Nặng một chữ tình
Trên trang nhà của nữ danh ca Thanh Thúy – người có giọng ca liêu trai của Sài Gòn trước 1975, viết rằng tại hải ngoại những năm 1990-1991, có một bài hát khá nổi được nhiều ca sĩ thu băng, trình diễn nhưng không ai biết được tên người sáng tác. Nhà sản xuất thường in phần tên tác giả của ca khúc này là Khuyết Danh (sau này có cuốn CD in tên tác giả là Đỗ Cung La). Đó là nhạc phẩm “Dù tình yêu đã mất”, với những ca từ và âm điệu nhẹ nhàng, một thời được yêu thích với các giọng ca Ngọc Lan, Elvis Phương, Thái Châu…
Dù tình yêu đã mất, anh xin được một lần/ nụ hôn chất ngất, như xưa mình mặn nồng/ cùng với kỷ niệm của ngày xa cách, đưa tiễn nhau đi/ Dù tình yêu đã mất, anh ôm trọn thương đau/ Nhìn bước em đi, đành sẽ xa em, mãi mãi xa em…
Mãi về sau, MC Trần Quốc Bảo của kênh truyền hình Người Việt TV ở California mới có thông tin xác tín “Dù tình yêu đã mất” điệu boston nhịp ¾ nổi tiếng này là một sáng tác của Hoàng Nhạc Đô (có người gọi Hoàng Cung Đô), con trai trưởng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, trưởng ban hợp xướng Tiếng Tơ Đồng từ năm 1967. Hai người em của ông là Hoàng Cung Pha và Hoàng Bạch La cũng giỏi âm nhạc và hát rất hay.
Nhạc sĩ Hoàng Nhạc Đô sinh năm 1940, cùng năm sanh với những nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, Châu Hiệp (guitar), Anh Việt Thu, Cao Phi Long (trompet), Trần Vĩnh (saxo), Tùng Giang, thi sĩ Kim Tuấn, Linh Phương (ca sĩ), Vĩnh Điện…
Thuở nhỏ, Hoàng Nhạc Đô sống với cha cùng 2 em ở đường Cô Bắc (khu Cầu Muối), sau dọn về chợ Nancy (Chợ Lớn). Năm 1966, nhân một lần trình diễn ở Cần Thơ, ông quen và lập gia đình với cô gái Huỳnh Thị Minh Thanh, sinh 4 trai và 1 gái.
Hoàng Nhạc Đô viết nhạc khá nhiều. Có cả nhạc phổ thơ của các thi sĩ Hoàng Hương Trang, Nguyên Thoại, Hoài Linh Phương, Trần Thị Linh Chi, Hồ Đắc Thiếu Anh, Quang Tuấn, Nhật Lệ, Thanh Thủy, Kim Ba, Trần Lệ Khánh, Trịnh Bửu Hoài… Trong số những ca khúc đó, cảm động nhất, có lẽ là bài “Đàn khóc”, viết để nhớ thương về người cha Hoàng Trọng kính yêu của ông:
Đàn nhớ tình đã xa rồi/ Kỷ niệm xưa vẫn chưa phai?/ Đàn khóc từng tiếng u hoài/ Gọi tình Cha chưa kịp nói/ Ngày đó Đàn đứng bên/ Người thường mộng mơ ngàn thu có nhau/ Người nắn từng phím tơ chùng/ Mà Người đi trong lạnh lùng?/ Cô đơn Đàn tiếc nuối/ Người đi xa mãi không lời cuối cùng/ Như chim ngàn bạt gió/ Bỏ Đàn bơ vơ trong nhớ thương/ Đàn khóc hoài những đêm trường/ Tình thương Cha sao mãi vấn vương/ Nhìn lá vàng rơi bên đường/ Đàn thương khóc sầu cô đơn…
Trở lại với tình khúc “Dù tình yêu đã mất”, theo lời của nhạc sĩ Mộc Quốc Khanh kể lại từ một buổi trà dư tửu hậu với tác giả Hoàng Nhạc Đô tại Sài Gòn cuối tháng tư mấy năm về trước: Bài này được viết vào năm 1973 khi ông 33 tuổi trong nỗi đau tuyệt vọng tiễn người mình yêu đi lấy chồng. Elvis Phương là ca sĩ trình bày nhạc phẩm này thành công nhất, lột tả được hết tâm trạng của tác giả.
Sau này, có một số người hát thành “Em trong vòng tay lạ/ Em quên lời hẹn thề/ Cho anh xót xa”. Lời hát sửa lại này đã phá vỡ cấu trúc vần điệu và ca từ như thơ của tác giả với vần “a” xuyên suốt 8 trường canh của điệp khúc. Đáng tiếc nhất là không cảm nhận hết tâm ý đầy nghĩa khí của tác giả vẫn chúc hạnh phúc cho người yêu đi lấychồng ở đoạn kết bài “thì anh xin chúc cho em được trọn đời hạnh phúc với người…”, mà không hề mang lòng oán hận đối với người mình yêu dù mối tình dang dở này gây đau xót suốt cuộc đời tác giả.
Nếu tinh ý sẽ thấy hai vế gần nhau “em thành đàn bà” và “hạnh phúc với người” tạo ra một cuộc xung đột giằng xé nội tâm dẫn tới cao trào tột đỉnh của bi kịch tình yêu mà chính tác giả đã trải qua, rồi cuối cùng quyết định chọn một tâm thế là: hạnh phúc mang tên em, nỗi đau mang tên anh. Dễ dàng nhận thấy nhạc sĩ Hoàng Nhạc Đô không hài lòng với cách sửa lời này.
“Có thể cuộc đời này vẫn còn chứng kiến tình-yêu-đã-mất hay tình-yêu-sẽ-mất ở đâu đó. Tình yêu đã mất là câu chuyện của riêng anh, nhưng không vì thế mà cản trở trái tim anh rung động dành cho tình yêu quê hương, tình cảm bạn bè hay nói rộng hơn đó là tình người.
Chính tình người là những gam màu tươi sáng giúp ông hồi sức vẽ lại chân dung tình yêu, nuôi dưỡng tâm hồn ông trong sự bình an và tạo nguồn cảm hứng mới để ông tiếp tục sáng tác những tác phẩm ca ngợi tình yêu như Bài Tango giã từ, Một trời cách biệt hay ca ngợi quê hương nơi ông sinh sống trong loạt bài Cần Thơ ngày về, Tây Đô chiều nhớ, Chiều Ô Môn”… Nhạc sĩ Mộc Quốc Khanh, chia sẻ.
VÀI NÉT VỀ NHẠC SĨ HOÀNG NHẠC ĐÔ: Sinh năm 1940 tại Nam Định. Học trường Puginier Hà Nội. Học piano với GS Vũ Ngọc Lan. Học hòa âm với NS Hoàng Trọng, NS Hoàng Thi Thơ. Thành viên ban nhạc Les Vagabonds. Sáng tác đầu tay “Áng mây chiều” (1961). Đã viết hơn 300 ca khúc.Đã biên soạn sách: Tự học nhạc lý, Tự học ca hát, Tự học hòa âm. Hiện là hội viên Hội Âm nhạc TP. Cần Thơ. |
(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)