọi người đều biết ông nguyên là pháo thủ chiến đấu tại Hàm Rồng. Ông có thể kể lại một chút về những năm tháng đó?

- Tôi nhập ngũ tháng 2 năm 1965 vào chiến đấu tại Hàm Rồng. Tham gia chiến đấu ngay từ những ngày đầu của Hàm Rồng nổi lửa (3/4/1965) Lúc đầu làm pháo thủ dự bị, mấy tháng sau được chuyển sang pháo thủ số 1. Sau hơn 2 năm, do có “đề can Sư phạm", nên tôi được điều lên làm giáo viên văn hoá trung đoàn. Đến tháng 8 năm 1974 tôi mới về Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không - Không quân. Như vậy là cũng xấp xỉ mười năm gắn bó với Hàm Rồng. Có thể nói tuổi thanh xuân của tôi và rất nhiều đồng đội khác đã để lại Hàm Rồng. 

- Và ông đến với những sáng tác đầu tiên cũng từ Hàm Rồng?

- Đương nhiên rồi. Ca khúc đầu tiên tôi viết là Tiếng hát bên dòng sông Mã năm 1966, lúc tôi 19 tuổi. Đây là một ca khúc có rất nhiều kỷ niệm của tôi, ngay sau khi sáng tác đã tham gia hội diễn năm 1968, được tặng thưởng Huy chương Vàng, tuyển chọn đi biểu diễn cùng với Đội tuyển Văn công Quân Khu III (và người đệm đàn cho tôi hát, chính là nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, anh em chúng tôi quen nhau từ ngày ấy) và được thu thanh, được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Với tôi lúc đó là một niềm vui rất lớn. Thời ấy, chỉ với một cây sáo trúc vi vu, tôi đã sáng tác bên trận địa sát dòng sông Mã lấy cảm hứng từ trận đánh hiệp đồng tuyệt đẹp ngày 31 tháng 5 năm 1965 giữa các lực lượng Pháo cao xạ, Hải quân, Không quân ta. 

- Sau đó ông còn sáng tác rất nhiều ca khúc về Hàm Rồng?

Sau đó tôi đã sáng tác rất nhiều ca khúc về cuộc sống chiến đấu của bộ đội tại Hàm Rồng, nhất là bộ đội cao xạ. Năm 1970 tôi đã viết tổ khúc Hàm Rồng ta đó để đi dự Hội diễn Quân chủng Phòng không - Không quân. Sau này tôi còn sáng tác nhiều ca khúc khác cũng từ cảm xúc của những năm tháng sống, chiến đấu tại Hàm Rồng như: Kéo pháo vào trận địa – được Giáo sư nhạc sĩ FERE (Liên Xô cũ) và nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Tổng thư ký Hội NS Việt Nam lúc đó vào thăm Hàm Rồng khen ngợi, rồi những ca khúc: Khúc ca Hàm Rồng, Tiếng còi tầu, Cái mặt thằng Mỹ, Pháo ta bảo vệ giao thông vận tải, Đồi Quyết Thắng (Thơ Từ Nguyên Tĩnh) vv…

- Như vậy là Hàm Rồng đã chiếm một vị trí lớn trong suốt sự nghiệp sáng tác của ông?

- Đúng thế! Cả một thời tuổi trẻ cơ mà... (Cười dí dỏm). Sau này, ba bốn mươi năm sau về thăm lại Hàm Rồng nghĩ mới thấy sợ, không thể tưởng tượng rằng mình đã từng chiến đấu ở những trận địa lại gần cây cầu đến thế. Ngày ấy chúng tôi vô tư lắm, tuổi còn trẻ, “mười tám đôi mươi trời xanh biếc trên đầu mà”, có biết sợ là gì đâu...

Gặp gỡ Hàm Rồng - Gặp gỡ đồng đội

- Vâng! “Mười tám đôi mươi trời xanh biếc trên đầu” là một câu trong bài Gặp gỡ đồng đội rất quen thuộc với cán bộ chiến sĩ khắp Quân chủng PK-KQ nói riêng và toàn quân nói chung trong những năm gần đây. Ông có thể cho biết sự ra đời của ca khúc này? Và nó có “dính dáng” gì tới Hàm Rồng không thưa ông?

- Có chứ! Có thể nói nó cũng là một khúc ca Hàm Rồng. Năm 1995, kỷ niệm 30 năm chiến thắng Hàm Rồng (3/4/1965 – 3/4/1995), rất đông đảo những người lính năm xưa về thăm lại Hàm Rồng, được các đ/c lãnh đạo tỉnh và Thành phố Thanh Hoá, cũng như các địa phương Hoằng Hoá, Đông Sơn và bà con Yên Vực, Nam Ngạn đón tiếp nồng nhiệt. Tôi cùng đồng đội trở về, đi giữa rừng cờ hoa, dọc hai bên đường là các mẹ, các chị dân quân du kích, những cô gái vác đạn ngày xưa... Ai cũng bồi hồi nhớ lại những năm tháng lịch sử. Những người đồng đội cùng trở về, cùng sống lại ký ức một thời tuổi trẻ. Sau đó về tôi có sáng tác một loạt các ca khúc như Nhặt chiếc lá rơi, Ký ức trong tôi là emGặp gỡ đồng đội... Riêng bài Gặp gỡ đồng đội thì ngoài cảm hứng từ chuyến đi này còn xuất phát từ tình cảm của những người bạn trong Hội bạn chiến đấu Hàm Rồng. Hàng năm chúng tôi vẫn tổ chức gặp mặt, trong Hội chung chúng tôi lại có nhóm riêng, lần nào gặp mặt cũng có dòng chữ trên phông: “Gặp gỡ đồng đội”. Từ những cuộc gặp gỡ nho nhỏ đó, cho đến sau “cuộc gặp gỡ lớn” tại Hàm Rồng, bài hát đã ra đời một cách tự nhiên như thế.

- Lúc đầu ông có định phổ biến nó một cách rộng rãi thế không? Hay là chỉ với ý định “lưu hành nội bộ” trong các chiến sĩ Hàm Rồng?

- Mỗi ca khúc của tôi đều xuất phát từ những tình huống riêng và thường là nhằm vào những đối tượng nhất định, ví dụ như sáng tác về phi công thì phi công phải thích đã rồi mới đến đối tượng khác. Gặp gỡ đồng đội cũng thế, tôi nguyên là pháo thủ Hàm Rồng, rất nhiều đồng đội của tôi nữa, những đồng đội đã hy sinh anh dũng trên trận địa, những đồng đội may mắn còn sống sót trở về, tôi sáng tác cho đồng đội tôi, cho chính tôi... Nghệ thuật vốn không giới hạn, vì thế bài hát đã nhận được sự cộng hưởng và có sức lan toả rộng. Một lý do nữa là nhịp điệu, ca từ của Gặp gỡ đồng đội rất hợp với hát tập thể, sinh hoạt văn nghệ tập thể, có lẽ vì vậy mà nó đã nhanh chóng nhận được sự cộng hưởng và được nhiều người yêu thích, không những trong bộ đội Hàm Rồng (cả cũ và mới), trong quân chủng PK - KQ và cả trong nhiều đơn vị trong toàn quân nữa. 

- Xin lỗi, nhạc sĩ vừa nói đến bộ đội Hàm Rồng cũ và mới là sao?

- Cũ là những cựu binh đã từng là lính Hàm Rồng xưa kia. Còn mới là anh em cán bộ chiến sĩ Đoàn 228 hiện nay, họ đã say sưa hát Gặp gỡ đồng độiBài ca Trung đoàn 228 Hàm Rồng tôi mới viết gần đây về Trung đoàn nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (21/3/1958 – 21/3/2008).

- Như vậy là sau bốn mươi năm, những sáng tác của nhạc sĩ vẫn còn đậm “chất Hàm Rồng”?

- Tôi bắt đầu đời lính tại Hàm Rồng, tuổi trẻ của tôi là Hàm Rồng. Vì thế nó cũng như một lẽ tự nhiên thôi. 

- Nhạc sĩ sẽ còn tiếp tục sáng tác về Hàm Rồng nữa chứ? 

- Có thể, và không chỉ Hàm Rồng. Sáng tác về Bộ đội Phòng không – Không quân, về tình yêu, về quê hương đất nước mình! 

- Xin cám ơn nhạc sĩ!

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...