Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long: Người phục hồi và làm mới xẩm

22/05/2020

Cuộc trò chuyện của chúng tôi, bởi vậy, xoay quanh nghệ thuật xẩm, việc “làm mới” xẩm và những vấn đề trong việc bảo tồn, phát triển âm nhạc truyền thống hiện nay.

Anh từng chia sẻ, đi hát xẩm có khi chỉ nhận cát sê vài trăm nghìn, có khi tới vài triệu đồng. Dạo này, thấy anh đã sắm ô tô “chạy sô” đi tỉnh. Có vẻ như nghệ sĩ âm nhạc truyền thống ngày càng có nhiều “đất sống”?

Đời sống cá nhân của tôi đã thoải mái hơn (cười). Tôi thấy đủ cho mình và tiết kiệm được một chút. Thực ra, tôi là tuýp người không biết kiếm tiền, tiền tôi kiếm được thì từ nhiều công việc khác nhau nhưng đều liên quan đến âm nhạc. Còn với xẩm, lại càng phải nghĩ là làm hoàn toàn như một sự cống hiến, một sứ mệnh mà mình tự trao cho bản thân. Cũng may, vì những công việc mình làm được mọi người yêu quý và nhìn nhận, nên một vài đơn vị, tổ chức, hay những doanh nghiệp, doanh nhân thường mời cá nhân tôi hoặc nhóm Xẩm Hà Thành đến để nói chuyện hay biểu diễn, tiền cát sê cũng tốt hơn.

Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long (phải) và nhóm Xẩm Hà Thành - Ảnh: NSCC

Tuy nhiên, hoạt động biểu diễn chính của tôi cùng nhóm Xẩm Hà Thành vẫn là tiếp cận với đông đảo công chúng ở đường phố, như những buổi biểu diễn ở phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội). Đấy là trách nhiệm cống hiến của người nghệ sĩ xẩm, nhất là loại hình văn hóa đường phố này cần tiếp cận với đông đảo các giới, các tầng lớp người trong xã hội, đặc biệt là tầng lớp bình dân.

Có vẻ như với những người gắn bó với nghệ thuật truyền thống, con đường đang ngày càng mở dần, không khó khăn như trước?

Cũng không hẳn. Tôi nghĩ nếu so với trước đây thì có thể tạm coi là đỡ khó khăn hơn nhưng so với những ngành nghề khác, thậm chí so ngay chính trong giới âm nhạc thì nghệ thuật truyền thống vẫn vô vàn khó khăn. Nhưng cũng không phải là “ánh sáng phía cuối con đường”, mọi người đi vào mà không có kết quả gì.

Tự nhìn vào bản thân, kết quả lớn nhất tôi có là được sự nhìn nhận, yêu quý của những người yêu nghệ thuật truyền thống. Tất nhiên, cuộc sống cũng cần cả khía cạnh vật chất. Tôi nghĩ, đi một quãng đường dài rồi cũng sẽ có lúc thấy “dễ thở” hơn, nhưng muốn có lúc như thế thì phải lao động nghiêm túc, yêu nghề một cách tuyệt đối và dồn hết đam mê vào đó. Không có thành công nào mà được tạo nên bằng sự hời hợt cả.

Có phải khi mọi thứ càng phát triển, người ta có xu hướng tìm lại, quay lại giữ gìn bản sắc truyền thống; chính vì thế âm nhạc truyền thống được chú ý đến nhiều hơn trong thời gian gần đây?

Chúng ta vẫn thường nói “hội nhập mà không hòa tan” nghe thì có vẻ mang tầm vĩ mô, nhưng lại rất đúng. Việc tìm lại bản sắc cũng như tìm về bản ngã của mình, dân tộc mình, trở nên đặc biệt quan trọng và càng được ưu tiên hơn trong thế giới hội nhập. Ngay cả nghệ sĩ nhạc trẻ đi theo xu hướng này, xu hướng kia thì cũng cần phải đào sâu, tìm hiểu văn hóa truyền thống, trong đó có âm nhạc truyền thống, để hiểu những giá trị, rồi dần dần dựa vào âm nhạc của mình, theo thời gian sẽ tạo nên bản sắc riêng.

Có thể thấy như âm nhạc K-Pop mặc dù được cho là phiên bản “copy” từ Mỹ, nhưng nếu nhắm mắt vào nghe, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra đó là âm nhạc Hàn Quốc, chứ không phải Mỹ. Điều đó cho thấy nếu nghiên cứu bản sắc một cách có chiến lược sẽ ra được những giá trị mới, hòa nhập với thế giới, nhưng vẫn là của mình.

Chúng ta vẫn cổ vũ cho việc phục hồi âm nhạc truyền thống nhưng không phải không có chuyện phục hồi “lệch chuẩn”. Là người từng tham gia phục hồi xẩm, anh nghĩ sao về hiện trạng này?

Việc nhận ra đâu là cổ với đâu là mới; đâu là hát văn, đâu là ca trù với đâu là thứ na ná hát văn, ca trù... có khi vẫn bị nhầm lẫn. Điều này xảy ra tương đối nhiều. Ví dụ, có nghệ sĩ giới thiệu mình hát quan họ, nhưng kỳ thực chỉ là bài hát mới mang chất liệu dân ca quan họ. Đấy là sự nhầm lẫn mà nếu để lâu thì rất tai hại. Để làm được việc này, chúng ta phải có các “barrier”, hay các “chuẩn”. Những cái này phải xây dựng thì mới có được, trong khi chính sách với nghệ thuật truyền thống dường như lại chưa quan tâm đến việc này. Các nhà quản lý văn hóa - những người xây dựng chính cần cùng kết hợp với các nhà nghiên cứu, các nhà chuyên môn để thực hiện.

Ở khía cạnh khác, việc dạy và học bây giờ đã giảm nhẹ hơn nhiều so với ngày xưa, vậy mà có nghệ sĩ bỏ qua công đoạn trau dồi kiến thức quan trọng này, học không tới nơi tới chốn thành ra kiểu hát văn không ra hát văn, hát ca trù không ra ca trù… là như thế.

Anh vẫn sáng tác những bài xẩm mới như là cách để xẩm tiếp tục sống trong đời sống đương đại?

Nghệ thuật, âm nhạc truyền thống phải luôn được tiếp biến, cũng như cần được nối dài sự sáng tạo. Khi sáng tác, tôi luôn nghĩ đến việc phải tạo ra cái gì mới trên nền tảng gốc. Ví dụ như bài xẩm Tiêu diệt Corona, tôi viết trên điệu xẩm sai, nhưng sáng tác thêm những câu “trend” giống như là câu tụng kinh hay đọc rap. Trước đấy, trong bài Tiễu trừ cướp biển, tôi cho thêm vào những câu đồng dao, để một giọng nam hát chính và có một giọng nữ chen vào giống như đọc rap, để tiếp cận giới trẻ... Tôi cho rằng, bên cạnh yếu tố cổ truyền phải duy trì sự sáng tạo để định hình được trong giai đoạn này loại hình âm nhạc ấy có gì. Chẳng hạn, nếu hát Đào hồng đào tuyết, thì đấy là ca trù của cuối thời nhà Nguyễn, còn ca trù của những năm đầu thế kỷ 21 này có gì? Chính những sáng tạo mới sẽ trả lời cho câu hỏi đó. Tuy nhiên, phải hiểu đúng sáng tạo chứ không phải “phá” hoặc chỉ là tạo nên ca khúc mang chất liệu âm nhạc dân gian…

Anh nhìn nhận thế nào về thế hệ nghệ sĩ âm nhạc truyền thống kế cận?

Âm nhạc truyền thống vẫn được nuôi dưỡng khá tốt trong dân gian, trong cộng đồng, như tôi có điều kiện quan sát rõ nhất với loại hình quan họ, hay với chèo. Thông qua tìm hiểu cá nhân và qua một vài cuộc thi âm nhạc địa phương mà tôi được mời thẩm định, tôi đã nhìn thấy những hạt nhân, nhưng vấn đề là chúng ta làm sao để các em khi lớn lên vẫn đi theo nghệ thuật ấy, chứ không phải lại trở thành ca sĩ theo dòng nhạc khác.

Về chính sách, chúng ta cần phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Bên cạnh chủ trương tạo điều kiện cho hoạt động nghệ thuật truyền thống, thì còn cần phải tạo điều kiện về đời sống vật chất để cho các nghệ sĩ có thể yên tâm thực hành. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, họ trả tiền cho nghệ nhân cao tuổi… Và với khoản tiền này, nghệ nhân có thể đủ sống, cũng như chuyên tâm truyền đạt cho thế hệ sau.

Điều gì đã dẫn dắt anh từ học thanh nhạc, chuyển sang lý luận âm nhạc và trở thành một nghệ sĩ âm nhạc truyền thống?

Ngày bé, tôi đã rất thích hát và suốt ngày học hát trên đài phát thanh. Biết vậy, bố tôi (nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Tường - PV) dạy hát và đàn cho tôi. Đến khi 7-8 tuổi, tôi theo học tại Nhà văn hóa tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Ở đó, thầy giáo - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tĩnh đã khuyên tôi nên đi theo âm nhạc chuyên nghiệp. Đến hết lớp 12, tôi ra Hà Nội và thi vào khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia VN. Tốt nghiệp trung cấp thanh nhạc, tôi thấy mình không hợp với đi hát lắm. Thầy giáo - PGS-TS Nguyễn Trọng Ánh đã khuyên tôi nên đi theo lý luận âm nhạc. Quả thực, đây đúng là lĩnh vực giúp tôi có thể phát triển được.

Với âm nhạc truyền thống, tôi có duyên gắn bó từ tấm bé. Tôi sinh ra và lớn lên ở Bắc Giang, vùng Kinh Bắc xưa với những làn điệu quan họ. Tôi cũng được tiếp xúc và nghe tiếng hát của những những nghệ sĩ như Thanh Hiếu, Xuân Trường, Tự Lẫm... cũng là những người bạn của bố tôi mỗi lần đến chơi nhà. Âm nhạc truyền thống ngấm dần vào tôi như thế, nên khi thấy yêu xẩm, tôi tìm hiểu và xẩm ngấm vào tôi một cách tự nhiên.

Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long (phải) và nhóm Xẩm Hà Thành - Ảnh: NSCC

Những dự định tiếp theo của anh với âm nhạc truyền thống là gì?

Tôi vẫn tiếp tục sáng tác các bài xẩm, cố gắng đưa thêm nhiều yếu tố mới. Bên cạnh đó, tôi cùng với nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa sẽ tổ chức thêm các hoạt động biểu diễn cho xẩm, nhất là giới thiệu nét âm nhạc dân gian này ra với thế giới. Tôi cùng thầy giáo mình là nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tĩnh đang soạn những bài lý thuyết cho giáo trình dạy hát dân ca quan họ Bắc Ninh áp dụng trong nhà trường từ bậc tiểu học đến bậc trung học phổ thông tại tỉnh Bắc Ninh kết hợp với Sở GD-ĐT Bắc Ninh, Trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật và du lịch tỉnh Bắc Ninh. Tiếp theo nữa, tôi cũng tham gia biên soạn băng đĩa âm nhạc truyền thống Bắc - Trung - Nam như nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây nguyên, đờn ca tài tử Nam bộ, âm nhạc và múa nghệ thuật Chăm, ca trù Thăng Long, xoan, quan họ… Tôi vẫn sẽ tiếp tục làm công việc này bất cứ khi nào có cơ hội.

Trong tương lai, khi không biểu diễn nữa, tôi sẽ viết lại quá trình tôi đi thu thập các thể loại âm nhạc, các nghệ nhân mà tôi tiếp xúc, các ngón đàn, các bí quyết, rồi viết về sự giống nhau khác nhau của các làn điệu âm nhạc... đại loại như thế, giống như là âm nhạc thưởng thức, nhưng chỉ dành cho âm nhạc dân tộc thôi, tôi sẽ viết ra những quyển sách như thế.

Xin cảm ơn anh! 

(Nguồn: https://m.thanhnien.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...