Một chút tâm tình về “Công tử âm nhạc họ Triệu”

16/01/2014

Nói tới giáo sư nhạc sĩ Chu Minh, trong giới âm nhạc chắc hẳn không mấy người không biết. Bởi ông không những là một nhạc sĩ lão thành, một trong những cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt nam mà ông còn là người thầy của nhiều thế hệ nhạc sĩ trong đó không ít nhạc sĩ nổi danh là học trò của ông trưởng thành từ Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt nam).

Cây đại thụ ấy năm nay đã bước qua tuổi “bát thập” nhưng vẫn lạc quan, hồn nhiên với phong cách lãng tử, hào hoa và đôi khi lại điềm đạm, ôn hòa, nhân hậu mang đến cho mọi người sự kính trọng, yêu quý và gần gũi. Sự thăng hoa đôi lúc hóm hỉnh trong lúc trò chuyện cùng với tâm hồn nghệ sĩ của ông khiến những lớp con cháu như chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ, cảm phục. Càng thấy ấm áp, tự hào mỗi khi được ngồi nghe ông trao đổi, tâm sự về những câu chuyện đời, về tình người trong cuộc sống…

Bản thân tôi không được học âm nhạc, nhưng thật may mắn lại công tác trong một môi trường nghệ thuật âm nhạc lớn của đất nước. Đó là Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hơn hai mươi năm qua được gần gũi, gặp gỡ rất nhiều các nhạc sĩ trong đó có ông, đây cũng là niềm vui và hạnh phúc trong đời sống tinh thần của mình mà tôi cảm nhận được. Ngôi nhà số 51 Trần Hưng Đạo – Hà Nội, cái nôi của nền Văn học nghệ thuật âm nhạc Việt Nam và cũng là nơi giới văn nghệ sĩ gắn kết tình cảm, tâm hồn trong hoạt động nghề nghiệp, chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn, động viên thăm hỏi nhau những khi gặp khó khăn trong cuộc sống…

Với giáo sư Chu Minh cũng vậy, thời gian trước kia khi ông còn giảng dạy trong nhà trường, dành hết thời gian tâm huyết của người thầy cho các thế hệ nhạc sĩ tương lai, ông rất bận nên tôi ít có dịp được tiếp xúc với ông, cho đến những năm sau này khi đã nghỉ có nhiều thời gian hơn ông thường được mời tham gia vào các hoạt động âm nhạc như làm giám khảo các cuộc thi sáng tác, liên hoan, hội diễn, tham gia vào các khóa đào tạo ngắn hạn, các buổi tham luận mang tính chất nghề nghiệp của các ban, ngành Trung ương và địa phương.

Trong nhiều khóa của các nhiệm kỳ, ông đều được Ban chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam mời làm Ủy viên Hội đồng nghệ thuật của Hội và chính thời gian ấy, tôi đã có điều kiện và vinh dự được trò chuyện nhiều lần với vị nhạc sĩ lão thành này.

Với ông, tuổi cao càng làm tăng thêm nhiều niềm đam mê, hào hứng khi tham gia vào các hoạt động âm nhạc mang tính chất chuyên môn cao. Với những buổi hoạt động nghệ thuật âm nhạc lớn hầu như không khi nào ông bỏ lỡ. Từ trong ông luôn toát lên nhân cách của một người nghệ sĩ tài hoa nhưng lại rất hòa đồng, vui vẻ. Tôi thường đùa vui gọi ông là “công tử họ Triệu”, hay “chàng trai họ Triệu” (tên thật của nhạc sĩ Chu Minh là Triệu Đạt Hiền), bởi mỗi khi ông xuất hiện với dáng dấp thanh tao, lãng mạn mang đến cho mọi người niềm vui, nụ cười hiền, sự hài hước như trẻ thơ. Trong những lúc như thế không phải ai cũng biết được, ông lại là tác giả của những tác phẩm có tính triết lý cao như các tác phẩm: “Người là niềm tin tất thắng”, “Ta tự hào đi lên ôi Việt nam”… và các thể loại âm nhạc không lời khác, những tác phẩm đã tạo ra dấu ấn rất riêng của ông trong nền âm nhạc đương đại nước nhà.

Có lẽ bởi tư duy quá sâu sắc trong hoạt động sáng tạo, cho nên cuộc sống thường ngày của ông là những giây phút được thư giãn, xả hơi. Sự thanh thản là mặt lấp lánh của phía bên kia một tâm hồn sâu sắc, đa cảm. Những điều đó tạo nên tính cách rất riêng của ông. Phía bên kia của nhạc sĩ lão thành Chu Minh chính là một công tử họ Triệu. Khó ai có thể hình dung được một chàng trai Hà nội hơn nửa thế kỷ đi theo kháng chiến và hoạt động Cách mạng rồi qua biết bao thăng trầm của cuộc sống mà vẫn giữ được tố chất của một công tử Hà thành.

Niềm vui lớn khác nữa của ông là những ngày lễ tết, sinh nhật, ngày nhà giáo Việt Nam… hàng năm ông vẫn thường được các học trò “cưng”, các đồng nghiệp quý mến tề tựu, quây quần thăm hỏi chúc mừng, mang lại cho ông thêm nhiều niềm vui, hạnh phúc.

Là một trong những người rất quý mến ông, tôi không biết nói gì hơn qua bài viết này, chỉ mong ông mãi giữ được phong cách rất riêng của mình và có nhiều sức khỏe, cuộc sống tinh thần luôn viên mãn để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời và truyền lại cho thế hệ tương lai.

Hà nội tháng 1 năm 2014

Tags:

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...