Nghệ sĩ violon Hoàng Tuấn Cương: trải lòng khi trở về quê hương

21/10/2015

Hoàng Tuấn Cương là một tài năng violin từng được ví như “hạt ngọc” của nhạc hàn lâm Việt, bên cạnh nghệ sĩ Bùi Công Duy. Sau nhiều năm sống xa quê hương, Hoàng Tuấn Cương sẽ trở về biểu diễn trong Đêm nhạc Toyota Classic 2015 diễn ra vào tối 22-10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Anh đã dành cho phóng viên Báo An ninh Thủ đô cuộc trò chuyện chân thành và cởi mở.

So sánh với Bùi Công Duy

- PV: Cùng chơi violin, cùng trưởng thành từ cuộc thi “Âm nhạc Quốc gia mùa thu lần thứ nhất” diễn ra tại Hà Nội năm 1990 và sau đó là rất nhiều giải thưởng âm nhạc danh tiếng quốc tế, song đến giờ độ phủ sóng của Bùi Công Duy ở Việt Nam lại rộng hơn anh. Điều đó có làm anh chạnh lòng không?

- Nghệ sĩ violin Hoàng Tuấn Cương: Không đâu, tôi rất mừng cho Bùi Công Duy (cười). Tôi và Duy tuy cùng là nghệ sĩ violin và cũng đã khẳng định được tài năng của mình nhưng mỗi người lại chọn một hướng đi riêng. Duy thích biểu diễn độc tấu “solo”, còn tôi lại thích chơi trong dàn nhạc và rất mê nhạc kịch. Tôi nghĩ Duy cũng thích dạy học nữa, còn tôi lại tự thấy mình không có tài làm thầy và cũng không đủ kiên nhẫn để theo đuổi công việc này. Tôi thích việc biểu diễn hơn. Cũng bởi vậy mà khi có cơ hội làm việc trong dàn nhạc Phillharmonic State Oschestra Hamburg (Đức), với tôi cũng đã là thực hiện được một phần ước mơ của mình rồi.

- Anh nghĩ sao khi người ta nhận định tiếng violin của Bùi Công Duy đầy tình cảm, còn tiếng đàn violin của anh lại đầy triết lý?

- Tôi nghĩ đó là tùy vào cảm nhận của mỗi người. Nhưng tôi vẫn mong mọi người thấy dễ nghe và dễ cảm là được rồi (cười).

- Từng biểu diễn ở rất nhiều sân khấu lớn trên thế giới, nhưng vì sao đến giờ anh vẫn rất ít khi về Việt Nam biểu diễn?

- Thú thực là cơ hội để tôi về nước biểu diễn không nhiều. Ở Việt Nam, các nghệ sĩ ở dòng nhạc trẻ chỉ cần muốn là có thể dễ dàng làm được chương trình rồi, hoặc nếu được mời thì cát-sê của họ cũng rất cao. Còn với dòng nhạc hàn lâm, để mời những nghệ sĩ đang sống ở nước ngoài như tôi về nước biểu diễn cũng không phải việc dễ dàng với các đơn vị tổ chức. Vì thế, họ thường chờ khi tôi về thăm quê nhà vào dịp hè, nhân tiện mời biểu diễn luôn, thế là đỡ phải lo chi phí đi lại. Nhưng nhiều khi họ mời biểu diễn sát ngày tôi phải trở lại Đức để làm việc nên đành phải từ chối. Bởi vậy nên tôi cũng ít biểu diễn ở Việt Nam.

Lấy vợ là bác sĩ tim mạch

- Anh nghĩ sao về dòng nhạc hàn lâm ở Việt Nam, liệu có đủ hấp dẫn để anh quay trở về tiếp tục theo đuổi đam mê và cống hiến hay không?

- Khi đứng trên sân khấu biểu diễn, dù là ở đâu tôi chỉ cần khán giả vỗ tay là cảm thấy vô cùng hạnh phúc rồi. Khi còn là sinh viên của Nhạc viện Freiburg (Đức), tôi từng nghĩ sau này ra trường rất muốn được làm việc trong một dàn nhạc và may mắn là điều đó đã trở thành sự thật. Thậm chí, tôi còn có cơ hội làm việc ở một trong những dàn nhạc danh tiếng ở Đức. Ngoài ra, tôi còn được thỏa mãn đam mê là chơi nhạc kịch, nhạc ballet và nhiều thể loại khác. Tôi bằng lòng với cuộc sống và công việc hiện tại, biết đâu một ngày nào đó tôi sẽ trở về quê hương.

- Thu nhập từ việc chơi trong một dàn nhạc danh tiếng ở Đức hẳn là hấp dẫn rồi?

- Ở Đức cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới, âm nhạc cũng được xếp hạng A, B, C, D… Dòng nhạc mà tôi theo đuổi và công việc mà tôi đang làm cũng được đánh giá cao và đủ để tôi trang trải cuộc sống ở nước Đức. Tôi nghĩ dù ở đâu cũng chẳng có gì hạnh phúc và vui bằng công sức và đam mê của mình được khán giả ghi nhận.

- Anh có thể chia sẻ về cuộc sống của mình ở bên Đức?

- Hiện giờ, tôi vẫn ở nhà thuê, có vợ là một bác sĩ tim mạch người Việt và một cô con gái mới 2 tuổi. Và điều quan trọng là tôi vẫn đang được làm công việc mà mình yêu thích và muốn gắn bó cả đời (cười).

- Cảm ơn những chia sẻ chân thành của anh!

Lần đầu tiên tham gia trình diễn trong Đêm nhạc cổ điển Toyota Classic 2015 diễn ra vào 20h ngày 22-10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nghệ sĩ violin Hoàng Tuấn Cương sẽ trình diễn bản Romance số 2 cung Fa trưởng Op.50 của nhà soạn nhạc nổi tiếng Ludwig van Beethoven. Tiếng vĩ cầm đầy cảm xúc của anh từng mê hoặc khán giả tại sân khấu lớn của nhiều quốc gia trên thế giới như: Đức, Ba Lan, Italia, Áo, Phần Lan…

(Nguồn: http://anninhthudo.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...