“Nam Mái": Concerto của nhạc sĩ Mỹ viết cho nhạc cụ Việt

12/04/2014

“Một đêm công diễn ngoài sức tưởng tượng, tôi rất tự hào được đứng trên bục chỉ huy dàn nhạc ngày hôm nay! Đây không chỉ là một sự kết hợp tuyệt vời giữa Âm nhạc phương Đông với Âm nhạc phương Tây, không chỉ là sự giao lưu học hỏi giữa nền âm nhạc Mỹ với âm nhạc Việt, mà đó còn là chỉ dấu cho thấy chúng ta đang cùng nắm tay nhau đi trên một con đường”.

Đó là tâm sự của cô Julia Tai, chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Seattle Symphony, sau đêm công diễn bản Concerto với tựa đề Nam Mái của nhạc sĩ Richard Karpen, hiệu trưởng trường Âm nhạc thuộc Đại học Tổng hợp Washington, Seattle, Mỹ.

 

Từ trái qua phải:

1. Nhạc sĩ Richard Karpen: Giáo sư - Hiệu trưởng Trường Âm nhạc thuộc ĐH Washington (Mỹ)

2. Nghệ sĩ Stefan Östersjö: Giáo sư - Tiến sĩ Âm nhạc Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển)

3. Chỉ huy Julia Tai: Chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Seattle Symphony (Washington - Mỹ)

Phòng hòa nhạc Benaroya của thành phố Seattle có 2500 chỗ ngồi, hôm ấy chật cứng, ngay sau khi cây đũa chỉ huy trên tay Julia Tai vừa hạ xuống thì những tràng vỗ tay nổi lên dường như vô tận. Cùng với khán giả, rất nhiều quan khách, nhiều nhà ngoại giao quan trọng đã lao lên sân khấu để được bắt tay, được ôm hôn người nhạc sĩ và những nghệ sĩ trình diễn tài danh. Không ai có thể giấu diếm trong lòng sự ngưỡng mộ, âm nhạc đã thật sự kéo con người trở nên gần nhau hơn bao giờ hết.

Bản Concerto Nam Mái được nhạc sĩ Richard Karpen soạn cho các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam là đàn Tranh, đàn Tì Bà, đàn Bầu, cùng với Ghi ta phím lõm và dàn dây của dàn nhạc giao hưởng. Tác phẩm được sáng tác dựa trên nền tảng là điệu Nam Mái trong nghệ thuật Tuồng truyền thống Việt Nam.

Richard Karpen tâm sự: “Lần đầu được nghe điệu Nam Mái, tôi cảm nhận đây là một điệu hát thật buồn, nhưng có những lúc không hẳn là quá buồn mà có điều gì đó giữa niềm vui và nỗi buồn”. Richard đã đúng, đó chính là triết lí sâu xa mà cha ông ta muốn gửi gắm trong điệu nhạc này, rằng tận cùng của nỗi buồn bao giờ cũng có niềm vui, chỉ khi người ta trải nghiệm sự khổ đau đến tột cùng thì lúc ấy mới thật sự biết rằng mình đã từng chạm được tay đến bến bờ hạnh phúc.

Từ sự cảm nhận ấy, nhạc sĩ Richard Karpen đã xây dựng cho tác phẩm Nam Mái với thủ pháp đan xen từ nội dung tác phẩm, đến hình thức âm nhạc và nghệ thuật trình diễn. Đó là sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa nuối tiếc và bằng lòng, giữa nỗi buồn và niềm vui, giữa truyền thống và đương đại, giữa cổ điển và thể nghiệm, giữa phương Đông và phương Tây…

Tác phẩm dài 25 phút, được chia làm nhiều phần nhỏ, có sự gắn kết chặt chẽ giữa các phần bởi cốt truyện bằng âm thanh xuyên suốt tác phẩm giống như các cảnh trong một vở diễn Tuồng. Dàn dây giữ vai trò làm nền, hỗ trợ cho Tranh, Bầu, Tì Bà, Ghi ta phím lõm tha hồ trưng trổ kĩ thuật dựa trên giai điệu của Nam Mái kết hợp với ngôn ngữ âm nhạc hiện đại.

Bản chất của diễn tấu âm nhạc truyền thống Việt Nam là ngẫu hứng dựa trên lòng bản theo một số nguyên tắc nhất định. Nắm được đặc điểm ấy, Richard Karpen đã cho ra đời một tác phẩm đặc biệt, đặc biệt từ phương pháp sáng tác đến cách trình diễn. Bản tổng phổ chỉ viết bè cho dàn dây, còn phần giai điệu của 4 nhạc cụ truyền thống Việt Nam đều để trống, khi trình diễn các nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc thỏa sức ngẫu hứng trên lòng bản điệu Nam Mái.

Mở đầu tác phẩm là phần dành cho đàn Bầu solo, đó là 2 phút ngẫu hứng của nghệ sĩ với những âm thanh tự nhiên, phóng khoáng, không theo một giai điệu nhất định, không đầu không cuối, bảng lảng, mênh mang, vô định tựa như tiếng vọng từ ngàn xưa. Nhận thấy đàn Bầu rất phù hợp với tính chất của điệu Nam Mái, nhạc sĩ đã để đàn Bầu giữ vai trò dẫn dắt giai điệu, diễn tả ý đồ của tác phẩm ngay trong đoạn mở đầu cũng như một số trường đoạn trong tác phẩm. Không chỉ riêng Richard Karpen bị tiếng đàn Bầu mê hoặc, mà tất cả các nhạc công trong dàn nhạc, rồi đến khán giả trong khán phòng đi từ bất ngờ đến sững sờ. Người ta rất ngạc nhiên với cây đàn đặc biệt, hình thức giản dị, chỉ có một dây mà âm thanh thì vô cùng ma mị và quyến rũ.

Nếu như đàn Bầu có đặc tính đơn giản mà hiệu quả, phù hợp với solo và dẫn dắt giai điệu, thì đàn Tranh, đàn Tì Bà và Ghi ta phím lõm là những nhạc cụ đủ sức trưng trổ kĩ thuật đua với dàn dây là các nhạc cụ phương Tây. Trên nét giai điệu của bản Nam Mái, không chỉ có tiếng đàn Bầu solo nức nở, mà còn có những đoạn solo của đàn Tranh, đàn Tì Bà, đàn Ghi ta phím lõm, tất cả được nâng đỡ bởi dàn dây đã tạo nên một bản hòa ca day dứt mà tuyệt diệu có một không hai.

Đặc biệt, sau phần solo của đàn Tranh kết hợp với cả dàn nhạc, khi dòng tâm sự vui buồn của điệu Nam Mái gửi gắm trong từng nhạc cụ truyền thống của Việt Nam đã được giãi bầy một cách sâu sắc nhất, sau những âm thanh quyết liệt và dữ dội của đàn Tranh thì cũng là lúc bắt đầu xuất hiện khoảng lặng trong tác phẩm mà nhạc sĩ dành cho ngẫu hứng Bầu – Tranh – Tì bà. Dựa trên những đoạn giai điệu bất kì trong điệu Nam Mái, âm thanh của cả 3 nhạc cụ được cất lên cùng một lúc, khởi điểm là tiết tấu khác nhau, rất nhanh sau đó cùng hòa chung tiết tấu dồn dập, mạnh mẽ, thôi thúc. Âm thanh của 3 nhạc cụ dừng đột ngột ở đỉnh điểm cao trào, cảm xúc âm nhạc thực sự bùng nổ. Ngay sau đó làn điệu Nam Mái được xuất hiện ở bè Violon, được lặp đi lặp lại nhiều lần đến cuối tác phẩm. Cảm xúc lắng xuống, giai điệu đã được bình ổn trở lại.

Khi viết Nam Mái, ngoài việc để bè Violon chơi lặp đi lặp lại những trường đoạn nguyên xi điệu Nam Mái, Richard còn dùng thủ pháp xẻ làn điệu này thành nhiều mảnh nhỏ, thậm chí xé nhỏ đến từng nốt nhạc trong bài rồi phát triển trên các bè của dàn dây, tạo thành các dòng chảy âm thanh đan xen hòa quyện nhau, lúc lan tỏa ra nhiều hướng, lúc hội tụ rồi chồng khít lên nhau, tạo nên hiệu quả âm thanh rất đặc biệt. Ngay cả những luyến láy, hay từng nốt tô điểm trong đặc điểm diễn tấu của nghệ thuật Tuồng cũng được Richard sử dụng triệt để nhưng đầy sáng tạo theo lối ngẫu hứng.

Sẽ không quá khi nói rằng, sự hấp dẫn nhất trong bản Concerto Nam Mái chính là sự tương phản. Richard là nhạc sĩ thiên về âm nhạc thể nghiệm, đặc biệt là dùng những kĩ thuật pha trộn âm thanh trên máy tính nhưng không quá dị biệt. Ông quan niệm Ludwig van Beethoven là nhạc sĩ thể nghiệm tiên phong. Có lẽ vậy nên âm nhạc của Richard tuy là thể nghiệm nhưng phương cách sáng tác và xây dựng tác phẩm lại khá cổ điển, ngay trong Nam Mái cũng thể hiện tinh thần đó. Tác phẩm có cấu trúc chặt chẽ, có chủ đề, sự phát triển và cao trào được đẩy lên cao nhất có thể, sử dụng âm thanh với sự tương phản mãnh liệt, nhưng cũng có những đoạn tiết chế cảm xúc, dịu dàng, mênh mang, chứa đựng nỗi buồn thăm thẳm đến tận cùng.

Cách sắp xếp vị trí của dàn nhạc trên sân khấu cũng rất đặc biệt, các nhạc công không ngồi theo thứ tự của dàn nhạc giao hưởng, mà ngồi xen kẽ nhau thành hình vòng cung phía sau 3 nghệ sĩ chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Cách sắp xếp ấy đã tạo nên sự tương phản của những vùng âm thanh đặc biệt, phù hợp với từng khoảnh khắc trong tác phẩm. Có lúc âm thanh như sóng biển xô hết đợt này đến đợt khác tạo thành những vòng xoay không dứt, cảm xúc cứ thế trào dâng với niềm vui tột độ tưởng như đã chinh phục được tất cả. Nhưng ngay sau đó âm thanh lại nhanh chóng lắng xuống, trở nên rụt rè, nhút nhát và u buồn. Đoạn Pizzicato của bè trầm Contrabass cất lên nức nở như lời tâm tình nhưng lại bị cô lập về cảm xúc bởi bè Violin và Viola tạo ra. Cứ thế, niềm hạnh phúc chỉ xuất hiện trong tích tắc rồi biến mất, thay vào đó là sự cô đơn, tuyệt vọng, u sầu…

Nhạc sĩ Richard Karpen (trái) và Đạo diễn Jörgen Dahlqvist (phải)

Concerto Nam Mái là tác phẩm âm nhạc thể nghiệm kết hợp giữa nghe và nhìn, có sử dụng động tác múa đã được biên đạo múa người Thụy Điển Marie Fahlin biên tập trong trích đoạn Đào Tam Xuân của nghệ thuật Tuồng, do nghệ sĩ Thanh Thủy vừa trực tiếp thể hiện trên sân khấu, vừa biểu diễn đàn Tranh. Tác phẩm còn sử dụng những đoạn phim minh họa của đạo diễn và nhà viết kịch Thụy Điển Jörgen Dahlqvist, rút từ phim ”Bảy truyện”, một dự án làm phim ”Âm nhạc trong chuyển động” dựa trên những trích đoạn của nghệ thuật Tuồng. Những đoạn phim đó được chính ông biểu diễn đồng thời với các nghệ sĩ trên sân khấu.

Ngày 21 tháng 3 năm 2014, tại Nhà hát Benaroya thành phố Seattle, dưới sự chỉ huy của cô Julia Tai, các thành viên của nhóm The Six Tones là các nghệ sĩ Thanh Thủy đàn Tranh, Ngô Trà My đàn Bầu, Stefan Östersjö đàn Tì Bà và Ghi ta phím lõm, cùng dàn dây của Dàn nhạc Giao hưởng Seattle (Washington, Mỹ) đã trình diễn buổi ra mắt tác phẩm Nam Mái của nhạc sĩ Richard Karpen. Chương trình biểu diễn nằm trong khuôn khổ những hoạt động nhân ngày kỉ niệm Châu Á tại Seattle, Mỹ.

 

XEM BẢN NHẠC TẠI ĐÂY: NAM MÁI
 

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...