Nghệ sĩ guitare khiếm thị - Văn Vượng

09/07/2014

Đầu những năm 80, mình chơi thân với Đỗ Quốc Vỵ, bạn cùng lớp Mỹ thuật công nghiệp. Vỵ nhà ở Hải Dương, mình mê hắn bởi hắn chơi guitarer hay cực. Những năm ấy Hà Nội nổi lên rất nhiều ban nhạc, như các nhóm Hùng húp, Hào trống, Dũng cu tý, Vương Tử Lâm. Chỉ với một cây guitare gắn mobil, một cây basse, dàn trống cộng cymbales, thêm cây clarinette hay trompete, thế là tưng bừng trong các đám cưới, hay tối thứ bảy, chủ nhật ở Phú Gia, khách sạn bờ hồ. Về Hải Dương mới biết mấy anh em vần V nhà Vỵ cũng lập ra một ban nhạc duy nhất nổi đình nổi đám ở Hải Dương ngày ấy.

Hồi ấy Vỵ và mình hai thằng đều vừa “đánh rơi” mất mối tình thuở sinh viên nên Vỵ hay rủ mình lên chơi nhà anh Vượng mù ở phố Hàng Giấy. Chả là ngày ở Hải Dương Vỵ từng là học trò của anh về môn guitare, lên Hà Nội học, thế nào nhà anh Vượng lại ở ngay sát cạnh nhà vợ chồng chị ruột Vỵ. Thời điểm ấy anh Vượng cũng đang buồn vì mối tình của anh với cô dược sĩ (học trò của anh) đã đi đến hồi kết vì bị bên gia đình cô phản đối. Mấy anh em cùng tâm trạng đâm ra hợp nhau. Đến anh chơi nhiều lần thành ra thân với anh.

Anh nói anh sinh ra ở Hải Dương, khi sinh ra, anh khỏe mạnh,bình thường như bao đứa trẻ khác. Biến cố cuộc đời đã đến khi anh lên bốn tuổi. Anh bị sốt dịch đậu mùa nhưng vì chữa chạy không kịp nên biến chứng lên mắt. Khi lên Hà Nội khám, bác sỹ bảo màng mắt còn mỏng quá, ba ngày sau mới mổ được. Hôm sau đúng vào ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946. Giữa cảnh loạn lạc đạn bom ấy, mẹ anh đã đặt anh vào một bên thúng, bên kia là vật dụng cần thiết gánh chạy tản cư để tránh bom rơi đạn lạc. Và rồi số phận cuộc đời của anh đã gắn liền với bóng đêm từ những ngày khói lửa ấy.

Về chuyện tình của anh, anh nói anh yêu cũng đã nhiều. Có những mối tình kéo dài 8-9 năm, nhưng không vượt qua được những định kiến xã hội. Anh buồn lắm. Trái tim nhạy cảm của anh bị tổn thương sau những cuộc tình tan vỡ. Khi anh ngoài 40 tuổi, một cô gái sinh viên trường Dược mê tiếng đàn của anh đã xin làm học trò. Vhỉ sau 3 tháng tình yêu đã nảy nở giữa anh và cô học trò, nhưng cũng không tránh khỏi những ngăn cản của gia đình cô gái. Anh chàng người yêu cũ của cô thề sẽ phá bằng được đám cưới này. Văn Vượng và cô dược sĩ đã vượt qua mọi định kiến để bảo vệ hạnh phúc của mình. Rồi cuối cùng hai người cũng có một tổ ấm sau một đám cưới hồi hộp và căng thẳng vào mùa xuân năm 1983.

Lại nói về cái ngày mấy anh em hợp nhau về cái đận “thất tình”. Tối thứ bảy, chủ nhật Vỵ với mình thường hay đến đón anh Vượng đi “oanh tạc” trường Nhạc Họa TW, mình thì không biết chơi đàn nhưng có anh Vượng với Vỵ làm “chim mồi” nên mỗi lần vào chơi ký túc xá trong trường thì tưng bừng lắm, em út nhiều như quân Nguyên.

Sướng nhất mỗi lần anh chơi bài Người Hà Nội. Mình dám quả quyết trong làng guitare không ai qua nổi anh bài này. hình như có bao nhiêu tình cảm, cảm thụ âm nhạc anh dồn hết cho việc soạn Người Hà Nội cho guitare rồi. Khi được đề nghị chơi Người Hà Nội, anh ôm cây đàn trong lúc mọi người im lặng chờ, bàn tay lướt nhẹ trên giây đàn từ trên xuống dưới vài lần, cái ngón út trên bàn phím guitare khẽ nhấp nhấp, bỗng nghe đúng như tiếng chuông nhà thờ lớn điểm, tiếng chuông ngân vang lúc trầm lúc bổng, lúc thưa lúc khoan, rồi dồn dập… và rồi giai điệu “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ tây…”quen thuộc chảy ra theo đôi bàn tay của anh, khiến người nghe từ ngỡ ngàng đến kinh ngạc. Ngoài ra những Hà Nội mùa thu, Du kích sông Thao, Trường ca sông Lô, Bài ca hy vọng… đã được rất nhiều người chơi, nhưng qua tiếng đàn Văn Vượng vẫn mang những dấu ấn của riêng anh mà không ai có thể so sánh được.

Đặc biệt mình kính nể anh ở cái tài nhớ đường. Quanh quanh khu phố cổ không nói làm gì, thả anh ở đâu anh cũng mò về được Hàng Giấy. Chở anh bằng xe đạp từ nhà anh vào tận Hà Đông, dọc đường đi anh hỏi đây phố nào, cứ rẽ phải hay rẽ trái anh lại hỏi đây phố nào, nói cái anh nhớ ngay trong đầu, lượt về anh nói: “Bây giờ để thử xem trí nhớ của anh có chính xác không, mày cứ việc chở, đi đâu rẽ đâu anh chỉ để xem có đúng không, nếu anh nói sai hãy nhắc nhở để lần sau anh điều chỉnh”. Ấy thế mà anh chỉ đường đâu ra đấy, sắp hết đường Thanh Xuân anh nói sắp đến Ngã tư Sở rồi đấy, đi thẳng qua Nam Đồng; lát hồi anh lại nói đến Ô Chợ Dừa thì rẽ hướng Hàng Bột, Văn Miếu, Sinh Từ…, cho đến tận Hàng Giấy anh chỉ trúng phóc chả sai chỗ nào, có sai thì chỉ là chưa đến chỗ rẽ, hoặc đã qua chỗ rẽ rồi anh mới nói. Đúng là trời bắt tội anh khiếm thị nhưng lại phú cho anh một trí nhớ tuyệt vời. Anh nói đi đâu một mình không có người dẫn đường, ở khu vực phố cổ anh chỉ cần hỏi người đi đường đây là phố nào thế là anh xác định được hướng đi ngay, thế mới tài.

Qua tivi, báo chí mình được biết Văn Vượng từng được Đài THVN tôn vinh là một trong 100 nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam. Năm 2012, ạnh cũng vinh dự là người được nhận giải thưởng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

Lâu lắm rồi, dễ đến gần 30 năm nay, vì bận công việc, lại nữa vì anh đã chuyển nhà về đâu như Nghĩa Đô, nên không có dịp gặp lại anh. Mình nhớ anh sinh 1942, tính ra năm nay Văn Vượng đã ngoài 70 tuổi, tuổi “xưa nay hiếm” rồi. Cũng chừng ấy thời gian anh sống trong bóng tối. Còn nhớ lúc nào anh cũng ước ao một lần được nhìn thấy ánh sáng, được nhìn thấy khuôn mặt vợ con, những người thân yêu của anh, được nhìn thấy Hà Nội mà anh chỉ tưởng tượng qua tiếng đàn mỗi khi anh độc tấu Người Hà Nội.

Nghe "Người Hà Nội" - Nguyễn Đình Thi do nghệ sĩ Văn Vượng trình bày:

 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...