Mỹ Linh: Tôi đang trúng số độc đắc, sao phải đổi giải khuyến khích?!
Cuộc trò chuyện diễn ra vào buổi sáng, khi diva vừa tập thể dục xong. Khác với nhiều đồng nghiệp, Mỹ Linh thường ngủ sớm và dậy từ 5 rưỡi sáng. Chị đang chuẩn bị cho đêm nhạc Năm giọng ca vàng- Nhớ thu Hà Nội tại Cung Văn hóa Hữu Nghị tối 12/8. Nếu không phải tập hát, chị đi đến trường nhạc của mình giảng dạy như một giáo viên.
Khi diva làm mẫu quảng cáo
Mỹ Linh có vẻ mát tay kinh doanh, đã có trường nhạc lại còn cơ sở làm đẹp?
À làm đẹp tôi rút vốn rồi. Mình quá bận không thể đi theo kiểm soát họ phát ngôn gì gắn với hình ảnh mình. Với lại mảng kinh doanh đấy lại không phù hợp với bên giáo dục mình đang làm. Hai quan niệm khác nhau, phát ngôn khác nhau. Làm đẹp thì đương nhiên bao giờ cũng phải nói tôi đẹp, tôi giàu, tôi tự tin ở ngoại hình... Nhưng làm giáo dục, mình đang hướng con trẻ đến những giá trị khác, không chỉ vẻ ngoài. Nó cũng hơi bị xung đột. Mình nói chuyện xin rút vốn thì bên đấy cũng vui vẻ. Bản thân họ cũng là một sản phẩm rất tốt.
Khá đắt hàng trong lĩnh vực đại diện hình ảnh cho các nhãn hàng, chị có bí quyết nào?
Do hình ảnh mình đã gây dựng bấy lâu nay chứ không phải bí quyết hay chủ đích gì. Họ tìm thấy con người và hình ảnh mình phù hợp với sản phẩm của họ thì họ mời thôi.
Chứng tỏ Mỹ Linh cũng bài bản chuyên nghiệp trong xây dựng và gìn giữ hình ảnh?
Kể từ khi Linh được mời làm quảng cáo đến giờ đã hai mấy năm rồi. Bản thân hãng đầu tiên mời mình hợp tác đến giờ vẫn mời thì không thể là chuyện một sớm một chiều. Đây là sự tin tưởng lẫn nhau. Tất nhiên khi mình xây dựng hoặc giữ hình ảnh là cho mình. Nếu nói có một chiến lược xây dựng hình ảnh để làm quảng cáo, chắc là Linh chưa đủ chuyên nghiệp đến độ đấy. Cái đó phải để những ngôi sao quốc tế. Nhưng việc giữ hình ảnh cho gia đình và bản thân thì có. Linh không xuất hiện ở những chỗ không phù hợp, không nhận những chương trình không phù hợp, không hát những bài không phù hợp, không phát ngôn những thứ không phù hợp. Đấy là ý thức của mình.
Thường những nghệ sĩ có gia đình hạnh phúc, hôn nhân viên mãn thì cũng sẽ rất có lợi trong hình ảnh trước công chúng?
Với Linh, gia đình không chỉ đóng góp một phần như bạn nói. Nó lớn hơn rất nhiều. Anh Quân giống như người kiến tạo. Khi mình gặp anh, mình là người rất khác. Về bản chất hướng thiện và tố chất nhạy bén, thông minh thì có, nhưng mình rất thích cái ví von của chú Dương Thụ trong bài hát: Nếu như mình là con diều, anh là sợi dây, nếu mình là con thuyền, anh là bánh lái. Có lần mình cũng chia sẻ trên Facebook: “My husband my master” (Chồng tôi thầy tôi)- vừa nói vui nhưng cũng là nói thật. Một phụ nữ mà nổi tiếng từ quá sớm, mọi thứ đến quá nhanh thì khả năng giữ được không phải dễ đâu. Nên việc mình gặp anh Quân cũng là sự may mắn. Anh ấy rất khó và cau có kiểu thầy giáo già khó tính, nhưng chính cái đó giữ cho mình. Anh ấy đã giúp mình và tất nhiên mình cũng giúp anh ấy. Hai vợ chồng trưởng thành cùng nhau, nói thế cho đúng.
Hà Trần đã hát thì không thể dở
Mỹ Linh: Khi lấy chồng, Linh chưa đẻ con mà đã làm mẹ luôn. Tức là cuộc sống đưa mình vào những hoàn cảnh để tôi luyện mình. Cũng may mình học hỏi hỏi nhanh và biết sàng lọc. Thời mới lớn, mới ra nghề gặp rất nhiều người. Có người rất ích kỷ, có người rất chơi bời, có người lại không phấn đấu gì cả, có người làm cho mình luôn cảm thấy tự ti… Khi chơi với ai, mình rất biết học cái tốt của người ta. Nhưng nếu cảm thấy có ảnh hưởng xấu nào đó, mình sẽ tự rút lui. Có những lần rút lui cũng gây hiểu lầm đấy. Người ta giận, nghĩ mình phản bội. Nhưng vấn đề không phải như thế... Ai theo đạo Phật đều biết, chúng ta đều đi cùng một con đường hết. Mỗi người sinh ra đều phải có những bài học về tâm linh để để trưởng thành… Có những người học rất nhanh, có người học chậm, có người phải trả giá đắt, nhưng có người biết rút kinh nghiệm. Trong hành trình của mình, sẽ có người đi cùng mình một chặng dài, có những người đến một chỗ nào đó thôi. Rất là khó để bảo, ôi tôi chơi với ai phải chơi suốt đời suốt kiếp. Không có chuyện đấy đâu. Vì cùng đi với nhau nhưng một người phát triển, một người cứ ở một chỗ, hoặc phát triển theo hai hướng khác nhau, không có điểm chung thì tự tách nhau ra. Chứ không thể nâng cao quan điểm, lấy đạo đức ra để nói đấy là phản bội hay không chung thủy…
Mình cũng từng chịu những điều tiếng kiểu như thế. Nhưng mình cũng đã tự lớn lên để nhận ra rằng cuối cùng với mình, suy nghĩ của mình là quan trọng nhất và tối cao. Tất cả những ý kiến của người khác chỉ mang tính tham khảo. Mình phải có một bộ lọc tự nhiên. Đã từ rất lâu, Linh không quan tâm đến chuyện người ta nghĩ gì về mình. Mình sống không thể không quan tâm đến ai, nhất lại là nghệ sĩ. Tuy nhiên anh quan tâm ở mức độ nào, chứ quan tâm để mà đẽo cày giữa đường thì… Trong số các ca sĩ, có mình với Hà Trần là kiên định trong nghề nghiệp. Tức là bọn mình dám hát những bài hát mang tên mình trên sân khấu.
Cái đấy cũng phải trả giá đấy. Tại có những ca sĩ khi đi diễn, hát tất cả những bài khán giả yêu cầu chứ không hát những bài họ đã ra đĩa. Họ không đủ mạnh mẽ để bước ra khỏi vùng an toàn mà khán giả đã quây cho họ. Mình không phải nói thế để khen mình hay khen Hà. Cái này thuộc về tính cách. Đã là tính cách thì ở đâu cũng là những con người ấy thôi, không thể nào chỗ này là người này, ra chỗ kia lại thành người khác hẳn.
Nhưng vừa rồi khá nhiều người đặt câu hỏi về sự kiên định của Hà Trần khi hát lại Anh cứ đi đi?
Không nên cứ nghĩ bài hát của những ca sĩ chưa có tên tuổi hoặc họ hát không hay là bài dở. Có những bài rất khá mà ca sĩ thực sự chưa hát tốt, nhưng họ có tiền để mua bài đó hoặc mời những nhạc sĩ giỏi phối khí. Thì không có nghĩa là bài hát đấy dở. Mình cũng đồng ý với Hà câu: “Sự sang trọng hay rẻ tiền nằm ở người hát, không nằm ở bài hát hay thể loại âm nhạc”. Tất nhiên tác phẩm cũng rất quan trọng. Nói thật là tôi chưa nghe bài đấy của Hà. Tại lâu nay tôi bận rộn trường lớp, không quan tâm showbiz lắm. Nhưng tôi nghĩ Hà đã chọn hát thì chắc không phải bài nhảm nhí đến mức dở đâu. Chắc nó cũng phải chấp nhận được, giọng hát của Hà nâng bài lên một tầm khác thì sao. Mình không thể nói cái gì thuộc về lớp trẻ, hoặc mới nổi là không hay. Nếu thế thì Thì thầm mùa xuân của tôi ngày xưa cũng thuộc loại như thế. Vì lúc đó mình và anh Ngọc Châu cũng chỉ là những người trẻ thôi.
Chị đã và đang hợp tác với khá nhiều ca sĩ trẻ trong những dòng nhạc khác, nhưng khi ra sản phẩm vẫn trung thành với một nhà sản xuất và 1-2 nhạc sĩ ruột. Trong khi Mỹ Tâm chẳng hạn, luôn tìm nhà sản xuất, người viết đang hot để cộng tác. Sao chị không thử làm mới mình… như Mỹ Tâm nhỉ?!
Tôi tin tưởng vào chất lượng. Những sản phẩm tôi đã ra, khán giả có thể thích hoặc không thích chứ không bao giờ có thể nói nó không có chất lượng. Đấy là điều tôi tự tin. Khi mình có người nhà làm cho mình sản phẩm chất lượng mà ai cũng mơ ước thì tại sao mình lại đi tìm ở đâu nhỉ. Thêm nữa, tất cả các ngôi sao trên thế giới chỉ giữ một ê-kip duy nhất không bao giờ thay đổi gọi là “đội hình chiến thắng” mà. Từ Michael Jackson đến Whitney Houston- không bao giờ đổi producer. Bởi tìm được đội hình của mình là khó nhất. Những người đấy lại còn thành bạn của nhau thì khó nữa…
Văn chương cũng thế. Những nhà văn giỏi ra tác phẩm sau ít khi kém tác phẩm trước, cho dù có thể nó không mới về giọng điệu. Nhưng giữa mới và hay, tôi vẫn ưu tiên hay hơn. Vì mới mà không hay thì rất nhiều… Ví dụ ông Phó Đức Phương ra bài mới tôi nghĩ rất khó để mà chán, chỉ có thể nó không vượt qua các bài cũ của ông ấy thôi. Trần Thu Hà cũng thế, có hát Anh cứ đi đi chắc chắn là vẫn hay…
Chưa thấy ai như Anh Quân
Nghĩa là có thương hiệu thì làm gì cũng hay, nhưng chính chị lại luôn khép mình trong vòng an toàn đấy thôi?
Đấy là lựa chọn nhé. Vì khi mà tôi làm Chat với Mozart của tôi chẳng hạn vẫn có sự tham gia của rapper Hà Lê, hay Mỹ Anh - một nhân tố cực kỳ hay, rất tiếc lại là con tôi nên mọi người không thấy mới. Nó là sinh ra để hát mà. Tại những người hay ho của mình lại toàn là người trong nhà nên mọi người thấy cũ thì biết làm sao. (cười)
Tất nhiên có ai đủ thuyết phục như cái thời tôi gặp anh Quân thì có lẽ tôi cũng tìm cách cộng tác, nhưng tôi chưa nhìn thấy ai như thế cả. Có thể họ viết một bài thì hay, nhưng đủ độ bao quát để ra cả đĩa, đứng đằng sau lưng tôi cả chương trình, thì tôi chưa thấy ai vượt qua anh Quân, đây là với tôi thôi nhé. Ở Mỹ chẳng hạn nhân tài nhiều lắm, nhưng mà ở ta quanh đi quẩn lại không đếm đủ mười đầu ngón tay. Các ông giỏi bao giờ chả bận, chỉ làm cho mình như một đơn đặt hàng thôi. Thế tại sao tôi phải đi thử ở đâu trong khi người nhà tôi đang số dzách. Tôi đang trúng số độc đắc tại sao phải đi đổi giải khuyến khích làm gì.
Trong mối quan hệ vợ chồng thầy trò lý tưởng của anh chị, có lúc nào nảy sinh sóng gió đe dọa tan vỡ?!
Lúc nào chả có sóng gió. Đó là chuyện bình thường. Nhiều vấn đề rất mâu thuẫn trong giáo dục con cái, quan điểm sống... Ví dụ tôi thích phiêu lưu, du lịch bụi nhưng anh Quân chỉ thích đi nghỉ ngơi. Đâu chỉ là đồng nghiệp, bọn tôi chia sẻ cuộc sống mà. Mình phải học cách thích nghi thôi, tôi và anh ấy đủ yêu nhau để tự mình thay đổi. Có lần tôi bảo: “Sống với anh mệt lắm, cáu gắt suốt ngày!” Anh ấy bảo: “Ồ thế sống với em dễ quá! Đố thằng nào sống được với cái độ hâm của em…” Những cái ấy người ngoài làm sao mà biết được.
(Nguồn: http://www.tienphong.vn)