Nét duyên dáng và khỏe khoắn trong âm nhạc Văn Lưu
Giữa năm 1962, sau khi tốt nghiệp Khoa Sáng tác trường Âm nhạc Việt Nam, tôi được về nhận công tác ở Đoàn Ca múa miền Nam tại Khu Văn công Cầu Giấy, Hà Nội. Tôi sinh hoạt trong đội nhạc do Văn Lưu làm đội trưởng.
Sáu năm học tại trường Âm nhạc (1956 – 1962), tôi chưa có điều kiện tiếp xúc với anh Văn Lưu. Tôi chỉ biết anh là tác giả bài hát Em bé bán chè, sáng tác trong kháng chiến chống Pháp. Và tôi “bái phục” anh viết về Cô đẩy xe goòng trong chuyến đi thực tế sáu tháng cùng với nhà thơ Huy Cận về Khu mỏ Hòn Gai – Cẩm Phả.
Tướng anh Văn Lưu giống ông thầy giáo làng với đôi mắt kiếng cận gọng đen coi có vẻ hiền hậu và nghiêm nghị.
Các nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và Văn Lưu
Bấy giờ, các đoàn ca múa đang khan hiếm những tiết mục châm biếm mang tính trào lộng. Chương trình của Đoàn Ca múa miền Nam thường hay “Mở đầu hành khúc (Giải phóng miền Nam) – kết thúc Chàm rông”. Cần phải có tiết mục tấu hài theo kiểu Nam Bộ. Anh Văn Lưu bàn bạc với tôi và anh Phan Vân viết về trận chiến thắng Ấp Bắc, kể lại sự thất bại trong chiến thuật Trực thăng vận của Mỹ Diệm, còn gọi là chiến thuật “Phượng hoàng bay”. Tướng mạo anh Phan Vân cao kều, trông có vẻ “quái kiệt” sẽ thể hiện liên khúc “Phượng hoàng gãy cánh”, là người độc tấu vừa đóng vai giải phóng quân kể lại cho bà con nghe câu chuyện về Ấp Bắc, vừa đóng vai tên cố vấn Ha-Kin, lại vừa thủ vai Ngô Đình Diệm. Đoạn kết do anh Văn Lưu phát triển dựa hơi hướm bài vọng cổ theo nhịp điệu cà giựt để cho Diệm than thở với nàng Lệ Xuân và với sư phụ Kennơđi về thất bại ê chề…
Đây là một trong những tiết mục xuất sắc nhất của Đoàn Ca múa miền Nam do ba anh em chúng tôi cộng tác, qua sự trình diễn tài tình của anh Phan Vân.
“Phượng hoàng gãy cánh” được một số đoàn dàn dựng, như: Đoàn Ca múa Trung ương (Trần Hiếu), Đoàn Ca múa Hà Nội (Thanh Hiếu) – Đoạt Huy chương vàng Hội diễn Thủ Đô 1969, Đoàn Văn công sư đoàn 330 tập kết (Phong Nhã), Trường Đại học Kinh tài (Phạm Thành Kỉnh, còn gọi Kỉnh “Ba Đá).
Nhạc sĩ Văn Lưu còn ấp ủ từ lâu đề tài về những chiến sĩ giải phóng quân miền Nam ngày đêm len lỏi trong rừng tràm, bãi mía, nương dâu… tìm săn máy bay địch. Với những hình ảnh, những đoạn phim phóng sự của chiến sĩ phòng không bắn rơi máy bay Mỹ, anh đã viết nên Bài ca người săn máy bay trong năm 1964.
Tôi nhớ có một buổi chiều vừa ăn cơm xong ở nhà bếp của Đoàn Ca múa miền Nam, anh Văn Lưu đến rủ rê tôi:
- Nè Vũ! Đi uống cà phê với mình! Mình sẽ hát cho nghe một bài mới viết, nhớ rủ luôn Triều Dâng, Trương Châu Mỹ và Nguyễn Văn Hoa nữa.
Chúng tôi đạp xe từ Cầu Giấy ra tới Hàng Vôi. Quán cà phê dọn bán trên vỉa hè mà chúng tôi thường kéo tới đây để thưởng thức, đàm đạo. Cà phê phin đặc sánh, lấy ngón tay trỏ chấm vô bọt cà phê rồi trét lên điếu thuốc lá Tam Đảo cho đều. Khi hút vô giống hệt như hút thuốc lá ngoại. Anh Văn Lưu móc trong túi ra một tờ giấy nhạc chi chít nốt nhạc và lời ca, khe khẽ hát vừa đủ cho chúng tôi nghe:
- “Rừng tràm mượt mà đang in những dấu chân ta. Người đi săn không săn chim chóc trong rừng mà săn bao chim sắt trên trời hằng bắn giết dân ta…”
Anh hát một hơi đến chỗ cao trào cuối đoạn I: “…xanh tươi mãi mãi, những chiều mây bay”.
Đoạn II dường như chưa hoàn chỉnh lắm, nên tác giả hát chưa trôi chảy. Ngày hôm sau anh hát lại cho chúng tôi nghe (có Trương Châu Mỹ đệm piano theo):
- “Khi trên bầu trời xanh ta thấy máy bay lượn quanh
Chúng rải chất độc xuống quê ta (a)
Chúng bắn giết người lương thiện
Dù dưới mưa bom tay súng ta vững vàng (nào)
Ngắm cho đúng đầu máy bay
Ta bắn cho chúng nhào lăn quay, lăn quay”.
Bài hát này nhanh chóng được phổ biến rộng khắp. Đây là tiết mục độc đáo của nhiều tốp ca nam thuộc các đội xung kích của các đoàn ca múa chuyên nghiệp và các đội văn nghệ quần chúng ở hậu phương lớn miền Bắc và ở chiến trường miền Nam.
Ngày 5-8-1964, xảy ra “sự kiện vịnh Bắc Bộ”. Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc. Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập hai đội xung kích.. Đội đi về khu mỏ Quảng Ninh do nhạc sĩ Đỗ Nhuận phụ trách. Đội vào khu IV do nhạc sĩ Văn Ký chỉ huy, gồm có: Quốc Hương, Nhật Lai, Văn Lưu, Văn Luyện, Phan Vân, Lư Nhất Vũ, Trung Kiên, Bích Hường, Trương Châu Mỹ, Ngô Thị Liễu (Mỹ An), Hồng Loan (violon), Phạm Thị Bê (accordéon).
Chúng tôi đến Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh, biểu diễn phục vụ bộ đội bên trận địa pháo phòng không, rồi viếng mộ cụ Nguyễn Du. Trên đường vô thị xã Đồng Hới, đoàn ghé thăm bệnh viện dã chiến, hát vài bài động viên thương binh hải quân trong trận đánh đuổi hạm đội Mỹ vừa qua. Quốc Hương với bài Tiểu đoàn 307, Trung Kiên với Tình ca của Hoàng Việt, Bích Hường với Bài ca người săn máy bay, Phan Vân nhảy lên bàn tấu hài Phượng hoàng gãy cánh khiến anh em thương binh có người chỉ còn một cánh tay, vừa cười ngặt nghẽo, vừa đập bàn tay còn lại vô vách tỏ vẻ tán thưởng.
Rồi chúng tôi vô Đồng Hới, đóng quân bên Lũy Thầy Đào Duy Từ. Chúng tôi gặp gỡ bộ đội hải quân trên hạm tàu đang ẩn mình dưới rặng dừa bên dòng sông Nhật Lệ. Một buổi chiều đoàn đến thăm bà mẹ Suốt (bấy giờ mẹ chưa được tuyên dương anh hùng).
Qua chuyến đi này, anh Nhật Lai viết bài Đan lưới và Bài ca sông Nhật Lệ. Anh Văn Lưu cùng cô giáo Hồng Cẩm là đồng tác giả Nữ dân quân miền biển. Tôi có bài Hàng em mang tới chiến hào. Hội Phụ nữ Việt Nam trao giải Nhất cho bài hát của anh Văn Lưu và cô Hồng Cẩm.
Một năm sau - 1965, trong căn buồng nhỏ được ngăn vách cót bên cạnh buồng tôi ở, bỗng có tiếng phong cầm nổi lên cùng giọng hát khàn đục của hai người. Họ hát, rồi ngừng lại cãi nhau, rồi cười khoái chí. Tôi tò mò nghe ngóng, rồi được hai người rủ qua nghe tham khảo ý kiến. Đó là nhạc sĩ Văn Lưu và nhạc sĩ Triều Dâng, hai vị đang “rị mọ” phác thảo ca khúc Ta là chiến sĩ giải phóng quân.
“Người chiến sĩ ra đi vượt dốc băng sông xuyên rừng lội suối (đi). Ta ra đi dù chân không giày mà đầu đội trời ta cứ đi…”
Chỉ trong vòng hai năm (1964-1965) một chùm ca khúc gồm ba bài: Bài ca người săn máy bay, Nữ dân quân miền biển và Ta là chiến sĩ giải phóng quân đã thể hiện bút pháp đặc trưng mang phong cách Văn Lưu. Những giai điệu uyển chuyển cùng các bước nhảy đột ngột bất ngờ, kết hợp đan xen các biến phách (nhịp ngoại) và ngắt câu… đã tạo nên hiệu quả lôi cuốn người nghe. Có những câu gần như giữa hát và nói, có những mô-típ trữ tình hòa quyện với những mô-típ khỏe khoắn; giai điệu gần như luân phiên xuất hiện giữa âm với dương, giữa nhu với cương, giữa hưng phấn và ức chế… tránh được sự nhàm chán bão hòa.
Dù qua các thời kỳ, từ cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, những tác phẩm của anh Văn Lưu vẫn ngày càng đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa và phát huy vốn âm nhạc truyền thống Việt Nam (đặc biệt là dân ca Nam Bộ, ca nhạc tài tử và cải lương). Những ca khúc của anh vẫn mang hơi thở của thời đại: Trẻ trung và năng động.
Anh là tác giả của hàng chục ca khúc, như: Em bé bán chè (1952), Em bé chăn trâu (1953), Cô đẩy xe goòng (1959), Thanh niên ca ba (1959 – thơ Huy Cận), Chiếc gương tầng (1960), Tiếng đàn quê hương (1962 – lời Trương Châu Mỹ), Chiếc trạm nổi (1963 – thơ Chế Lan Viên), Bài ca người săn máy bay (1964), Nữ dân quân miền biển (1964 – thơ Hồng Cẩm), Ta là chiến sĩ giải phóng quân (1965 – cùng với Triều Dâng), Phù sa về đồng (1966), Qua cầu (1971 – thơ Lê Anh Xuân), Tổ khúc Bến Tre (1971 – cùng với Dương Hưng Bang), Niềm vui trọn vẹn (1971 – cùng với Huỳnh Thơ), Sài Gòn hôm nay (1975), Ngày vui toàn thắng (4-1975 – cùng với Huỳnh Thơ), Chào Côn Đảo anh hùng (1977 – thơ Thanh Thủy), Rối mà không rối (1978 – thơ Bảo Định Giang), Trắng trong (1978 – thơ Lâm Thị Mỹ Dạ), Mừng chiến công biên giới (1978), Tình mẹ (1978), Lê văn Tám, lửa cháy lên rồi (1978), Về lại quê hương (1980), Em đi giao lương (1980 – thơ Lê Hà), Gởi em cô gái Gò Công (1981 – thơ Hoài Vũ), Ta lại về với biển thân yêu (1981), Nón trắng người thương (1983 – thơ Lê Ái Siêu), Nhan sắc một dòng sông (1986 – thơ Chim Trắng)…
Những năm thực tập tại Nhạc viện Odessa thuộc Ukraina, nhạc sĩ Văn Lưu đã hoàn thành một số tiểu phẩm cho violon, piano (Dòng kinh Tháp Mười, Dòng sông quê tôi). Đáng kể nhất là bản sonat ba chương với tiêu đề Mảnh đất quê hương.
Ngoài ra anh còn viết nhạc nền cho nhiều vở múa rối, như: Con thỏ ngọc (của Lưu Hữu Phước), Bầy gấu con vui tính (1967); soạn nhạc cho vở Ngôi sao lửa của Phan Vũ (1978); viết nhạc và bài hát cho vở cải lương Tiên sa Gành Ráng (1983), Anh hùng bán than (1985).
Có thể nói rằng : “Bước vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thực tiễn hào hùng và sinh động đã tạo cho Văn Lưu nhiều cảm xúc mãnh liệt và những ca khúc thành công nhất của anh ra đời. Với đề tài chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, ca khúc Bài ca người săn máy bay sôi nổi, lạc quan mang tính hành động rõ nét tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Tiếp theo là ca khúc Nữ dân quân miền biển tự hào, khỏe khoắn mà không mất đi vẻ duyên dáng của các cô gái miền biển, và ở Ta là chiến sĩ giải phóng quân (viết cùng Triều Dâng) là nhịp đi trầm tĩnh đầy thúc giục. Những ca khúc này đã được Đài Tiếng nói Việt Nam, các đoàn văn công phổ biến rộng rãi và thu được nhiều cảm tình của quần chúng.”[1]
*
* *
Nhạc sĩ Văn Lưu tên thật là Đoàn Lý Ân, sinh ngày 12 tháng 3 năm 1928 (Mậu Thìn), tại xã Điều Hòa thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Quê quán tại xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho. Thân sinh là một nhà Nho. Anh còn có ông dượng là người chơi ca nhạc tài tử và cải lương, cùng thời với ông Ba Lân, Năm Minh, Sáu Huỳnh Kỳ, cô Ba Bến Tre và cô Năm Cần Thơ.
Năm 15 tuổi, với năng khiếu âm nhạc sẵn có, anh được ông dượng và cha chỉ bảo, dạy đàn. Dần dà, anh chơi thạo đờn kìm, đờn tranh và guitar lõm phím với những bài bản Sáu Bắc, Nam Ai, Vọng cổ.
Đến năm 1945, anh mày mò học chơi đàn mandolin, guitar espagnol. Sau đó, thấy anh có năng khiếu nên nghệ sĩ Tư Xe, Ba Du, Tám Danh tuyển anh vào Đoàn ca kịch khu 8, đóng tại Thiên Hộ Đồng Tháp Mười. Anh là một trong những nhạc công của đoàn, lúc ấy còn có nhạc sĩ Huê Nhu, Hoàng Việt, Nguyễn Hữu Trí.
Năm 1951, Nam Bộ được phân chia làm hai khu: miền Đông và miền Tây. Hoàng Việt và một số nghệ sĩ được chuyển lên miền Đông. Văn Lưu cùng Tư Xe, Quang Hải (Bé Năm) chuyển về miền Tây. Anh về công tác tại Tỉnh đội Bạc Liêu. Anh vừa sử dụng nhạc cụ vừa ca hát và bắt đầu sáng tác.
Đến năm 1955, khi tập kết ra Bắc, anh học khóa bồi dưỡng âm nhạc trung cấp đầu tiên của Bộ Văn hóa dưới sự hướng dẫn của các thầy cô: Nguyễn Xuân Khoát, Tạ Phước, Tô Vũ, Lê Yên, Thái Thị Liên. Sau khi tốt nghiệp anh về công tác tại Nhà hát múa rối Trung ương. Năm 1960-1961 anh giảng dạy ở trường bổ túc âm nhạc Bộ Văn hóa rồi trở về Đoàn Ca múa miền Nam, có chân trong Ban phụ trách. Sau khi thực tập ở Odessa về nước anh công tác tại Đoàn Ca nhạc Đài phát thanh Giải phóng (1971) và sau 30-4-1975 anh làm Trưởng đoàn ca nhạc Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1980 anh trở về quê hương Tiền Giang và phụ trách ngành âm nhạc của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang.
Đoàn Lý Ân là một cái tên rất đẹp với tuổi Thìn: “rồng bay phượng múa”. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ Văn Lưu đã đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị qua các giai đoạn lịch sử của đất nước.
TP Hồ Chí Minh: 9-2006
_______________________________________
[1] Trích Nhạc sĩ sáng tác Việt Nam, tập hai, Hội Nhạc sĩ Việt Nam – NXB Âm nhạc và Đĩa hát, Hà Nội; 1989, trang 99.