Mitsuko Uchida: Chậm mới tốt
Nữ nghệ sỹ dương cầm nổi tiếng thế giới Mitsuko Uchida cho rằng các nghệ sỹ trẻ cần có thời gian để phát triển, bởi mọi việc trong đời, theo bà, đều nên diễn tiến chậm rãi.
Mitsuko Uchida dường như không dễ dàng bằng lòng. Những tiêu chuẩn khắt khe của bà được áp dụng với mọi thứ từ lối chơi đàn, vốn đã được kính trọng trên toàn thế giới. Bà cũng dành một gam màu tối trong ngôn ngữ khi nói về những nghệ sỹ trẻ đang phải xoay xở để xây dựng sự nghiệp trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, và theo cái nhìn của bà, họ đang tập trung thái quá vào những cái lợi trước mắt hơn là hoàn thiện phẩm chất nghệ thuật lâu bền.
Một số nghệ sĩ trẻ, bà nói, đã liều lĩnh lãng phí tiềm năng của mình; giữa một môi trường văn hóa hướng tới sự làm giàu nhanh, họ bị nền công nghiệp âm nhạc “vắt kiệt”, làm việc quá nhiều, trong khi còn quá non nớt và sẽ không thể phát triển lên nữa. “Trong cuộc sống, mọi chuyện đều tốt hơn nếu được phát triển chậm rãi,” bà nói. “Tôi nhận thấy sự thiếu trách nhiệm của một số hãng thu âm và các nhà quản lý khi kinh doanh những nghệ sỹ trẻ có tiềm năng ăn khách một cách chóng vánh. Điều đó có nghĩa là họ không có đủ thời gian để học một cách thật sự và do đó họ không có gì để nói qua thứ âm nhạc họ chơi. Họ chỉ chơi một số tác phẩm nhất định và nhai lại tất cả những tác phẩm ấy mọi lúc. Đó không phải là những gì mà một nghệ sỹ trẻ nên làm.”
Những áp lực gây tổn hại cũng có thể xảy ra sớm nữa – mặc dù trong quá khứ chuyện này còn tệ hơn: “Năm 1762, Leopold Mozart đưa đứa con trai sáu tuổi Wolfgang đi lưu diễn lần đầu trong đời,” Uchida nói. “Nếu bất kỳ bậc phụ huynh nào ngày nay làm điều đó, hiệp hội bảo vệ trẻ em sẽ lần theo họ ngay!” Nhưng bà vẫn thấy thất vọng về những bậc cha mẹ huênh hoang. “Tôi đã thấy quá nhiều nghệ sỹ trẻ bị thúc bách quá thô bạo, quá sớm và họ biến mất rất nhanh,” bà nói. “Những ông bố bà mẹ của các thần đồng là tệ nhất. Tôi bó tay với họ.”
Dù vậy, bà vẫn cho rằng không chỉ các bậc phụ huynh và nền công nghiệp âm nhạc mà bản thân các nghệ sỹ trẻ cũng phạm sai lầm. Uchida là một thần đồng đã sống qua trải nghiệm này: sinh ra ở Nhật Bản, là con gái một nhà ngoại giao, bà được nhận vào Học viện Âm nhạc Vienna ở tuổi 12 và có buổi độc tấu đầu tiên tại phòng hòa nhạc Musikverein của thành phố khi mới 14 tuổi. Nhưng bà quả quyết không bao giờ ảo tưởng về tài năng của mình. “Khi còn là một đứa trẻ, tôi luôn không thích những gì tôi nghe thấy từ đôi bàn tay mình,” bà kể. “Tôi nghĩ: Được thôi, bố mẹ cứ nghĩ mình tài năng nhưng bố mẹ thiên vị rồi, chỉ vì mình là con của bố mẹ. Còn các thầy cô, nếu họ khen ngợi mình thì đó là bởi những bạn còn lại chơi dở mà thôi. Và tôi đã đúng.”
Cuối cùng, bà nhấn mạnh, các nghệ sỹ trẻ cần phải có trách nhiệm với sự tiến bộ của bản thân và không đồng lõa với việc khai thác tài năng của mình khi chưa đạt độ chín. “Anh không thể đổ lỗi cho ai khác,” bà nói. “Anh phải có suy nghĩ của riêng mình. Nhưng tất nhiên, nếu hãng thu âm nào đó đề nghị, thì cũng thật khó cho một nghệ sỹ trẻ khi phải nói ‘Ồ không, tôi chưa sẵn sàng.’”
Uchida được ủy thác phụ trách về mặt nghệ thuật của Borletti-Buitoni Trust, một tổ chức từ 10 năm nay đã trao học bổng cho những nghệ sỹ trẻ và nhóm nhạc có tài năng đặc biệt. “Có một điều tôi không tìm kiếm là làm giàu nhanh và danh tiếng sớm,” bà bày tỏ, “và tôi không chấp nhận sự thiếu thẩm mỹ chỉ để bán được cái gì đó. Chúng tôi tìm kiếm những nghệ sỹ trẻ có tài năng để chứng tỏ và có thể cần thêm thời gian [để phát triển].” Điển hình là những nghệ sỹ ở lứa tuổi 21 đến 32, vốn nhiều tuổi hơn “những người mà các nhà quản lý và công ty thu âm có thể muốn - thông thường với họ ‘càng trẻ càng tốt’.”
Thông điệp của bà nghe có vẻ như khô khan nhưng ẩn sâu bên trong nó là tình yêu vô bờ bến dành cho âm nhạc. “Âm nhạc thật sự còn hơn cả đẹp, và mọi người nên nếm trải nó,” bà nói. “Bởi vậy đừng có ngồi nhà buổi tối để xem truyền hình. Hãy đến dự một buổi hòa nhạc.”
Mitsuko Uchida sinh năm 1948, năm 1969 giành giải nhất Cuộc thi Beethoven ở Vienna và năm 1970 giành giải nhì tại Cuộc thi Piano Quốc tế Chopin. Bà nổi tiếng hơn cả nhờ trình diễn các tác phẩm của Mozart, Schubert, và Beethoven, đồng thời cũng thu hút được một thế hệ thính giả mới khi trình diễn âm nhạc của Berg, Schoenberg, Werben và Boilez. Bản thu âm piano concerto của Schoenberg mà bà thực hiện với Pierre Boulez và dàn nhạc Cleveland Orchestra đã giành được bốn giải thưởng, trong đó có giải của Gramophone cho bản concerto xuất sắc nhất. Uchida cũng thu âm một tuyển chọn các bản concerto của Mozart với Cleveland Orchestra do bà chỉ huy từ cây đàn piano: tất cả các bản thu âm trong series này đều nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình âm nhạc và trong số đó, bản thu âm piano concerto số 23 và 24 đã đem về cho bà giải Grammy đầu tiên vào năm 2011.
Bên cạnh việc hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ phát triển tài năng với tư cách người phụ trách Borletti-Buitoni Trust, bà còn là đồng đạo diễn của Liên hoan Âm nhạc Marlboro [liên hoan âm nhạc dành cho các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cổ điển trẻ tuổi được tổ chức trong bảy tuần liên tiếp vào mùa hè mỗi năm ở Vermont, Mỹ].
Dưới đây là trích đoạn trả lời phỏng vấn của bà nhân dịp bà trở lại với sự kiện Proms1 2013 diễn ra tại London từ ngày 12/7 đến 7/9 vừa qua, sau 20 năm vắng mặt.
Albert Hall không phải là một nơi dễ dàng để trình diễn, đặc biệt là khi khán giả đứng ngay cạnh khuỷu tay bà2.
Nó cũng chưa tệ bằng một nửa phòng hòa nhạc Musikverein nổi tiếng của Vienna. Khán giả không thể đứng gần hơn thế. Nếu cây đàn piano chưa rơi khỏi bục thì chỉ là bởi có một đường bao mảnh bằng gỗ giữ cây đàn trên sân khấu. Khi chơi những nốt nằm ở phía cuối bàn phím, bỗng dưng ta thấy thấy dội vào mắt mình là một người phụ nữ diện váy đỏ trang sức rung rinh ở dãy ghế phía trước. Mà xác suất có một quý bà diện váy đỏ trang sức rung rinh ở hàng ghế đầu là đến 95%. Tôi thử nhắm một mắt lại để khỏi phải thấy cảnh đó nhưng như thế quá kỳ cục. Màu đỏ rất phiền phức cho người biểu diễn. Đó cũng chính là màu mà matador dùng để làm cho con bò phải nổi điên.
Đó là còn chưa kể đến cái nóng?
Không có nhiều thứ anh có thể can thiệp. Tôi nói cho anh một bí mật. Về cơ bản tôi hay mặc một chiếc quần rộng, một chiếc áo ôm nhỏ ở bên trong và một chiếc áo rộng trong mờ trùm bên ngoài. Nếu như trời nóng tôi có thể cởi nó ra.
Áo của bà là do Issey Miyakes thiết kế?
Ồ không, nó là áo lụa Venice có những nếp gấp hờ… Nếu gặp chút hơi ẩm nào – tức là mồ hôi – tất cả những nếp gấp sẽ phẳng ra. Nó không thể nào về lại nếp như cũ được nữa. Thế đấy. Chỉ có vào sọt rác… Nhưng tệ nhất là mái tóc của tôi. Tôi bị nóng ghê gớm ở gáy.
Bà có thể cắt tóc và mặc một bộ quần áo thoải mái hơn chứ?
Tôi đang suy nghĩ về điều này một cách nghiêm túc. Nguyên tắc số một là không để công chúng phân tâm. Không để ai phải nghĩ: liệu cái dải áo của bà ấy có tuột xuống không, áo lót của bà ấy có bị lộ không?
Bà sẽ dẫn dụ một người mới đến với nhạc cổ điển nghe bản piano concerto số 4 của Beethoven như thế nào?
Khi anh hỏi một nghệ sỹ piano thích tác phẩm nào trong số năm bản piano concerto của Beethoven, họ sẽ luôn trả lời là bản số 4. Bên cạnh cái độc đáo, nó có một tinh thần rất khó mô tả. Tôi còn nhớ [nhạc trưởng] Kurt Sanderling từng nói rằng chương chậm nghe như thể Chúa Trời giáng một lời nguyền xuống trái đất qua phần đệm của dàn nhạc, trong khi phần độc tấu piano đáp lại giống như một lời nguyện cầu được giúp đỡ – nó đẹp như vậy đấy.
Vì sao bà luôn chơi đi chơi lại tác phẩm này?
Để tôi có thể chơi hay hơn nữa. Có thể lần này tôi sẽ tiến sâu hơn vào trong lòng tác phẩm. Ngay khi còn là một đứa trẻ, khi khả năng phân tích của tôi là con số không, tôi đã chờ đợi những khoảnh khắc đặc biệt đó. Chúng làm cho bạn chấn động. Đó là khi bạn cảm thấy khao khát.
Bà nổi tiếng bởi kỷ luật khắt khe đối với bản thân. Bà có bao giờ lơi nó ra không?
Tôi thích không phải làm gì và chỉ nhìn ra biển. Không cứ là biển nào. Tôi vốn thích bơi trong làn nước mặn.
Nhưng bà vẫn thích chơi piano hơn chứ?
Hoàn toàn như vậy. Khi ở nhà, tôi thường dành cả ngày quanh những cây đàn của mình. Những ngón tay tôi không bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Chỉ có lưng, vai và đầu óc tôi cần được thư giãn.
Bà sống trong một ngôi nhà kín đáo ở Notting Hill với phòng tập đàn ở phía đối diện – ở trung tâm náo nhiệt nhưng bà lại tách biệt khỏi nó…
Vâng, tất cả những gì tôi cần làm chỉ là băng qua đường. Giờ tôi có bốn cây đàn, đều của hãng Steinways – một cây tôi gọi là “Ông lão”, được chế tác năm 1962 và tôi mua năm 1982. Nó đã được thay mới nhiều chi tiết nhưng phần khung vẫn giữ nguyên.
Bà nói về những cây đàn này thật âu yếm…
Chúng cũng giống như con người – tất cả đều là đàn ông. Cây thứ hai dùng để tập luyện rất tốt. Cây thứ ba tôi gọi là Chàng trai đến từ Munich – loại sẽ lái xe thể thao ấy. Cây thứ tư là một chú bé con mà tôi mới học được cách quấn tã. Chắc tôi sẽ phải tìm một nơi ở châu Âu để chứa nó và tránh lúc nào cũng phải chuyên chở theo một chiếc đàn piano – đó thật sự là một việc phức tạp.
Phòng làm việc của bà là một nơi tôn nghiêm?
Đúng vậy. Nó là một nơi yên tĩnh. Hầu như không ai đến, và không bao giờ được mang theo thứ đồ ăn hoặc rượu tồi nào. Chỉ có những cây đàn và âm nhạc. Các nhóm làm phim luôn muốn được vào đây. Nhưng tôi bảo không. Họ thường từ bỏ kế hoạch của mình khi nghe tôi nói vậy.
Bà được sinh ra ở Nhật Bản, lớn lên ở Vienna và bây giờ sống ở London. Điều đó có thể gây bối rối về văn hóa…
Vâng. Tôi có tới ba thứ tiếng mẹ đẻ và tôi không xuất sắc ở bất kỳ thứ tiếng nào. Tôi vẫn nói tiếng Nhật với chị gái và người anh họ. Phần lớn thời gian tôi nói tiếng Anh. Nhưng tôi đếm nhịp, và tư duy âm nhạc bằng tiếng Đức bởi vì đó là thói quen mà tôi đã lớn lên cùng nó.
Bà làm gì để chăm sóc đôi bàn tay mình?
Tôi không làm gì cả, ngoại trừ về mùa đông, những ngón tay tôi bị nẻ nên tôi dùng Vaseline. Nó rẻ và hiệu nghiệm.
-------------
1 The Proms, hay The BBC Proms, được khởi xướng từ năm 1895, là sự kiện âm nhạc kéo dài tám tuần vào mùa hè hằng năm ở London. Trong thời gian này, các buổi hòa nhạc và các sự kiện âm nhạc khác diễn ra hằng ngày, chủ yếu tại Royal Albert Hall (với hơn 70 buổi hòa nhạc).
2 Trong chuỗi hòa nhạc Proms, người ta bán cả vé đứng khu vực trung tâm khán đài và hành lang tầng trên vòng quanh sân khấu với giá rẻ hơn nhiều so với giá ghế ngồi. Vé đứng lẻ cho từng buổi biểu diễn chỉ được bán trong ngày diễn ra hòa nhạc, bởi vậy mới có hàng người chờ mua vé dài dằng dặc vào những ngày có các nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn. Nhưng khán giả cũng có thể mua vé đứng cho cả mùa, được bán đến trước khi buổi hòa nhạc bắt đầu 20 phút.
(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn)