Ngày ấy - bây giờ của những nữ danh ca Sài Gòn

28/04/2016

Sau khi ra nước ngoài định cư, phần lớn ca sĩ trở về Việt Nam ca hát, có người ở lại hẳn quê nhà để tiếp tục hoạt động âm nhạc.

Thập niên 1950, Thái Thanh nổi tiếng ở Sài Gòn với nhạc tiền chiến, quê hương hay nhạc tình của các nhạc sĩ đương thời. Giọng ca của bà phủ sóng chương trình văn nghệ các đài phát thanh, truyền hình. Những năm 1970, Thái Thanh là giọng ca chủ lực của vũ trường "Đêm màu hồng". Bà cùng các anh chị em của mình là Thái Hằng, Hoài Bắc, Hoài Trung, Khánh Ngọc, Phạm Duy lập nên ban Hợp ca Thăng Long nổi tiếng. Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh năm 1934 tại Hà Nội. Năm 1985, ca sĩ theo gia đình qua Mỹ định cư. Tại hải ngoại, bà tiếp tục trình diễn và ghi âm CD. Thái Thanh giải nghệ năm 2002. Năm 2014, trong lễ mừng thọ 80 tuổi, danh ca hòa giọng cùng con gái Ý Lan trong các ca khúc "Nửa hồn thương đau", "Nụ tầm xuân", "Tình ca"...

Ca sĩ Khánh Ngọc thành danh từ giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960 với những bản tình ca nước ngoài phổ lời Việt. Khánh Ngọc đi hát từ năm 12 tuổi tại Sài Gòn. Năm 13, 14 tuổi, bà đã được mời hát trong các đại nhạc hội Sài Gòn và các tỉnh thành miền Trung, sau đó gia nhập Hợp ca Thăng Long. Ngoài giọng hát, Khánh Ngọc còn nổi tiếng bởi nhan sắc rực rỡ và các vai diễn điện ảnh. Sau khi ly hôn với nhạc sĩ Phạm Đình Chương, năm 1961 Khánh Ngọc sang Mỹ học thêm về điện ảnh rồi kết hôn với một du học sinh Việt Nam. Bà tham gia vài bộ phim, sau đó dành thời gian chăm sóc ba người con. Hiện Khánh Ngọc sống với gia đình ở Los Angeles, Mỹ. Thỉnh thoảng nữ ca sĩ góp mặt trong những chương trình từ thiện tại hải ngoại.

Năm 1957, Bạch Yến nổi danh ở các sân khấu Sài Gòn khi là người đầu tiên chuyển ca khúc "Đêm đông" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từ điệu Tango sang Slow Rock. Bạch Yến tên thật là Quách Thị Bạch Yến, sinh năm 1942 tại Sóc Trăng. Bà đi hát từ năm 14 tuổi với các ca khúc nhạc Pháp lời Việt. Từ năm 1961, ca sĩ hoạt động âm nhạc tại Pháp và Mỹ. Năm 1978, ở tuổi 36, Bạch Yến kết hôn cùng con trai cố giáo sư Trần Văn Khê và sống cùng gia đình tại Pháp. Năm 2009, nữ ca sĩ lần đầu về Việt Nam biểu diễn tại phòng trà Văn Nghệ (nay là Tiếng Xưa), từ đó bà thường xuyên về nước hát tại nhiều phòng trà và các sự kiện âm nhạc. Năm 2014, Bạch Yến cùng lúc xuất hiện trong chương trình "Tình khúc vượt thời gian", đồng thời tổ chức liveshow mang tên "Đêm đông". Cuối năm 2015, bà thể hiện lời hát ru trong kịch "Bao giờ sông cạn" trên sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Giọng hát Lệ Thu gắn liền sáng tác của các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Trường Sa... vào những năm 1960 - 1970. Bà tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943 tại Hải Phòng. Năm 1979, Lệ Thu sang Mỹ định cư. Từ đó đến nay, bà vẫn tích cực hoạt động âm nhạc. Năm 2007, Lệ Thu lần đầu về nước làm liveshow tại TP HCM. Từ đó đến nay, ngoài hát phòng trà, Lệ Thu làm thêm hai liveshow tại quê hương vào năm 2008 và 2014. Cuối năm 2015, ca sĩ tái ngộ khán giả Việt Nam trong đêm nhạc vinh danh các ca khúc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, diễn ra tại Hà Nội, đồng thời làm giám khảo chương trình "Solo cùng Bolero".

Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, sinh năm 1945 tại Hà Nội. Bà bắt đầu sự nghiệp ca hát tại Sài Gòn năm 1962 ở phòng trà Anh Vũ. Từ năm 1967, Khánh Ly nổi tiếng với biệt danh "Nữ hoàng chân đất" khi diễn cùng Trịnh Công Sơn trong những đêm nhạc ngoài trời. Thập niên 1960 - 1970, Khánh Ly hợp tác với nhiều hãng đĩa thu âm các ca khúc của Trịnh Công Sơn và một số nhạc sĩ. Trong thời gian này, ca sĩ nhiều lần được mời sang Nhật, châu Âu, châu Mỹ biểu diễn. Sau năm 1975, Khánh Ly cùng các con sang Mỹ định cư và kết hôn với nhà báo Hoàng Đoan. Bà tiếp tục cộng tác với nhiều trung tâm ca nhạc hải ngoại. Năm 2012, Khánh Ly được cấp phép biểu diễn trong nước. Tháng 5/2014, ca sĩ tổ chức liveshow đầu tiên trên quê hương. Từ đó, bà thường xuyên về nước biểu diễn. Hồi đầu tháng 4, Khánh Ly góp mặt trong chuỗi đêm nhạc kỷ niệm 15 năm ngày mất Trịnh Công Sơn.

Phương Dung sinh năm 1946 tại Gò Công, Tiền Giang, nổi tiếng năm 17 tuổi với ca khúc "Nỗi buồn gác trọ". Từ đó, tên tuổi bà gắn liền với những tình khúc Bolero như "Những đồi hoa sim", "Tạ từ trong đêm", "Sương lạnh chiều đông"... Năm 1974, ca sĩ cùng gia đình sang Australia định cư rồi tiếp tục ca hát. Phương Dung nhiều lần về Việt Nam nhưng đến năm 2009 mới tái ngộ khán giả TP HCM tại phòng trà Văn Nghệ cùng chương trình "Nụ cười và thời trang". Từ đó đến nay, bà dành nhiều thời gian ở Việt Nam để ca hát, song song với hoạt động từ thiện. Gần đây, Phương Dung nổi tiếng với vai trò giám khảo cuộc thi "Solo cùng Bolero".

Thanh Lan được coi là ca sĩ tiêu biểu cho phong trào nhạc trẻ Sài Gòn những năm 1970 khi trình bày những tình khúc nhạc Pháp. Bà cũng thành danh trong điện ảnh và trên sân khấu kịch. Nữ ca sĩ sinh năm 1948 từng góp mặt trong nhiều bộ phim nổi tiếng như "Ván bài lật ngửa", "Tình không biên giới", "Cao nguyên F.101"... Năm 1993, Thanh Lan sang định cư tại Mỹ, tiếp tục hoạt động ca hát cho đến nay.

Báo chí Sài Gòn trước năm 1975 gọi Giao Linh là "Nữ hoàng sầu muộn" để nói về giọng ca và phong cách biểu diễn trầm buồn của bà. Theo một số nhạc sĩ thời kỳ đó, giọng hát Giao Linh đã khiến một số nhạc phẩm như "Lòng mẹ", "Thầm kín", "Mười năm tái ngộ"... trở nên nổi tiếng. Giao Linh tên thật là Đỗ Thị Sinh, sinh năm 1949 tại Sài Gòn. Năm 1982, ca sĩ sang Canada đoàn tụ cùng gia đình. Tại hải ngoại, bà thành lập trung tâm băng nhạc Giao Linh, kết hợp cùng ca sĩ Tuấn Vũ ra các CD ăn khách như "Đôi mắt người xưa", "Giọng ca dĩ vãng"... Năm 2000, Giao Linh về Việt Nam biểu diễn rồi định cư tại quê hương. Năm 2014, Giao Linh, Phương Dung kết hợp làm liveshow. Hiện nay, ngoài hát trong chương trình "Sol vàng", ca sĩ thường xuyên biểu diễn tại các phòng trà, hội chợ và đi hát từ thiện.

Hương Lan tên thật là Trần Thị Ngọc Ánh, sinh năm 1956 tại Sài Gòn, là con gái ruột của nghệ sĩ cải lương Hữu Phước. Cô khởi nghiệp ca hát bằng thể loại vọng cổ. Năm 1966, Hương Lan chuyển sang tân nhạc dưới sự dìu dắt của nhạc sĩ Trúc Phương. Năm 1972, cô kết hôn với nghệ sĩ Chí Tâm rồi cùng gia đình sang Pháp định cư vào năm 1978. Năm 1982, nữ ca sĩ ly hôn chồng. Hai năm sau, cô lần đầu xuất hiện trong một chương trình âm nhạc của một trung tâm âm nhạc lớn ở hải ngoại và sau đó trở thành một trong số các ca sĩ trụ cột của trung tâm này. Năm 1996, Hương Lan được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam. Tháng 5/2009, cô tổ chức liveshow trong nước với tên "Ơn đời một khúc dân ca". Từ đó đến nay, nghệ sĩ thường xuyên về nước biểu diễn. Năm 2013, Hương Lan cùng người chồng sau kỷ niệm 25 năm ngày cưới tại TP HCM.

(Nguồn: http://phapluatxahoi.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...