Nghệ sĩ Viola Nguyệt Thu và ngôi trường đầu tiên dạy nhạc cho trẻ tự kỷ
Từ nỗi đau của người mẹ có con trai bị tự kỷ, nghệ sĩ viola Nguyệt Thu nhận ra rằng lúc yếu đuối và đau khổ nhất cũng là lúc người mẹ phải mạnh mẽ nhất để đưa những đứa con của mình thoát khỏi sự cô đơn, những cơn la hét, tức giận đang giằng xé tâm hồn.
Người phụ nữ tài ba và nỗi đau người mẹ
Nghệ sĩ viola Nguyệt Thu sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, bố là nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Thưởng, giảng viên viola đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội. Chị bắt đầu chơi violin lúc sáu tuổi, đỗ đầu vào hệ sơ cấp Nhạc viện Hà Nội năm 7 tuổi. Năm 1989, Nguyệt Thu nhận học bổng du học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Nga Gnesin tại Moscow. Năm 1994, Nguyệt Thu tốt nghiệp xuất sắc trung cấp âm nhạc và tiếp tục thi vào Nhạc viện Tchaikovsky với số điểm cao nhất. Sau 5 năm khổ luyện tại ngôi trường danh giá nhất nước Nga, được dạy dỗ bởi GS Yuri Bashmet, một trong những nghệ sĩ violin xuất sắc nhất thế giới, Nguyệt Thu tốt nghiệp loại xuất sắc, trở thành nghệ sĩ viola quốc tế và tham gia biểu diễn nghệ thuật tại nhiều nước trên thế giới.
Năm 2001, Nguyệt Thu lập gia đình. Hạnh phúc hơn khi một năm sau đó, con trai của chị chào đời. Tưởng chừng như may mắn sẽ nối dài trong cuộc đời người phụ nữ tài ba thì chị lại đau lòng khi phát hiện những điều không bình thường từ đứa con trai của mình. Cậu bé chỉ thích ăn một món trong suốt 4 năm trời và chỉ ngủ khi được ôm chiếc gối của chính mình.
Đưa con đi khám, Nguyệt Thu thật sự bàng hoàng khi bác sĩ kết luận con trai mình bị tự kỷ. Đau khổ, dằn vặt và tuyệt vọng là những cảm giác mà Nguyệt Thu cảm nhận được từ khi phát hiện bệnh của con. Chị chỉ biết khóc và trách bản thân mải mê công việc mà không chăm sóc con đúng cách. Nhưng khi đến gặp các chuyên gia và được họ giải thích là tự kỷ do bẩm sinh chứ không phải do môi trường sống hay cách dạy dỗ thì sự cắn rứt của chị mới bớt đi phần nào. Nguyệt Thu nhận ra rằng đây chính là lúc chị cần phải mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào. Chỉ có bản thân mình mới cứu được con mình chứ không phải là một ai khác.
Tuy nhiên, việc dạy dỗ một đứa trẻ tự kỷ không hề đơn giản. Chị đưa con đi khắp các trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ từ Hà Lan, Malaysia, Singapore rồi về Việt Nam, tình trạng bệnh cũng không chuyển biến là mấy. Con trai chị học ở đâu cũng chỉ được năm, bảy ngày là bị nhà trường trả về vì cháu phá lớp, đánh những người xung quanh, không tập trung nghe giảng.
Trong một lần vô tình đọc được tài liệu về những trẻ bị tự kỷ thường có khả năng âm nhạc, Nguyệt Thu liền áp dụng ngay với con trai mình. Hơn ai hết, chị hiểu sức mạnh "kết nối" của âm nhạc giữa con người với con người. Chị bắt đầu cho con mình nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, du dương với tiết tấu chậm. Tất cả diễn ra như một giấc mơ, sau khi nghe nhạc, tâm lý con trai chị chuyển biến tích cực hẳn. Cháu không còn la hét, phá phách mà rất tập trung nghe nhạc, lành tính và biết nghe lời hơn. Hạnh phúc có đến muộn nhưng với Nguyệt Thu, được ngắm nhìn những khoảnh khắc tâm hồn bình yên của con trai, cho dù ít ỏi hơn những đứa trẻ khác cũng khiến vợ chồng chị vỡ òa trong hạnh phúc.
Nghệ sĩ viola Nguyệt Thu. Ảnh: NVCC
Hành trình tìm lại yêu thương
Khi nhận ra âm nhạc có sức sống mãnh liệt đối với tâm hồn con trẻ, đặc biệt là những trẻ tự kỷ, Nguyệt Thu nảy ra ý định mở một lớp học nhỏ dạy âm nhạc cho trẻ tự kỷ nhưng sau đó, thấy nhiều phụ huynh có mong muốn cho con theo học lâu dài, chị đã thành lập trường học mang tên Sunrise for Art school (ngôi trường bình minh cho nghệ thuật). Đây là ngôi trường đầu tiên ở Việt Nam, cũng là đầu tiên ở châu Á sử dụng âm nhạc để trị liệu cho trẻ tự kỷ.
Trước khi mở trường, Nguyệt Thu có hỏi qua ý kiến của bạn bè. Phần lớn trong số họ đều khuyên chị không nên “liều mạng” vào mảng giáo dục này vì sẽ gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều đêm trăn trở, chị vẫn quyết định làm theo ý mình với ý nghĩ là mẹ của một đứa con tự kỷ, đã từng trải qua cảm giác tuyệt vọng mà theo chị là “sống không bằng chết” thì các bà mẹ có hoàn cảnh tương tự cũng vậy. Họ rất muốn tìm được chỗ để bấu víu, để thắp những tia hy vọng dù là nhỏ nhất. Hơn nữa, chị coi việc làm đó như là để trả những thiếu sót với con trai mình. Hành trình tìm lại yêu thương không bao giờ là muộn mà quan trọng là mình sẽ đi cuộc hành trình đó như thế nào mà thôi.
Từ nỗi đau của người mẹ, Nguyệt Thu luôn quan niệm rằng, tự kỷ không phải là bệnh mà chỉ là sự khác biệt về cảm xúc. Chị luôn muốn cha mẹ học sinh hiểu được điều đó để có thể cùng với nhà trường kết hợp dạy dỗ con em mình. “Tại trường, các con sẽ được học đàn, học hát, kỹ năng sống, thể dục, toán, văn, tin học,… Mỗi trẻ có một năng khiếu nên trường luôn tạo điều kiện để các con có thể học những môn mình yêu thích. Các cháu lớn có nhu cầu học nghề, nhà trường cũng đáp ứng ngay. Mình muốn hướng trường đến với tiêu chí là vừa học nghệ thuật, vừa học văn hóa, vừa học nghề và sẽ có đầu ra cho học sinh. Quan trọng là cha mẹ học sinh phải có sự kiên trì, thấu hiểu con em mình, đừng coi tự kỷ là bệnh mà hãy coi đó là sự khác biệt về cảm xúc”, nghệ sĩ Nguyệt Thu chia sẻ.
Bài học đầu tiên của các cháu tại trường thường được bắt đầu từ âm nhạc để các cháu tìm được sự bình yên trong tâm hồn, sau đó tùy theo độ tuổi và năng khiếu của từng cháu, nhà trường sẽ có phương pháp giảng dạy thích hợp. Được sự dạy dỗ của cô giáo Nguyệt Thu cùng nhiều giáo viên tâm huyết của trường, rất nhiều cháu đã tiến bộ rõ rệt. Có cháu 7 tuổi khi đến trường không biết nói nhưng chỉ sau 1 tháng được làm quen với môi trường học tập mới lạ này đã biết nói, chào hỏi, cảm ơn và trò chuyện với bạn bè. Có trường hợp chỉ sau hơn một tháng học tập tại trường đã chấm dứt hẳn thói quen cắn tay đến chảy cả máu. Cháu này sau đó còn được giáo viên dạy môn vẽ và vẽ rất đẹp.
Khó khăn nhất với Nguyệt Thu và các cô giáo tại trường có lẽ là trường hợp cháu trai 17 tuổi, rất thông minh, cháu nhớ các kiến thức về sử học nhưng lại không tập trung nghe giảng. Lúc nào cháu cũng nhận mình là giỏi nên không chịu nghe lời thầy cô. Nếu không vừa ý là cháu sẽ la hét, đập phá. Có một lần, mẹ cháu vì bận công việc, không thể ghé thăm con vào buổi trưa nên cháu liên tục la hét: “Mẹ không yêu con”. Các cô giáo thử rất nhiều biện pháp dỗ dành nhưng đều không được. Thấy vậy, Nguyệt Thu liền lại gần, ôm thật chặt cháu và nói: “Mẹ yêu con và mẹ muốn ôm con như cô đang ôm con. Nhưng vì mẹ bận nên chưa đến thăm con ngay được. Hãy để cô ôm con thay mẹ”. Chị lặp đi lặp lại câu nói: “Cô yêu con và mẹ lại càng yêu con” giúp tâm trạng cháu từ từ dịu lại. Sau này, tối nào trước khi đi ngủ, cháu cũng gọi điện thoại tâm sự với cô giáo Nguyệt Thu, kể về những bài học của mình và hứa sẽ học tập ngoan ngoãn.
Có một số phụ huynh từ nông thôn biết tin về trường cũng lặn lội mang con lên theo học. Có hoàn cảnh gia đình học sinh khó khăn, nhà trường đã tạo điều kiện giúp đỡ để các cháu có điều kiện học tập tốt nhất. Chia sẻ về những dự định sắp tới, nghệ sĩ Nguyệt Thu mong muốn sẽ phát triển mô hình trị liệu bằng âm nhạc ra nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Chị cũng dự định sẽ mở lớp dạy năng khiếu cho các trẻ bình thường để tạo điều kiện cho các cháu tự kỷ có sự tương tác với chúng bạn. Với tâm hồn lãng mạn cùng trái tim nồng ấm của một người nghệ sĩ, một người mẹ, Nguyệt Thu cho rằng âm nhạc và sự thấu hiểu xuất phát từ con tim chính là chiếc chìa khóa mở ra tâm hồn thơ ngây, trong sáng của những đứa trẻ không may mắn như những đứa trẻ bình thường khác. Bởi những gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đến với trái tim.
(Nguồn: http://phapluatxahoi.vn)